Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Mấu chốt mọi vấn đề nằm ở đâu?


" Bìa cát tông" ?!
Kính thưa Ngài tiến sỹ " vĩ đại" của tôi! Ngài vừa chìa ra cho tôi xem cái bằng tiến sỹ vô cùng " cao quý" và đầy hãnh diện của Ngài. Nhưng, xin thưa cái thứ " vô giá" đó của Ngài nó lại có cấu tạo bằng... bìa cát tông? Vâng! Cái thứ đó đối với tôi chả có ý nghĩa gì sất! Nếu có chăng, xin lỗi Ngài, chưa đủ một lần cho tôi nhóm cháy được viên than tổ ong. Chắc Ngài đang tức tối vì cái lũ " thiếu lịch sự" ... như tôi? Không, thưa Ngài, cái mà tôi đang cần, đang muốn được xem đằng sau cái tấm " bìa cát tông" kia là những cái gì chứa trong khoảng một ngàn bốn trăm g..am cái chất mà cấu tạo phần lớn là li-pít hay gọi nôm na là bộ não ấy mà.

Thực lòng tôi không muốn là kẻ phũ phàng phủ nhận cái công lao học tập của Ngài nếu như cái bên ngoài tức cái bằng tiến sỹ phản ánh hiện thực bản chất bên trong của nó. Nhưng để dẫn nguồn cơn cho " chứng bệnh đa nghi Tào Tháo" của tôi, tôi xin trích dẫn hai dẫn chứng : Xưa và nay cho Ngài tự kiểm chứng:
Trong bài thơ: Tiến sỹ giấy, Nguyễn Khuyến viết:
Cũng cờ cũng, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân, manh áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo, long xanh ngồi bảnh choẹ
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.
Trong khi chuyện nay như sau, tôi cũng mới tìm được một thông tin của một bạn tải lên facebook : Nhật Bản với 126.9 triệu dân, có 46139 bằng sáng chế; Singapore với 4.8 triệu dân, có 647 bằng sáng chế; Malaisia với 27.9 triệu dân, có 161 bằng sáng chế; Thailan với 68.1 triệu dân, có 53 bằng sáng chế; còn Việt Nam với 89 triệu dân ( hiện nay khoảng 93 triệu), có... Không bằng sáng chế?
Tuy nhiên theo tôi đây là thông tin mang tính chất tham khảo vì tôi chưa kiểm chứng, nhưng với những tình trạng chênh lệch về tỷ số như trên thì tôi và Ngài tiến sỹ có lẽ cũng không ngạc nhiên gì cho lắm.
À, tiện đây tôi xin kể cho Ngài nghe một câu chuyện vui xảy ra trong phòng thí nghiệm nhé:
Một nhà bác học bắt con cào cào đặt lên bàn thí nghiệm. Ông ta lấy cái cây chọc vào lưng con cào cào rồi hô " nhảy!", lập tức con cào cào nhảy ngay. Nhà bác học lấy sách, bút ra ghi chép " khi ta chọc vào lưng cào cào và hô nhảy thì lập tức cào cào vâng lời ngay". Tiếp đó, nhà bác học bẻ hai càng sau của con cào cào và chọc cây vào lưng nó, hô " nhảy!", con cào nằm ỳ ra... Nhà bác học lại ghi " khi ta bẻ càng đi thì cào cào trở nên... điếc"?!
Tôi cũng đang tò mò hỏi thăm xem nhà bác học “ lỗi lạc” này ở nước”tiên tiến” nào vậy? Đang tìm thì bỗng thấy thiên hạ… xôn xao, ở nước ta mới xuất hiện hai “ nhà bác học”? Một vị tự tin phát biểu rằng… hãy dừng mở rộng đường xá vì như thế người dân sẽ mua nhiều xe hơn!? Ô hay! Người ta mua xe là do luật không cấm, không hạn chế. Mua xe là do nhu cầu sử dụng, do khả năng kinh tế, do sự phát triển tất yếu của xã hội… chứ có ai chạy lên sở giao thông hỏi xem ông sở có mở đường không để tôi còn mua xe?
Thực ra ở một số nước trong các đô thị lớn người ta hạ chế hoặc cấm xe gắn máy tham gia giao thông như ở Bắc Kinh, hay điều tiết xe chạy biển chẵn, biển lẻ theo lịch như ở NiW DeLhi – Ấn Độ. Xem ra “ phát kiến” hạn chế mở đường tức là hạn chế sự phát triển tiến bộ về giao thông của loài người rồi, bởi vì một trong những tiêu chí phát triển của đất nước phải được đánh giá bằng diện tích m2 giao thông/1 đơn vị phương tiện.
Một vị “bác học” nữa lại khẳng định chắc chắn rằng, nguồn thực phẩm bẩn không phải là nguyên nhân hàng đầu gây tăng bệnh ung thư ở Việt Nam?! Trời ơi…là trời! Vậy là dân báo chí lâu nay tuyên truyền rầm rĩ vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm được tẩm ướp hóa chất Trung Quốc là nguyên làm gia tăng ung thư ở Việt Nam trở thành một thứ “ tội đồ” gọi là gây “khẩu nghiệp” hay sao? Hoặc những tuyên truyền như vậy vô hình trung báo chí đã gây hoang mang, bất ổn cho xã hội chăng? Không phải vô tình mà nhà Phật có dạy “ miệng ít ăn, tự dưng ít bệnh…”. Thưa Ngài “ bác học”, Ngài hãy lên thăm bệnh viện K – Hà Nội mà xem những mảnh đời tội nghiệp, những con số đáng sợ kia mà xem…
Nếu do sự suy diễn mà Ngài nói là nguyên nhân ung thư ở Việt Nam phát triển là do hút thuốc lá thì tôi xin suy diễn một thực tế ở quê tôi vùng đất trồng thuốc lào (một loại cây cùng họ với thuốc lá nhưng hút “ nặng” hơn thuốc lá có thể do nồng độ chất nicotin nhiều hơn), thứ thuốc mà đặc sệt những nhựa nicotin đến nỗi đổ nước điếu vào con gì là con ấy chết ngay. Ấy vậy mà bố mẹ tôi, các bác của tôi hút nó từ thủa nào không biết nhưng chưa thấy ai chết vì ung thư cả, trong khi tuổi thọ trung bình từ 80 – 85 tuổi. Ông bác ruột tôi nay đã 86 tuổi, cụ lẫn rồi nên vừa hút điếu thuốc này xong lại hút tiếp điếu kia, vậy mà không chừng cụ cũng phải khỏe đến tuổi 90 cho mà xem.
Không phải tôi đưa những ví dụ này ra để cổ vũ cho phong trào hút thuốc lào, thuốc lá đâu nhé! Nhưng tôi buộc phải đưa ra một so sánh để phản biện lại cái ý kiến của Ngài. Và, nếu cứ theo cái quan điểm của Ngài mà đúng thì vừa rồi Quốc Hội đưa hành vi sử dụng chất cấm vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi vào Bộ Luật hình sự là chưa cần thiết sao? Thay vì phải đưa hành vi hút thuốc lá, mua bán, vận chuyển, tàng trữ … thuốc lá vào danh mục tội phạm sao? Vì nó gây tăng nhanh căn bênh ung thư ở Việt Nam như Ngài khẳng định cơ mà? Bệnh ung thư là căn bệnh chết người mà chết người là đặc biệt nghiêm trọng, vậy thì nguyên nhân gây chết người phải được hình sự hóa chứ?
Nói cho thật công bằng thì “quy tội” cho nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tăng nhanh ở Việt Nam là do thực phẩm bẩn hay thuốc lá cũng chỉ là định tính chứ không phải định lượng. Nhưng thuốc lá độc hại, không béo bổ thì ai cũng biết, muốn tránh là tránh được, còn hóa chất do bọn gian thương, lũ vô đạo đức vì lợi nhuận bất chính mà lén lút tẩm vào thực phẩm làm cho từ một bào thai đến người già không thể biết đường mà tránh thì “ quy tội hạng nhất” cho vấn đề này rất có lợi cho xã hội chứ sao. Đáng lẽ Ngài, tôi và chúng ta phải nên ủng hộ quan điểm này chứ?
Đã từ lâu tôi rất lo ngại một cuộc “ chiến tranh” ngầm đang xảy ra đó là “ sử dụng hóa chất độc hại Trung Quốc hủy hoại dần nòi giống và sức khỏe con người”! Một cuộc “ chiến tranh” về tai nạn giao thông!
Và tôi cũng rất mừng là cuối cùng thì Quốc Hội cũng nhìn ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhìn ra. Và tôi cũng cảm động khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lên truyền hình xin rút lại lời nói lỡ…
Nhưng tôi lại rất buồn chính các Ngài nơi “ ngọn đèn tỏa sáng” lại chưa nhìn ra? Hãy bước ra khỏi mảng tối dưới chân cột đèn các Ngài nhé!
Văn Nguyễn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: