Người dân Hà Nội hoang mang, không dám ăn hải sản đông lạnh vì sợ mua nhầm phải cá chết độc hại ở vùng biển miền Trung. Trong khi đó, tiểu thương chợ lẻ cũng sợ ế ẩm nên tạm thời hạn chế nhập và ngừng bán một số loại hải sản đông lạnh.
Sợ mua nhầm cá biển chết
Khác hẳn ngày thường, mấy hôm nay đi qua mấy hàng hải sản dù được mời chào mua cá, tôm nhiệt tình nhưng bà Trần Lệ Hà ở Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) đều lắc đầu, chỉ dừng chân lại một hàng cá nước ngọt bán mấy loại cá rô phi, cá chép, trắm vẫn còn đang bơi trong chậu để chọn mua.
Bà chia sẻ, gia đình bà thích ăn các loại thủy hải sản, trong đó cá biển luôn được ưu tiên vì đây là nguồn đánh bắt ngoài biển an toàn hơn là mấy loại cá tôm được dân nuôi có tồn dư kháng sinh độc hại. Thế nhưng, khi nghe thông tin cá biển nuôi lồng và cá biển tự nhiên chết hàng loạt tại miền Trung thì bà hết sức hoang mang, sợ đi chợ mua nhầm phải những loại cá biển chết đó về ăn.
Sau khi có thông tin cá biển chết hàng loạt ở miền Trung, dân Hà Nội bắt đầu e dè khi mua các loại hải sản đông lạnh |
“Dù chưa xác định được nguyên nhân vì sao cá biển lại trắng bờ biển miền Trung. Song, tôi nghĩ dù chết vì nhiễm độc hay không thì cũng không nên ăn cá chết”. Bà Hà nói và cho biết, đi chợ giờ mà mua hải sản đông lạnh thì khó phân biệt, chỉ sợ tiểu thương trà trộn loại cá chết ở biển miền Trung vào bán cho người dân kiếm lời.
Thế nên, để yên tâm hơn, bà Hà tạm thời dừng mua các loại thủy hải sản, chỉ ăn các loại cá, tôm nước ngọt.
Chị Kiều Thị Loan ở Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Đọc báo thấy thông tin cá chết trôi dạt vào bờ biển được dân thu gom đem bán tại các chợ ở miền Trung mà tôi rùng mình nghĩ, nhỡ các đầu mối buôn bán nhập loại cá chết này rồi đem ra chợ tiêu thụ lừa người dân thì vô cùng nguy hiểm.
“Bây giờ đi chợ tôi tuyệt đối không mua các đồ hải sản đông lạnh ăn. Kể cả các loại hải sản như: tôm, cua, mực, cá… biển có xuất xứ từ miền Bắc, miền Nam”, chị nói.
Theo chị Loan, ra chợ mà hỏi nguồn gốc xuất xứ của các loại hải sản thì đố có ai nhận mình đang bán hải sản được lấy từ Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, đảm bảo ai cũng nói mình lấy từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa…
“Không biết chắc chắn được nguồn gốc hải sản nên tránh không ăn vẫn là an toàn nhất. Chứ cố mua về ăn rồi đùng một cái cả nhà bị ngộ độc thì lại tiền mất tật mang”, chị Loan lo lắng.
Lượng tiêu thụ các loại hải sản tại chợ đầu mối giảm mạnh |
Thực tế, sau khi xuất hiện thông tin cá biển chết trôi dạt trắng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, bà mẹ tỏ ra bất an, không biết làm sao để phân biệt được cá biển chết với cá biển đông lạnh. Để chắc ăn, nhiều người tuyên bốn trong thời gian tới sẽ không ăn hải sản đông lạnh vì sợ mua nhầm cá biển chết.
Sợ ế, tiểu thương cũng ngừng bán
Tại các chợ đầu mối cũng như tại các chợ dân sinh Hà Nội vào sáng ngày 22/4, các loại cá nước ngọt, tôm tươi sống vẫn được buôn bán và tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, với các loại hải sản đông lạnh thì sức mua đã giảm rõ rệt.
Anh Tú, một đầu mối chuyên bỏ sỉ tôm ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết, trước đó một ngày anh vẫn xuất buôn cả 2-3 tạ tôm sú ngất (tôm chết ướp đá)/đêm, nhưng đến sáng sớm nay số lượng tôm ngất bán ra giảm mạnh.
Tại chợ, chỉ có lượng cá, tôm nước ngọt là vẫn tiêu thụ bình thường |
“Một số mối quen ngày thường vẫn nhập cả tôm sống và tôm ngất thì nay đến lấy nhập hàng họ chỉ nhập tôm tươi sống vẫn còn bơi trong bể. Riêng tôm ngất họ nói bán ế, không có người mua do dân không dám ăn vì sợ ngộ độc”, anh Tú cho hay.
Chị Phan Thúy Hằng, một đầu mối chuyên đổ buôn các loại mực, bạch tuộc và cá biển đông lạnh tại chợ đầu mối Long Biên cũng cho hay, lượng hàng xuất buôn cho các mối chợ lẻ hôm nay đã giảm một nửa.
“Hải sản này tôi toàn nhập ở Hải Phòng, Quảng Ninh, không có hải sản ở miền Trung. Vậy mà, các tiểu thương chợ lẻ vẫn bảo, dân sợ mua phải hải sản chết ở miền Trung nên tuyệt đối không ăn bất cứ loại hải sản nào. Do đó, họ có nhập về cũng rất khó bán”, chị Hằng nói.
Các tiểu thương thừa nhận, dù hải sản là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào mùa hè nhưng hiện nay lại gặp phải tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân được xác định chính là do tâm lý bất an, sợ mua nhầm phải hải sản chết ở biển miền Trung về ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Các loại thủy sản vẫn bán bình thường. Nhưng riêng hải sản đông lạnh gồm: mực, tôm, cá… hôm nay khó bán hơn. Mời khách mua hàng mà ai cũng lắc đầu từ chối”. Chị Nguyễn Thị Luận, bán cá tại chợ Đại Từ nói.
“Cứ đà này thì mai chỉ nhập các loại thủy sản nước ngọt, hải sản thôi không nhập nữa vì nhập về không bán được lại lỗ to”, chị Luận cho hay.
Chiều ngày 21/4, Bộ NN-PTNT chỉ đạo nghiêm cấm người dân không được sử dụng các loại cá biển chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức.
Ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật ATTP VN cho biết, người dân có thể phân biệt cá biển được đánh bắt dù đã chết nhưng còn tươi, chưa bị ươn, thối sẽ có các dấu hiệu như mang hồng, miệng cá ngậm, vây hoặc da cá sáng bóng, vẩy không rơi rụng, mắt cá lồi, trong suốt. Cá ươn sẽ có mùi hôi, miệng sẽ mở to, bụng phình, mềm, mắt đục, lõm vào trong, vẩy rơi rụng, thịt mềm, ấn vào sẽ bị lõm xuống không đàn hồi.
|
Lưu Minh
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/300917/dai-nan-ca-chet-hau-qua-lan-ra-den-ha-noi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét