Mỹ sẽ giành thế chủ động trong tất cả các môi trường tác chiến mà trong chiến tranh siêu hiện đại sẽ bao trùm không trung, biển , vũ trụ và không gian mạng.
Theo khái niệm Tác chiến không-biển (Air-Sea Battle Operational Concept), chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra theo hai giai đoạn.
Giai đoạn một sẽ là chặn đứng các cuộc tiến công ban đầu, chủ yếu là các cuộc tiến công bằng tên lửa, của quân đội Trung Quốc, cũng như hạn chế thiệt hại về quân đội và sự tổn hại của các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh.
Khó nhất đối với quân đội Mỹ sẽ là bảo vệ các căn cứ và hải cảng, cũng như các tàu mặt nước cỡ lớn của Hải quân Mỹ nằm trong tầm hoạt động của tên lửa, máy bay và tàu ngầm của quân đội Trung Quốc. Trong những ngày đầu xung đột, khó có thể duy trì được lực lượng hải quân mặt nước lớn của Mỹ trong bán kính đến chuỗi đảo thứ nhất.
Cần chấp nhận là Mỹ bị đặt vào tình thế quân sự còn khó khăn hơn khi sự căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng trong khu vực sẽ buộc người Mỹ phải điều động lên các vị trí phía trước những lực lượng quân sự lớn nhằm thuyết phục các đồng minh tin tưởng vào ý định bảo vệ họ của Mỹ (đây là việc tung sức mạnh nhằm mục tiêu chính trị). Nhưng đồng thời, điều đó sẽ phản tác dụng về mặt quân sự bởi vì nó lập tức kích động một cuộc tấn công ồ ạt của Trung Quốc vào các vị trí này.
Hình minh họa |
Bịt mắt và "cho ăn đòn"
Các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản trang bị hệ thống AEGIS để chống tên lửa sẽ được lệnh chiếm lĩnh các vị trí bảo vệ đã định. Các tàu chiến mặt ước có giá trị chiến đấu lớn như tàu sân bay sẽ được rút khỏi tầm hoạt động của các lực lượng/phương tiện chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) của Trung Quốc và sẽ bắt đầu liên tục cơ động để đối phó với các cuộc tiến công của đối phương. Các tàu tác chiến điện tử dùng để chế áp và đánh lừa đối phương cũng sẽ chiếm lĩnh các vị trí đã định. Các tàu ngầm của các nước đồng minh với Mỹ cũng sẽ được triển khai ở các vị trí chiến đấu phía trước đã định dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, cụ thể là dọc theo các eo biển của quần đảo Ryukyu và ngang qua eo biển Luzon.
Những vị trí này tạo ra những điều kiện tốt cho cuộc chiến tranh tàu ngầm bởi vì các tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua nhiều lần ở những địa điểm nguy hiểm đối với chúng các khu vực dọc quần đảo Ryukyu (các tàu ngầm Trung Quốc tính năng yếu, có tầm hoạt động nhỏ, sức chiến đấu thấp và thường xuyên phải vào cảng để bổ sung nhiên liệu). Điều đó rất quan trọng từ góc độ địa lý khu vực ở phương diện điều đó có thể tận dụng triệt để để tác chiến chống tàu ngầm Trung Quốc. Các tàu ngầm tiến công của Mỹ trái lại sẽ chiếm các vị trí ở các vùng biển ven bờ biển Trung Quốc để tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, cũng như vào các hệ thống sonar ngầm và các sensor ở gần bờ biển. Những tàu ngầm còn lại sẽ làm nhiệm vụ các căn cứ quân sự Mỹ quan trọng nhất như Guam và các quân cảng ở Hawaii và kiểm soát hoạt động đi lại của các tàu Trung Quốc ở phía tây biển Philippines.
Giả thiết là căn cứ quân sự Kadena ở Nhật, căn cứ Guam và các căn cứ ở quần đảo Mariana sẽ bị tiêu diệt hoặc bị phá hủy tạm thời vì cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc ở ngay đầu cuộc xung đột, vũ khí trang bị của Mỹ sẽ được đưa đến các căn cứ ở miền đông Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật chống các cuộc tấn công xuất phát từ biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Vũ khí trang bị (máy bay, đạn dược, nhiên liệu…) được chuyển nhanh chóng và thành công đến miền đông Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng ngự của Nhật, cũng như bảo toàn triển vọng thắng lợi cuối cùng. Các vũ khí trang bị còn lại có thể đến từ Mỹ hay khu vực vịnh Persique nhanh nhất là sau một tuần.
Tiếp đó, người Mỹ sẽ tập trung làm “mù” các trung tâm chỉ huy quân đội Trung Quốc bằng cách tiêu diệt các vệ tinh Trung Quốc trong vũ trụ, cũng như các hệ thống radar kiểm soát không phận bố trí trên bờ biển và giành quyền khống chế không gian mạng. Việc bịt mắt đối phương sẽ khiến Trung Quốc không còn khả năng đánh giá mức độ thành công của các cuộc tấn công của họ và đánh giá tổn thất chiến đấu gây ra, điều đó dẫn đến không thể nắm bắt tình hình hiện tại và tiêu hao phương tiện chiến đấu vào các mục tiêu đã bị tiêu diệt hoặc không quyết định tấn công phù hợp để tiêu diệt.
Ngay sau khi bịt mắt thành công đối phương, người Mỹ sẽ phát động tấn công vào các bệ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa, cũng như các hệ thống vũ khí tiến công khác của Trung Quốc. Đó là mục tiêu then chốt mà khi thực hiện hành công sẽ cho phép tước bỏ khả năng của quân đội Trung Quốc giành chiến thắng nhanh chóng và không thể đảo ngược. Để giành thắng lợi trong các nhiệm vụ đó, cần sử dụng các máy bay tiến công tầm xa khó bị radar đối phương phát hiện của Không quân và Hải quân Mỹ (các máy bay hiện có của Hải quân Mỹ không có những tiêu chí này, còn bán kính hoạt động của chúng nhỏ hơn của các hệ thống vũ khí phòng thủ của quân đội Trung Quốc, nhưng tình hình này sẽ sắp thay đổi khi Hải quân Mỹ nhận vào trang bị loại máy bay không người lái tầm xa phát triển cho hải quân Х-47В), cũng như các tên lửa phòng từ tàu ngầm.
Các cuộc không kích nhằm vào Trung Quốc sẽ được thực hiện bởi các máy bay tiến công có thể đột phá hệ thống phòng không (các máy bay ném bom B-2) nên cho phép tiêu diệt các mục tiêu cơ động và khó xác định, cũng như bởi các máy bay tiến công oanh kích ồ ạt từ cự ly xa khi sử dụng các vũ khí trên khoang (các máy bay ném bom В-52 với tên lửa hành trình) để tiêu diệt các mục tiêu tĩnh tại. Việc lựa chọn các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc phải được giới lãnh đạo chính trị thông qua để tránh khả năng leo thang không thể kiểm soát các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.
Ở giai đoạn này của cuộc chiến, sự hiệp đồng giữa không quân và hải quân sẽ được thể hiện rất rõ: các tàu chiến AEGIS sẽ bảo vệ không phận bên trên các căn cứ không quân của Không quân Mỹ, còn các tàu ngầm và máy bay không người lái tiến công tương lai sẽ vượt qua hệ thống phòng không và mở cửa không phận Trung Quốc cho các cuộc tấn công ồ ạt được thực hiện bởi các máy bay đa nhiệm không có khả năng tự đột phá phòng không đối phương.
Các hành động nêu trên sẽ giúp Mỹ giành lại thế chủ động trong tất cả các môi trường tác chiến mà trong chiến tranh siêu hiện đại sẽ bao trùm không trung, biển , vũ trụ và không gian mạng. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, giai đoạn đầu sẽ không ngắn bởi vì các thách thức tác chiến liên quan đến giai đoạn này sẽ rất lớn.
Người Mỹ sẽ vấp phải những khó khăn lớn về hậu cần bởi vì các chiến dịch ở phía tây tuyến Guam-Saipan sẽ đòi hỏi những chi phí lớn (khoảng cách xa giữa các căn cứ, các cơ sở cung ứng hậu cần nhỏ, hoạt động trong điều kiện có tác chiến đối kháng cường độ cao của đối phương), những yếu tố đó sẽ kéo dài thời gian của tất cả các hành động và chiến dịch.
Sẽ là điểm bước ngoặt là khi Không quân và Hải quân Mỹ có khả năng hoạt động tại khu vực giữa quần đảo Ryukyu và Đài Loan, ở Biển Đông và biển Hoa Đông bắt đầu khi khả năng A2/AD của Trung Quốc bị suy yếu. Một yếu tố quan trọng khác sẽ là khi quân đội Mỹ giành được ưu thế tác chiến và làm chủ không phận bên trên Nhật Bản. Các nhà phân tích Mỹ dự định ở giai đoạn đầu chiến tranh kéo không quân Trung Quốc vào một trận không chiến lớn ở không phận bên trên phía đông Nhật Bản, mà với ưu thế chất lượng của máy bay, kinh nghiệm chiến đấu và các kỹ năng của phi công Mỹ sẽ bảo đảm thắng lợi của Mỹ và đồng minh, và nhanh chóng loại các máy bay chiến đấu Trung Quốc khỏi cuộc đấu giành quyền khống chế trên không bên trên Biển Đông và biển Hoa Đông, và qua đó cho phép máy bay Mỹ và đồng minh tự do hành động trong các phi vụ tiến công nhằm vào các mục tiêu (tàu bè, đoàn tàu vận tải, hạ tầng).
Bóp nghẹt địch thủ
Giai đoạn 2 sẽ tập trung trước hết vào phong tỏa bờ biển Trung Quốc và cắt đứt các tuyến đường vận chuyển đến Trung Quốc tại khu vực chuỗi đảo thứ nhất, trước hết là bằng lực lượng tàu ngầm (cả trong các cuộc tấn công trực tiếp vào các mục tiêu, cũng như rải thủy lôi các tuyến đường biển), cũng như phá hủy hoạt động thông tin liên lạc và vô hiệu hóa các trung tâm chỉ huy và hậu cần cần để tiến hành chiến tranh.
Việc phá hủy các trang bị dưới nước và hạ tầng tàu ngầm của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tạo ưu thế lớn cho Mỹ vì nó cho phép người Mỹ triển khai hoạt động tại khu vực này và tiêu diệt hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, điều này sẽ dẫn đến thủ tiêu mối đe dọa đối với tàu nổi của Hải quân Mỹ và đồng minh tại khu vực chuỗi đảo chiến lược thứ nhất.
Cuộc chiến tàu ngầm có đặc thù riêng và không thể trong thời gian ngắn phát hiện và vô hiệu hóa tất cả các tàu ngầm đối phương (do đó mà Mỹ chủ trương kiểm soát lên tục tàu ngầm đối phương trong thời bình và gia tăng số lượng tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ), do đó, chiến dịch vô hiệu hóa các tàu ngầm Trung Quốc có thể kéo dài nhiều tháng.
Mặt khác, việc kết thúc nhanh chiến dịch tiêu diệt lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ cho phép hạm đội tàu ngầm Mỹ chuyển sang nhiệm vụ ngăn chặn các tuyến đường vận tải của Trung Quốc ngay sát bờ biển nước này, cũng như tiến hành rải thủy lôi quy mô lớn các hải cảng Trung Quốc, điều sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho Hải quân Mỹ.
Các chiến lược gia Mỹ dành cho hạm đội tàu ngầm Mỹ một vai trò lớn trong cuộc chiến tranh này. Trong tất cả các kịch bản, một số lượng lớn tàu ngầm được giao các nhiệm vụ tiến công các mục tiêu trên bộ, cũng như tiêu diệt các tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, rải thủy lôi, xâm nhập và phá hoại, tiêu diệt các đoàn tàu vận tải. Việc tiêu diệt nhanh chóng hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, việc vô hiệu hóa sơ bộ các hệ thống phản ứng gần bờ biển Trung Quốc sẽ tạo cơ hội giải thoát các tàu chiến Mỹ khỏi trách nhiệm hộ tống và áp tải các đoàn tàu vận tải chở hàng quân sự.
Sau khi loại trừ mối đe dọa từ phía hạm đội tàu ngầm Trung Quốc và sau khi giành quyền kiểm soát không phận khu vực chuỗi đảo chiến lược thứ nhất, người Mỹ sẽ bắt đầu săn đuổi các tàu mặt nước Trung Quốc cho đến tận bờ biển nước này. Họ sẽ sử dụng các máy bay chiến đấu xuất kích từ các tàu sân bay sẽ được đến chiến trường để làm việc này. Mục tiêu sẽ là tiêu diệt hạm đội đối phương hay kìm chân nó trong cả các hải cảng.
Mục tiêu tiến công cuối cùng của phía Mỹ sẽ là tiêu diệt hoặc làm suy giảm mạnh năng lực sản xuất quân sự của Trung Quốc, cụ thể là sản xuất vũ khí, đạn dược mà việc kiểm soát được việc sản xuất này sẽ là then chốt để giành thắng lợi trong cuộc xung đột đối với mỗi bên.
Phương tiện trực tiếp mang lại chiến thắng cho người Mỹ trong cuộc chiến tranh sẽ là phong tỏa đường biển thành công mà để làm được cần phải đạt được tất cả các mục tiêu nên ở trên. Mỹ sẽ có thể kiểm soát các tuyến giao thương trên biển đến chừng nào thì Trung Quốc sẽ bị tước bỏ khả năng tiếp cận các tài nguyên từ hướng biển chừng ấy.
Sau khi thiết lập được vòng phong tỏa hoàn toàn, kinh tế Trung Quốc sẽ lâm vào suy thoái rất nhanh và một Trung Quốc thua cuộc sẽ cầu xin hòa bình. Và sẽ không cần bất kỳ chiến dịch mặt đất lớn nào. Các ví dụ của nước Đức thời Thế chiến I và Nhật Bản trong Thế chiến II cho thấy, việc chặt đứt hoạt động ngoại thương có thể là yếu tố then chốt và quyết định để giành thắng lợi trong chiến tranh.
Ngoài ra, xuất phát từ việc các điều kiện địa lý các vùng biển duyên hải Trung Quốc rất sơ hở, nên việc phong tỏa đường biển Trung Quốc sẽ là việc đơn giản hơn là phong tỏa đường biển Nhật thời Thế chiến II. Người Mỹ sẽ có thể phong tỏa các tuyến đường đến và đi từ Trung Quốc từ khoảng cách khá xa Trung Quốc (ngoài tầm hoạt động của các phương tiện A2/AD của Trung Quốc, tức là phong tỏa từ xa). Hoặc là các tàu chở hàng Trung Quốc sẽ phải đi đến Trung Quốc qua những tuyến đường cách khá xa Hoa lục: eo biển Malacca, Singapore, các eo biển Indonesia hay Ryukyu/Luzon. Từ vị trí địa lý như nêu ở trên, việc phong tỏa tàu bè đi từ hay đến Trung Quốc không nhất thiết đòi hỏi đánh đắm chúng mà đơn giản chỉ cần chặn chúng lại (cùng với hàng hóa) trên các tuyến giao thông.
Mỹ "mài nanh, giũa vuốt"
Mặc dù, hiện nay quân đội Mỹ không có cả những phương tiện lẫn kế hoạch tác chiến đã được thông qua, lẫn học thiết khả dĩ tạo điều kiện để giành thắng lợi trong cuộc chiến ở tây Thái Bình Dương với Trung Quốc, Khái niệm Tác chiến không-biển (Air-Sea Battle Operational Concept), ngoài việc thực hiện bản thân kế hoạch tác chiến vốn là một bộ phận của nó, còn bao hàm các hành động và sáng kiến sau đây (được lựa chọn từ một số phương án riêng biệt):
- Đưa các phương tiện, vũ khí phòng thủ tên lửa đủ mạnh đến căn cứ quân sự then chốt trên đảo Guam hoặc các căn cứ ưu tiên được lựa chọn khác trong khu vực. Mở và trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết cho các căn cứ nhỏ trong khu vực này như: Tinian, Saipan, Palau. Nhất thiết phải xây dựng đường ống dẫn dầu ngầm giữa Guam, Tinian, Saipan;
- Xóa bỏ sự mất cân bằng chất lượng và số lượng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc về các phương tiện chiến đấu tầm xa, có thể tiêu diệt các mục tiêu ưu tiên đặc dụng ở giai đoạn đầu xung đột, bằng cách đưa vào trực chiến trong Hải quân Mỹ các tên lửa đường đạn có phương án bố trí khác nhau và tầm bắn không dưới 1.000 km. Phát triển và đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ các phương tiện chiến đấu cơ động, khó bị phát hiện, tầm xa thế hệ mới; phát triển và trang bị các vũ khí siêu vượt âm có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên trái đất trong vòng 1 giờ;
- Phát triển và trang bị các phương tiện chiến đấu có thể nhận dạng và tiêu diệt mục tiêu trên lãnh thổ đại lục Trung Quốc;
- Tăng cường khả năng tiến hành các hoạt động dưới nước, trong đó có các tàu ngầm và tàu ngầm robot và thủy lôi vốn sẽ có ý nghĩa hàng đầu để giành quyền bá chủ ở cái gọi là chuỗi đảo chiến lược thứ nhất, điều có ý nghĩa quyết định đối với kết cục chiến tranh;
- Thay đổi hệ thống chỉ huy các lực lượng Mỹ bằng cách tiêu chuẩn hóa các hệ thống thông tin giữa các quân binh chủng, cũng như tiến hành bảo vệ hệ thống chỉ huy quân đội trước các cuộc tấn công từ vệ tinh và từ không gian mạng. Xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống chỉ huy quân đội dự phòng, khẩn cấp;
- Phát triển và trang bị cho quân đội vũ khí năng lượng định hướng;
- Sự tương tác và liên kết chặt chẽ trong thời gian tới của các kế hoạch, tập trận, diễn tập và các hệ thống hỗ trợ các phương tiện chiến đấu giữa Hải quân và Không quân Mỹ tại chiến trường tây Thái Bình Dương, bởi vì chính hai quân chủng gánh vác trọng trách chính của cuộc chiến tương lai;
- Sản xuất và lưu trữ số lượng đủ lớn các loại vũ khí, cũng như hỗ trợ cơ sở công nghiệp sản xuất đủ số lượng các hệ thống vũ khí trang bị và đạn dược, có khả năng tăng đột biến sản lượng sản phẩm quân sự;
- Duy trì và mở rộng các liên minh quân sự với Nhật Bản và Australia. Giúp đỡ các nước này có được các phương tiện chiến đấu mới, chẳng hạn bán cho họ các máy bay đa năng thế hệ 5, cũng như soạn thảo các kế hoạch chung và phát triển các hệ thống phòng không.
Theo VND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét