Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Địa chính trị trong chiến tranh Việt Nam


Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi những đoàn lính của miền Bắc Việt Nam chiếm giữ Sài Gòn, những chiếc máy bay trực thăng cũng đang đưa những người Mỹ cuối cùng trở về nước từ nóc tòa nhà đại sứ quán của họ – một thất bại không thể quên được của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á với hơn 58.000 lính Mỹ hi sinh.



Image Credit: manhhai via Flickr.com
Trong khoảng thời gian từ 1963 tới 1975, James Burnham thường dành chuyên mục thường kỳ 2 tuần một lần của tạp chí National Review cho một phân tích địa chính trị của cuộc chiến trong một bối cảnh của một cuộc chiến lớn hơn giữa phương Tây và liên bang Xô-viết. Giờ đây, sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhìn lại những bài viết đó chúng ta lại nhìn thấy những điều thú vị, có lẽ vì hơn hẳn các nhà quan sát cuộc chiến đương thời, Burnham thường đưa ra nhiều nhận định chính xác về cuộc chiến.

Sinh ra tại Chicago vào năm 1905, Burnham, con trai của một doanh nhân đường sắt, đã vào học tại trường Princeton và Oxford trong những năm 1920, sau đó giảng dạy tại đại học New York từ những năm 1930 (khi đó ông rất ngưỡng mộ học thuyết Marx) cho tới tận những năm đầu 1950, và sau đó lại làm chuyên gia phân tích cho OSS (Văn phòng chiến lược, tiền thân của CIA) trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và làm cố vấn cho CIA trong những năm đầu của cuộc chiến tranh lạnh. Ông đã viết 12 cuốn sách, và phụ trách chuyên mục và làm biên tập viên cho National Review cho tới tận khi mất sức vì một cơn đột quỵ vào năm 1978. Ông mất vào năm 1987, hưởng thọ 82 tuổi.

Trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông – The Managerial Revolution, The Struggle for the World, The Coming Defeat of Communism, Containment or Liberation?, và Suicide of the West – Burnham đã mô tả một cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo thế giới một mất một còn giữa Hoa Kỳ và Xô-viết, hệt như hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20. Và thực ra ngay câu đầu tiên của cuốn The Struggle for the World, ông đã gọi cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Xô-viết là “chiến tranh thế giới thứ 3”. Câu nói này sau đó trở thành tựa đề của cột National Review mà Burnham bắt đầu viết vào tháng 9 năm 1955. Năm 1970, ông đổi tiêu đề này thành: “Cuộc giành giật dai dẳng”.

Burnham hiểu điều này bởi vì một sự thật hiển nhiên về sức tàn phá khủng khiếp chưa từng có của bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ 3 có thể sẽ không xảy ra bởi cuộc đọ vũ khí giữa quân đội Hoa Kỳ và Xô-viết trên các khu vực giao tranh chủ chốt như châu Âu hay Viễn Đông, mà thay vào đó giao chiến sẽ chỉ xảy ra ở những vùng xa xôi hẻo lánh nơi có mặt của hoặc Hoa Kỳ, hoặc Xô-viết. Thật vậy, một trong những chỉ trích chính của Burnham nhằm vào chính sách kiểm soát của Hoa Kỳ đó là việc Hoa Kỳ thất bại trong việc phản kháng lại những sự tấn công quân sự và chính trị một cách gián tiếp của Xô-viết tại những khu vực ít phát triển hơn- và cuộc chiến tranh Việt Nam chính là một trong số đó.

Cái giá của Đông Nam Á là gì?

Burnham xem chiến tranh Việt Nam như là một phần của cuộc tranh chấp lớn hơn trong việc giành lấy sự kiểm soát tại khu vực Đông Nam Á và sự chiếm ưu thế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bài đăng ngày 13 tháng 3 năm 1962, Burnham nhận diện lực lượng quân đội cộng sản tại Lào và miền Nam Việt Nam chính là lực lượng đại diện cho quyền lợi của cộng sản Bắc Việt Nam, Trung Quốc và Xô-viết. Mục tiêu của cộng sản lúc đó là thiết lập được kiểm soát trên toàn bán đảo Đông Dương và mở rộng ảnh hưởng tới dải Malacca và quần đảo Indonesia…và khi đó sẽ thống trị đường giao thương tại biển Đông, cùng lúc đó đe dọa được Ấn Độ, Úc và phòng tuyến xa của phương Tây.

Burnham thừa nhận học thuyết domino được đưa ra bởi Giám đốc OSS Tướng William Donovan trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, như ông viết trong số ra ngày 2 tháng 6 năm 1964. Việc mất Đông Dương vào tay cộng sản gây nguy hiểm tới vị trí của phương Tây tại toàn bộ Đông Nam Á và xa hơn nữa. “Tuyến phòng thủ đầu tiên của đất nước ta – phòng tuyến chiến lược của phương Tây- là vòng cung lớn, dễ dàng nhìn thấy trên bản đồ,” Burnham giải thích, “nó chạy từ Alaska xuống Bắc Hàn, Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan, Đông Nam Á và Philippines, và cuối cùng, sau khoảng trống trải nguy hiểm mà hiện được đánh dấu bởi Indonesia, là neo phía Nam tại Úc.” Nếu Hoa Kỳ thua trận chiến tại Việt Nam và các domino bắt đầu sụp đổ thì phòng tuyến của chúng ta chẳng sớm thì muộn cũng sẽ phải lùi quay lại Hawaii, quay trở lại chính bờ biển Tây của chúng ta…” Mối nguy hiểm lớn ở đây chính là việc thất bại tại Việt Nam có thể dẫn tới sự rút lui chiến lược trên toàn châu Á và Thái Bình Dương.

Trong bài báo số ra ngày tiếp theo (20 tháng 11 năm 1964), Burnham đã bác bỏ luận điểm cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam chỉ là một vấn đề địa phương, cục bộ. “Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, tây Thái Bình Dương và Biển Đông,” ông viết. Nếu Hoa Kỳ rút lui khỏi trận chiến này, “chúng ta sẽ cho thấy sự bất lực trong vai trò một người phòng thủ. Điều chắc chắn sẽ xảy ra ngay tiếp theo đó là cả một vùng rộng lớn, biển và đất, sẽ trở thành căn cứ điểm của đối thủ.” Ông viết thêm trong số ra ngày 23 tháng 3 năm 1965: “Quân lực Hoa Kỳ có mặt tại miền Nam Việt Nam bởi vì chính “sự an toàn của chúng ta” đang bị đe dọa. Lợi ích của Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu Cộng sản chiếm lĩnh được Đông Nam Á và Thái Bình Dương.”

Trong một số bài báo khác, Burnham đã nhận định rằng uy tín của Hoa Kỳ là một vũ khí lợi hại trên diễn đàn quốc tế của các cường quốc với trách nhiệm và cam kết toàn cầu. “Lợi ích của đất nước ta đang bị đe dọa tại Việt Nam,” ông viết tiếp, “bởi vì chúng ta đã tự đẩy nó vào vòng nguy hiểm…Cuộc chiến hiện tại đã trở thành một đòn thử quan trọng cho sức mạnh ý chí của chúng ta… Nếu chúng ta thất bại thì đó sẽ là một thất bại nặng nề, ê chề trước toàn thế giới bởi vì nó sẽ chứng minh cho cả thế giới biết rằng chúng ta là kẻ yếu hơn.” Trong những số báo tiếp theo, Burnham tiếp tục giải thích ý nghĩa của uy tín của một cường quốc là thế nào bằng cách đưa ra luận điểm rằng cho dù nếu lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ không tới từ chính vấn đề Việt Nam thì tình trạng cơ bản đã thay đổi từ khi nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến với quy mô lớn.

Chiến lược của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam có đúng hay không?

Một cường quốc bảo vệ lợi ích của nó và gìn giữ uy tín của nó thông qua ngoại giao và sức mạnh quân sự kết hợp bởi chính sách và chiến lược. Burnham là một nhà phê bình mạnh mẽ chính sách tự bó buộc đưa ra bởi Goerge F.Kennan trong năm 1947 và được áp dụng bởi các đời tổng thống Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson, và Nixon. Theo tranh luận của ông, tự bó buộc là một cách phòng thủ quá mức chiến lược nhằm chiến thắng trong cuộc giao tranh quốc tế trước sự bành trướng của đế chế Xô-viết trong việc kiểm soát trung tâm địa chính trị của đại lục Á-Âu. Ông đề xuất thay vào đó một chính sách thay thế về “giải phóng”, tức là Hoa Kỳ và đồng minh của nó sẽ hỗ trợ các cuộc công kích chính trị – tâm lý chống lại Xô-viết và đồng minh của họ, nhằm giải phóng các quốc gia khỏi vòng xoáy cộng sản.

Ngay từ tháng 3 năm 1962, Burnham đã cảm thấy rằng các nhà làm chính sách Hoa Kỳ vốn đã không hề được chuẩn bị để triển khai một chiến lược quân sự và chính trị nhằm giành phần thắng ở Đông Nam Á vì chính sự giới hạn vốn có của chính sách tự bó buộc. Ông cho rằng: “Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc tại miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ không tự giới hạn các hoạt động quân sự của mình trong miền Nam Việt Nam. Chúng ta lẽ ra phải mở rộng hoạt động sang Lào, Campuchia, Đông bắc Thái Lan- một cách quyết liệt – tới tận cả căn cứ của kẻ thù tại Bắc Việt Nam và Trung Quốc.” Nếu không làm thế thì rõ ràng Hoa Kỳ đang dần dần tiến tới một kết quả thảm hại.

Vào 29 tháng 1 năm 1963, Burnham bắt đầu bài báo của mình như sau:

Chúng ta đang thất bại một cuộc chiến nữa, lần này là tại Việt Nam. Hơn 10 nghìn người Mỹ đã bị mắc kẹt tại vùng đất lạ lẫm đầy đầm lầy cỏ dại, ruộng lúa miên man, rừng cây rậm rạp và những ngọn núi hùng vĩ. Hầu như ngày nào cũng có tên những lính Mỹ được ghi vào danh sách thương vong.

Theo nhận định của ông, những lãnh đạo của Bắc Việt Nam biết rằng Hoa Kỳ có năng lực quân sự đủ để xoá sổ Hà Nội khỏi bản đồ thế giới và cắt đứt giao tiếp của họ với Trung Cộng và Xô-viết. “Họ biết rằng Hoa Kỳ sở hữu những phương tiện có thể thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng họ tin rằng những hạn chế về chính trị, lý tưởng và đạo đức sẽ ngăn cản Hoa Kỳ sử dụng các phương tiện ấy… Có vẻ như càng ngày càng rõ ràng rằng chính sách và chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ sẽ chỉ dẫn tới thất bại mà thôi… Cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đang trở thành một cuộc chiến bẩn thỉu – cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Tới điểm kết thúc, nó sẽ chỉ càng bẩn thỉu hơn mà thôi.”

Vào ngày 8 tháng 10 năm 1963, Burnham đã tập trung vào những giới hạn quân sự tự bó buộc mà ông tin rằng chúng sẽ làm chiến thắng trở thành không tưởng. Những giới hạn đó tới từ những nỗi sợ có thể hiểu được về sự leo thang của cuộc chiến. Ông phê phán kịch liệt việc không cho phép các hoạt động quân sự tại Lào, Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Ông nhạo báng một cách công khai việc không sử dụng vũ khí hạng nặng (bao gồm vũ khí hạt nhân, sinh học và hoá học). Ông xót xa sự thật rằng “chúng ta chiến đấu với kẻ thù trên đất của họ và theo cách của họ.” Ông kết luận: “Cuối cùng, chúng ta sẽ rút khỏi Việt Nam và bỏ rơi Đông Nam Á.”

Tương tự như vậy, vào tháng 2 năm 1964, ông đã dự đoán rằng “cuộc chiến tại Việt Nam, giao tranh dưới những hạn chế chiến lược hiện tại, sẽ thất bại.” Hơn một năm sau (18 tháng 5, 1965), Burnham mô tả biện pháp quân sự yếu đuối của tổng thống Jonhson như một hành động hậu tập nhằm che đậy lại một sự rút lui chiến lược. Vào 13 tháng 7 năm 1965, ông phỉ báng việc “đánh bom xe, cầu và xí nghiệp trống rỗng,” và mô tả cuộc chiến như là một “cơn lốc hàng ngày cuốn trôi đi lính Mỹ, tàu Mỹ, máy bay, vũ khí, tiền Mỹ” đến một kết cục bi thảm.

Bài báo ra ngày 2 tháng 6 năm 1966 của Burnham thể hiện rõ nhất sự thất vọng của ông với “nhiều mặt giới hạn về vũ khí, chiến thuật và chiến lược” của quân lực Hoa Kỳ. Nhắc lại phê bình của Tướng Douglas MacArthur về những giới hạn áp đặt cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Nam-Bắc Hàn, Burnham đã viết, “Tổng thống lấy quyền gì để yêu cầu hàng trăm ngàn trai tráng Mỹ đi vào một vùng đất lạ lẫm và xa xôi nhất và chiến đấu dưới điều kiện chỉ có thể dẫn tới cái chết hoặc thương tích nặng, và cùng lúc đó không cho họ sử dụng vũ khí và phương pháp hiệu quả nhất lúc đó để đối đầu với quân địch?”

Khi Hoa Kỳ tiếp tục đổ nhiều tiền và máu vào Nam Việt Nam mà không hề thay đổi chiến lược, Burnham đã kết luận vào mùa xuân năm 1968 rằng tổng thống Johnson thật sự chỉ đang lao đầu vào chỗ bế tắc chứ không phải là chiến thắng, và thất bại mới thực sự là kết quả đang chờ ông ta.

Vào 28 tháng 4 năm 1972, Burnham đã cho ra mắt toàn bộ công trình của ông cùng với các cuốn sách ra mắt sớm về chủ đề Chiến tranh lạnh, liên hệ quân sự và những giới hạn chiến lược dẫn tới sự thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam với nhà tù chiến lược tự hạn chế của chính sách tự bó buộc.

Nếu Hoa Kỳ không chiến thắng, liệu một tình trạng hoà bình đạt được từ thương thảo có thể kéo dài?

Burnham đã nhận thấy trước hầu hết các quan sát viên rằng chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam không phải đang tìm kiếm một chiến thắng theo nghĩa thông thường, mà nhằm sử dụng sức mạnh quân sự kết hợp với ngoại giao để đàm phán một hoà bình vinh dự có thể bảo vệ được sự độc lập của Nam Việt Nam và bảo đảm được uy tín của Hoa Kỳ với tư cách của một cường quốc, tương tự như kết cục của chiến tranh Nam-Bắc Hàn. Từng là một người ủng hộ học thuyết Mác, tuy nhiên, Burnham đã hiểu được tâm lý của những người cộng sản Bắc Việt Nam tốt hơn các nhà chính trị Hoa Kỳ. Ông biết rằng Bắc Việt Nam chỉ chờ cho tới khi Hoa Kỳ rời khỏi miền Nam Việt Nam vì đối thủ của họ tại Đông Dương không phải là chiến trường mà tình trạng chính trị nội tại trong Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm 1968, Burnham đã cảm thấy rằng cộng sản đang từ từ chiến thắng. Họ đang lên kế hoạch nhằm đạt được chiến thắng, trong khi Hoa Kỳ thì tranh luận “chỉ đề làm sao có thể thoát khỏi trận chiến.” Trong số báo tiếp theo (tháng 4 năm 1969), Burnham đã nhận định rằng, khác với Hàn Quốc nơi Hoa Kỳ thắng sát nút và cho phép họ có một hoà bình vinh dự và kéo dài, tại Việt Nam, họ chẳng có cơ sở quân sự nào cho một giải pháp chính trị mà có thể ngăn chặn việc phản kích của cộng sản.

Gần 3 năm sau đó, tháng 2 năm 1972, trước thềm đề xuất tranh cử của tổng thống Nixon vì một hiệp định hoà bình, Burnham đã kết luận rằng Hoa Kỳ đã “thất bại trong cuộc chiến tại Đông Dương.” Ông gọi đề xuất của Nixon là một “sự đầu hàng”, và ông cũng giải thích rằng “Henry Kissinger đang đàm phán không phải cho một chiến thắng mà là một sự đầu hàng” tại Paris. Hai tháng sau đó, Burnham đã bôi bác chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” vì đã “cố gắng không để quân thù đạt được mục đích mà không cần đánh bại họ.” Burnham viết: “Đối với Richard Nixon, sự tồn vong của Việt Nam Cộng Hòa như một chính thể độc lập không quan trọng bằng sự rút lui của Hoa Kỳ và sự tái đắc cử của ông ta.” Trong số ra vào mùa hè ngay sau đó, Burnham đã nhận xét rằng, “một khi thủy quân, không quân Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến, miền Bắc Việt Nam sẽ chiếm thế thượng phong trước miền Nam, tức là miền Bắc sẽ có khả năng và sẽ thực hiện mục tiêu thôn tính miền Nam.”
Trong một bài báo đặc biệt đáng chú ý ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1973, chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Hoa Kỳ và miền Bắc Việt Nam ký vào hiệp định Paris nhằm kết thúc chiến tranh trước sự chứng kiến của đông đảo các quốc gia và quốc tế, , bằng giọng văn kiểu Churchill, Burnham đã viết rằng hiệp định này chẳng phải là một hiệp ước hoà bình hay một sự đình chiến, và nó không thể kết thúc cuộc chiến này được. Một tiêu đề hợp lý hơn dành cho hiệp định này đó là “Một nghi thức thoái chiến của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam.” Theo Burnham, khác với hiệp định đình chiến tại Hàn Quốc, theo như hiệp định Paris thì không hề có một khu vực phi quân sự để đánh dấu dải phân cách Nam Bắc Việt Nam. Thay vào đó, bản đồ của Đông Dương cho thấy các khu vực bị kiểm soát bởi Cộng sản, và sự kiểm soát của họ được xác nhận bởi hiệp định này, đã chỉ ra các vấn đề còn mơ hồ một cách rất rõ ràng. Khi giao tranh tại Việt Nam sẽ chỉ có vẻ sẽ tạm dừng lại cho tới khi Hoa Kỳ rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, ông giải thích, “ sẽ chẳng bao giờ Cộng sản Hà Nội từ bỏ mục đích giành lại quyền lực tại Nam Việt Nam.”

Một tháng sau đó, Burnham đã viết rằng “đối với Bắc Việt Nam, hiệp định ngừng bắn chỉ có ý nghĩa loại bỏ Hoa Kỳ, cũng như trước kia họ đánh đuổi Pháp vậy… Khi sức mạnh Hoa Kỳ biến mất, Cộng sản sẽ chiếm ưu thế tại Đông Dương.” Miền Bắc Việt Nam chắc chắn sẽ vi phạm hiệp định ngừng bắn, và Hoa Kỳ sẽ chỉ đứng nhìn từ xa mà không thể hành động được gì để củng cố hiệp định đã đạt được.

Bài học rút ra từ Đông Nam Á


Vào 27 tháng 4 năm 1973, Burnham đã cố gắng rút ra các bài học ý nghĩa từ thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thứ nhất, một quốc gia không theo đuổi mục tiêu nếu nó không sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để đạt được. Thứ hai, khi chiến đấu với một kẻ địch cam kết với một mục tiêu chính trị, chiến lược leo thang không có tác dụng. Thứ ba, quân đội Hoa Kỳ cần có một triết lý phù hợp cho những cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng. Thứ tư, những cuộc chiến như thế chỉ nên sử dụng lính chuyên nghiệp chứ không phải là lính nghĩa vụ. Thứ năm, khi một cường quốc phải chiến đấu với một sức mạnh nhỏ bé hơn nhiều, nó cần sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo để làm tê liệt đối phương và đạt được mục đích mà không cần đổ quá nhiều xương máu và tiền tài. Thứ sáu, một quốc gia không nên tham chiến nếu cho rằng nguy cơ leo thang thành thế chiến là quá lớn.

Bài viết cuối cùng của Burnham về thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam xuất hiện vào ngày 23 tháng 5, 1975, chỉ gần một tháng sau khi máy bay trực thăng Hoa Kỳ sơ tán nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn. Ông lo ngại rằng thất bại này sẽ là màn dạo đầu cho sự rút lui của đế chế Hoa Kỳ. Burnham giải thích, “Nếu xét trên mặt định lượng, thất bại của chúng ta tại Đông Dương chỉ là một sự kiện không đáng kể. Tầm quan trọng chiến lược của nó sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ phản ứng như thế nào tại châu Á, Thái Bình Dương, và những khu vực khác trên thế giới. Nhìn lại toàn cảnh, Burnham chỉ ra rằng sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Đông Dương đánh dấu điểm đầu của quá trình đảo ngược quá trình khuếch trương thanh thế Hoa Kỳ theo hướng Tây. “Một đường kẻ chiến lược dài, một khi bạn rút lui khỏi một điểm đóng quân những điểm khác sẽ bị đặt dưới sức ép lớn hơn.” Sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Đông Dương dễ dàng “dẫn tới sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Đông Nam Á.”

Bốn mươi năm sau, những phân tích về chiến tranh Việt Nam của Burnham đã chứng minh được tính đúng đắn. Tuy rằng không phải tất cả mọi dự đoán đều chính xác. Burnham đã đúng về những vấn đề chính. Ông hiểu đúng hoàn cảnh quốc tế; nhận định đúng lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực; nhận xét đúng về tầm quan trọng của uy tín đối với một cường quốc về sự cam kết toàn cầu; ông hiểu đúng động lực và mục tiêu của đối phương; nắm đúng và sớm hơn hầu hết mọi người về bản chất lỗi căn bản của chiến lược của Hoa Kỳ tại Đông Dương; và ông đã hiểu đúng được tác động ngay và luôn của cuộc chiến lên sự tiếp cận của Hoa Kỳ đối với thế giới.

Trước thềm cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã tạm thời rút lui khỏi cam kết quốc tế; giảm sức mạnh quân sự và khuếch trương đế chế; thụt lùi lại trong cán cân hạt nhân chiến lược so với Xô-viết; từ chối hỗ trợ các đồng minh lâu năm; và hứng chịu sự mất mát trong sức mạnh địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới. Nhà sử học vĩ đại người Anh, Paul Johnson, đã gọi thời đại này là “nỗ lực tự sát của Hoa Kỳ.”

May mắn thay Hoa Kỳ đã không hoàn toàn rút lui khỏi châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ngày nay, khi đang tranh đua quyết liệt với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể sử dụng những kiến thức của James Burnham cho mục đích của mình.

Francis P.Sempa là tác giả của Geopolitics: From the Cold War to the 21st Century(Transaction Books) và America’s Global Role: Essays and Reviews on National Security, Geopolitics, and War(University Press of America). Ông đã viết nhiều bài báo và nhận xét về các chủ đề chính sách đối ngoại cho Strategic Review, American Diplomacy, Joint Force Quarterly, the University Bookman, the Washington Times, the Claremont Review of Books, và nhiều tờ báo khác. Ông là Assistant U.S. Attorney của quận Trung Pennsylvania, giáo sư trợ giảng bộ môn khoa học chính trị tại Wilkes University, và là biên tập viên cộng tác cho American Diplomacy.

Francis P. Semba, The Diplomat
Lê Duy Nam chuyển ngữ
Tạp chí Phía Trước
Original Source: The Geopolitics of the Vietnam War - Francis P. Semba, The Diplomat
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: