Trong bài viết sau đây, Geoff Dyer nhận định rằng kỷ nguyên mới về cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương sẽ trở thành cuộc đối đầu địa chính trị đặc trưng của thế kỷ 21. Geoff Dyer là ký giả chuyên viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, và nguyên là trưởng văn phòng tại Bắc Kinh của báo Financial Times (Anh). Cuốn sách mới của ông “Cuộc giao tranh của thế kỷ: Kỷ nguyên cạnh tranh mới với Trung Quốc” (The Contest of the Century: The New Era of Competition with China) được nhà Knopf (Mỹ) và Penguin (Anh) xuất bản trong tháng 2/2014.
Mỹ-Trung Quốc: Có phải đây là cuộc chiến tranh lạnh mới?
Geoff Dyer
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Trong danh sách những ngành Trung Quốc hiện thống lĩnh, có thêm một cái tên mới đáng ngạc nhiên: Hoa hậu Thế giới. Thi hoa hậu bị Mao Trạch Đông cấm ở Trung Quốc vì bị xem là một trong những hình thức xấu xa nhất của thói đồi trụy phương tây, nhưng tính quốc tế vô vị của chúng lại rất hợp với ước nguyện của nước Trung Quốc hiện đại muốn được thế giới đoái hoài. Năm trong 10 cuộc thi Hoa hậu Thế giới gần đây nhất được tổ chức ở khu du lịch ven biển Tam Á (Sanya), trên đảo cận nhiệt đới Hải Nam (Hainan) ở ngoài khơi vùng biển phía nam Trung Quốc. Mỗi khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức ở đây, những đợt chụp ảnh áo tắm diễn ra ở bên kia đường, tại Sheraton Sanya Resort nhìn ra những bãi cát trắng của Vịnh Á Long (Yalong), một vịnh nhỏ hình lưỡi liềm rợp bóng cọ. Với khách sạn Ritz-Carlton một bên và khách sạn Marriott bên kia, Vịnh Á Long là một hình mẫu sao chép của du lịch đa quốc gia ở điểm cực nam của Trung Quốc. Các gia đình giàu có ở Trung Quốc rất mê khu resort này, và hôm tôi đến thăm, khách sạn này đang tổ chức cuộc họp mặt doanh nghiệp cho chi nhánh Trung Quốc của Syngenta, công ty Thụy Sĩ chuyên bán hạt giống biến đổi gien. Buổi chiều, chừng trăm nhân viên Trung Quốc chơi các trò trên bãi biển. Lúc mải vui chơi, họ chẳng ngước nhìn khi một tàu khu trục Hạng 054 của Trung Quốc tình cờ chạy ngang vịnh, ngay trước mặt du khách. Hóa ra Vịnh Á Long có một cuộc sống hai mặt. Những khách sạn danh tiếng chỉ chiếm một nửa bãi biển; ở phía bên kia là căn cứ hải quân mới nhất và tân tiến nhất của Trung Quốc.
Vịnh Á Long là nơi giao thoa hai mặt của sự vươn lên của Trung Quốc: nền kinh tế kết nối chặt chẽ với thế giới và bản năng cố hữu muốn thách thức Mỹ – một Trung Quốc toàn cầu hóa và một Trung Quốc siêu cường giành chỗ trên bãi biển này. Ăn mừng thành công của mình tại thị trường Trung Quốc, nhân viên Syngenta ở khách sạn Sheraton đều mặc áo thun in khẩu hiệu bằng tiếng Anh cho buổi lễ “Step Up Together” (Cùng tiến lên”). Tuy nhiên ngay bên cạnh nơi tổ chức buổi tiệc của họ là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của các tham vọng siêu cường của Trung Quốc. Nằm ở vị trí lý tưởng để nhanh chóng hòa vào những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp của vùng Nam Hải [cách Trung Quốc gọi Biển Đông, N.D.], căn cứ ở Hải Nam là một trong nền tảng chính để phô trương thanh thế quốc gia theo kiểu cũ: một lực lượng hải quân có có tầm hoạt động vượt hẳn ra ngoài những vùng biển của quốc gia. Trong mấy thập niên vừa qua, kiểu chính trị giễu võ dương oai như vậy dường như đã lỗi thời do thế giới phẳng, không xung đột của sự toàn cầu hóa. Vịnh Á Long thể hiện một thực tế khác hẳn. Đó là một trong những bệ phóng của cuộc đối đầu địa chính trị chủ yếu trong thế kỷ 21: kỷ nguyên mới của cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ.
. . .
Các vùng biển của Châu Á đã trở thành những huyết mạch chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu, nhưng hiện có hai tầm nhìn khác hẳn nhau về tương lai của Châu Á. Kể từ khi Nhật bại trận năm 1945 – và đặc biệt từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh – Hải quân Mỹ đã xem Thái Bình Dương gần như hồ riêng của mình. Hải quân Mỹ đã dùng sức mạnh đó để thực hiện một hệ thống quốc tế mang hình ảnh của chính mình, một trật tự dựa trên quy tắc về tự do thương mại, tự do đi lại [trên biển] và, nếu có thể, chính quyền dân chủ. Nền hòa bình thế giới với Mỹ ở vị thế thống lĩnh (Pax Americana) được củng cố khi Mỹ và Trung Quốc nối lại quan hệ năm 1972. Bốn thập niên kể từ khi Richard Nixon gặp Mao Trạch Đông là giai đoạn ổn định và thịnh vượng nhất trong lịch sử hiện đại của Châu Á. Theo thỏa thuận đó, Mỹ ủng hộ Trung Quốc trở lại với gia đình các quốc gia và Trung Quốc ngầm chấp nhận sự thống lĩnh quân sự của Mỹ ở Châu Á.
Thỏa thuận bất thành văn này giữa Bắc Kinh và Washington về vai trò của Mỹ ở Châu Á đang vỡ vụn. Nay Trung Quốc muốn tái định hình thế lực quân sự và chính trị ở khu vực này để phản ánh vai trò trung tâm truyền thống của chính mình. Các siêu cường quốc vừa có sự tự tin vừa có tâm lý bất an. Trung Quốc muốn trở lại vị thế lãnh đạo mà họ đã quá nhiều lần chiếm lĩnh trong lịch sử Châu Á. Trung Quốc cũng lo lắng về an ninh của hoạt động thương mại đường biển, đặc biệt ở vùng mà họ gọi là “Cận Hải” (Near Seas) – các vùng biển gồm Hoàng Hải, Hoa Đông, Hoa Nam. Căn cứ hải quân Vịnh Á Long trên đảo Hải Nam là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện để nắm quyền kiểm soát các vùng biển Cận Hải, đẩy Hải quân Mỹ ra càng xa hơn về phía tây Thái Bình Dương. Trong quá trình này, Trung Quốc đang thách thức mạnh mẽ cái trật tự do Mỹ dẫn đầu vốn đã là xương sống của phép màu kinh tế Châu Á.
Trong hai mươi năm qua, Trung Quốc đã liên tục tăng cường quân sự nhanh chóng, và hải quân được trao vị trí quan trọng nhất. Quan trọng hơn nữa, Trung Quốc đã liên tục đầu tư vào hải quân theo một cách rất cụ thể. Những nhà chiến lược của Mỹ đôi khi nói đến “phản hải quân” của Trung Quốc – một loạt các tàu chiến, tàu ngầm chống bị radar và sonar phát hiện và các tên lửa chính xác – có cái đặt trên đất liền, có cái đặt ngoài khơi – với mục đích cụ thể là đẩy hải quân đối phương càng xa đại lục càng tốt. Ý nghĩa của kế hoạch đầu tư này là Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động ở những vùng rộng lớn ở phía tây Thái Bình Dương. Theo Dennis Blair, cựu tư lệnh Thái Bình Dương từng là đứng đầu ngành tình báo Mỹ trong giai đoạn đầu của chính quyền Obama: “Họ dành chín mươi chín phần trăm thời gian nghĩ về những cách mới và lý thú để đánh chìm tàu và bắn hạ máy bay của chúng ta.”
Hải quân mới của Trung Quốc vừa cách bày tỏ sức mạnh và một phương tiện để đạt được mục đích ngoại giao. Bằng cách làm suy yếu sự hiện diện hải quân của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, Trung Quốc hy vọng dần dần sẽ phá hoại các liên minh của Mỹ với các nước Châu Á khác, đặc biệt là Nam Hàn, Philippines và thậm chí cả Nhật. Nếu ảnh hưởng của Mỹ giảm đi, Trung Quốc sẽ có cơ hội lặng lẽ chiếm vị thế lãnh đạo ở Châu Á, giúp Trung Quốc có thế lực hơn về các quy tắc và cách hành xử trong nền kinh tế toàn cầu. Bằng hải quân của mình, Trung Quốc hy vọng sẽ tái định hình cán cân quyền lực ở Châu Á. Sự cạnh tranh hải quân ở phía tây Thái Bình Dương sẽ định hướng phần lớn chính trị toàn cầu trong những thập niên sắp tới.
Tuy những áp lực này đã lặng lẽ dồn nén trong vài năm qua, chúng đã bùng phát mạnh mẽ trong những tháng gần đây, đặc biệt với sự đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật về quần đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông – mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Gần như hàng ngày, máy bay Trung Quốc bay gần quần đảo này, khiến Nhật cũng cho máy bay quần thảo, trong khi tàu Trung Quốc cũng tuần tra gần quần đảo này hiện đang do Nhật quản lý. Các nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới đang chơi trò đối đầu quân sự xem ai nhượng bộ trước, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ – do hiệp ước nên quyết tâm bảo vệ Nhật. Việc Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này là một phần trong nỗ lực chiếm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vùng biển xung quanh, mà cũng là một phần quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt với Mỹ.
Việc Trung Quốc chuyển sang các vùng biển này có nguồn gốc từ lịch sử và địa lý vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống chính trị hiện nay của nước này. Chính từ biển mà Trung Quốc bị quấy nhiễu trong “thế kỷ ô nhục” dưới tay phương tây. Trung Quốc là một trong những nạn nhân đáng chú ý nhất của đường lối ngoại giao tàu chiến hồi thế kỷ 19, khi Anh, Pháp và các cường quốc thực dân khác dùng ưu thế hải quân của họ để kiểm soát Thượng Hải và cả chục cảng khác trên khắp Trung Quốc. Bản năng muốn kiểm soát các vùng biển xung quanh một phần có nguồn gốc từ ước nguyện phổ biến là không bao giờ để Trung Quốc rơi vào thế yếu nữa. “Không ngó ngàng đến các đại dương là một sai lầm lịch sử mà chúng tôi đã mắc phải,” Yang Yong, một nhà sử học Trung Quốc, nói. “Và hiện nay thậm chí trong tương lai chúng tôi sẽ phải trả giá cho sai lầm này.”
Sự bao vây này nhìn trên bản đồ còn tệ hại hơn. Trung Quốc bàn về “chuỗi đảo đầu tiên”, một vành đai trải dọc theo phía tây Thái Bình Dường từ Nhật ở đông bắc, qua Đài Loan, xuống đến Philippines ở phía nam – tất cả đều là đồng minh hoặc bạn bè của Mỹ. Đây vừa là một rào chắn địa lý, ở chỗ nó tạo ra một loạt kênh mà một đối thủ mạnh hơn có thể chặn để làm kiềm chế hải quân Trung Quốc, vừa là một rào chắn chính trị thuộc quyền kiểm soát của các nước thân Washington. Các nhà chiến lược Trung Quốc bàn về việc “vượt qua bụi cây”: phát triển năng lực hải quân để có thể hoạt động bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên.
Khi hướng ra biển, Trung Quốc cũng thấy ngay sự hiện diện của Mỹ. Trong những thập niên khi Trung Quốc chẳng có gì ngoài lực lượng tuần tiễu hải dương, họ gần như chẳng biết rằng Hải quân Mỹ đang tuần tra các vùng biển gần bờ biển Trung Quốc. Nhưng nay khi năng lực của Trung Quốc đã tân tiến hơn, hàng ngày Trung Quốc thấy rằng hải quân Mỹ ưu việt và hoạt động chỉ cách nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chỉ vài dặm. “Với họ, đây là một nỗi ô nhục mà họ nếm trải mỗi ngày,” Sở Thụ Long, một học giả tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh từng có nhiều năm kinh nghiệm trong quân đội Trung Quốc, nói. “Quả là ô nhục khi một nước khác có thể tập trận ở quá gần bờ biển Trung Quốc, quá gần với căn cứ ở Hải Nam. Đó là lý do khiến hải quân muốn làm gì đó để thách thức Mỹ.”
Những nỗi lo về lịch sử và địa lý đã hòa lẫn với những mối quan ngại rộng lớn hơn về an ninh kinh tế. Một trong những bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hướng ra biển khơi của Trung Quốc đã diễn ra khi Trung Quốc bắt đầu nhập dầu lần đầu tiên, vào năm 1993. Đến năm 2010, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì, một nửa trong đó hiện nay phải nhập khẩu. Các siêu cường quốc mới thường lo ngại rằng các đối thủ có thể gây hại cho nền kinh tế của họ bằng một đợt phong tỏa. Cứ 10 thùng dầu Trung Quốc nhập về, có hơn tám thùng được chuyên chở bằng tàu thủy qua Eo biển Malacca, một eo biển hẹp giữa Indonesia, Malaysia và Singapore, được các tàu Mỹ tuần tra bảo vệ. Người Venice ở thế kỷ 15 thường cảnh báo, “Ai làm Chúa tể Malacca thì nắm yết hầu Venice.” Hồ Cẩm Đào lặp lại những cảm nghĩ này khi ông cảnh báo trong một bài phát biểu năm 2003 rằng “một số cường quốc” quyết tâm kiểm soát tuyến đường biển hệ trọng này. Cho đến nay, an ninh hàng hải của Trung Quốc được bảo đảm chủ yếu nhờ Hải quân Mỹ. Nhưng, giống như các quốc gia muốn vươn lên thành siêu cường trước mình, Trung Quốc buộc phải đối mặt với một thế lưỡng nan về địa chính trị: liệu họ có thể trông cậy vào một đối thủ để bảo vệ vận mệnh kinh tế của đất nước hay không?
. . .
Nguồn: Geoff Dyer, US v China: is this the new cold war?, Financial Times, 20/2/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 26/2 & 5/3/2014.)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét