Người Việt có quyền chỉ trích, lên án những mảng tồi tệ của người hàng xóm khó chịu, và chủ đề này sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng thật đáng tiếc nếu chỉ có thế. Chỉ thế thôi thì dân tộc Việt cũng không tốt hơn được.
Một giáo sư Nhật vừa sang Việt Nam hỗ trợ tuyển sinh cho một trường đại học lớn chia sẻ thông tin: các trường đại học Nhật đang có nhiều học sinh Trung Quốc theo học, và xu hướng tiếp tục tăng mạnh.
Các học sinh này nói tiếng Nhật thông thạo, thậm chí ở một số môn học ngành tài chính, kinh doanh, họ học vượt trội cả sinh viên Nhật. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ là đối thủ cạnh tranh của chính các bạn trẻ Nhật trong thị trường việc làm tại các công ty giao thương giữa hai nước.
“That’s terrify. But they’re our customers anyway” (Thật đáng lo sợ. Nhưng dẫu sao họ cũng là khách hàng của chúng tôi) - ông giáo nói. Những thanh niên Trung Quốc này đang cạnh tranh “sòng phẳng” trên đất Nhật, với luật chơi của Nhật, bằng năng lực và ưu thế riêng của họ.
Trên bản đồ đánh dấu vị trí người học của một khóa học online về công nghệ thông tin của Trường UC San Diego trên Coursera, Ấn Độ dẫn đầu về số lượng học sinh trong khu vực châu Á với 409 học viên, tiếp sau là Trung Quốc với 70 người, cả mấy nước Asean gộp lại chỉ có vẻn vẹn 13 chấm đỏ.
Tương tự, ở một số môn học khác trên các khóa học online, học viên Trung Quốc cũng nhiều áp đảo so với cả mấy nước Đông Nam Á gộp lại. Coursera là một hệ thống giáo dục online lớn với hàng trăm trường đại học hàng đầu thế giới về hầu hết các ngành học.
Cùng các hệ thống khác như EDX, Open Campus của một số trường đại học, Coursera mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu người trên thế giới về nhiều chủ đề khác nhau. Học viên từ các nước nghèo có thể đăng ký học bổng để được miễn học phí. Tất cả những gì còn lại là ý chí “muốn học” hay không. Người Trung Quốc có vẻ khôn ngoan tận dụng cơ hội này.
Bản thân tôi từng học cùng nhiều học viên Trung Quốc. Tôi cố tỏ ra khách quan nhất có thể để hiểu tại sao họ lại có thành tích cao và được nhiều người “nể”. Ai đó có thể phê phán động cơ học tập của họ là quá thực dụng - như phải đạt được điểm cao để vào công ty nọ, hoặc cho rằng họ không học cân bằng, ít chú trọng đến các môn xã hội, luật... mà chỉ chăm chăm vào các môn học kinh tế, thống kê, kế toán.
Cũng có người chê họ lập luận phi logic trong các lớp học về khoa học chính trị... Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: họ học giỏi trong những môn mà họ định sẽ học giỏi. Năm tôi tốt nghiệp, một học viên Trung Quốc được chọn làm đại diện cả khóa lên phát biểu thay mặt các học sinh quốc tế.
Người bạn làm kinh doanh phần mềm đến Bắc Kinh để gặp gỡ một số quan chức và “thiết lập mối quan hệ” để mở rộng cơ hội làm ăn. Anh cảm thấy thật khó khăn. Anh di chuyển tiếp đến Thượng Hải và dường như được sang hẳn một đất nước khác dù vẫn dùng chung tấm visa.
Khách hàng ở Thượng Hải nghe câu chuyện khó khăn của anh ở Bắc Kinh rồi nói: “Beijing? Let them do the talk. Here we do the work” (Bắc Kinh à? Để họ nói, còn chúng tôi ở Thượng Hải đây thì làm).
Trong lúc Trung Quốc bị phê phán về vi phạm bản quyền nghiêm trọng, họ cũng lại đang được khích lệ vì đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển. Trong lúc khách du lịch Trung Quốc bị chê là “trọc phú” tiêu tiền, ở Trung Quốc lại cũng đang có nhiều triển lãm, giáo dục âm nhạc, hội họa để vực dậy văn hóa của họ.
Người Trung Quốc viết nhiều chuyện tiếu lâm về các thói hư tật xấu của mình. Người Việt cũng có thể dành nhiều giờ để nói về các tật xấu của người Trung Quốc. Ta chê họ nói to nơi công cộng, không xếp hàng, không logic trong lập luận. Ta phê phán họ dân tộc tính phi lý, đòi hỏi các quyền lợi vô lý.
Ta có thể công kích sự tham lam vô lối của Trung Quốc qua rất nhiều ví dụ kinh tế, chính trị. Nhưng cũng phải tỉnh táo nhận ra rằng ở nước Trung Quốc hiện đại vẫn đang có rất nhiều người làm việc, nhiều người sáng tạo. Nhận ra để làm gì? Để thấy rằng những người này đang đi nhanh, họ đang kéo cả dân tộc đó đi, và không khéo thì chúng ta đi rất chậm so với họ.
Người Việt có quyền chỉ trích, lên án những mảng tồi tệ của người hàng xóm khó chịu, và chủ đề này sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng thật đáng tiếc nếu chỉ có thế. Chỉ thế thôi thì dân tộc Việt cũng không tốt hơn được.
Để thật sự thay đổi thế so sánh, các cá nhân người Việt phải nhìn vào những cá nhân người Trung Quốc đang chạy rất nhanh, rất xa, và đúng đường về mặt giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế.
Có lẽ, những cá nhân Việt, chứ không phải đám đông chung chung mơ hồ, cần phải đặt mình vào thế tương quan với những cá nhân Trung Quốc đang học tập, đang làm ăn, đang đi theo hướng phát triển văn minh để nỗ lực vượt lên. Dường như đó là một cách bền vững để ta có đủ bản lĩnh đường hoàng đối mặt với những thách thức mà sự chênh lệch và cả tương đồng giữa hai bên đang mang lại.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét