Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Hạnh phúc nhìn từ vụ cá chết



>> Không cấm nhà báo viết trái ý cơ quan trên mạng xã hội
>> Hồ sơ Panama tiết lộ: Thành Long với những người siêu giàu Trung Quốc


FB Đỗ Khánh
Cho đến hôm nay, biết bao nhà khoa học chìm đắm trong công việc tìm kiếm nguyên nhân vụ cá chết của miền kinh tế biển Hà Tĩnh. Cá chết ban đầu còn là "hiện tượng", giờ người ta gọi là "thảm họa môi trường" bởi sự xâm thực đến các vùng biển lân cận, trải dài: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng... Môi trường sống của miền Trung đang báo động thực sự về mức độ an sinh. Mặc dù nguyên nhân cá chết được cơ quan có thẩm quyền đưa ra ban đầu không liên quan đến Formosa nhưng người dân địa phương vẫn tụ hội về khu Vũng Áng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh như để tìm ra câu trả lời!

Việt Nam đi lên từ một đất nước nghèo, lạc hậu sau chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ. Công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu bùng nổ ở thập kỷ của những năm 90 với mục tiêu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" thành công và nâng cao mức tăng trưởng GDP trên trường Thế giới.

Năm nay và lúc này, nhìn lại đã thấy Việt Nam đã hoàn toàn lột xác, đất nước phát triển toàn diện, GDP được thông báo hàng năm tăng trưởng không ngừng... nhưng không ai dám khẳng định đó là sự phát triển và tăng trưởng bền vững!

Sau những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, với các cuộc khủng bố có quy mô từ các khu tự trị, mục tiêu xóa bỏ tham nhũng của Chính phủ, giảm khí thải công nghiệp, tăng đầu tư ngoại quốc, làn sóng di dân của những người Hoa giàu có... đã cho thấy người ta rời bỏ tất cả chỉ để có được một xã hội an sinh thực sự.

Thực tế Việt Nam cũng không khác là bao, một bộ phận lớn những thanh niên trí thức, tuổi trẻ tài cao, "con ông cháu cha" đều du học nước ngoài, số rất ít trở về với điều kiện đảm bảo về chỗ đứng vững chắc trong xã hội, còn lại hầu hết đã ở lại nước ngoài, gắn bó với quê hương ngoại lai.

Vì sao nhỉ?

Vì chúng ta lỗi thời rồi bởi trên Thế giới bây giờ không chạy đua về GDP mà người ta chạy đua với nhau bằng chỉ số hạnh phúc, hài lòng của người dân hướng đến mục tiêu tìm ra những điều gì làm đời sống này đáng sống.

Khái niệm luật học gọi đó là mức độ an sinh (well-being), bao gồm không chỉ thu nhập mà còn có các chỉ tiêu khác toàn diện hơn như: môi trường, sức khỏe, giáo dục, an ninh, chất lượng dịch vụ công cũng như sự tham gia của dân chúng vào đời sống cộng đồng xã hội.

Nếu chỉ tính sự thành công trên phương diện tăng GDP có nghĩa là cuộc chạy đua bị lạc đường, trật lối. Đồng ý rằng công nghiệp hiện đại đẩy nhanh sự phát triển của quốc gia, thậm chí nhanh đến "chóng mặt". Song, phát triển chóng vánh không bao giờ là bền vững.

Thực tế cho thấy những nước nghèo, cộng đồng yếu thế trong những thập kỷ gần đây dễ trở thành trung tâm tụ hội các bãi xả thải công nghiệp của hành tinh này, cho nên văn hóa, y tế, môi trường thường phải trả giá cho các dự án phát triển kinh tế đất nước. GDP ở các nơi đó tăng đều hàng năm nhưng thay vào đó là là sự đánh đổi về sự cố môi trường, văn hóa mất bản sắc, giáo dục mất nguồn nhân lực như người tâ vẫn gọi là "chảy máu chất xám"...

Ở tầm vĩ mô toàn cầu, đối mặt với những tác động thiếu bền vững, từ những năm 2012 - 2013 Liên hiệp quốc đã đưa ra các chương trình phát triển hướng dẫn cho các quốc gia thành viên cách đánh giá và đo lường mức độ an sinh "chủ quan" của người dân, theo đó tập trung vào đánh giá tinh thần, cảm xúc, nhận thức của người dân về đời sống cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Thế rồi có những quốc gia lý tưởng trên Thế giới đã đưa ra tuyên bố mục tiêu phát triển của mình không phải chạy đua tăng trưởng GDP mà là tăng trưởng "Tổng Hạnh Phúc Quốc nội" (gọi tắt là GNH) như Brutan. các nhà lãnh đạo quốc gia này cho rằng để có được tăng trường GNH, họ vẫn coi trọng hiệu quả tăng trưởng của việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, môi trường; song đặc biệt chú trọng đến hệ thống quản trị và chất lượng dịch vụ công cũng như sự tham gia của dân chúng trong phát triển cộng đồng, bảo tồn văn hóa, cân bằng sinh thái, thời giờ nghỉ ngơi... Như vậy, GDP có tăng nhưng GNH ngày càng tụt thì mục tiêu của cơ quan quản lý Nhà nước thất bại, được coi là lạc hướng, sai đường. Bởi vậy, các thành phố của Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan...ngày nay đều coi trọng chỉ số an sinh, đẩy mạnh các dự án đo lường mức độ hạnh phúc của người dân, tạo ra "ngày hành động vì Hạnh phúc"...

Trở lại với vấn đề cá chết và Formasa, trên bình diện không nhỏ, liên tục cập nhật thông tin đăng tải của báo chí, phát thanh, truyền hình, các diễn đàn trang mạng xã hội về cá chết vô biên, môi trường sống ô nhiễm, nguyên nhân chưa tìm thấy những ngày qua trở thành tâm điểm của toàn xã hội. Một bộ phận lớn người dân nuối tiếc về việc mất đi mùa khai biển sôi nổi, đông đúc vào mỗi dịp 30/4 - 1/5 năm nào, người dân du lịch lại đưa nhau lên núi với tâm trạng nhớ thương về một bờ biển miền Trung. Một bộ phận đang nỗ lực khắc phục sự cố trên diện rộng để giúp đỡ bà con ngư dân, song ngày trở lại đời sống đánh bắt thường nhật chắc cũng còn xa...

Ai cũng mong đất nước phát triển, giàu đẹp nhưng nếu không có tính bền vững, cốt làm giàu trước, tính toán dọn dẹp sau thì chúng ta sẽ phải trả giá cho những hệ lụy như Vũng Áng hôm nay, nghiêm trọng hơn là nỗi lòng dân chúng.

Thế nên, triết lý phát triển bền vững có lẽ không còn là kỳ tích tăng GDP mà phải là sự hài lòng của người dân trong xã hội. Liệu họ có còn tin?

Luật sư Trần Hồng Phúc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: