Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

một truyện ngắn viết lại

Tặng Yên Thao, người nữ tuyệt vời…
Một truyện ngắn viết lại vì truyện ngắn ấy đã viết ra, đã đăng trên báo mạng X lâu rồi. Cớ sao viết lại? Ấy là vì… 
Tất nhiên ít nhất phải rút gọn truyện ngắn đã viết và đã đăng ấy chứ… 
* 
Tôi ngồi sau xe scooter người bạn lái trong cơn say. Tôi không say nhiều dù uống không ít rượu đế ngâm chín con rắn hổ mang tại nhà một người em họ. Người bạn hiển nhiên say hơn tôi, anh lái xe chạy băng băng lên xuống đường đồi, đọc những câu thơ nghe quen lắm: Trái tim tôi không ở đây / Trái tim tôi trên cao nguyên / Đang chạy theo những hươu nai… “Nghe như thơ Robert Burns?” “Chứ ai nữa!… Mà tôi không bảo đảm trúng trật, trong cơn túy lúy này.” Không phải như vậy, tôi nghĩ, say hay không say, nhớ trúng là nhớ trúng, nhớ trật là nhớ trật. Tôi nghe bạn hỏi: “Thế lão trưởng phòng giáo dục có vui lòng thấy tôi đi cùng ông tới dự tiệc?” “Làm sao tôi biết lão sẽ như thế nào. Tốt hơn cả là không cần biết.” Chạy băng băng một hồi nữa, người bạn dừng xe: “Chiều đẹp thế này, ngồi đây chơi khoái hơn.” Vừa dựng xe xong, thay vì ngồi xuống, bạn nằm dài trên nền cỏ úa mòn, nói đúng là nền đất lơ thơ cỏ. Tôi không đủ say để nằm xuống như bạn, ngồi bó gối nhìn mặt trời đỏ gần đụng viền núi xanh thẫm phía xa, xem chừng chỉ cao ngang tầm mắt. 
Người bạn nói: “Lão trưởng phòng có vẻ quan liêu lắm, tôi không thích gặp lão. Mà thôi ông ạ, tụi mình nên tới dự bữa tiệc này, lão trưởng phòng đã mời ông thật trịnh trọng, còn tôi thì ăn theo ông. Nên tới vì mấy cô gái Thái trong ban văn nghệ của phòng giáo dục sẽ hát hò gì đấy… Mấy cô gái Thái ở đây rất sính nhạc Trịnh Công Sơn mà các cô ấy gọi là ‘nhạc Trịnh’, có một cô hát rất giống Khánh Ly, nghe giọng mà không thấy mặt, tưởng Khánh Ly. Tối nay còn một cô gái Thái là Việt Kiều ở Mỹ về nữa, rất đẹp, Ava Gardner hồi trẻ mới là giống như vậy.” 
Tôi ngạc nhiên sao người bạn rành chuyện, quay nhìn bạn, đôi mắt anh nhắm lại như say ngủ: “Ngủ đấy à?” “Ngủ gì! Nghĩ tới mấy cô gái Thái thôi!” “Bạn nói có cô giống Ava Gardner, biết tên cô ấy không?” Bạn vùng ngồi dậy: “Một người tên Uyên. Có một người tên như vậy trong bữa tiệc tối nay. Tôi chỉ biết có một người tên như vậy, có một người nghe nói giống Ava Gardner, và có một hoa khôi giọng hát Khánh Ly.” “Ai cung cấp cho bạn nguồn thông tin ấy?” “Bảo đảm không phải đài BBC. Lát nữa ông sẽ thấy.” 
Chiếc xe scooter lại chồm lên lao xuống thêm vài cây số đường đồi, tới phố huyện, tới cơ quan phòng giáo dục. Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Nghĩa trước “giải phóng” đã là nhà thơ nổi tiếng, chúng tôi biết nhau trên những trang báo văn nghệ Sài Gòn. Mấy bữa trước, nghe tin qua một người bạn, biết tôi từ Sài-Gòn-mất-tên trở về cố quận Đơn Dương, anh mời tôi ghé Đức Nghĩa nhân dịp anh tổ chức bữa tiệc để phổ biến một album nhạc mới của chính anh. Hóa ra bây giờ nhà thơ sáng tác thêm ca khúc; tôi sẽ biết rằng, ngoài danh vị nhà thơ, anh còn là nhạc sĩ, một thành viên của nền nhạc Việt đáng tự hào. 
Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Nghĩa đứng chờ tôi trước cửa căn phòng rộng, dáng cao lớn uy nghi lại phủ thêm áo blouson to xù, cái bắt tay nồng nhiệt. Nhưng quả thật, tôi nhìn thấy cái nhìn lãnh đạm của anh trước người bạn đồng hành của tôi, dù sao người bạn này đã chuẩn bị tinh thần từ trước, và dù sao bạn đã đủ say để bất cần. 
Tất cả đám đông chỉ chờ có thế, chúng tôi ngồi vào hai trong ba chiếc ghế trống. Tôi vừa an vị vừa tiếc nuối, ngồi cùng phía thì làm sao nhìn rõ mặt các cô gái Thái. Dĩ nhiên bắt đầu buổi tiệc là tuyên bố lý do, ông trưởng phòng giáo dục nói liền: đây là buổi họp mặt văn nghệ. Và liền sau đó, nhà thơ kiêm khúc tác gia giới thiệu có giọng hát tuyệt vời của cô Thanh Liên, có ca khúc mới của chính đương sự. Và tất cả đám đông chỉ chờ có thế để vỗ tay vang căn phòng rộng, hiển nhiên là vang vọng ra ngoài những khung cửa sổ. 
Không lâu sau, lúc mọi người nâng ly bia lên cao, rất may là chỉ cần nâng ly bia lên cao, bỏ qua thủ tục cụng những ly đó vào nhau, rồi uống; người bạn tôi đặt ly và đặt cả mái đầu trên mặt bàn đầy tô, dĩa các thức ăn, cùng chai, ly thức uống. 
Và không lâu sau đó, trong lúc vài người đã bắt đầu mạnh dạn ăn uống, tiếng nói rổn rảng nhưng có âm lượng của lớp ngói ẩm rêu mùa mưa bị vỡ, ông trưởng phòng giáo dục đầy tính văn nghệ thuyết trình về đợt sáng tác ca khúc mới của mình, và tất nhiên giọng hát Khánh Ly sẽ không cần hát “nhạc Trịnh” làm gì. Ngay từ khởi đầu buổi tiệc, tôi chỉ một tâm trạng xốn xang chờ thấy mặt cô gái Thái là Việt kiều ở Mỹ về, Uyên, Ava Gardner của dĩ vãng tôi. 
Dù sao giọng hát của cô Thanh Liên cũng vẫn giống giọng hát của danh ca Khánh Ly, và nếu những bài cô Thanh Liên hát là “nhạc Trịnh” thì hiển nhiên buổi hát của cô sẽ thành công, nếu không hơn thì cũng ngang bằng bất cứ buổi hát nào của danh ca Khánh Ly. Ông trưởng phòng giáo dục dù sao cũng phải cố kềm chế cơn khát vọng văn nghệ để đồng tình với một vài người trong bàn tiệc, tạm chuyển chương trình giới thiệu những ca khúc mới của mình, còn đâu hơn một nửa số lượng nữa. 
Tôi giật bắn cả thân mình khi nghe chính người chủ tọa buổi tiệc giới thiệu : “Tôi trân trọng giới thiệu nhà thơ hiện đại nhất hôm nay, đọc một sáng tác thi ca hiện đại mới nhất.” Ông trưởng phòng giáo dục vừa nói vậy, vừa đưa cả hai tay trịnh trọng ra dấu cho tôi đứng dậy, cũng may là không nói tên tuổi mắc dịch của tôi. Cùng cơn say, cùng một chút căm thù, vì dù say tôi cũng nhận rõ trong ý nghĩa thật sự của lời giới thiệu, không nhiều thì ít những gì là mỉa mai, ghét bỏ cái mà ông trưởng phòng giáo dục gọi là sáng tác thi ca mới nhất của một nhà thơ hiện đại nhất hôm nay, tôi vụt lên tiếng khước từ chát chúa: “Tôi không có gì để đáp ứng thịnh tình của nhà thơ – khúc tác gia Y, vì tôi đã từ khuya chuyển đổi việc viết và lách, chẳng còn làm được những gì được gọi là thi ca hiện đại… Không lẽ bây giờ tôi làm phiền lỗ tai của tất cả quý vị khả kính ở đây, bằng cách đọc một truyện ngắn hiện đại?… Nhân đây tôi cũng xin xưng tội: tôi còn tập tành viết lách truyện ngắn hậu hiện đại, nghĩa là cái thứ còn gớm ghiếc hơn cả hiện đại nữa.” 
Sau giây phút bặt thinh của sự kinh ngạc và sự khủng khiếp, buổi tiệc tìm lại hưng phấn của cuộc liên hoan văn nghệ đờn ca. “Thôi, bây giờ tôi tự trình bày ca khúc số… trong album Những Ca Khúc Viết Cho Nỗi Hắt Hiu, vì thấy những ca khúc này hơi khó cho cô Thanh Liên chưa tập thử qua nhiều lần,” ông trưởng phòng giáo dục vừa nói vừa vặn chỉnh những nút dây đàn Tây Ban Cầm, rồi những vẻ mặt lắng nghe tiếng đàn mạnh bạo của sự hắt hiu, tiếng hát rổn rảng của lớp ngói rêu mùa mưa bị vỡ… 
Tôi bất chợt nhận ra sự vắng mặt của người bạn đồng hành, nỗi ngạc nhiên của tôi trôi tuột trong cơn mong ngóng cơ hội nhìn thấy Uyên, cái nhìn của tôi nghiêng lách, len lỏi qua nhiều che khuất của những người ngồi lân cận. Cùng với cơn say gia tăng, tôi lại đứng lên, ngật ngưỡng chỉ vì men bia lộng hành, có thể vì vậy tôi bắt gặp đâu đó quanh bàn tiệc, ánh nhìn của những người nghĩ rằng họ đứng đắn, phải tỏ rõ thái độ, rằng sự ngạo mạn của tôi là thậm đáng trách. 
Tôi sẵn lòng trả giá để thấy chân dung của linh hồn dĩ vãng tôi, quả thật Uyên có mặt ở đây như lời người bạn vừa mất tích đã nói. Quả thật đấy là khuôn mặt song trùng, thuở Ava Gardner uống rượu còn chừng mực, trong quán rượu của những tay đấu bò chưa sa đọa ở Madrid; và quả thật Ernest Hemingway có tới uống rượu ở đây để nhìn chân tướng của sự dũng cảm, ông cùng lúc nhận ra ngay lập tức khuôn diện của người đàn bà đích thực là đẹp. 
Tất nhiên ngay sau đó tôi lại ngồi xuống chỗ của mình, nghe một người nói: “Vậy là chàng râu ngô không tới được rồi.” Vài ba người nói vài ba chuyện về người vừa được nhắc tới là “chàng râu ngô.” “Tôi liên tưởngChàng Râu Ngô giống Chàng Đỏ, các chị có đọc truyện The Red của nhà văn Somerset Maugham rồi chứ?” 
Không phải cô gái Thái nào trả lời Uyên, mà chính ông trưởng phòng giáo dục trả lời, vì ông trưởng phòng giáo dục vừa rất văn nghệ vừa giỏi tiếng Anh: “Tôi cho rằng Somerset Maugham hư cấu quá nhiều. Làm sao người ta từng sống với nhau mà không nhận ra nhau, sau một thời gian xa cách?!” 
Tiếng Uyên vẫn như ngày nào, cách đây gần ba mươi năm: “Somerset Maugham đi đây đi đó rất nhiều, ông từng trải, nhưng khi viết truyện thì ông có toàn quyền hư cấu theo ý mình. Có lẽ ông giả định một ngày nào đó sẽ có chuyện thật xảy ra như vậy.” Tiếng cười đây đó, tiếng nói: “Vậy là chị Uyên cũng nhận định như tôi về chuyện The Red.” 
Uyên chỉ nói mỗi chuyện ấy, tôi đoán chừng Uyên là cô giáo dạy môn Văn ở một trường trung học hay đại học nào đấy bên Mỹ. Cho tới lúc mãn tiệc ra về, tôi chỉ nghe giọng Uyên qua mỗi chuyện ấy. 
Uyên cùng ra về một lượt với các cô gái Thái. Trên lối hành lang dài, tôi bước vội theo. Một bàn tay giá lạnh nắm lấy tay tôi, trì níu lại: “Chờ tôi với chứ… nhưng ông chở tôi… mà ông có biết đi xe Spacy không?” Tôi tuyệt vọng nhìn Uyên lên xe hơi cùng các cô gái Thái. 
Về nhà người bạn, rất may bạn lăn ra ngủ, tôi được một mình ngồi hút thuốc lá liên miên trên chiếc ghế đặt ngoài trời khuya giá buốt. Khuya lắm, Uyên tới tìm tôi, dáng Uyên vẫn hơi cao và hơi gầy, khuôn mặt vẫn hơi say rượu những đêm Madrid, tiếng nói vẫn nhỏ nhẹ, hơi đau ốm: “Anh thì chắc tin rằng cặp tình nhân Chàng Đỏ có thật trong cuộc đời?” 
Nhưng đấy là tôi mơ ngủ thấy Uyên mà thôi. Tiếng người bạn chợt thức giấc sao đó, từ trong căn nhà vọng ra: “Chưa đi ngủ sao, chàng Werther lão niên thi sĩ!” 
*
Câu chuyện của cái truyện ngắn ở trên, tóm lại là như vậy. Tôi chẳng thắc mắc, nghĩ ngợi gì nữa, về những cái tôi đã viết ra, đã đăng trên báo in hay báo mạng. Chúng là những tử thi, như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường nói vậy, về những gì ông đã phổ biến đăng tải trên báo in hay báo mạng, hoặc cả trong ấn phẩm sách quý nữa. 
Ấy tuy nhiên một lần gặp người đồng-phụ-trách báo mạng X, từ Úc-đại-lợi về thăm quê hương khốn khổ, chúng tôi chuyện trò lan man các thứ, trong đó có cái chuyện về truyện ngắn này. “Nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn… đang sống ở hải ngoại phải không? Cái truyện ngắn ấy đăng được khoảng một tháng, ban biên tập chúng tôi nhận được e-mail dài cỡ trang giấy A4, của một người xưng là độc giả của nhà thơ – nhạc sĩ Y, tức nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn. Nội dung e-mail, một nửa là những lời thóa mạ kịch liệt tác giả truyện ngắn, nửa còn lại tán tụng hết mức tài năng thi ca của nhà thơ – nhạc sĩ Y. Kèm theo là một chùm thơ năm sáu bài gì đấy của nhà thơ – nhạc sĩ. Ban biên tập chúng tôi biết tỏng đây là e-mail của chính nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn của anh. Làm gì có độc giả nào, dù là nữ, cô ấy hay chị ấy hay bà ấy có mê say thi ca của nhà thơ – nhạc sĩ Y đến đâu, cũng không tận tụy miệt mài viết cái e-mail hừng hực lửa lòng như vậy, còn kèm theo cả một chùm thơ về nỗi hắt hiu hoành tráng của nhà thơ thần tượng ấy nữa! 
“Thế các anh có đăng chùm thơ ấy không?” Tôi hỏi người đồng-phụ-trách báo mạng X. Anh lắc đầu: “Toàn là những cảm xúc mưa phùn, nỗi hắt hiu sáo mòn giả tạo, chùm thơ vô thưởng vô phạt, chúng tôi không thể đăng được.” 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: