Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Bhutan Và Mơ Ước Minh Quân Của Người Việt!



Mấy ngày gần đây, mạng xã hội ở Việt Nam rồ lên chia sẻ clip ngài thủ tướng Bhutan hùng biện trước đông đảo các anh chị Tây trắng Canada. Họ rồ lên chia sẻ xuýt xoa cũng có cái lí của họ. Lịch sử Việt Nam chưa từng chứng kiến một chính khách có tài hùng biện như thế. Ngài thủ tướng Bhutan nói năng trôi chẩy, thuyết phục, và không hề thiếu sự hóm hỉnh.
Tiếp theo sau clip, cư dân mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh vị quốc vương Bhutan cùng nhiều bài viết ca ngợi vị vua anh minh nhân từ. Nói không quá lời, cơn sốt về đất nước Bhutan không hề thua kém cơn sốt “hậu duệ mặt trời”, dĩ nhiên ở đẳng cấp sang trọng hơn. Những hình ảnh vị minh quân Bhutan giản dị hòa đồng với người dân đã khiến cư dân mạng xã hội Việt không tiếc lời ca ngợi và tỏ ý ngưỡng mộ nhiệt thành.
Đặc điểm nổi bật của Bhutan, khiến thế giới thích thú, tò mò, là tuyên bố của đấng quân vương: “Tổng hạnh phúc quốc dân (GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”. Và nhà vua đưa ra 4 tiêu chí làm căn cứ nhằm duy trì và phát triển GNH. Một trong bốn tiêu chí là “Bảo tồn văn hóa”, và một trong những phương pháp bảo tồn văn hóa là nói không với truyền hình bạo lực, nói không với MTV, Fashion TV, “Say No to Holywood Products” …
Khảo sát mới nhất cho biết, có tới 97% dân số Bhutan cảm thấy hạnh phúc.
Dĩ nhiên, tôi tin vào niềm hạnh phúc của người dân Bhutan, bởi vì người dân Bhutan sở hữu những yếu tố khiến họ thực sự hạnh phúc. Bhutan là một quốc gia tôn giáo, có tới gần 80% dân số là tín đồ Phật giáo, còn lại là Hindu giáo. (Phật giáo là quốc đạo của Bhutan, chính phủ Bhutan tuyên bố tự do tôn giáo nhưng đồng thời cấm truyền đạo.)
Theo Alexis De Tocqueville thì yếu tố quan trọng hàng đầu khiến một xã hội trở nên thịnh vượng là người dân có chung một vài niềm tin giáo điều, mà tốt nhất, những niềm tin giáo điều ấy nên là niềm tin tôn giáo. Xã hội Bhutan thỏa mãn tiêu chí này. Xã hội Bhutan là một xã hội “sống chậm”, họ yêu thiên nhiên, họ hoan hỉ, an lạc, bởi họ tôn thờ những giá trị [đạo đức] Phật giáo.
Nhà nước của vua Bhutan xiển dương những giá trị mà dân chúng tôn thờ, do đó, chừng mực nào đó, vua và nhà nước Bhutan đang thể hiện ý chí của nhân dân, và đó cũng là tín chỉ cho một xã hội tốt đẹp.
Nếu ai hỏi tôi rằng có thích sống trong một đất nước như đất nước Bhutan, tôi sẽ không đắn đo trả lời: Không! Tôi không thích Bhutan không phải vì đó là quốc gia nghèo nàn về kinh tế, mà tôi không thích nó bởi nó là xã hội không có sự đa dạng tinh thần. Đối với người dân Bhutan, bên cạnh chân lí Phật giáo là chân lí của đức vua. Họ tôn thờ, họ kính yêu đức vua không kém gì người Việt Nam một thời tôn thờ Hồ Chí Minh, không khác gì hiện tại người dân Bắc Hàn tôn thờ dòng họ Kim và nguyên thủ Kim Ủn.
Những hình ảnh đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người ngưỡng mộ, là hình ảnh nhà vua Bhutan hòa mình với đám đông, chan hòa với cần lao, những hình ảnh cho thấy một lãnh tụ “dân túy”. Nhìn những hình ảnh nhà vua Bhutan vô cùng đẹp trai đầu chải keo bóng lưỡng khiến cho không một sợi tóc nào có khả năng làm loạn đang chen vai với dân thường Bhutan nhếch nhác làm tôi không thích lắm. Tôi thích hình ảnh nguyên thủ Âu-Mỹ trong không khác gì một kẻ thường dân vô danh, từ ngoại hình tới trang phục.
Nói chung, tôi không thích một xã hội mà ở đó người dân tôn thờ lãnh tụ.
Triết lí “Tổng hạnh phúc quốc dân quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội” của quốc vương Bhutan có thể khiến nhiều kẻ trên thế giới tò mò và thích thú, nhưng với tôi, nó là triết lí không mấy giá trị. “Tổng hạnh phúc quốc dân” là thứ thuộc về tinh thần, nó không thể cân đo, không thể thống kê, không thể xác định bằng con số, trong khi “tổng sản phẩm” là thứ có thể thống kê chính xác, là thứ đựoc xác định cụ thể bằng những con số.
Tôi thích, và chỉ tin vào những thứ cụ thể, xác định.
Người Việt hay mơ màng “chữ tâm bằng ba chữ tài”. Tài thì có thể thấy ngay, còn tâm là thứ khó nói lắm. Tôi thấy người Việt chỉ khá lên khi họ đồng ý với nhau rằng: Chữ tài bằng ba mươi chữ tâm.
Tâm ư? Ai có nhiều tâm bằng các lãnh tụ cộng sản, coi dân như ông chủ? Ai có nhiều tâm như vua chúa phong kiến, coi dân như con, thương dân như thương con?
Một xã hội mà người dân tôn thờ lãnh tụ, mọi giá trị tinh thần khác không có cơ chen vào, thì xã hội đó có thể có hạnh phúc, nhưng không thể là xã hội tiên tiến, văn minh.
Tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do thảo luận chắc chắn không có đất sống trong những xã hội ấy. Dĩ nhiên, con người vẫn có thể có hạnh phúc mà không cần những thứ phù phiếm đó.
Nhìn chung, có những giá trị không bao giờ có thể mang tính phổ quát dù người ta cố tình hoặc hoang tưởng rằng đó là những tín điều phổ quát, ví dụ như giá trị về tự do, về dân chủ. Ít nhất là cho tới thì hiện tại, ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản (và một chút phiên bản Hàn Quốc), chưa có quốc gia nào đạt tới những giá trị đó một cách tòan vẹn (như những xã hội Âu-Mỹ).
Dân chủ, tự do chắc chắn là những giá trị không phổ quát. Việc công dân mạng xã hội ở Việt Nam sụt xịt suýt xoa ngưỡng mộ ông vua Bhutan là minh chứng rõ nét cho điều này.
Không thể có một xã hội dân chủ bằng những cái đầu mang tâm thức nô lệ, luôn mong đấng minh quân, luôn mong “vua sáng tôi hiền”.
Nguồn : Bác Văn Vương.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: