Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

ĐỒNG BÀO ƠI LÀ ĐỒNG BÀO!


    Dương Đình Giao
    Người Việt Nam, hầu như không ai  không biết truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm cái trứng nở ra được 100 người con trai. Lạc Long Quân là dòng dõi Rồng sống dưới nước còn Âu Cơ là dòng dõi Tiên sống trên cạn. Do ăn ở với nhau lâu mà không hợp nên họ chia 50 con theo cha xuống bể Nam Hải, 50 con theo mẹ lên núi. Người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Từ truyền thuyết ấy, tiếng Việt mới có từ “đồng bào”.  Theo nghĩa đen, “đồng bào” (同胞) có nghĩa là “cùng một bọc” hay là “cùng một bào thai” và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Theo quan niệm của người xưa, người trong một nước dù trên rừng hay dưới biển, ngoài Bắc hay trong Nam cũng đều là anh em ruột thịt, cùng đều là máu đỏ da vàng, con Rồng cháu Tiên.
    Trong cả cuộc đời mình, tôi đã được chứng kiến cái tình “đồng bào” vô cùng thiêng liêng ấy. Những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi đi “tản cư là yêu nước”, biết bao những gia đình ở Hà Nội hay các thành phố lớn đã bỏ tất cả nhà cửa, tài sản lên Việt  Bắc, vào Khu 4 thể hiện tấm lòng tin tưởng vào chế độ mới. Trong cảnh “xảy nhà ra thất nghiệp”, chúng tôi đã được những người dân địa phương mặc dù cũng trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn đủ đường, đã cưu mang, đùm bọc. Những căn nhà tranh vách nứa có ba gian (khoảng chừng 20 m2), thì một gian được chủ nhà nhường cho người tản cư. Đâu chỉ cần chỗ ở, người tản cư còn cần chuyện nấu nướng, củi lửa, còn những khi “trái gió trở trời” và biết bao nhu cầu khác của đời sống đều được những “người dưng nước lã” bao bọc, chở che.
    Rồi đến thời chống Mỹ, biết bao cán bộ viên chức nhà nước sơ tán theo cơ quan, bao gia đình tạm biệt các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các cháu nhỏ theo các nhà trẻ, trường học sơ tán về khắp các miền quê còn nghèo nàn khốn khó vẫn được “chia cửa sẻ nhà”, đùm bọc cưu mang. Dù trước đó hoàn toàn xa lạ, người dân ở nông thôn khắp nơi vẫn một lòng coi những người chưa hề gặp mặt như  ruột thịt.  Chỉ có thể  cảm nhận những tấm lòng rộng mở ấy đáng trân trọng dường nào khi mỗi người hãy tưởng tượng căn nhà ta ở hiện nay, dù rộng rãi, tiện nghi gấp trăm ngàn lần những căn nhà tranh vách nứa trước kia bỗng nhiên có không chỉ một người đến ăn ở hết ngày này đến tháng khác. Và thực tế, không ít gia đình hiện nay, mỗi khi có người từ quê ra chơi hay bạn bè từ xa tới thăm viếng đều tìm cách đối đãi: sau một bữa ăn thịnh soạn, các vị khách quý được mời ra những nhà nghỉ, khách sạn để tránh xáo trộn nếp sinh hoạt quen thuộc dù chỉ vài ba ngày.
    Ấy thế mà, không biết từ bao giờ, những người vốn coi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt đang tìm cách hãm hại lẫn nhau chỉ để có những mối lợi riêng, mặc dù đời sống phần lớn đã có cửa cao nhà rộng, không còn đói rách.
    Từ những cách kiếm sống hàng ngày, người nông dân trồng rau, trồng chè, … để chừa ra một khoảnh dành cho gia đình mình những hoa màu đảm bảo an toàn, còn phần bán ra thị trường, kể cả cho những người hàng xóm đều tha hồ phun thuốc kích thích, xịt thuốc trừ sâu, bón phân hóa học,… dù biết sự độc hại miễn là có năng suất cao để đảm bảo lợi nhuận tối đa.
    Nhưng chuyện đó cũng có thể coi là vặt vãnh. Ở phạm vi rộng lớn hơn, người ta nhập khẩu không biết bao nhiêu hoa quả, thực phẩm, … nhiễm độc trên quy mô lớn để “phục vụ” cho các loại đồng bào trên phạm vi cả nước. Hôm sang Trung Quốc, tôi có hỏi người dân sở tại vì sao người Trung Quốc bán cho Việt Nam những hoa quả được bảo quản bằng những chất độc hại đến mức những quả cam, quả táo trông ngon lành, hấp dẫn mà có thể để tới cả năm trời không bị hư hỏng? Họ bảo tôi: Ông xem thử hoa quả bán ở đây (chỉ tay vào các hàng bán hoa quả ngay tại chợ) có chất bảo quản độc hại không? Hoa quả bán sang Việt Nam nhiều chất độc hại là do chính những người Việt Nam sang mua hàng yêu cầu người Trung Quốc phải làm sao để hoa quả dù có tiêu thụ chậm, để lâu ngày vẫn không bị hư hỏng
    Thế là không chỉ người nông dân ít học, các đồng bào ở tầm cao hơn lại cam tâm ngấm ngầm hại các đồng bào khác để có lợi nhuận tối đa.
    Những vụ việc như thế thường xuyên được nói tới trên các cơ quan thông tin đại chúng: “chà bông làm từ thịt gà thối”, “nhúng thịt gà vào dầu hôi để làm đẹp”, “măng độc ngâm hóa chất để hai năm không hư”, “chuối ngâm trong thuốc diệt cỏ”…
    Tưởng  rằng như thế đã là táng tận lương tâm không còn gì để nói, thì mới đây, người ta lại còn thấy hành động trục lợi đáng nguyền rủa được thực hiện trên phạm vi cả nước bởi các “đồng bào” ở đỉnh cao quyền lực với các học hàm học vị đầy mình: Hàng năm, cả nước chỉ cần 10 kg sabutamol để làm thuốc chữa bệnh (trị giãn phế quản, hen suyễn). Thế mà, Bộ Y tế trong thời gian vừa qua đã cấp phép cho nhập khẩu tới hơn 9 tấn chất này để những người vô lương tâm trộn vào thức ăn cho lợn. Với lượng sabutamol ấy, 6 triệu con lợn đã nhiễm độc trở thành thực phẩm cho toàn thể đồng bào khắp cả nước để tha hồ gieo rắc bệnh ung thư. Bộ Y tế chắc chắn thừa biết tính chất độc hại của sabutamol, nhưng vì sao vẫn cho phép nhập khẩu tới hơn 900 lần số lượng cần thiết. Một tờ báo đã cho ta lời giải: 1 kg chất độc này giá nhập khẩu có 15 triệu, nhưng sau khi được lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam, nó được bán với giá 150 triệu.
    Gần hai thế kỷ trước, nói về thái độ của các nhà tư bản với lợi nhuận, Mac đã trích dẫn lời một nhà kinh tế học:
    Khi lợi nhuận “được 20% thì nó hăng máu lên, bảo đảm được 30% thì nó không biết sợ là gì, bào đảm được 100% thì nó chà đạp lên tất cả luật lệ của loài người, bảo đảm được 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám, thậm chí có thể bị treo cổ, nó cũng không sợ…”.
    Thế mà lợi nhuận trong vụ nhập khẩu sabutamol này là bao nhiêu phần trăm? Chắc chắn nó đã khiến những người có liên quan không nỡ chối từ, nhất là khi họ chẳng mảy may bị động tới cái lông chân!
    Trước sự phản đối của dư luận, ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã không nỡ để Bộ Y tế “bơ vơ”, ra tuyên bố đại ý rằng dân ta đã quá lo xa!
    Chẳng hiểu những lời tuyên bố ấy có liên quan đến cái lợi nhuận gấp 10 lần kia?
    Và trước mối lợi khổng lồ, tình đồng bào được hình thành từ bốn nghìn năm trước, đã được thử thách qua thời gian liệu có còn ý nghĩa?
    Đồng bào ơi là đồng bào!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: