Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Sơ bộ tìm hiểu tình hình tiếp nhận văn hóa nước ngoài (phần I)

Nguyên đây là bản ghi cuộc trò chuyện giữa tôi và nhà phê bình văn học Thụy Khuê, từng  được chị Thụy Khuê, khi đó đang làm ở RFI, ghi lại
 và đưa trên blog  http://thuykhue.free.fr/rfi/ 
dưới cái tên “Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn về tình hình tiếp nhận văn hóa nước ngoài tại Việt Nam”. 
Nhân đây, xin có lời cảm ơn tới  chị Thụy Khuê về những thịnh tình mà chị đã dành cho tôi trong công việc.
Những suy nghĩ về các vấn đề nêu lên trong bài là thuộc về mười năm trước, ngày nay cần phải bổ sung và đi sâu thêm rất nhiều, tuy nhiên, tôi chưa thu xếp được thời gian để xử lý lại. Dưới đây chỉ xin giới thiệu văn bản cũ, sau một vài sửa chữa nhỏ. 



Những năm gần đây, vấn đề tiếp nhận văn hóa nước ngoài tại Việt Nam trở thành đề tài suy luận của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong nước. Bên cạnh bề mặt lạc quan của một xã hội mở cửa, giao thương với nước ngoài, Việt Nam còn bộc lộ một bề trái khép kín, co lại luôn luôn nhấn mạnh đến những yếu tố bản sắc, bản địa, trên các văn bản chính thức và trong sách vở học đường. Nhiều câu hỏi được đặt ra về hiện tình này, về sự tiếp nhận văn hóa và hậu quả của nó. Trong hai buổi nói chuyện trên đài RFI ngày 25/6 và 2/7 2005 , nhà phê bình Vương Trí Nhàn, ở Hà Nội, đã thẳng thắn bày tỏ những trăn trở của một người làm văn học hôm nay, đối với những vấn đề nhức nhối, bức thiết mà ông đã lưu tâm suy nghĩ từ nhiều năm qua.

T. K.



Thụy Khuê: Thưa anh Vương Trí Nhàn, tại sao vấn đề tiếp nhận văn hóa nước ngoài lại cần được đặt ra hôm nay, trong lúc này?

Vương Trí Nhàn: Theo tôi bởi vì nó liên quan đến những vấn đề lớn hơn, có thể nói là những vấn đề lớn nhất của xã hội hiện nay. Sau chiến tranh, sau những năm tháng loay hoay hồi phục lại một cuộc sống bình thường, nay đến lúc xã hội Việt Nam nghiêm túc đặt ra việc xây dựng đất nước, chúng ta đang phải đối mặt với những câu hỏi như: Ta là ai? Ta có đi cùng với thế giới? Xã hội ta có phát triển theo những quy luật chung của thế giới hay có một con đường riêng của Việt Nam? Ta đang ở trong tình trạng như thế nào? Phải tìm những yếu tố mới ở đâu? Thế nào là mới? Ta sẽ làm lại chính ta, làm lại xứ sở ta ra sao? Theo tôi, trong tất cả những vấn đề lớn của một xã hội như thế, thì có vấn đề tiếp nhận [văn hóa nước ngoài ]mà mọi người cần phải quan tâm, tìm cách đánh giá lại, vì nó sẽ là một yếu tố thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.



TK: Vậy thì trước tiên xin anh một cái nhìn sơ bộ về hiện tình tiếp nhận văn hóa nước ngoài hiện nay ở Việt Nam.

VTN: Nhìn qua bề ngoài đã thấy ngay là khá hỗn loạn. Ðối với một người ở lứa tuổi như tôi (năm nay hơn 60), khi nhớ lại Hà Nội những năm chiến tranh, thì hình dung ngay là đất nước thu mình lại, khép kín, không quan hệ với ai, không có khách nước ngoài trên đường, trên báo chí gần như không có tin tức quốc tế, trong văn chương việc dịch và giới thiệu nước ngoài rất hạn chế. Ngày nay thì cởi mở hơn: hằng ngày chúng tôi được tiếp xúc với những tin tức mới nhất của nước ngoài về chính trị, xã hội, về văn hóa. Giải Nobel vừa công bố chúng tôi biết ngay. Giải Oscar được truyền hình trực tiếp. Hằng ngày trên màn ảnh Hà Nội, đầy rẫy phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc... có khi cùng một lúc mở hai ba kênh thấy cùng là phim nước ngoài cả! Rồi nó ảnh hưởng vào đời sống hằng ngày. Dưới chân các cô gái Hà Nội là đủ loại giày dép đủ loại guốc của thế giới, nhìn thấy lạ, hỏi kỹ thì ra mới du nhập, nói nôm na là được nhặt nhạnh từ đủ mọi khu vực mọi xứ sở mà ngẫu nhiên họ được biết. Quần áo ăn mặc cũng thế. Mới đây tại một vùng ngoại thành Hà Nội tôi đang sống cũng có cửa hàng chụp ảnh kiểu Hàn Quốc. Học sinh, sinh viên, qua phim ảnh, thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử nước mình. Thậm chí tôi còn muốn nói là trong tâm lý con người – trước tiên là người trên đất Hà Nội, nơi tôi cũng đang sống – có một sự vọng ngoại sâu sắc. Nếu có ai đó ở chỗ riêng tư thử khái quát “cái gì của nước ngoài chẳng tốt hơn của mình?!” thì dường như ai cũng nghĩ là “chuyện đương nhiên, “ “nói cứ như thật”, không ai phản đối.

Nhưng đó chỉ là một phần sự thực. Ðồng thời với lối vọng ngoại đến không thể chấp nhận được thì trong tâm lý con người lại có một sự từ chối. Thực chất là bên trong vẫn có cái vẻ ngập ngừng e dè khi xem xét người, rồi dẫn đến co lại, khép kín. Có lẽ là do tự ti, lại do choáng ngợp trước một thế giới xa lạ nên rất sợ bị cuốn theo người ta. Phải cố gồng mình lên mà chống đỡ, tuy lại thừa biết là không chống lại nổi. Và sự tự ti này dẫn tới những nỗ lực tự tô vẽ ngây thơ, một thứ tự tôn kỳ cục. Trên các tài liệu chính thức hoặc trong các bài học ở nhà trường, yếu tố bản địa, bản sắc luôn luôn được nhấn mạnh. Ngụ ý đằng sau sự nhấn mạnh đó: chúng ta chỉ kém người về kinh tế thôi, chứ không kém gì về văn hóa; ta giao lưu đàng hoàng; ta đứng ngang hàng với thiên hạ. Vừa nói vấn đề hòa (= hội) nhập xong thì phải lập tức nói ngay là “hòa nhập chứ không hòa tan”. Tôi cho rằng những cái đó nó biểu hiện một tâm lý văn hóa chưa trưởng thành, nếu nhìn xa hơn nữa thì có thể nói rằng đó là do xã hội hôm nay không có khả năng tự nhận thức về mình. Không sử dụng được những tiêu chuẩn chung của thế giới. Tự hạ thấp chuẩn mực xuống, để có “số đo” không kém gì người. Của người ta một thước là 100cm thì của mình có khi một thước chỉ là 80cm, có khi 70cm thôi! Tức là tự tạo ra những tiêu chuẩn riêng cho mình, coi mình như một ngoại lệ. Việc nghiên cứu vừa thiếu xót vừa sai lệch. Sách báo tài liệu dịch, bề ngoài đôi khi có thể là cũng rất ồn ào, nhưng thực ra chỉ là một hình ảnh sai lạc về thế giới.

Việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở Việt Nam hiện nay tóm lại có thể quy vào mấy điểm: Thiếu một sự định hướng rõ ràng, thông minh, khoa học. Thiếu một trình độ đánh giá phân biệt tốt xấu nên nhiều khi cái hay không học, lại học cái dở. Vừa không muốn học người ta, lại vừa không thể bỏ được người ta. Dẫn đến tình trạng là nói một đằng làm một nẻo với nghĩa hằng ngày cứ bắt chước, hằng ngày cứ nói là giữ gìn bản sắc và đồng thời cứ học đòi học lỏm, việc học hỏi chắp vá nửa chừng đó không giúp chúng ta cải thiện tình hình của chính mình.



TK: Nếu tìm lại nguồn cội của tình trạng này thì có lẽ nó đã có từ lâu, từ những thế kỷ trước, từ khi chúng ta du nhập văn hóa Trung Hoa. Theo anh, chúng ta đã tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa như thế nào?

VTN: Câu chuyện này dài lắm, tôi chỉ xin nói sơ sơ mấy điểm. Trên đại thể, chắc chắn đây là một món nợ. Theo tôi sự  sòng phẳng với văn hóa Trung Hoa, bao gồm  phân biệt được cái nào của ta, cái nào ta ảnh hưởng, và cách ta ảnh hưởng (liên quan tới mấy chữ học lỏm học mót mà trên đây tôi vừa nói)  kể cái thói quen hồn nhiên “nhận vơ của người là của mình” đến nay còn khá phổ biến. Lại phải xem xét sự tiếp nhận này trên cái mạch của lịch sử của nó thì mới có thể nói là có những tiền đề để ta có được sự tự nhận thức cần thiết. Chưa tách mình khỏi thế giới Trung Hoa, thì mọi chuyện còn là khổ là lúng túng, thậm chí tôi còn muốn nói là ta sẽ chưa nên người để sống đàng hoàng với thế giới.

Tạm nêu lên một số khía cạnh cụ thể. Trong quan hệ với văn hóa Trung Hoa, tôi thấy cái gì ta cũng học mà lại chỉ học được cái phần nông nổi bề mặt, bởi vậy đã học rất nhiều rồi mà xem kết quả lại thấy quá ít và điều đáng sợ nữa là cứ bị ám mãi bởi những cái dở của người ta. Trước tiên chúng ta không học được cách tổ chức xã hội của họ, cũng như không học được văn hóa xây dựng quốc gia của họ. Trong việc quản lý cộng đồng người  Việt còn bị ám ảnh bởi những kinh nghiệm quản lý làng xóm mà còn rất hạn chế chưa vươn tới được khả năng quản lý cả quốc gia xã hội .Người Tàu không những giỏi về chinh chiến mà còn giỏi cả kinh tế nữa, còn nghề buôn bán ở ta thì quá non nớt. Quay lại việc tiếp nhận tư tưởng, khi học đạo Nho những cái học ở ta phần nhiều là phần ngọn, các giáo điều này được ta áp dụng triệt để nhưng đạo Nho còn có những khía cạnh rất tốt đẹp, ta chưa biết tới.  Chữ Nhân trong đạo Nho  vốn không chỉ là lòng nhân từ mà còn là cả một quan niệm về con người, chữ Lễ gắn liền với tinh thần kỷ cương trật tự... – những cái đó chưa được mang vào cuộc sống  Thuyết chính danh trong đạo Nho vốn rất quan trọng. Xét một câu “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” đằng sau cái nghĩa cụ thể “vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha và con phải ra con”, theo tôi hiểu ở đây người ta còn muốn nhấn mạnh: cái gì cũng phải được quy phạm hóa, phải đạt tới chuẩn mực. Mà cái đó ta không học được, thậm chí người Việt phần lớn là làm ngược, là phi chuẩn. Cái gì chúng ta cũng là chín bỏ làm mười, thậm chí năm sáu cũng là mười, ba bốn cũng là mười. Với tinh thần thực sự cầu thị của Khổng tử, ta cũng xa lạ lắm. Gần đây nhiều người hay nói đến tinh thần “tôn sư trọng đạo” một cách rất thô thiển,  coi thầy là cái đích học trò lẽo đẽo theo sau. Có nhiều anh em làm khoa học hôm nay thấy thầy sai cũng không dám nói. Sợ. Lảng. Bênh thầy bằng mọi giá, bênh liều, bênh lấy được. Đọc Luận Ngữ, sẽ thấy trong thiên Vệ Linh Công, có một câu rất hay: “Ðương nhân, bất nhượng ư sư” nghĩa là “làm việc nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường”. Thế tức là đặt vấn đề khoa học lên trên vấn đề thầy trò, hơn cả vấn đề tình nghĩa. Tôi cho đó là một cái gì rất đáng để cho những người làm công tác nghiên cứu và giáo dục hiện nay lưu ý, để tránh tinh thần bảo thủ lạc hậu: người sau nem nép đứng sau người đi trước, không bao giờ dám tự tin và đổi mới gì cả.

Ngoài nội dung cụ thể  các phương thức học hỏi Trung Quốc ở ta cũng đơn giản nghèo nàn,  khiến cho  khó lòng có sự tiếp nhận tốt. Theo tôi biết, ví dụ như Nhật chẳng hạn, học Trung Quốc là họ sang tận nơi họ học, lấy bằng rồi họ mang về nước thực hiện đúng như thế đã, rồi sau đó họ mới làm khác đi. Nghe nói là giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời xưa còn có cả một con đường sách, giống như con đường tơ lụa, chỉ khác là một đằng trên biển, một đằng trên bộ. Còn ở ta thì những kinh nghiệm học Trung Quốc thường là qua những ông quan đi sứ, đi sang bên ấy, học ké học tắt, học không đến nơi đến chốn, rồi về nhà áp dụng thì lại tam sao thất bản đi một lần nữa. Tôi nhớ, lâu rồi, giáo sư Trần Ðình Hượu đã nói đại ý chúng ta ở với người Trung Quốc lâu thế mà nước ta không có ai giỏi về Trung Quốc học, thực chất là không có một khoa Trung Quốc học ở Việt Nam. Tôi cho đây là một khái quát có thể mở rộng: Chúng ta đi ra với thế giới mà chẳng hiểu gì về thế giới cả!

TK: Sang đến thời kỳ Pháp thuộc, anh nhận thấy những đặc điểm gì trong sự tiếp nhận nền văn minh Tây phương của chúng ta?

VTN: Trong thời gian đầu, khi những người phương Tây mới đến Việt Nam, thì chúng ta có một thái độ kỳ thị lạ lùng, coi rằng họ là một cái gì man di mọi rợ, phi văn hóa, bởi bấy giờ chúng ta chỉ biết Tàu thôi và không biết đến cái gì khác cả (riêng một cuốn sách như Tây dương gia tô bí lục đã là một bằng chứng thú vị). Sau này, khi nền thống trị của người Pháp đã được xác lập và chúng ta phải chấp nhận sự chuyển đổi sang nền văn hóa theo kiểu phương Tây, cũng đã thấy có nhiều cái tiếp thu thông minh, nhạy cảm, có những thành tựu như của Thơ mới hay của tiểu thuyết, là những cái đến bây giờ còn có thể tự hào. Nhưng còn nhiều điều đáng lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn được. Ví dụ, theo tôi phải thấy ngay từ hồi ấy, sự tiếp nhận tư tưởng đã rất hạn chế, các nhà tư tưởng lớn của phương Tây chưa được dịch, được phổ biến từ đó tạo nên tình trạng thiếu cơ bản trầm trọng. Gần đây, tôi có đọc được vài cuốn lịch sử Trung Hoa họ viết cho các trường đại học hàng đầu của họ thì thấy việc tiếp nhận phương Tây được Trung Hoa tiếp nhận rất bài bản. Có thời gian họ chỉ định tiếp nhận phương Tây về kỹ thuật về cách làm ăn kinh tế, tức là phần văn minh vật chất. Sau họ mới hiểu rằng thực ra phương Tây sở dĩ tiến mau hơn họ là trên phương diện tư tưởng. Xin chị nhớ cho là tôi vốn lớn lên ở Hà Nội. Suốt thời trẻ tôi lớn lên theo tinh thần bài bác văn hóa phương Tây và chỉ do tự học tôi mới biết thêm rằng thực ra trước 1945, chúng ta đã hiện đại  hay Âu hóa tới một mức đáng kể. Mãi tới 1989, cuốn Thi nhân Việt nam 1932 -41, mới được in lại công khai. Mà bọn tôi thường chỉ thích thú với lời bình của Hoài Thanh về từng giọng thơ.  Còn cái câu Hoài Thanh mở đầu công trình nổi tiếng ghi nhận: “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ (…) Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình như trước (…) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta” thì chúng tôi không biết và giá có biết thì cũng phủ nhận. Trở lại với tình hình tiếp nhận văn học phương Tây, ở đây  không phải chỉ có một mà là hai điểm nhấn. Đỉnh cao Thơ mới thì đã rõ rồi. Nhưng tôi cho rằng chính việc tiếp nhận và đổi mới văn xuôi mới thực sự mang lại cho đời sống văn học Việt Nam thế kỷ XX một bộ mặt hiện đại,  trong đó việc tiếp nhận những ảnh hưởng tiểu thuyết khá tiêu biểu. Do chỗ thấy ngay rằng đây là một công cụ có thể giúp cho việc giáo dục dân chúng, tổ chức xã hội, cho nên những người cầm bút nhanh chóng học “làm” tiểu thuyết. Thế nhưng ở đây cũng lại bộc lộ một tinh thần thực dụng rõ rệt, tức là cắm cúi mà học, học vội học vàng, học không bài bản, không chú ý gì đến lý luận cả. Vừa đây tôi có viết một bài về Nguyễn Công Hoan và thể tiểu thuyết, in trên tạp chíNghiên cứu văn học.  Tôi chợt nhận ra tác giả Bước đường cùng lạ lắm, lúc nào cũng thích tự nhủ người Việt thì phải viết theo kiểu Việt, để rồi vừa đọc qua mấy quyển tiểu thuyết loại như của Alexandre Dumas đã thấy “nắm” được, thế là bỏ dở không đọc nữa, xoay đi viết. Về già, trong hồi ký, chính Nguyễn Công Hoan cũng nhận là “dạy non” tức là chưa thuộc, thì đã bắt đầu vào làm, và làm với một tâm thế tự tin quá mức. Ðây không phải trường hợp riêng của Nguyễn Công Hoan mà là của nhiều người khác. Thành thử tiểu thuyết của chúng ta như chữ của Nguyễn Triệu Luật trong một bài viết trên tờ Tao đàn 1939, phần lớn chỉ là loại tiểu thuyết của “phường coi cổng”, tiểu thuyết bình dân được nâng lên một tí. Với một thể loại được nhập từ ngoài vào thường chúng ta chỉ tiện tay khai thác sử dụng, chứ chưa tiếp nhận có bài bản, chưa lo dựng tạo cho được một sắc thái riêng đặc trưng cho tiểu thuyết người Việt.

TK: Nếu so sánh thái độ của người Việt và của người Nhật đối với Tây phương, thì anh thấy khác nhau như thế nào?

VTN: Mấy năm trước tôi có được đọc một tài liệu của một nhà nghiên cứu người Việt ở Canada là ông Vĩnh Sính, ông ấy so sánh một người như Phan Bội Châu với một nhà cách tân Nhật Bản là Fukuzawa Yukichi (1834- 1901) ở khía cạnh nhận thức của Phan Bội Châu và Fukuzawa về người nước ngoài, – theo tôi hiểu, cái nhận thức đó, nó quyết định toàn diện hành động và hướng làm việc, hoạt động của hai người. Theo sự mô tả của Vĩnh Sính, những người như Phan Bội Châu quan niệm thế này: Người nước ngoài đến Việt Nam, là không thể được, với bất cứ giá nào, ta cũng phải đánh bật họ đi. Phải dùng mọi biện pháp, mọi phương tiện để giành lại độc lập. Ngược lại, Fukuzawa nghĩ, khi có người nước ngoài đến mình mà mình thua, như thế tức là văn hóa mình, đất nước mình, nó có vấn đề. Và ông nhận thức rằng những người nước ngoài ấy, trước sau sẽ là bạn của mình, trước sau sẽ phải quan hệ với họ, cho nên ta phải tìm hiểu lý do tại sao họ thắng ta. Chính cái việc tìm ra lý do như thế nó sẽ hướng chúng ta vào việc việc học hỏi người ta một cách nghiêm túc, rồi đổi mới xã hội. Mà trước tiên là tự hiểu mình, có cách ứng xử hợp lý thích hợp với nhu cầu của mình. Từ đó mục đích cuối cùng là cứu nước vẫn bảo đảm, mọi mối quan hệ bình thường đối với người ngoài vẫn duy trì, đồng thời tránh được tất cả những mất mát không cần thiết. Có thể nói ở Nhật việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài luôn được thúc đẩy một cách mạnh mẽ, nó làm giàu cho dân tộc Nhật, đồng thời làm cho nước Nhật có thể thích ứng với thế giới.



TK: Từ sau 1945, việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài bước qua một giai đoạn khác, theo sự tìm hiểu của anh ở thời điểm ấy có những chuyện gì đáng nói?

VTN: Trong phạm vi cuộc sống ở miền Bắc, tôi đã có để ý chuyện này và cố tìm hiểu cả các nguồn tài liệu trực tiếp cũng như gián tiếp. Nói cụ thể là tôi muốn trở về với việc tiếp thu văn hóa nước ngoài ngay từ thời ở Việt Bắc. Hồi ông Huy Cận còn sống, có lần tôi đã nói với tác giả Lửa thiêng: “Chính các anh đi kháng chiến chống Pháp bằng văn hóa Pháp”. Tại sao tôi nói thế? Bởi vì cứ xem tờ Văn Nghệ làm trong kháng chiến thì nó có khác gì những tờ Phong Hóa, Ngày Nay làm trước 1945 đâu? Nhìn chung rất nhiều hoạt động văn hóa lúc bấy giờ chẳng qua là áp dụng những bài học chúng ta đã học được từ nền văn hóa Pháp.

Với kháng chiến, một vấn đề mới nảy sinh: phải viết về đánh nhau, là chuyện trước đó ta chưa quen. Lập tức có sự chuyển hướng, tức là học theo người Nga, học theo sách báo Xô Viết, mặc dù lúc bấy giờ chưa biết tiếng Nga, phải “ mượn đường” qua tiếng Pháp. Hồi làm việc ở tạp chí Văn Nghệ quân đội, tôi nhớ anh Vũ Cao hay kể cho tôi nghe chuyện những năm 48-49. Trên Việt Bắc, chỗ anh ấy có một số sách Pháp lấy được ở Hà Nội lên, thế là Nguyễn Ðình Thi bên Hội Văn Nghệ phải vác ba-lô đến ở chỗ Vũ Cao đọc cho bằng được mấy quyển như là Paris sụp đổ, như là Cơn bão táp của Ehrenbourg... để học cách viết về chiến tranh của người Xô-Viết, từ đó mà có những sáng tác phục vụ kháng chiến. Thày Huỳnh Lý khi giảng cho chúng tôi về văn học 1945-60 ở trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội cũng nói đại ý: Không có những Ðợi anh về của Simonov hay thơ của một số nhà thơ Tây Ban Nha thì chúng ta khó mà có những bài thơ kháng chiến chống Pháp như đã biết. Nếu không có những cuốn như Tinh cầu của Kazakevich chẳng hạn, thì không thể có Trước giờ nổ súng của Lê Khâm. Thế tức là việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài, ngay trong những ngày đầu khói lửa chiến tranh chống Pháp đã có, và sau này lại tiếp tục. Chỗ này phải nhận dân viết văn ở mình nhạy bén lắm, thấy cái gì cần là học ngay, chẳng ngần ngại gì cả.



TK: Còn tới giai đoạn miền Bắc tiếp thu văn hóa Nga Xô Viết ồ ạt như thời 1954-65, cảm tưởng của anh ra sao?


VTN: Phải nói ngay là trong giai đoạn 54-65 này, hoặc một giai đoạn ồ ạt hơn là khoảng 1980-1990, chúng ta cũng đã có sự tiếp nhận ồ ạt , mà đến nay không sao có thể lặp lại được.  Nhưng nói như thế không có nghĩa ta đã làm tốt, vẫn còn hiện tượng cái dở thì vào rất nhanh mà cái hay thì lại lảng tránh và chỉ hiểu một cách thô thiển  và không tiếp nhận được, đến mức mà có khi người ta đã bỏ đi rồi, mình lại nắm lấy học theo và chính cái đó nó làm hại mình. Trong những câu chuyện liên quan tới việc tiếp nhận văn học Nga Xô Viết, gần đây một anh làm nghiên cứu văn học Xô Viết là Phạm Vĩnh Cư, có nói đại ý: Nhìn vào cách của mấy nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari... thì rõ ràng họ rất có bản lĩnh. Họ biết phân biệt trong văn học Xô Viết, cái gì hay, cái gì lâu dài thì họ nhận lấy, còn những gì chỉ là tuyên truyền nhất thời thì họ từ bỏ, nếu buộc phải dịch họ chỉ làm qua loa cho xong. Còn ở ta, nói chung, tôi thấy ít ai có can đảm chọn lọc, cứ cái gì mà giới quan chức văn học Xô Viết bảo là hay thì ta dịch và làm theo. Cho nên bây giờ chúng ta vẫn cứ còn loạng choạng thế này.

(còn một kỳ nữa)
V.T.NHÀN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: