Sạt lở bờ sông Hồng đoạn qua Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Phạm Thanh.
Theo tài liệu Tiền Phong có được, để thực hiện dự án cải tạo sông Hồng nhằm kết nối giao thương với Trung Quốc, đơn vị nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho hưởng một số ưu đãi đặc thù.
‘Siêu dự án thủy điện’: Xin đừng băm nát sông Hồng!
Người trình siêu dự án thủy lộ sông Hồng lên Chính phủ nói gì?
Siêu dự án thủy lộ sông Hồng kết nối với Trung Quốc
Làm đập thủy điện đụng đến sông Hồng sẽ mất vựa lúa
Xin miễn thuế, mua điện giá đặc thù
Dự án chi 1,1 tỷ USD (tương đương 24.510 tỷ đồng) nhằm cải tạo luồng lạch và làm thủy điện trên dòng sông Hồng của Cty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) đã được báo cáo Bộ GTVT từ đầu năm 2015.
Lãnh đạo Bộ GTVT đã có ít nhất 2 cuộc họp với đơn vị đề xuất dự án, đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn của bộ về dự án này.
Dự án có tên đầy đủ là Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 25 năm (cả thời gian xây dựng), thông qua bán điện, thu phí tàu thuyền.
Ở giai đoạn đầu nghiên cứu dự án, Cty Xuân Thiện đề xuất tổng mức đầu tư hơn 15.700 tỷ đồng, sử dụng 85% vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Dự án khi đó gồm 4 tiểu dự án, dự kiến đầu tư trong 6 năm, và chỉ thực hiện với đoạn sông Hồng từ Việt Trì (Phú Thọ) tới Lào Cai.
Tuy nhiên, sau đó dự an được mở rộng ôm trọn toàn bộ sông Hồng, và tổng mức đầu tư tăng lên 1,1 tỷ USD, chia thành 2 giai đoạn từ nay tới năm 2022.
Để dự án thành công, Cty Xuân Thiện xin Chính phủ cho hưởng hàng loạt ưu đãi, chính sách đặc thù. Cụ thể, cho phép được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phẩm.
Cho áp dụng giá bán điện đặc thù với các nhà máy phát điện trong dự án, có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình.
Theo đó, mức giá bán điện 5 năm đầu là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng/kWh; các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970 đến 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.
Đồng thời, đơn vị đề xuất dự án cũng đề nghị được miễn 4 loại thuế gồm: Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn.
Ngoài ra, việc thu phí với phương tiện được thay đổi 3 năm/lần. Mức phí tàu thuyền dự kiến từ 10 - 15 nghìn đồng/tấn đoạn Việt Trì - Yên Bái, và 40 - 45 nghìn đồng/tấn đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Theo tính toán của đơn vị đề xuất, các lợi ích của dự án ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng/năm, gồm:
Tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ (khoảng 600-750 tỷ đồng/năm); góp phần tăng GDP các tỉnh trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của dự án (khoảng 5% GDP, tương đương 2.100 tỷ đồng/năm).
Thông thương Trung Quốc
Theo kế hoạch đề xuất của Cty Xuân Thiện, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng sẽ xây dựng tối thiểu 3 và tối đa 6 công trình thủy điện dọc theo chiều dài đoạn sông Yên Bái - Lào Cai.
Các nhà máy phát điện có tổng công suất khoảng 228 MW (tương đương 912 triệu kWh/năm). Đồng thời, dự án sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Hải Phòng, Nam Định tới Lào Cai (và thông thương với Trung Quốc).
Nhà đầu tư đề xuất xây dựng 7 cảng dọc tuyến theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa.
Trong đó có 5 cảng hàng hóa, gồm: Apatít, Quý Xa (Lào Cai), Văn Phú (Yên Bái), Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ); 2 cảng cạn gồm cảng phía Bắc Hà Nội và cảng Phố Mới (Lào Cai).
Tuyến đường thủy sông Hồng sau cải tạo sẽ đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn hoạt động.
Cty Xuân Thiện kỳ vọng, dự án sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng vốn là thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.
Đồng thời phát triển dân sinh, kinh tế, du lịch, thủy lợi, thủy sản vùng trung du miền núi phía Bắc; khai thác tổng hợp chống cạn kiệt nguồn nước; kết hợp bảo vệ chống xói lở đường bộ, đường sắt ven sông.
Trong đó, mục tiêu số 1 là phát triển và thay đổi bộ mặt giao thông sông Hồng.
Về dự án cải tạo sông Hồng của Cty Xuân Thiện, Bộ Tài chính cho rằng: Theo quy hoạch ngành điện tới năm 2030, nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn nhiệt và điện tái tạo tăng lên.
Vì vậy, giá bán từ nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, nhà đầu tư có thể đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá. Điều này sẽ thành rủi ro tài chính lớn của dự án.
Ngoài ra, công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, nên theo Bộ Tài chính, việc kết hợp công trình thủy điện với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố.
Về những đề xuất ưu đãi thuế với dự án, theo Bộ Tài chính cũng chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Tin khó tin: Vụ Formosa “rất nghiêm trọng”, 3.200 tỷ đồng chờ mối ăn và những “ông con” bất hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét