Các thành viên tham gia đàm phán TPP tại buổi họp báo hôm 5.10
Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam cùng 9 nước khác, đại diện cho khoảng 40% GDP toàn cầu đã đạt được thỏa thuận ký kết Hiệp định TPP vào ngày 5.10. Vậy những điều cần biết về TPP xung quanh thỏa thuận thương mại lớn nhất trong hai thập niên qua là gì.
TPP là tên viết tắt của Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. Dưới đây là danh sách 7 điều cần biết về TPP, do tạp chí kinh tế Financial Times đưa ra.
1. TPP chứa nhiều vấn đề địa chính trị
TPP còn được gọi là chính sách "kinh tế xương sống" của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm xoay "trục" sang châu Á. Mục tiêu của Nhật Bản và Mỹ là tạo ra một vùng kinh tế năng động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm làm đối trọng kinh tế với Trung Quốc.
Đây cũng là bộ quy tắc chung của thế kỷ 21 bao quát mọi khía cạnh kinh tế của các quốc gia thành viên bao gồm cả việc làm thế nào để các tập đoàn nhà nước có thể cạnh tranh sòng phẳng trong môi trường kinh tế tự do.
"Chúng tôi thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua việc đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn", ông Obama nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tuần trước.
2. Để ngỏ khả năng Trung Quốc tham gia
TPP trong quá khứ được xem là một thỏa thuận kinh tế dùng để kiềm chế Trung Quốc, tuy nhiên gần đây Mỹ đã giảm bớt quan điểm này của mình. Trung Quốc cho biết họ đang xem xét TPP một cách thận trọng và mong muốn được tham gia vào công cuộc đàm phán với các đối thủ kinh tế của họ.
Nhiều người trong giới doanh nghiệp Mỹ muốn TPP cần được mở rộng cho nhiều nước tham gia hơn nữa, đặc biệt là nên mở rộng của cho Trung Quốc.
Các thành viên hiện tại của TPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhưng trong tương lai sẽ sớm có sự gia nhập của các nền kinh tế khác trong châu Á và châu Mỹ như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Colombia.
3. TPP có thể được coi là thỏa thuận thương mại tự do của hai trong 3 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu
Mỹ và Nhật Bản trước đây chưa bao giờ ký kết một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Nhưng với việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP, nhiều vấn đề của nước này như ô tô, thịt bò, gạo và thịt lợn đã được đưa ra bàn thảo nghiêm túc.
Kết quả của TPP sẽ là một thỏa thuận kinh tế quan trọng của hai trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, giải tỏa những rào cản thương mại đã tồn tại lâu nay giữa Nhật Bản và Mỹ.
Hiệp định TPP sẽ mở rộng sự hợp tác sâu rộng của Nhật Bản và khu vực Bắc Mỹ hơn nữa, đặc biệt là trong ngành chế tạo và sản xuất ô tô. TPP sẽ mở đường cho việc Nhật Bản mở rộng chuỗi sản xuất phụ tùng ở Canada và Mexico thay vì để chuỗi cung ứng vượt ra khỏi lãnh thổ TPP như trước đây sang Thái Lan và Trung Quốc.
4. Thỏa thuận quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Ông Abe đã bị thách thức mạnh mẽ bởi các đối thủ chính trị vì việc bảo hộ nông nghiệp trong TPP. Tuy nhiên, ông đã lập luận rằng TPP sẽ giúp Nhật Bản thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và vượt qua suy thoái kinh tế.
Tăng trưởng GDP của Nhật Bản đã bị âm 1,2% vào quý 2 vừa qua và các dữ liệu kinh tế cho thấy quý 3/2015 cũng không tốt hơn, Nhật Bản thực sự đang rơi vào suy thoái kinh tế.
5. Gây tranh cãi ở nhiều quốc gia thành viên
Đã có nhiều tranh cãi trong các quốc gia thành viên TPP xung quanh việc ký kết hiệp định và những nguy cơ có thể có đối với các nền công nghiệp của các quốc gia thành viên. Canada, Mỹ và Australia là 3 nước có sự tranh cãi lớn nhất.
Thậm chí, tại Canada, người vừa đứng đầu đảng Dân chủ là Tom Mulcair thề sẽ phá bỏ TPP nếu đảng của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
6. Nguy cơ phá giá
Trong số những vấn đề gây ra tranh cãi nhiều nhất ở Mỹ có nguy cơ phá giá để cạnh tranh.
Đồng yen yếu khiến cho các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản như Toyota có thể bán sản phẩm vào Mỹ với giá rẻ hơn, ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã tự vệ bằng cách nhờ Quốc hội nước này đưa một lệnh cấm thao túng tiền tệ vào TPP.
Thỏa thuận về việc bán phá giá sẽ không là một phần chính thức trong TPP. Nhưng theo lời các bộ trưởng tham gia đàm phán hiệp định này thì các bên đã cam kết với nhau rằng sẽ không thực hiện các đợt giảm giá mạnh nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thao túng thị trường.
7. TPP nâng cao tiêu chuẩn môi trường và lao động
Từ năm 2007, vấn đề môi trường và lao động luôn phải được nhắc đến trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ. Nhưng với TPP, lần đầu tiên các nước tham gia có thể bị trừng phạt thương mại nếu các tiêu chuẩn đã ký kết không được đáp ứng đầy đủ.
Nhiều nhà hoạt động môi trường còn lo ngại, nhưng Mỹ nhấn mạnh rằng TPP sẽ giúp giảm nạn buôn bán các loài động vật quý hiếm cũng như nạn khai thác tài nguyên quá mức ở các nước tham gia hiệp định. Nếu các nước không tuân thủ, Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế chống lại nước đó.
Thiên Hà (theo Finacial Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét