Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Chi 2.000 tỉ, công bố... 22 bài báo ISI


Đầu tư 2.000 tỉ đồng kinh phí hoạt động, tuy nhiên theo thống kê thì số bài báo ISI mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội công bố trong 5 năm qua chỉ vẻn vẹn có 22 bài

Theo thông tin mà nhóm dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (S4VN) vừa công bố, bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) giai đoạn 2011-2015 tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63).
Có năm chỉ công bố 2 bài ISI
Năm có kết quả cao nhất là 2013 với 7 bài (20 trích dẫn) và năm thấp nhất là 2011 với 2 bài (1 trích dẫn). Trong khi đó, nghiên cứu sinh (NCS) Lê Ngọc Sơn tại ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức, cho hay số liệu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính công bố cho thấy trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư cho VASS hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương 90,6 triệu USD. Riêng năm 2015, viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỉ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).
Một luận án tại Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ thành côngẢnh: VASS
Một luận án tại Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ thành côngẢnh: VASS
Đưa ra những con số thống kê trên, NCS Lê Ngọc Sơn cho rằng đây là “những con số biết nói”, thậm chí ngay cả khi chưa cần quan tâm đến chất lượng mà chỉ xét trên góc độ hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Theo NCS này, trong bối cảnh VASS có tới 2.000 người thì năng suất này không bằng một nhóm nhỏ các nhà khoa học châu Âu làm việc.
Khi được hỏi chất lượng của các luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng quy chế hiện hành quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội. Trong quy chế có quy định về tiêu chí của luận án và trong bản nhận xét của những người đánh giá luận án cũng phải đề cập đến các vấn đề này. Cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án, toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ phải được đăng lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo.
Ai kiểm định chất lượng luận án?
Thế nhưng trên thực tế, nói theo cách của PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, bộ đưa ra những quy chế rất chặt chẽ, như yêu cầu phải công khai luận án chẳng hạn, nhưng việc bộ, bộ làm; việc trường, trường làm và nhiều khi có những lỗ hổng con voi cũng chui lọt.
Mai Khoa, một NCS tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), chia sẻ theo thông lệ quốc tế thì hội đồng chấm luận án bắt buộc phải có thành viên độc lập, đến từ các cơ sở đào tạo khác, thậm chí nước khác, nhằm bảo đảm sự khách quan trong việc đánh giá. Thêm vào đó, công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc với NCS của hầu hết các cơ sở đào tạo.
Điều này nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu được thảo luận, nhìn nhận một cách rộng rãi và khách quan bởi các nhà khoa học. Việc yêu cầu NCS tham gia các hội thảo quốc tế ngoài sự cần thiết của học thuật còn tạo cho NCS có cơ hội trao đổi trực tiếp với những nhà khoa học đầu ngành, từ đó giúp xây dựng mạng lưới đồng nghiệp rộng rãi.
NCS khi bắt đầu khóa học sẽ phải hiểu toàn bộ quy định sẽ được áp dụng với mình, từ đó họ hiểu số lượng bài báo khoa học mà mình sẽ phải công bố.
Giáo sư hướng dẫn thường kỳ vọng vào NCS cao hơn yêu cầu của cơ sở đào tạo thông qua xếp hạng của tạp chí và số công bố đặt ra cho NCS. Từ đó, NCS cũng có những sức ép nhất định trong việc hoàn thành luận án. Đã có một tỉ lệ cao về số lượng NCS mắc chứng trầm cảm nhẹ vì sức ép của việc hoàn thành luận án.
Việt Nam cũng có các quy định về việc công bố các bài báo khoa học, tuy nhiên quy định này không được triển khai hiệu quả. Chính sự dễ dãi của người hướng dẫn, của hội đồng đã tạo điều kiện cho NCS làm luận án qua quýt thì lấy đâu ra đề tài được quốc tế ghi nhận!
Sao chép tinh vi
NCS Mai Khoa thẳng thắn cho rằng việc sao chép tài liệu của người khác mà không trích dẫn đã trở thành một hiện tượng trong các luận án tiến sĩ ở Việt Nam. Việc sao chép này có thể thực hiện từ luận án của người trước, từ báo cáo khoa học, báo cáo tổng kết của một dự án, thậm chí ở mức tinh vi hơn là dịch nguyên một phần công trình của một tác giả ở nước ngoài mà không có trích dẫn cụ thể. Một danh sách các tài liệu tham khảo dài ở cuối một số luận án nhiều khi chỉ là để đối phó với quy định mà không cần biết thật sự nó có được dùng vào luận án không, nếu được sử dụng thì nội dung của nó được nêu trong luận án là ở chỗ nào?
Đọc thêm trên báo Người Lao Động
Bài và ảnh: YẾN ANH

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chi-2000-ti-cong-bo-22-bai-bao-isi-20160427222005179.htm




2.


Thanh tra Chính phủ làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN



 - Thanh tra Chính phủ đề xuất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, sắp xếp lại một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên sâu.
Ngày 26/4, Thanh tra Chính phủ có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN (VASS). Theo báo cáo, trong hai năm 2014, 2015 VASS đã tiến hành thanh tra, kiểm tra kỷ cương hành chính tại 7 đơn vị trực thuộc. 
đào tạo tiến sĩ ở VN, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn. (Ảnh: Báo Thanh tra).
Cụ thể, các đơn vị không có khiếu nại, tố cáo phải giải quyết; không phát hiện tham nhũng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật lao động tốt và đã được xây dựng các quy chế chi tiêu, mua sắm tài sản và quản lý tài sản công,vv.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị: Viện cần nghiên cứu ban hành quy chế mới về hoạt động nghiên cứu khoa học; về chế độ phụ cấp, lương, chế độ làm việc cần đưa ra những kiến nghị cụ thể hơn; nghiên cứu, sắp xếp lại một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên sâu.
Viện cần đặt hàng với các nhà khoa học một đề tài cấp nhà nước hoặc cấp bộ, đánh giá về nhu cầu, yêu cầu của việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn hiện nay, trong đó đưa ra các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ  cho công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ từ nay đến năm 2020.

Về kiến nghị liên quan tới công tác đào tạo cán bộ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác này đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật.
Đối với thông tin dư luận trong thời gian qua phản ánh liên quan tới công tác đào tạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng lãnh đạo VASS cần nghiên cứu, phân tích rõ tình hình, thông tin cụ thể, chính xác, việc gì chưa làm tốt nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, không bảo thủ.
Trước đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bàn tán về việc đào tạo tiến sĩ của VASS, cho rằng chất lượng đào tạo còn bất cập.
Đến ngày 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã gặp gỡ báo chí để thông tin cụ thể xung quanh sự việc. Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội VNcho biết chiến lược phát triển của Học viện đã được phê duyệt đề ra mục tiêu tới năm 2020 phấn đấu đào tạo từ 450 – 500 chỉ tiêu nghiên cứu sinh mỗi năm. Viện này cũng trả lời các thắc mắc xung quanh các đề tài nghiên cứu khoa họccủa các nghiên cứu sinh
Mới đây nhất, tranh luận tiếp tục diễn ra khi nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Ngọc Sơn (ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức) tiếp tục đưa ra những con số về ngân sách của viện trong tương quan với những kết quả mà VASS đạt được.
Cụ thể, trên cơ sở số liệu ngân sách nhà nước được công bố bởi Bộ Tài chính, anh Sơn cho biết, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho VASS. Riêng năm 2015, Viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỷ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).
  • Văn Chung
  • http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/302019/thanh-tra-chinh-phu-lam-viec-voi-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-vn.html



1.


'Học viện Khoa học Xã hội phạm quy trong đào tạo tiến sĩ'


Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết một số sai sót trong đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội khi trao đổi với VietNamNet chiều 26/4.




Trả lời VietNamNet trong chiều 26/4, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Việc Học viện Khoa học Xã hội không công bố toàn văn luận án tiến sỹ của nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ trên website của đơn vị này là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 36 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ.
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. (Ảnh: Văn Chung).
Trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Trong đó có việc cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót…
Cụ thể, khoản 2, Điều 36, quy định:
"a. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc: Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ GD-ĐT, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật).
b. Luận án, tóm tắt luận án đã được gửi đến các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học theo danh sách đã được Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định và đã được trưng bày ở phòng đọc của thư viện cơ sở đào tạo ít nhất 30 ngày trước ngày bảo vệ. Toàn văn luận án, tóm tắt luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và trang thông tin những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, luận điểm mới về khoa học và thực tiễn của luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) đã được đăng tải công khai trên trang web của cơ sở đào tạo và trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gửi đến địa chỉ duatin@moet.edu.vn) trước ngày bảo vệ 30 ngày, trừ các đề tài thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các đề tài bảo vệ mật".
Cũng theo bà Phụng, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chỉ tiêu của Học viện là tổng chỉ tiêu của 17 viện nên tổng thể lớn hơn các đơn vị khác nhưng tính trung bình mỗi viện nghiên cứu thì không lớn.
Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT, quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Một trong các quy định đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo là để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo.
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Buổi họp báo của Học viện Khoa học xã hội về những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ của học viện. (Ảnh: Lê Văn).
Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thẩm định xác suất đối với khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án cụ thể nào đó thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định.
Các cơ sở đào tạo kém chất lượng có thể sẽ phải đình chỉ tuyển sinh, không cho phép thành lập hội đồng đánh giá luận án theo quy định của quy chế.
Sẽ ban hành quy chế đào tạo tiến sỹ mới
Bà Phụng cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sỹ mới thay thế quy chế hiện hành. Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.
Theo đó, cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ được tự chủ ở mức cao và ngược lại.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sỹ.
Các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sỹ đang làm việc tại cơ sở.
  • Văn Chung(Ghi)
  • http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/301665/hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-pham-quy-trong-dao-tao-tien-si.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: