dutule.com (Calif., ngày 17 tháng 4-2016): Tôi có xu hướng quý, mến những cây bút đem được họ ra khỏi chiếc gương soi nhân vật, để họ không “phải lòng” chính chiếc bóng (nhân vật) của họ.
Có dễ vì thế mà, gần đây, có chút giờ rảnh, tôi tìm đọc văn xuôi Nguyễn Văn Phong - - Và, cõi văn xuôi của Nguyễn đã cho tôi cơ hội gặp lại xu hướng thưởng thức văn chương của mình.
Với những người viết văn có ý thức, có trình độ đọc, hiểu… đều hiểu rằng, mặt bằng văn chương thế giới đã từ chối gần một thế kỷ, cái mà những nhà phê bình văn học thế giới gọi là nền văn học tâm lý toàn triệt - - Hoặc nhà văn như… “Thượng đế”! Cái gì cũng biết, mọi xung động của thất-tình đều có thể chẻ thành đôi, thành ba, cộng thêm quyền sinh sát trên nhân vật!?!
Theo nhà phê bình văn học R-M. Albéres, trong cuốn “Văn học Thế giới Hiện Đại / Les Littératures Contemporaines À Travers Le Monde” thì, để phản ứng lại sự kiện tự cho mình vai trò “Thượng đế”, cuối thập niên 1940, ở Pháp, một phong trào gọi là phong trào “Tiểu thuyết mới / Nouveau Roman”, do nhà văn Alain Robbe-Grillet và các bạn đề xướng… Họ tập trung quanh nhà xuất bản “Nửa Đêm” / Editions de Minuit”. (*) Họ chủ trương trả con người, sự vật, thiên nhiên về bản chất thực của nó. Nói đơn giản, dễ hiểu là bản chất khách quan…
Phong trào này, chỉ tồn tại được một thời gian thì bị những phong trào văn chương khác qua mặt, loại bỏ, nhận chìm nó vào quên lãng…
Ở Việt Nam, chẳng những phong trào “Tiểu thuyết mới” (đã trở thành cũ) không được nhiều nhà văn Việt Nam quan tâm - - Mà, tới hôm nay, chúng ta vẫn còn khá nhiều nhà văn “đắm đuối” với những “chuẩn mực” văn chương cổ điển: Xây dựng tác phẩm trên căn bản tâm lý kỳ khu, tạo cao trào, nút thắt, nút mở… Họ đầu tư mọi nhọc nhằn tưởng tượng sao cho có được những tình tiết éo le, gay cấn, tình dục bệnh hoạn … để tạo tên tuổi, chỗ đứng cho mình! (**)
Tuy nhiên, cũng có một số nhà văn đem được họ ra khỏi vực xoáy đục ngầu cái cũ, để hiển lộ những cách cảm nhận khác, ứng hợp hơn với thực tế đời sống thực dụng, lạnh lùng đương đại.
Trong số ít ỏi này, theo tôi, có Nguyễn Văn Phong.
Nguyễn không phải là cây bút của tiểu thuyết (dù là “Tiểu thuyết mới”). Nguyễn là người viết đoản văn – đúng hơn cây-bút-tùy-bút.
Với tôi, Nguyễn không chỉ có khả năng ra khỏi chiếc gương soi nhân vật, để không “phải lòng” chính chiếc bóng (nhân vật) của mình - - (Mà), Nguyễn còn có khả năng đem nhiệt-hứng chữ nghĩa về ngưỡng “zero độ”. Từ khởi điểm đóng băng này, tính khách quan trầm tĩnh (không chút son-phấn-cao trào, xoay-trần-tâm-lý, xiển dương tình dục bệnh hoạn) trong văn xuôi của Nguyễn hiển lộ tự nhiên, không… “gân cốt”, không… “đồng bóng”, với khá nhiều hình ảnh bất ngờ, gần với thi ca.
Ở đoản văn (hay tùy bút) tựa đề “Nhạt nhòa” viết về mối liên hệ lỏng lẻo, nhưng bền chắc của truyền thống gia tộc Việt Nam, Nguyễn nói về một người phụ nữ, Nguyễn gọi bằng “Bà” và, những đứa con, cháu của người Bà ấy. Toàn bộ đoản văn không có một chi tiết giật gân, gúc mắc. Nó như dòng chảy nhạt nhòa, ẩn khuất lãng quên của một con mương đào; những cơn gió thoảng, nhẹ tới mức không được ai nhận biết… Nhưng, trước khi ra khỏi “Nhạt nhòa”, Nguyễn Văn Phong viết:
“Tôi thấy con đường đất thân quen vắng bóng những đôi mắt nhìn mình qua kẽ lá. Như thể những bông hoa dại sẽ không còn nở nữa trong tôi, và trên con đường đá nhỏ…” (Web-site dutule.com)
Hoặc trong đoản văn tựa đề “Không còn gì của đêm qua”, Nguyên Văn Phong, ghi lại cuộc gặp gỡ thoáng chốc với một người con gái lam lũ, phụ trách việc chuyển than cho lò đốt xe lửa… Trước, sau 2 lần thấy nhau, không một bày tỏ cụ thể nào, ngoài ánh mắt của Nguyễn: (Nhà văn quan sát khách-thể).
Cuối cùng Nguyễn ghi:
“…Chỉ còn một lát nữa thôi là trời chuyển sáng. Khoảng thời gian ấy cũng vừa đủ để chúng tôi hiểu rằng chưa quen nhau. Đúng như không có một cuộc chuyện trò nào giữa tôi và em. Chỉ lát nữa thôi, không có chàng hoàng tử nào trước cuộc sống của người con gái ấy, bởi tôi lén đi trong hơi sương của màn đêm hấp hối, giấu đi tất cả những mơ tưởng hoang đường để trở về với sự cũ kỹ của một ngày mới, chỉ có buổi sáng là huyền diệu, vì nó hứa hẹn những điều đẹp đẽ cho cuộc sống, và tôi đi tìm những thứ viển vông mới vì không còn gì của đêm qua.” (Nđd).
Hoặc nữa, trong đoản văn cực ngắn, tựa đề “Uống trà nhớ phố”, Nguyễn Văn Phong cũng cho tôi những hình ảnh bất ngờ, đầy thi tính, “… vòng quay tất tưởi những chiếc nam hoa vẫn muốn kiếm tìm thơ mộng...”:
“Tôi nán lại nơi ấy trong một thời gian ngắn khi lao động nặng nhọc tại một xưởng gỗ. Và chỉ nhìn ngắm nếp sống của con phố khi ngày vất vả bên lớp bụi mùn cưa được khép lại. Chưa một lần bước chân vào những ngôi nhà huy hoàng ấy, tôi vẫn có cảm giác mình thuộc về con phố lạ ven sông bởi vòng quay tất tưởi những chiếc nam hoa vẫn muốn kiếm tìm thơ mộng, và đánh cắp men đời ở nơi ánh mắt rọi chiếu lên cảnh vật.” (Nđd).
.
Tôi e, nhiều bạn đọc của chúng ta vẫn giữ thói quen đi tìm trong văn xuôi, những éo le tâm lý, hoặc những sự kiện tình dục gay cấn, điên loạn… chắc chắn sẽ “dị ứng” với cõi-giới văn xuôi… “phẳng lặng” Nguyễn Văn Phong.
Nếu cảm nhận này đúng, hoặc vẫn còn chỗ đứng đáng kể trong tập quán đọc văn thì, đó là một đáng tiếc cho cả hai phía: Nhà văn và người đọc.
Cách gì, theo tôi, văn chương, nghệ thuật, như dòng-sông-đời-sống, không ngừng chảy tới…
Lâu rồi, chúng ta đã bỏ lại sau lưng, thời đi bộ, đi xe ngựa, để bước sâu vào thời đại… “tốc độ”; với những bước …“nhảy vọt”… “hoành tráng”!?!
Phải chăng đó cũng là một… “nan đề” cho tiến độ VHNT của chúng ta?
Du Tử Lê,
(California, tháng 4-2016)
_______
Chú thích:
(*) Bản dịch Bửu Ý. Nhà Xuân Thu, in lại tại Hoa Kỳ, không ghi nguồn, cũng không ghi năm tháng xuất bản.
(**) Vẫn theo tác giả R-M. Albéres thì, trước đó rất lâu, xu hướng “Tiểu thuyết mới” đã tượng-hình qua tác phẩm “Bọn Làm Bạc Giả” của André Gide (1925); rồi James Joyce với “Ulysse” v.v… chứ không phải đợi nhiều thập niên sau với Alain Robbe-Grillet và các bạn (Nđd)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét