Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Xây được đảo ở bãi cạn Scarborough, TQ sẽ kiểm soát cả biển Đông


Hải Võ
Xây được đảo ở bãi cạn Scarborough, TQ sẽ kiểm soát cả biển Đông

Trung Quốc chỉ trích Mỹ "quấy rối tình hình biển Đông" vì cho chiến đấu cơ bay qua vùng biển gần bãi cạn Scarborough khi mà Bắc Kinh "chưa có dấu hiệu tiến hành xây đảo nhân tạo".

Trung Quốc phủ nhận kế hoạch ở bãi cạn Scarborough
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ thông báo, bốn máy bay A-10C Thunderbolt II cùng hai máy bay trực thăng HH-60G Pave Hawk của Mỹ đã xuất phát từ căn cứ không quân Clark,Philippines và bay thị sát không phận quốc tế gần bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham) từ tay Philippines vào năm 2012.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 25/4 đưa tin Trung Quốc có kế hoạch bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo cùng đường băng và các cơ sở hạ tầng tại bãi cạn Scarborough.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ thông tin này. Bà Hoa cho biết "chưa từng nghe nói đến tình hình liên quan".
Dù vậy, bà vẫn tuyên bố bãi cạn Scarborough/đảo Hoàng Nham "là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc" và yêu cầu Mỹ cùng đồng minh nên "biết điều".

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) cùng người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin bắt tay trên máy bay trực thăng V-22 Osprey của Mỹ, sau khi thăm tàu sân bay USS John C. Stennis trên biển Đông hôm 15/4. (Ảnh: BQP Mỹ)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) cùng người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin bắt tay trên máy bay trực thăng V-22 Osprey của Mỹ, sau khi thăm tàu sân bay USS John C. Stennis trên biển Đông hôm 15/4. (Ảnh: BQP Mỹ)
Xây đảo nhân tạo ở Scarborough là kiểm soát toàn bộ biển Đông
Hồi đầu tháng 4, các quan chức cấp cao Hải quân Mỹ cho biết 1 tàu quan trắc của Trung Quốc đã xuất hiện gần khu vực bãi cạn này.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 24/4 đưa tin, các tàu Cảnh sát biển nước này đã gia tăng tuần suất các cuộc tuần tra gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thời gian qua.
Mặc dù ngư dân nước này khẳng định từng chứng kiến 5 tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực trên, nhưng Bộ quốc phòng Philippines cho biết không nhận được báo cáo liên quan.
Bộ này cũng nói rằng việc 5 tàu Trung Quốc cùng tới bãi cạn Scarborough sẽ là một động thái bất thường.
Tạp chí National Interest (Mỹ) đánh giá, nếu Trung Quốc xúc tiến kế hoạch xây đảo nhân tạo ở bãi cạn trên thì sự hiện diện quân sự của nước này có thể được mở rộng ra toàn bộ khu vực biển Đông, tạo thành sức ép lớn về chiến lược đối với Mỹ và Philippines.
Nói cách khác, nếu kiểm soát quân sự đối với bãi cạn này, Trung Quốc gần như có thể kiểm soát thực tế toàn bộ diện tích biển Đông, bởi đến nay Bắc Kinh đã ngang ngược tiến hành quân sự hóa (trái phép-PV) trên nhiều đảo, đá ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

(Ảnh: Mạnh Quân)
(Ảnh: Mạnh Quân)
Phó giám đốc Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế (Trung Quốc) Nguyễn Tông Trạch gọi vụ việc 6 máy bay quân sự Mỹ bay gần bãi cạn Scarborough là "làm tình hình biển Đông thêm tồi tệ".
Ông Nguyễn cho rằng, Mỹ đang cố gắng áp dụng biện pháp "tiên hạ thủ vi cường", gây sức ép để buộc Bắc Kinh phải ngưng ý định bồi lấp bãi cạn.
Nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc Hứa Lợi Bình cho rằng, việc máy bay Mỹ tuần tra gần bãi cạn Scarborough là hành động để chứng minh Washington tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Philippines tại đây.
"Mỹ muốn thể hiện cho Manila thấy họ là người bạn đáng tin cậy. Nhưng đây là một tín hiệu hết sức sai lầm gửi đến xã hội quốc tế," ông Hứa nói.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã bình luận trên Hoàn Cầu, chỉ trích Mỹ đang đóng vai "kẻ gây rối" ở biển Đông khi "thách thức, gây rối" trong khi Trung Quốc còn chưa khởi động dự án xây đảo ở bãi cạn Scarborough.
Tạp chí Air Force Times (Mỹ) đánh giá, việc Mỹ để lại 5 chiếc A-10C và 3 chiếc HH-60G ở lại căn cứ không quân Clark sau khi kết thúc cuộc tập trận chung Balikatan 2016 "sẽ thắt chặt quan hệ với Manila, nhưng nhiều khả năng làm Bắc Kinh nổi giận".

Tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây của Việt Nam. (Ảnh: iFeng)
Tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây của Việt Nam. (Ảnh: iFeng)
Thời cơ để xua đuổi "tiền đồn" của Philippines
Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, thái độ cứng rắn từ Mỹ và Philippines đang tạo cho Bắc Kinh cái cớ để hợp thức hóa các hành động kiểm soát thực tế bằng quân sự đối với Scarborough.
Theo Đa Chiều, bước tiếp theo Trung Quốc có thể hành động là "hất" BRP Sierra Madre, con tàu rỉ sét của Philippines mắc cạn ra khỏi bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) từ năm 1999.
Con tàu này đã được quân đội Philippines tu sửa, gìn giữ và tiếp tế đều đặn, coi đó như một "tiền đồn" để chống lại Trung Quốc.
Vấn đề tàu Sierra Madre cũng là một trong những mâu thuẫn gay gắt nhất giữa Bắc Kinh và Manila.
theo Thế giới trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: