(Ảnh: news.zing.vn)
Có nhóm ý kiến cho rằng phải cho báo chí tư nhân hoạt động để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo điều 25 của Hiến pháp hiện hành. Trái lại, nhiều ý kiến không đồng tình vì lo ngại như thế sẽ khó kiểm soát. Sau khi đi sâu nghiên cứu tìm hiểu đến tận cùng về vấn đề này, bài viết sau mong được làm sáng tỏ mấy nội dung sau:Một xã hội luôn có nhu cầu cần được biết nên đi theo hướng nào giữa muôn vàn ý kiến, quan điểm, tư tưởng trong dư luận. Vì vậy qua những tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, báo chí đã ra đời để đáp ứng cho nhu cầu cần được định hướng này.
Cũng chính vì thế mà báo chí có hai chức năng chính là: thông tin và tuyên truyền.
Với chức năng thông tin, thì đòi hỏi nguồn tin phải chính xác, chịu trách nhiệm, và tiếp nhận rộng rãi trên toàn xã hội. Do đó nguồn tin phải được xác định nơi cung cấp, người cung cấp, người chịu trách nhiệm.
Do có chức năng thông tin, nên báo chí còn là nơi tập hợp các ý kiến nguyện vọng của nhân dân để nhà nước nắm bắt được mà có chính sách hợp lòng dân.
Và do một xã hội cần đi theo một hướng nhất định để tiến lên phía trước, cho nên báo chí có chức năng tuyên truyền để định hướng cho dư luận biết được đâu là lựa chọn đúng đắn giữa muôn vàn ý kiến quan điểm trái chiều trong xã hội.
Cũng lưu ý rằng do báo chí có sức lan tỏa trong xã hội nên tuyên truyền định hướng dư luận mới là nhiệm vụ chính của báo chí hơn cả.
Bởi lẽ một xã hội cần biết được phải đi theo hướng nào để tiến lên phía trước, thì từ nhu cầu định hướng đó mà xã hội cần được báo chí thực hiện chức năng cung cấp thông tin.
Cho nên khi báo chí thực hiện chức năng cung cấp thông tin cũng chính là để góp phần thực hiện mục đích gốc là tuyên truyền định hướng xã hội.
Như vậy, một mặt báo chí tiếp nhận rộng rãi tất cả các ý kiến phản ánh quan điểm, nguyện vọng cá nhân trong toàn xã hội để thực hiện chức năng thông tin qua lại giữa nhân dân và nhà nước, giữa nhân dân với nhau.
Nhưng một mặt báo chí lại phải nhận xét đánh giá chuẩn xác các quan điểm nguyện vọng đó, lập luận thuyết phục để đưa ra một định hướng tiến bộ cho toàn xã hội, tức là báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho toàn xã hội đi theo một hướng tích cực nhất định.
Điều này đòi hỏi nhà báo phải là những người có tư cách đạo đức chuẩn mực, có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng.
Đó cũng là đồng nghĩa với việc phải có cơ quan báo chí chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Thì như vậy yêu cầu từ thực tiễn này rõ ràng đã bác bỏ quan điểm nên cho báo chí tư nhân hoạt động do không thỏa mãn được yêu cầu thực tiễn đó.
Chú ý rằng điều này không hề mâu thuẫn với sự cần phải có phản biện xã hội.
Tuy rằng báo chí tư nhân đóng vai trò rất tốt trong việc tự do nêu quan điểm cá nhân phản biện lại các quan điểm của các cá nhân khác và nhà nước, nhưng do không phải là chuyên ngành định hướng xã hội được kiểm soát chặt chẽ nên báo chí tư nhân không thể tránh được sự phản ánh quan điểm lệch lạc sai trái, lại gây ảnh hưởng đến dư luận khiến cho dư luận không biết đâu là con đường đúng đắn để đi theo.
Hậu quả là báo chí tư nhân dễ gây hoang mang, nhầm lẫn, ảo tưởng trong dư luận xã hội, mà điều này tất yếu dẫn đến sự rối loạn, chệch hướng trong tư tưởng của xã hội.
Cho nên để thực hiện vai trò phản biện xã hội nhằm làm sáng tỏ và có thể bổ khuyết cho những thiếu sót của nền báo chí định hướng chuyên ngành, thì báo chí tư nhân chỉ nên được lồng vào báo chí chính thống qua những mục phản ánh ý kiến, phản biện xã hội, từ đó báo chí chính thống có những hồi đáp thuyết phục, để dư luận được phục vụ tốt nhất nhu cầu định hướng mà dư luận cần có.
Một lý do nữa là tình trạng các trang mạng của tư nhân sao chép lại bài vở của các trang báo chính thống làm thất thoát độc giả của báo chính thống, khiến cho báo chính thống bị chiếm đoạt chất xám bài vở của mình làm ra, lương nhà báo chính quy vì thế rất thấp, dẫn đến nhà báo chân chính dễ bị sa vào con đường phải kiếm sống thêm mà bẻ cong ngòi bút, viết không đúng sự thật chạy theo yêu cầu được thuê.
Cho nên để bảo vệ quyền lợi của nhà báo chân chính thì báo chí nói chung phải tinh gọn, ít số lượng để đảm bảo chất lượng, chính vì thế đó lại là lí do không thể cho hoạt động báo tư nhân.
Còn về quan điểm cho rằng phải có báo chí tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, thì như vậy là có sự nhầm lẫn ở đây.
Đó là, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải đồng nghĩa với quyền tự do xuất bản báo chí, mà cần được hiểu đó là tự do viết báo.
Công dân vẫn luôn có quyền tự do viết báo, phản ánh quan điểm, ý kiến của mình lên truyền thông. Nhưng chú ý ở đây là báo chí có vai trò định hướng tư tưởng trong dư luận, thế cho nên các cá nhân không có đầy đủ các yếu tố chuẩn mực về đạo đức, kiến thức, trình độ lý luận thì không thể được quyền định hướng dư luận.
Để định hướng được dư luận tức là được quyền xuất bản báo chí phát hành rộng rãi tuyên truyền trong xã hội, thì đòi hỏi phải có tổ chức chính trị phục vụ lợi ích quốc gia dẫn đầu về tư tưởng, đường lối, có học thuyết chính trị soi sáng, chính sách đối nội - đối ngoại rõ ràng thì báo chí mới có đủ năng lực để định hướng dư luận, mà điều này thì báo chí tư nhân lại không thể đảm bảo được do không có tổ chức chính trị nào dẫn dắt.
Điều này đã giải thích thỏa đáng vì sao ở Việt Nam tư nhân không được thành lập cơ quan báo chí.
Như vậy, qua những cơ sở thực tiễn được làm sáng tỏ như trên, đã dẫn đến kết luận chính xác là: Không nên cho hoạt động báo chí tư nhân, vì tư nhân không thể đảm bảo được năng lực định hướng cho dư luận của báo chí.
Phạm Mạnh Hà
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nen-hay-khong-bao-chi-tu-nhan-va-hieu-the-nao-cho-dung-post163405.gd
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét