Trần Huy Bích
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên vừa cho chúng ta biết nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường không phải là người nhận thấy và lên tiếng sớm nhất đính chính sự sai lầm của nhóm phiên dịch và giới thiệu sách Hồng Đức Bản Đồ năm 1962 về tác giả của “Giáp ngọ niên Bình Nam đồ.” Trong bài “Quần đảo Hoàng Sa,” đăng trong tập san Sử Địa số 29 với chủ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa,” phát hành từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975 tại Sài Gòn, học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết:
“Nhân tiện, xin mách một sự lầm trong sách ấy về tên vị đốc suất Đoan quận-công sai vẽ bản Giáp ngọ niên Bình Nam đồ. Đó không phải là Nguyễn Hoàng như chú thích ở trang 139 đã ghi. Ấy là Bùi Thế Đạt, làm đốc suất coi trấn Nghệ An năm Giáp Ngọ 1774 (Đại Việt Sử kí tục biên)…”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên hoàn toàn đúng. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã lên tiếng về điều ấy từ đầu năm 1975. Tôi thành thật cám ơn ông Nguyễn Man Nhiên đã nhắc cho biết như thế. Phía sau là bản chụp những lời của Gs. Hoàng Xuân Hãn ở trang 14 của tập san Sử Địa số 29 (tháng 1 đến tháng 3 năm 1975):
(Tập san Sử Địa số 29. Bản do nhà xuất bản Văn Nghệ và Khai Trí chụp in lại ở hải ngoại năm 1992. Bài của Gs. Hoàng Xuân Hãn ở các trang 11-22 của số tập san này)
Tạ Chí Đại Trường là một trong những người đóng góp bài cho tập san Sử Địa. Qua những câu anh viết trongThần, người và đất Việt (Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989), ta không thấy dấu hiệu chứng tỏ anh đã đọc bài viết của Gs. Hoàng Xuân Hãn (hoặc đã đọc nhưng có thể chưa chú ý đúng mức tới chuyện giáo sư “mách một sự lầm”):
“Thực ra nỗi phân vân trong lập luận của ông (chỉ Gs. Trương Bửu Lâm) là do ông tưởng rằng chữ ‘đốc suất Đoan quận công họa tiến’ trên ‘Giáp ngọ niên Bình nam đồ’ đó là của Nguyễn Hoàng. Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn …. ghi: ‘Giáp ngọ 1774, trấn thủ Nghệ An là Đoan quận công Bùi Thế Đạt dâng sớ xin đánh phương nam, được chấp nhận và được phong kiêm chức đốc suất Bình nam Đại tướng quân dưới quyền Hoàng Ngũ Phúc.’ Như thế năm Giáp ngọ ghi trên bản đồ là năm 1774, thực hiện cho mục đích chinh nam nên có lời chú thêm là ‘Tự Đồng Hới chí Cao Miên giới’…” (Tạ Chí Đại Trường. Thần, người và đất Việt. Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989. Chú thích số 10, trang 214). Chỉ dùng Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn để biện minh cho kiến giải của mình, Tạ Chí Đại Trường không hề nhắc tới những lời của Gs. Hoàng Xuân Hãn.
Trong những trang di bút được phổ biến gần đây, anh nhắc lại:
“Trở lại với Bình Nam đồ …Chúng tôi là người đi sau – không ‘sau’ lắm – nên quả quyết đó là bản đồ của Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ dâng lên Trịnh Sâm, sử dụng cho chiến dịch Bình Nam 1774, chiếm kinh thành Huế. Điều này được ghi trong Thần, người và đất Việt, viết trước năm 1988, in ở Mĩ 1989, Nxb Văn Nghệ. Và dám quả quyết điều xác định này là tuyệt đối.” Tuy “quả quyết” về điều xác định của mình, Tạ Chí Đại Trường vẫn không hề nhắc tới những lời Gs. Hoàng Xuân Hãn viết ra đầu năm 1975.
Các tháng 3 và 4 năm 1975 là những tháng “dầu sôi lửa bỏng” ở miền Nam Việt Nam. Với sự “tổng tấn công” của quân đội miền Bắc, toàn vùng cao nguyên rồi tới Huế, Đà Nẵng … và các tỉnh miền Trung lần lượt thất thủ, đưa tới việc cầm cự ở Xuân Lộc, giao tranh ở Biên Hòa, rồi vòng vây quanh Sàigòn… Trong hoàn cảnh ấy, mấy ai còn tâm trí đọc tập san Sử Địa! Sau ngày 30-4, cùng với nhiều văn hóa phẩm khác của miền Nam, nhiều số đặc san ấy bị tịch thu, thiêu hủy… Mãi 17 năm sau (1992) mới được nhà xuất bản Văn Nghệ và Khai Trí tìm ra một bản cũ, chụp in lại ở quốc ngoại, phẩm chất yếu kém, nhiều trang chữ rất mờ. Tạ Chí Đại Trường bị bắt đi “học tập cải tạo” từ 1975 tới 1981. Tuy từng đóng góp bài cho nhiều số trước của tập sanSử Địa, việc anh không được đọc số 29 là một điều rất có thể xảy ra. Một phần vì những lời “mách” của Gs. Hoàng Xuân Hãn chỉ được đưa ra qua 6 dòng trong một bài khá dài (12 trang), về một đề tài quan trọng và cấp thiết hơn rất nhiều: quần đảo Hoàng Sa.
Người viết những dòng này cũng là một trong những người truy tìm rồi may mắn có được tập san Sử Địa số 29, và đã đọc bài của Gs. Hoàng Xuân Hãn cùng nhiều bài khác trong đó. Xin thú thật là cũng chỉ chuyên tâm tới những chứng cớ về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, không chú ý đúng mức tới câu chuyện về tác giả của bộ “Bình Nam đồ.” Thành thật cám ơn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên đã có nhã ý mách cho biết.
Trong các sử liệu thời Lê hoặc viết về thời Lê, tôi chưa có Lê Quý Dật Sử. Tán đồng nhận thức của Tạ Chí Đại Trường về nhân vật “Đoan quận công” chỉ hoàn toàn dựa theo Đại Việt Sử Ký Tục Biên và Phủ Biên Tạp Lục. Sau khi đọc những hàng “Góp ý” của nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên, tôi coi lại thiên “Nhân vật chí” trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, và thấy chuyện Bùi Thế Đạt có tước phong Đoan quận công được nói rất rõ trong đó (Tập I, trang 361, bản in của Nxb Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội năm 1992).
Qua các sự kiện trên, xin được ghi lại những bài học sau:
1) Biển học mênh mông, khó ai có khả năng đọc tất cả những tài liệu cần thiết. Tạ Chí Đại Trường đọc rất nhiều, rất kỹ, nhưng cũng không biết đến những hàng “mách một sự lầm” Gs. Hoàng Xuân Hãn viết ra đầu năm 1975. Trước đó, tuy cũng nhận thấy “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” không thể là tác phẩm của Nguyễn Hoàng, Gs. Trương Bửu Lâm cùng các học giả cộng tác trong ban phiên dịch và chú giải Hồng Đức Bản Đồnăm 1962 vẫn ghi “Đoan Quận công là Nguyễn Hoàng,” không biết có một “Đoan Quận công” khác là Bùi Thế Đạt. Sự kiện Bùi Thế Đạt có tước phong “Đoan Quận công” được chép trong Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Phủ Biên Tạp Lục, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (và Lê Quý Dật Sử theo nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên), vậy mà các nhà phiên dịch và chú giải Hồng Đức Bản Đồ năm 1962 cùng không biết chuyện ấy. Tôi có tập san Sử Địa số 29 và đã đọc bài “Quần đảo Hoàng Sa” của Gs. Hoàng Xuân Hãn, nhưng đã sót 6 hàng “mách một sự lầm” nằm trong bài, tưởng lầm rằng Tạ Chí Đại Trường là người đầu tiên biết tới vai trò của Bùi Thế Đạt. Trong việc học hỏi, tất cả chúng ta cần hết sức thận trọng mỗi khi đưa ra những lời nói, bài viết mang tính cách “xác quyết.”
2) Các bậc có thực học thường vẫn thận trọng và khiêm tốn. Khi cho in Hồng Đức bản đồ năm 1962, Gs. Trương Bửu Lâm đã viết: "Chúng tôi đã cố gắng … nhưng vẫn không bao giờ quên là tác phẩm còn rất nhiều khuyết điểm hay lỗi lầm," "Mong các độc giả vui lòng chỉ dẫn trong những khuyết điểm cũng như sửa chữa những lầm lỗi." Trong”Lời giới thiệu” bản dịch Đại Việt Sử Ký Tục Biên (dịch và khảo chứng: Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng; hiệu đính: Nguyễn Đổng Chi), viết tại Hà Nội ngày 1-7-1981, bổ sung 9 năm sau ngày 12-12-1990, dịch giả Nguyễn Kim Hưng đã viết: “Mặc dù người dịch cũng như người duyệt đã cố gắng hết sức mình, nhưng chắc chắn rằng bản dịch vẫn không tránh được còn nhiều sai sót… Rất mong bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu Sử học và giới Hán Nôm vui lòng chỉ bảo cho …” Khi góp ý về chuyện “Tạ Chí Đại Trường và Bình Nam đồ,” nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên cũng viết, “Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, có lẽ người phát hiện và lên tiếng sớm nhất đính chính sự sai lầm của nhóm phiên dịch và giới thiệu sách HĐBĐ khi cho rằng tác giả của GNNBNĐ là Đoan quận công Nguyễn Hoàng … là học giả Hoàng Xuân Hãn.” Những thái độ thận trọng và khiêm tốn như thế thật đáng kính trọng.
Thành thật cám ơn nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên đã nhắc tôi đọc kỹ lại một số tập san vẫn được giữ để đọc từ trên 20 năm nay. Trong niềm xúc động khi nghe tin nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời, cũng như nhiều thân hữu khác, tôi có ý muốn “vinh danh” anh, nên đã không kiểm chứng lại một cách đúng mức tất cả những tài liệu hiện có. Tuy đọc sót bài viết về Hoàng Sa của Gs. Hoàng Xuân Hãn, chỉ với Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Tạ Chí Đại Trường vẫn mạnh dạn nói lên sự không đồng ý của anh đối với các nhà phiên dịch và chú giải cuốn Hồng Đức Bản Đồ về nhân vật Đoan quận công. Dù không là người đầu tiên phát hiện và lên tiếng về vai trò của Bùi Thế Đạt, Tạ Chí Đại Trường vẫn tự có những nhận xét độc lập mang tính cách khám phá, và mạnh dạn nói lên những nhận xét ấy.
Trần Huy Bích
(14 tháng 4-2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét