Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

BÂY GIỜ LÀ CÁ, SAU NÀY LÀ CON CHÁU ĐỒNG BÀO TA!


Di họa Formosa 50 năm

BÂY GIỜ LÀ CÁ, SAU NÀY LÀ CON CHÁU ĐỒNG BÀO TA!

Ai dám chắc rằng, những chất cực độc kia không theo các dòng biển chảy xuôi vào Huế, Đà Nẵng... không dạt ra ngoài khơi xa nơi những ngư dân Thanh Hóa, Nghệ An thường đánh cá? Ai dám chắc rằng những sinh vật biển hấp thu những kim loại nặng của Formosa thải ra, để rồi không chết như những chú cá kia mà dặt dèo sống, chúng sẽ vượt sóng, đến các ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh- Bình Thuận - Vũng Tàu...? Những sinh vật này sẽ sinh sôi nảy nở để rồi một ngày đẹp trời nào đó, chúng theo tàu thuyền của ngư dân vào bờ, cập bến các khu chợ tấp nập người mua. Người ta sẽ được thưởng thức những món hải sản hảo hạng mà không biết rằng mình đang được ăn những giọt thủy ngân đậm đặc nhất.


Ai dám chắc rằng, mấy trăm triệu tấn cá chết ở Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên hôm nay không theo chân các nhà buôn để vào các xưởng chiết xuất nước mắm, những chú các kia không được người dân phơi khô, để rồi một ngày đẹp trời nào đó, chúng trở thành những món mồi thơm phức trên bàn nhậu.

Ai dám chắc rằng những giọt nước biển hòa lẫn thủy ngân và kim loại nặng kia sẽ không thành những giọt muối cho đồng bào vùng cao?

Thảm họa Minamata là bài học đắt giá cho những ai còn coi thường mẹ thiên nhiên, coi thường môi trường sống của mình. Sau hơn nửa thế kỷ, những di chứng của Minamata vẫn còn khi hàng trăm ngàn em bé sinh ra phải chịu di chứng của thảm họa.

Rồi đây, liệu có còn nước nào dám nhập khẩu hải sản Việt Nam, mặt hàng vốn được xem là đóng góp nhiều cho nền kinh tế nước nhà. Dẫu biết rằng để lọt vào hệ thống thực phẩm của các nước tiên tiến là cả một quy trình kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt, nhưng liệu họ có dám ăn những đồ ăn ở xứ mang tiếng là nhiễm độc kim loại nặng? Liệu du khách có dám đến Lăng Cô để rồi tạt qua Bán đảo Sơn Trà hóng mát. Có còn du khách nào dám ghé Việt Nam tắm biển vào những ngày hè oi bức?

Ai, ai sẽ chịu trách nhiệm trước những ngư dân trắng tay sau mỗi lần đi biển. Ai sẽ cứu họ khi tôm cá thu về ế ẩm người mua?

Giám đốc đối ngoại Formosa mạnh mồm thách thức rằng, phải chọn hoặc là tôm, cá hoặc là gang thép. Hỏi xem định mệnh nào đã khiến Dân tộc vốn kiên cường, bất khuất này phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã đến vậy? Chúng tôi, một nước còn nghèo, đương nhiên phải cần nhiều gang thép cho nền kinh tế quốc dân. Nhưng thứ gang thép chúng tôi đang chọn là thứ gang thép mà Úc, Đức... đang làm. Chúng tôi cần gang thép cho hôm nay nhưng cần hơn biển cả, tôm cá cho con cháu đời sau. Chúng tôi không muốn trở thành bãi rác cho những kẻ có tiền, cho những nhà buôn đểu giả.

Trung Quốc trong những năm gần đây đang phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhất khiến người dân phải nhập khẩu không khí sạch từ Canada là một minh chứng cho đường lối phát triển thiếu bền vững.

Giờ thì cái giá 90 tỷ cho 70 năm tiền thuê đất của Formosa không còn được định giá đắt rẻ nữa. Cái giá phải trả cho Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung là vô cùng vô tận. Giờ là lúc phải xác định xem ai là người chịu trách nhiệm cho thảm họa này, cho những hậu quả mà nó sẽ để lại cho sinh thái, con người, cho con cháu đời sau?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: