Đầu tháng 10-2015, trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam xuất hiện một page mới có tên 'Thông tin Chính phủ" - đây chính là trang facebook của Chính phủ Việt Nam. Động thái này có thể xem là một bước tiến về mặt nhận thức của Nhà nước tại Việt Nam, theo xu hướng hòa nhập hơn với thế giới và tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng chia sẻ và qua đó tôn trọng hơn quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí của công dân.
<- Trang facebook Thông tin Chính phủ vừa ra mắt tháng 10/2015
Được biết Chính phủ sẽ dùng mạng xã hội facebook - qua trang Thông tin Chính phủ, như là một kênh thông tin để "tương tác với người dân". Văn phòng Chính phủ đã được giao nhiệm vụ thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thành nghị quyết ban hành hôm 14-10-2015.
Tất nhiên, để có thể "tương tác", đồng nghĩa với việc người dân phải tham gia "chơi" facebook, và có quyền phát biểu chính kiến, quan điểm của mình trên mạng xã hội một cách thoải mái, mà không bị bắt! (Tất nhiên là không được vu khống, bịa đặt,...vv - như bất kỳ pháp luật của nước nào). Đây thật sự là một chuyển biến lớn, dù là thầm lặng, nếu so sánh với việc chỉ cách nay vài năm, mạng facebook hầu như luôn bị chặn tại Việt Nam.
Hồi tháng 1-2015, định hướng về việc đưa thông tin, tiếp cận người dân qua mạng xã hội đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên tại tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, lĩnh vực thông tin không chỉ có các loại hình báo chí truyền thống vai trò mạng xã hội là rất lớn. “ Điện thoại bật ra là có, lên facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ".
Điều đáng nhạc nhiên, là việc Chính phủ mở trang Thông tin Chính phủ trên mạng xã hội Facebook, có vẻ như là đi ngược lại với nội dung Quy hoạch báo chí vừa được công bố cách đây không lâu. Trong đó không nhắc đến mạng xã hội.
Theo số liệu đưa ra hồi tháng 6-2015, hiện ở Việt Nam có hơn 30 triệu triệu người (chiếm 1/3 dân số) dùng facebook. Trung bình mỗi người bỏ ra 2,5 giờ/ngày để cập nhật thông tin từ mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.
Báo Lao Động dẫn lời ông Vi Quang Đạo Tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử CP cho rằng phải cần một thời gian nữa thử nghiệm trang Thông tin Chính phủ, và tùy vào kết quả này, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ sẽ lập dự án hợp tác chính thức với facebook để khai thác ứng dụng này để truyền thông cho chính phủ.
Trên thế giới, tới nay đã nhiều Chính phủ đã dùng facebook, twitter (hai mạng xã hội lớn nhất hiện nay) để đưa thông tin tới người dân. Cũng như để tiếp nhận thông tin từ người dân một cách nhanh chóng nhất.
Tháng 5-2015, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã chính thức có tài khoản twitter và lập tức “khuấy đảo” cộng đồng mạng, với hàng chục triệu người theo dõi (follower).
Mới đây, Thủ tướng Campuchia, ông Hunsen đã xác nhận về một tài khoản của mình trên mạng xã hội, tài khoản này hiện có 1,2 triệu like. Theo người phát ngôn của Chính phủ Campuchia thì Thủ tướng nước này dùng facebook để “ gửi những thông điệp của mình đến mọi người và để trả lời những gì mà mọi người muốn hỏi ông ấy”.
Ngoài ra, còn phải kể đến trang facebook của bà Yingluck Shinawatra, nguyên thủ tướng Thái Lan. Trang facebook của người phụ nữ xinh đẹp này thu hút nhiều triệu lượt like và mỗi status luôn có hàng trăm ngàn lượt like, hàng chục ngàn lượt comment. Trong đó có cả người Việt Nam.
Rõ ràng mạng xã hội, như facebook, đã mang đến một không gian mới, một luồng gió mới, phá vỡ sự độc quyền trong lĩnh vực thông tin của chính Nhà nước hay các thế lực nào đó muốn bưng bít thông tin, che dấu sự thật trước người dân.
Mạng xã hội mới chính là "tờ báo" lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người tính đến thời điểm hiện tại.
Chính vì vậy, thật đáng buồn và kinh ngạc, khi ở Việt Nam đến nay vẫn còn không ít cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao, đã không hiểu đúng về bản chất của thông tin và đặc thù của báo chí - theo nhận thức chung của nhân loại. Thay vì hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi, tận dụng các yếu tố kỹ thuật chưa từng có như hiện nay, để phát triển nền báo chí nước nhà và đưa thông tin đến với mọi người một cách nhanh nhất, khoa học và hiệu quả nhất - chẳng hạn như trang facebook Thông tin Chính phủ vừa làm, thì họ lại cố nghĩ cách ban hành những văn bản quản lý hướng đến việc ngăn chặn, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Mà thực chất cũng chính là tước đoạt, hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân - vốn được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ từ lâu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét