Khi biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra tại Việt Nam, nó được mười ba tuổi. Gia đình nó có có chín người, gồm ba mẹ và bảy anh em nó. Chính phủ thay đổi nên ba nó bị mất việc làm, gia đình nó không có một nguồn thu nhập nào. Một hôm mẹ nó mua một bao gạo hai mươi ký bằng tem phiếu mang về. Một bao gạo tròn, hôi mùi mốc, toàn sâu và mọt. Mẹ nó đổ gạo ra trước hiên nhà, dùng sàng để sàng cho sạch sâu và mọt. Những con sâu gạo mập úc núc, trắng phau bò lổn ngổn khắp nơi. Ban đầu nó sợ lắm, hét toáng lên, không dám đến gần, nhưng mẹ nó bảo: “Đừng sợ, giúp mẹ nhặt những con sâu, bỏ vào bị nilông rồi đem liệng vào thùng rác, đừng phí một hạt gạo nào vì gạo là những hạt ngọc quý giá của trời đất.”
Nó lấy hết can đảm, lượm những cục gạo bị sâu nhả tơ làm thành kén, rũ cho rớt những hạt gạo vào thùng gạo, lấy ở chính giữa ra một con sâu bọc trong kén chuẩn bị biến thành bướm. Và những con mọt thì nhiều vô số, bò tứ tán rất nhanh. Mọt đục những hạt gạo chui vào nằm chính giữa. Chọn những hạt gạo có màu xám đen, bên trong là một con mọt, nó bấm cho vỡ hạt gạo lấy con mọt ra rồi giữ lại hạt gạo vỡ kia. Nó giúp mẹ nó làm sạch gạo, quét dọn và bắt hết những con sâu, những con mọt, thế mà sau đó vài tuần, trong nhà nó có một đám bướm đêm nhỏ xíu màu xam xám bay loanh quanh. Mẹ nó bảo bướm đêm này là từ những con sâu gạo. Từ đó nó không còn sợ sâu nữa.
Chỉ có bấy nhiêu gạo và một ít đậu đen, mẹ nó mua thêm khoai lang khô bảo nó nấu mỗi ngày một ít, để có đủ thức ăn cho gia đình trong vòng sáu tháng. Những bếp dầu hôi (còn được gọi là lò xô) được xếp vào xó bếp, thay vào đó là một chiếc lò mùn cưa và một lò trấu.
Gần nhà nó có một nhà máy xay lúa và một nhà máy cưa gỗ. Mỗi buổi chiều, nó cùng với đứa em trai bảy tuổi, xách hai cái bao đến lò xay lúa để xin trấu và qua nhà máy cưa để xin mạt cưa. Nấu ăn bằng trấu thì bị khói nhiều, hơn nữa phải mất thời gian ngồi bên cạnh lò để canh và gạt tro nên nó thích nấu ăn bằng mạt cưa hơn. Chỉ khi nào không xin được mạt cưa, nó mới nấu ăn bằng trấu. Mỗi ngày, nó thức dậy sớm, dệnh một lò mạt cưa để hầm khoai lang khô với muối cho cả nhà ăn sáng và ăn trưa. Mỗi người được một chén khoai lang khô đã hầm chín, muốn ăn lúc nào tuỳ thích, miễn là giúp cho mình không bị đói. Chị em nó thường ăn một miếng khoai rồi uống một ngụm nước, chỉ cần nửa chén khoai là đủ no cho buổi ăn sáng, nửa chén còn lại chị em nó để dành ăn trưa.
Sau khi hầm khoai, lửa trong lò mạt cưa đủ để nó tiếp tục hầm một nồi cháo đậu đen. Cháo chín, nó múc vào chín cái chén nhỏ, đặt ngay ngắn trên bàn để cả nhà ăn tối. Vừa làm việc nhà, nó thường hát nghêu ngao. Bị cấm không được hát ‘nhạc vàng’, nó bắt đầu tập hát cho thuộc lời những bài hát ‘cách mạng’. Ba nó đi đâu về nghe nó hát nhạc ‘cách mạng’ thì thường bảo: “Đừng hát nữa. Những bài hát đó có hay ho gì đâu, chỉ toàn là chuyện sắt máu và ‘bánh vẽ’ mà thôi.” Nó nghe vậy liền im lặng tuy không hiểu.
Trước kia, buổi ăn tối của gia đình nó cũng là lúc cả nhà quây quần trò chuyện với nhau. Bữa ăn tối thường kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Ba nó luôn bắt đầu bằng một câu chuyện triết lý gì đó, rồi mẹ và các anh nó tham gia vào bàn luận. Ba nó là một người rất dân chủ, ông luôn nghe vợ và các con phát biểu ý kiến rồi cùng nhau bàn bạc để tìm ra cốt lõi của vấn đề hoặc những điều hay lẽ phải, chứ không hề đặt để hoặc cả quyết về một vấn đề nào cả. Nó và các em nhỏ chỉ lắng nghe và học hỏi. Anh lớn của nó thường kể những câu chuyện vui, cả nhà luôn cười vui trong bữa ăn. Mẹ nó thường nấu ba bốn món thức ăn khác nhau, và chúng nó được lựa chọn thức ăn mình ưa thích để gắp vào chén. Người lớn thì thường giúp vẽ cá cho những đứa trẻ để chúng khỏi bị hóc xương.
Từ khi bữa ăn tối của gia đình chỉ còn có cháo đậu đen, câu chuyện ba nó bắt đầu thường là một câu chuyện buồn gì đó xảy ra trong ngày, hoặc ba mẹ và các anh nó bàn bạc với nhau về công việc gì có thể làm để kiếm gạo. Mỗi người chỉ có một chén cháo nhỏ với một cái muỗng, chỉ cần vài phút là hết chén cháo, ai nấy cũng thòm thèm và bụng vẫn còn đói. Bữa ăn tối thường kết thúc nhanh chóng và thiếu tiếng cười.
Trong một bữa ăn tối, anh lớn của nó lấy ra một con cá gỗ, đặt vào một cái đĩa rồi để giữa bàn. Anh nói: “Từ hôm nay nhà mình sẽ có món cá muối ăn với cháo. Mỗi lần múc một muỗng cháo đưa vào miệng thì nhìn vào con cá một lần. Những đứa nhỏ thì phải nhìn kỹ và nhìn cẩn thận để không bị hóc xương.” Cả nhà cười ồ lên vì câu chuyện con cá gỗ đã được nghe anh nó kể trước kia như là một câu truyện cười, vậy mà bây giờ gia đình nó cũng bắt đầu thực hiện phương pháp ‘cá gỗ’. Thế là từ đó, bữa ăn tối nhà nó lại kéo dài thêm ra với những câu chuyện và những trận cười vì có đứa nhỏ bị phát hiện là ‘nhìn cá lâu quá nên bị ăn mặn’, hoặc ‘nhìn cá nhanh quá nên bị hóc xương’.
*
Bốn mươi năm trôi qua, đất nước nó giờ đây vẫn còn rất nhiều người dùng con ‘cá gỗ’ kia trong bữa ăn. Và giờ đây nó khôn lớn để hiểu được từ ‘bánh vẽ’ mà ba nó nói hồi đó. Có vô số các hội từ thiện trên thế giới đang tiếp tục cứu giúp dân trên đất nước nó. Nó rất xót xa và buồn tủi cho thân phận người dân Việt Nam. Cho đến khi nào mọi người dân của đất nước nó mới thoát khỏi cuộc sống khốn khổ?
01/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét