Lan Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
BBC - Ngày 8/5 tại Sài Gòn, cuộc xuống đường vì thảm họa cá chết đã có xô xát. Người biểu tình cáo buộc bị an ninh đánh và trên mạng có cả hình ảnh lực lượng an ninh cũng gặp thương tích. Cuộc rượt đuổi và xô xát diễn ra ngay tại khu vực Nhà thờ Đức Bà – trung tâm Quận Một.
Trước đó vài ngày, giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ, trung tâm vui chơi của giới trẻ Sài Gòn, hai thanh niên chỉ chừng hai mươi tuổi đã dán lên mặt mình hình ảnh của bộ xương cá, ngồi tọa kháng trước ánh mắt tò mò của bao người cùng tuổi khác trong buổi tối của trung tâm Quận Một.
Trên tờ giấy cầm trước ngực, Lầu Nhật Phong viết “Tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện và công bố kết quả điều tra cụ thể, minh bạch và đáng tin cậy vè sự việc cá biển chết hàng loạt ở Vũng Áng.”
Sự im lặng
Những hình ảnh tưởng chừng vô cùng dễ thấy đã không thể xuất hiện trên bất cứ trang báo nào tại Việt Nam. Nếu ai đã từng xem Kênh 14, Yan News hay Yeah1, sẽ nhận ra một trận hẹn đánh nhau của hai cô bé hot girl giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng sẽ được tường thuật đầy đủ từng giây phút trên các trang mạng của giới trẻ.
Một bộ quần áo mới lạ mắt của cô ca sĩ, một chú cún xinh xắn xuất hiện, tất cả sẽ ngay lập tức lọt vào ống kính của những tay săn ảnh thường xuyên xuất hiện ở khu vực trung tâm sôi động này.
Còn hai người trẻ tọa kháng, và hàng trăm người xuất hiện ngay trung tâm Nhà thờ Đức Bà, đã phải đối diện với sự im lặng của truyền thông tại Việt Nam. Người đọc đã dùng mọi ngôn từ khó chịu để đặt câu hỏi tại sao một cô ca sĩ dắt chó đi dạo các anh cũng chụp được, còn hàng trăm người xuống đường, thể hiện điều họ mong mỏi và bị trấn áp, sao không một trang nào viết về sự kiện đó?
Như mọi khi, nhà báo tại Việt Nam không viết về các cuộc biểu tình trên trang báo được xuất bản Lẽ đương nhiên, nếu họ có viết cũng không thể đăng và không ai đăng.
Người nổi tiếng tại Việt Nam không nói về chính trị nếu họ còn muốn xuất hiện trên sân khấu hay trong những đêm hát phòng trà, trong những game show đắt tiền hay những cuộc họp fan hâm mộ đông đúc.
Người trẻ Việt Nam không nói về chính trị, bởi họ có thể bị vây hãm bởi những công văn đuổi học, rắc rối kỷ luật nếu lỡ ai đó chụp lại ảnh họ có mặt trong cuộc biểu tình và gửi cho nhà trường.
Lần đầu tiên
Nhưng lần đầu tiên, ngày 8/5 ở Sài Gòn, người ta thấy những thanh niên còn rất trẻ bị đánh. Họ cầm trong tay những tấm biển "Xin đừng vô cảm, cần minh bạch Formosa", "Yêu cầu chính phủ lên tiếng nguyên nhân cá chết? Biện pháp xử lý? Khắc phục?", "Bảo vệ môi trường, xin đừng vô cảm". Họ chỉ mới 16, 17 tuổi, ở thời điểm mà mối quan tâm của họ chỉ là mặc gì đẹp, học sao cho giỏi hay làm sao để trở nên “ngon lành” trong mắt bạn cùng lứa.
Lần đầu tiên, xuất hiện một thanh niên trẻ chỉ 16 tuổi bị “xịt hơi cay” theo những người tại hiện trường viết lại. Điều gì đã khiến cậu thiếu niên này bước xuống đường, mà không phải là một buổi sáng Chủ Nhật ngồi chụp ảnh selfie trong quán cafe cùng bạn bè, hay chạy xe máy đi phượt ở chỗ nào đó thật ngon lành? Điều gì đã khiến cậu bé này không còn sợ những vết đau trên thân thể mình, để bước ra Nhà thờ Đức Bà buổi sáng 8/5?
Người ta thấy một phụ nữ trẻ ôm con bị thương tích trên mặt. Chị ngồi khóc giữa những gương mặt phụ nữ trẻ ôm lấy chị và lau vết thương cho chị.
Chỉ vài giờ sau, những người nổi tiếng đã lần đầu tiên rời khỏi tòa thành an toàn thường nhật của họ, MC Phan Anh, diễn viên Thành Lộc, Lê Phương, Duy Khiêm Ngố đều nói về việc họ thấy một phụ nữ mà họ yêu quý bị tấn công trong cuộc tuần hành. Lần đầu tiên, chuyện “tụ tập đông người” không còn ở một "tinh cầu xa lạ" không ai nói đến nữa.
Cũng lần đầu tiên, người ta thấy vài thành viên trong ban nhạc Microwave cầm guitar xuống đường, hát lại chính ca khúc nổi tiếng của họ bằng lời mới: hát về sự lo lắng về biển, cá, môi trường.
Một nhà báo giấu tên nói với tôi: “Tôi vẫn đến Nhà thờ sáng hôm qua, và gặp rất nhiều đồng nghiệp của mình cầm máy ra đó để chụp, dù biết rằng sẽ không có tấm nào đăng báo được sau sự kiện đó.” –
Nhu cầu của anh, và những người cầm máy mang trong mình trách nhiệm thể hiện thông tin vẫn không chút nào nguôi đi. Họ vẫn sẽ chụp, chứng kiến, ghi nhận... dù không bản tin nào lên trang hay ra sạp báo.
Sau ngày biểu tình, một thành viên trên Diễn đàn Nhà báo Trẻ đặt câu hỏi: “Vụ biểu tình vì môi trường biển... Ngày chủ nhật vừa qua, em thấy nhiều phóng viên đi tác nghiệp. Sao không thấy báo nào lên bài nhỉ? Lý do nào mà các báo không đăng.... Trong khi các báo quốc tế đăng tin dồn dập.”
Diễn đàn có hơn 12.000 thành viên này là nơi thảo luận của rất nhiều nhà báo tại Việt Nam. Trong cả hai đợt biểu tình ngày 1/5 vả 8/5, diễn đàn này “có một ngày im ắng”. Gần như không ai viết gì về cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố.
Không vô nghĩa
Nhưng ngày 8/5 ở Sài Gòn, không có sự im lặng nào là vô cảm. Hình ảnh rõ nét nhất từ cuộc xuống đường vẫn được đưa lên mạng xã hội. Ca khúc vẫn được hát lên. Người trẻ thể hiện điều họ cho là quan trọng: môi trường của họ, cá của các vùng biển đang bị ảnh hưởng, và thiết thân hơn là sự rõ ràng cho những vấn đề đang được thảo luận ngay trên trang báo chính thống.
Trong ngày hôm qua, không có nhà báo nào từ bỏ nhiệm vụ tường thuật. Không có người trẻ nào mù lòa và dại dột. Không có nghệ sĩ nào vô cảm trước những ngư dân nghèo ngồi buồn rầu trên âu thuyền ở tuốt miền Trung xa xôi.
Thông điệp của họ cũng đơn giản như câu chuyện được bắt đầu: Từ một thảm họa cá chết, giờ đây người dân có thể làm gì để khắc phục hậu quả đó? Nguyên nhân ở đâu? Con của họ, những đứa trẻ lớn lên, sẽ còn gì ở môi trường chúng sống trong tương lai?
Như một phóng viên trẻ nói với tôi: “Tôi sẽ viết tất cả những gì có thể lên báo, đó là cách tốt nhất để người dân ở quê tôi có thông tin trong những lúc rối ren này.” – Quê của phóng viên này ở Quảng Bình, đang là một trong những tâm điểm của thảm họa cá chết này.
Không có sự im lặng nào vô nghĩa – dù không một trang báo nào ở Việt Nam mô tả lại gương mặt của trận xô xát sáng Chủ Nhật ở cả hai thành phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét