- 12/5/1371: Chế Bồng Nga đánh vào Thăng Long.
Năm 1371, triều đình nhà Trần xảy ra nội loạn, hoàng tử Trần Phủ lật đổ Dương Nhật Lễ giành ngôi, tức là vua Trần Nghệ Tông. Mẹ của Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xin Chế Bồng Nga đánh Đại Việt trả thù và báo cáo tình hình biên giới và sự suy yếu của nhà Trần. Được dịp, vào tháng 3 âm lịch năm 1371, Chế Bồng Nga tập trung chiến thuyền tiến vào cửa Đại An tấn công Đại Việt. Quân Chiêm đánh đến đâu, quân Trần rút chạy tới đó. Ngày 27 tháng 3 âm lịch (tức 12/5 dương lịch), quân Chiêm tiến vào Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về.
Năm sau, vua Chiêm dâng biểu lên vua Minh đế kể tội Đại Việt, trong đó có câu:
"...Ngày nay người An Nam lại đem binh sang chiếm đất, cướp bóc dân chúng. Vì thế thần xin Bệ Hạ giúp cho vũ khí, nhạc khí và nhạc sư để người An Nam thấy Chiêm Thành là phiên thuộc của Đại Minh mà không quấy nhiễu nữa."
Tuy nhiên theo sử Việt, nhà Trần không hề động binh trong thời kỳ này và đây là một sự vu cáo trắng trợn của Chế Bồng Nga, chỉ cốt sao nhà Minh để yên cho người Chiêm Thành lộng hành.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Bấy giờ thái bình đã lâu ngày, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. Nước ta từ đó sinh ra nhiều chuyện."
Sử gia Ngô Sĩ Liên sau bình luận rằng:
"Không có nước địch làm mối lo bên ngoài thì nước hay bị mất, đó là điều răn từ xưa đến nay. Chiêm Thành với ta, đời đời là cừu thù, triều Trần chả lẽ lại không biết mà phòng bị trước hay sao? Chỉ vì lòng người sinh biếng trễ, phép nước bị buông lơi, đã qua nhiều năm tháng, việc phòng thủ biên cương bị triệt bỏ, nên đến nỗi ấy"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét