Văn Chinh
Nhà văn Trần Huy Quang đưa cho tôi tập bản thảo Pháo đài cổ, bảo viết mấy lời giới thiệu. Nhìn qua thấy đây như là tập chọn những truyện mà ông thích từ trước tới nay. Viết mấy lời giới thiệu thì tôi không muốn, tôi muốn viết về Trần Huy Quang là viết về những truyện ngắn mà tôi đọc không vào như “Pháp đài cổ” chẳng hạn, (in trong tập Người làm chứng, nxb Lao Động -1987) vừa xa lạ đề tài, vừa xa lạ bút pháp. Cái đong đưa của Trần Huy Quang giữa cái thực và cái phi thực, rối rắm cố tình làm cho tôi bị mắc. Tôi muốn viết về cái đong đưa ấy của ông chứ không muốn viết vài lời giới thiệu.
Ít hôm sau, ông lại nhắn tin “ Co thich hay viet, khong thich thi thoi.” Lời nhắn làm cho tôi khó nghĩ. Thích thì không thích rồi, nhưng khó từ chối quá vì cái cảm giác ở Trần Huy Quang như là viết một truyện ngắn dù là trong trẻo như Khoảng trống, thắm thiết như Đạo của tình yêu hay dồn nén, riết róng và vô lý như Cô gái ở trong chân núi Trần Huy Quang đều dốc sức cả đời, viết như sau truyện ngắn ấy thì … thôi! Mà sự đọc hôm nay là cái sự đọc của thời “lướt ván”, ai hiểu ai, nhưng không thể trách được ai. Có trách thì trách thời thị trường, công việc túi bụi, cứ lừng khừng thì cơ hội một đi không trở lại. Cũng tại nhà văn nữa, nhà văn trong đó có Trần Huy Quang, chúa là hay đòi hỏi, gay gắt đòi hỏi một cái đẹp toàn mỹ và những cái gì nâng cao con người trong văn chương. Lại còn bởi thị trường sách nhiều, tự do viết không hay, dễ dãi xuất bản, sách ra không phải vì mục đích đọc.
Trần Huy Quang chia tập truyện của mình ra hai phần, dĩ nhiên không phải theo thời gian. Khoảng trống là chuyện về một người lính trẻ bị mìn của thời chiến tranh, phải nằm bất động, “thèm nói chuyện để khỏi chết vì buồn” may nhờ có một cô bạn cùng phòng kể chuyện cây cỏ hoa lá chim chóc những gì diễn ra bên ngoài cái cửa sổ kia làm cho anh có nghị lực vượt qua những ngày bi quan chán nản. Đến khi anh đứng lên được, nhìn qua cửa sổ mới biết những gì cô bạn kể cho anh chỉ là những tưởng tượng của cô nhưng những tưởng tương ấy “nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, đưa tôi vượt quạ chán nản và đừng ngã lòng trước những hiểm hoạ và thất bại”. Phải chăng đó là mục đích của văn chương, của những tưởng tượng, phải chăng đó là tuyên bố nghệ thuật của nhà văn. Xa nhau được viết ở những năm Quang còn trẻ, câu chuyện đất và cây trồng ở một nông trường, nó không chỉ chuyện đất chấp nhận giống cây nào mà chính là người dân chấp nhận cái gì và từ chối cái gì. Bây giờ nó vẫn còn nóng hổi Đọc văn Quang thấy nằng nặng là như thế, có khi cảm giác như mình đang băng bó lại một vết thương (Tiếng hát của cô gái điên), khi đề xuất một lối sống (Một người gặp may, Sự trắc trở đã qua), nêu lên một điều tự nhiên mà bị chìm khuất ( Khe Cò).
Cái cảm hứng thiết tha nhất, thấm đẫm nhất trong truyện ngắn Trần Huy Qyang là cảm hứng tình yêu. Nếu Xuất xứ của bài thơ, “Đạo diễn”không chuyên là những câu chuyện tình say đắm, trong trẻo, được viết bởi một giọng văn khoẻ khoắn, tươi trẻ, kết cấu rành mạch rõ ràng, dễ hiểu, dễ đọc thì Em là hoa thuỷ tiên, Đạo của tình yêukết thúc ngậm ngùi, tình yêu đi liền với mất mát.
Trong đời sống hàng ngày, Trần Huy Quang là người ít nhời, nếu là trong quán bia hơi nữa thì coi như có thể nhin Quang mấp máy môi rồi thỉnh thoảng cười ruồi, chứ đừng cố nghe làm gì, cố nghe cũng bằng không. Có cảm giác Quang còn vụng nữa. Người cao hơn thước bảy, từng là lính pháo, khi nói tay chân như thừa. Bạn có thấy mẫu người thao thao bất tuyệt, khi ba hoa tay cứ chém lia lịa vào không khí không? Trần Huy Quang không những ngược lại, mà như ông còn dị ứng nữa, ông cứ cố co mình lại cho đỡ tốn không gian, đỡ phiền mọi người.
Vậy mà viết về cái Đẹp, về Tình yêu lại đắm say mà tinh tế, duyên dáng mà vẫn mộc mạc. Đó là cái duyên của Quang. Truyện Em là hoa thuỷ tiên viết về cái đáng thương của một gã đàn ông đã luống tuổi, từng thất bại vì đàn bà, dẫn đến tâm lý thiếu tự tin trong trường tình, với tâm thế ấy gã nhìn cô gái trẻ hồn nhiên yêu gã, từng xa xôi bật đèn xanh cho gã, nhưng gã vì không dám nên không muốn nhận ra. Cho đến sáu năm sau, vô tình gã mở cuốn sách của cô cho mượn mà gã đã không nhìn đến, một bức thư tỏ tình của cô đã rơi ra. Gã đọc mà gai người, chúng ta cũng gai người “Anh không nhận ra điều gì ư? Sao anh ngốc thế?” Thật là xót xa tiếc nuối, tình thư trao tận tay mà sáu năm sau mới biết, mọi chuyện chỉ còn bèo tấm ra sông. Trần Huy Quang gọi đó là sự nhầm lẫn của số phận. Đời người đâu có nhiều cơ hội, mà con người cũng như con tàu, đời một lần nhầm lẫni đủ để chệch đường ray, đổ, lịch sử phải làm lại từ đầu.
Bạn nào đọc nhiều văn Tây hẳn không thích lắm cái Khoảng trống nhưng không thể không thích Đạo của tình yêu. Thế gian nói nhiều về đạo vợ chồng, quân thần, phụ tử, nay Quang nói về đạo tình yêu. Điều Quang nói sẽ cắt nghĩa vì sao câu thơ sau đây của nhà thơ Lê Văn Ngăn lại làm ta giật mình “Nhiệm vụ của con người là chết cho tình yêu”. Giật minh rồi thán phục, vâng, tình yêu trên thực tế đã là một thứ đạo. rất nên xác lập thành một thứ đạo để trở thanh đạo hội đông đảo nhất hành tinh. Không cần giáo lý, giáo chủ nhưng chỉ cần chăm chú quan sát vợ chồng chim chích ăn ở với nhau là hiểu ngay ra giáo lý. Đây là đoạn văn Quang viết về Đạo của mình, nó thiêng liêng và thật tinh tế. “Sương gió mù mịt, trông nó càng nhỏ nhoi. Như nó chỉ bằng quả dâu khô, mỏng manh đến mức nhìn mà nàng run sợ. Nàng tần ngần đứng yên, không làm sao hiểu được sự huyền bí của trời đất, càng không thể hiểu được sự mong manh của tình yêu chích mái. Và cũng là của nàng. / Bây giờ nàng đã là cô giáo già mà chàng (đi trận – VC) vẫn chưa về”.
Văn hay ở nhà văn này là câu chữ, nhịp điệu, ở nhà văn khác lại là ý tứ, hình ảnh. Ở Trần Huy Quang, cái nổi trội là tư tưởng chiết ra từ hình tượng, câu chữ hoặc trên một cấp độ khác là nằm ở ngoài lời. Tôi cứ tự hỏi và mấy lần định hỏi, sao lại là “pháo đài cổ”? Ở Anh, ở Đức hoạc Tây ban nhamới có những toà pháo đài ngàn tuổi;nó là biểu trưng của giới đại quý tộc, cũng là biểu trưng của các cuộc nội chiến giữa các chúa đất, nước mình làm quái gì có pháo đài?Mà văn chương muốn bịa đặt hư cấu thế nào mặc, nhưng phải trên cái nền sự thật, tư tưởng nghệ thuật sẽ ở lại với cái nền nghệ thuật ấy sau khi mọi cái bịa tạc bị quên đi. Mãi sau ngẫm nghĩ kỹ, mới thấy không hỏi là khôn.
Thì mỗi chúng ta đến một lúc nào đó đều chẳng đã phải xây cho mình toà pháo đài để cố thủ cái gia phong, cái tín diều, cái đạo của tình yêu đấy ư?Vâng, không có pháo đài thật, thực tế không bao giờ có một cái pháo đài như vậy. Và trên đời này không biết một nhân vật nào cổ quái như vậy không? và câu chuyện đã bước sang một địa hạt khác, địa hạt của tác giả. Sống trong pháo đài ấy đã hơn nửa thế kỷ nay là ông lão, tuổi trên dưới một trăm và dương như đã bị dân làng quên lãng. Lão sống và bầu bạn với, không phải là người mà là với những con chim thật và chim huyền thoại, với những cánh rừng mà ông tạo nên và những truyền thuyết kỳ bí về đám tàn quân chết trong hang, với tiếng sóng, tiếng gió giống như tiếng kêu than của đoàn quân tử trận ấy. Toàn truyện như có một lớp sương mù cổ kính lảng vảng, nửa giống mơ nửa giống thực, vừa là hôm nay vừa là cổ tích. Truyện Giấc mơ cũng vậy, nhân vật của Trần Huy Quang không biết là hồn ma hay người, những hồi tưởng về cuộc chiến tranh cứ lớp lớp chồng lên nhau, nối tiếp nhau một cách không logic. Trong một số truyện ngắn loại này của Trần Huy Quang, người đọc không thể lấy logic cuộc đời thực tại để bình xét được, người đọc phải đọc trong trạng thái say say tỉnh tỉnh. Người kể chuyện thường theo đuổi những hành trình không phải xẩy ra trong thực tại mà ở trong khả năng của thực tại, nơi mà trí tưởng tượng tung hoành. Vì vậy, có những truyện làm cho người đọc không theo được đến cùng. Hiệu ứng thẩm mỹ mà Quang dụng công tạo dựng không hẳn đã đạt được như ý muốn. Quang thường muốn chuyển động, muốn đong đưa, muốn có một biên độ trong bút pháp. Bên cạnh Xa nhau, Tiếng hát cô gái điên, Khe Cò kết cấu chặt chẽ, hiện thực khắt khe thì Pháo đài cổ(cùng trong tập) hiện thực và nhân vật đều biến dạng, không gian nghệ thuật không còn là thực nữa. Đến Giấc mơ, Người không biết buồn chỉ còn là chất liệu hiện thực Giấc mơ đọc từng đoạn thì mạch lạc, khúc chiết nhưng đọc xong thì mọi thứ rối như tơ vò, cứ u u minh minh, bán âm bán dương, ma quái. Và buồn. Hãy nghe nhân vật tôi nói “Khi nào gặp lại Hồng Ngọc, tôi sẽ nói với em rằng:cuộc đời của hai đứa ta đều bị vỡ ra, tình yêu cũng bị vỡ ra, hồn phách, vô thức, ý thức cũng vỡ ra. Hiện tại, một nửa anh, một nửa em, một nửa mối tình, một nửa cuộc đời”. Sông Giăng đưa đến cái gì nếu không phải là hư vô, lớp trẻ bế tắc, tìm về dĩ vãng,cuối con đường lại gặp phải một thực tại còn khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa đáng sợ bằng con người ta như sống trong vô thức, những hành vi vô thức và vô mục đích trong Cô gái trong chân núi. Giọng văn kể trần trụi mà ngậm ngùi, đây là truyện chịu được xoay ngang xoay dọc, chịu được nghĩ, buộc người đọc phải nghĩ, khó dứt.
Vì sao Trần Huy Quang xếp loại truyện này vào một phần? Đây là loại truyện không rõ ràng, không rõ ràng về tất cả, đây là cái mà tôi gọi là sự đong đưa của Trần Huy Quang.
Nhưng loanh quanh với đổi mới cách tân cho dù là từ Pháo đài cổ mấy chục năm trước, ta lại gặp cái Sương giáng rất đáng yêu, té ra viết cái gì, viết theo cách nào Quang cũng không thể không kể về tinh yêu. Cũng có thể nói, Quang cáh tân để cho tình yêu có thêm nhiều chiều kích, nhiều phong vị và để cho chủ nghĩa nhân văn có cơ sở đi sâu vào những vùng bí ẩn, khơi mở nó, thành một không gian thoáng rông cho tình yêu. Sương giáng để cuối tập, một chuyện tình đằm thắm là sự dung hoà giữa cái rành mạch và không rành mạch.
Vâng, giống như bác tôi - Thần tượng canh gác pháo đài, nơi cố thủ của BẢN THỂ người ; Trần Huy Quang – nhà văn dốc sức cố thủ TÌNH YÊU VÀ CÁI ĐẸP trong văn chương. Có nhẽ vi vậy mà văn ông chăm chút nâng niu, viết mỗi câu văn, mỗi truyện ngắn đều có cả cuộc đời mình. /.
Hà Nội, sang thu, kỷ sửu – 2009
V C
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét