Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Những “lừa dối hào nhoáng” của Mao Trạch Đông


Mao Trach Dong lua doi
Shihanouk (giữa) và Mao Trạch Đông (bìa trái)
 Mao Trạch Đông đưa Sihanouk bước lên lễ đài Thiên An Môn trong tiếng hô cuồng nhiệt: “đả đảo đế quốc Mỹ” của ngót một triệu người – nhưng cùng lúc đó (5.1970) Mao đã bí mật tìm cách bắt tay Mỹ sau lưng Sihanouk !
Quá trình lừa dối diễn ra nhanh chóng sau “loạt đạn ngoại giao” của tổng thống Mỹ Nixon trong chuyến thăm hữu nghị Pakistan và Romania năm 1969.
Ở cả hai nơi trên, Nixon đều ngỏ lời muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Và dĩ nhiên, tổng thống Yahia Khan (của Pakistan) cùng chủ tịch Ceaucescu (của Roumania) – là hai nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh – đã phải lập tức chuyển đến Mao những lời “thu quyến rũ” của Nixon ngay tháng 7 năm ấy.
Để sang năm sau, khi mùa thu tới, khoảng giữa tháng 9 âm lịch Canh Tuất - vào tiết hàn lộ của Trung Quốc (10.1970), Nixon một lần nữa đơn phương lên tiếng. Lần này cũng qua trung gian Ceaucescu nhưng có sức đánh động trái tim Mao hơn hẳn lần trước - như Nixon kể (qua cuốn The memoirs of Richard Nixon):
“Trong buổi tiệc chiêu đãi ông ta (Ceaucescu), tôi (Nixon) lợi dụng lúc nâng cốc chúc mừng (để nhắc đến) và gọi “nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” thay vì nói “Trung Quốc cộng sản” như trước kia. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói như vậy (…) và đây cũng là một lời kêu gọi ngoại giao có ý nghĩa” nhắn về Mao (Hồi ký Richard Nixon - nhiều người dịch1370 trang – NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2004, tr. 661)
Từ nửa bên kia của múi giờ quốc tế, Mao Trạch Đông nhận được tín hiệu “nhành ô-liu” của Nixon trước khi trời sáng và chỉ thị Chu Ân Lai hãy liên lạc “móc nối Romania” để chuyển đến Kissinger (Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon) một thông điệp (sau khoảng “thời gian im lặng” cần thiết) vào đầu năm 1971; nêu rõ:
“Giữa hai bên (Trung – Mỹ) chỉ có một khác biệt chưa được giải quyết là: sự chiếm đóng của quân đội Mỹ ở Đài Loan. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cố gắng thương lượng với đầy đủ thiện ý về sự khác nhau ấy từ 25 năm nay. Nếu Hoa Kỳ muốn giải quyết và đề ra một giải pháp (nào đó) thì Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ sẵn sàng tiếp đón ở Bắc Kinh một đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ. Bản thông điệp này đã được chủ tịch Mao Trạch Đông và Lâm Bưu thông qua” (Richard Nixon - sđd tr. 663).
Kissinger nhận xét “bản thông điệp không có một lời thóa mạ nào” như thường đọc thấy qua các văn bản ngoại giao phát đi từ Trung Hoa đỏ. Nó cũng không nhắc gì đến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam vẫn đang là một chủ đề nhạy cảm giữa đôi bên thời đó. Điều ấy phải được hiểu là Mao đang muốn ném “cây sào” dài 16.000 dặm (nối từ Washington đến Bắc Kinh) để sứ giả Nhà Trắng thực hiện các chuyến “đi đêm” đến Trung Nam Hải trong một tương lai gần.
Đáp lại, Nixon bắt tay giải quyết một phần “vấn đề Đài Loan” để Mao vui lòng, bằng cách bàn với Kissinger điều động bộ tham mưu của ông ta mở cuộc vận động “một cách bí mật và không có sự tham gia của người ngoài (…) để tránh bị lộ tin tức việc đưa Trung Hoa đỏ vào Liên Hiệp Quốc (loại Đài Loan ra ngoài) !
Kết quả như đã thấy, sau đợt vận động trên, Liên Hiệp Quốc khóa 26 (25.10.1971) đã biểu quyết với 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 phiếu trắng khai trừ Đài Loan của Tưởng Giới Thạch và kết nạp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông là chính phủ duy nhất đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Cùng thời điểm trên, Bắc Kinh mở sẵn cửa chào đón Kissinger.
Nixon viết, trước diễn biến bất ngờ đó “các bạn Đài Loan của chúng ta thì xỉu đi (…) – người Nhật bất mãn vì không được thông tin trước”.
Còn Sài Gòn thì sao ?
Chính là thời kỳ tổng thống Thiệu và Nixon đang lục đục “khó ở” với nhau nhất. TS. Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn tổng thống Thiệu, cùng Jerrold L. Schecter - qua cuốnThe Palace File (Hồ sơ tối mật: từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, Võ Văn Sen, Nguyễn Hoàng Dũng, Vũ Bảo Quốc dịch, 514 trang, NXB Trẻ - TP. HCM 1990) đã ví tổng thống Thiệu như một người tình bị bỏ rơi – ngẩn ngơ nhớ “Thuở ban đầu”(1)“Mỹ đang tìm kiếm một người tình tốt hơn và bây giờ Nixon đã tìm được Trung Quốc. Ông ta (Nixon) không muốn cho người tình cũ (Sài Gòn) nhởn nhơ nữa. Việt Nam đã trở nên già cỗi xấu xí” ! (tr. 17).
Và Sihanouk ?
Cũng chẳng vui gì khi biết đời “lưu vong vàng son” của mình đang bị phai màu sau những “lừa dối hào nhoáng” của Mao, nên ông đã lánh mặt Mao để bỏ Bắc Kinh sang Hà Nội. Ở đó, Sihanouk cũng gặp nỗi niềm tương tự của người Hà Nội. Nhưng khác ở chỗ Hà Nội có thái độ quyết liệt hẳn, tổng bí thư Lê Duẩn nói với Chu Ân Lai:
“Năm đó (1954 - tại hội nghị Genève) người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”. Nay đến 1972: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa !” (Xem Cố TBT Lê Duẩn: “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!” – Báo điện tử Một thế giới 8.7.2014).
Nhưng Mao Trạch Đông và Nixon với “những con bài đã ném xuống” vẫn tiếp tục cuộc mặc cả trên sòng bạc của họ:
Mao thì tìm cách áp lực để Hà Nội chấp nhận các điều kiện do Mao thỏa hiệp ngầm với Mỹ theo hướng duy trì sự chia cắt lâu dài hai miền Nam – Bắc Việt Nam.
Nixon ép Sài Gòn phải đến hội đàm Paris “bốn bên” và chấp nhận một số điều khoản trong dự thảo hiệp định không được phía Mỹ bàn trước với VNCH.
Rồi ra, cả Hà Nội và Sài Gòn trước sau đều bị phía Mao lẫn Nixon tính sổ nợ nần trong cuộc chiến. TS. Nguyễn Tiến Hưng giải thích với tổng thống Thiệu:
Từ trước tới nay Việt Nam vẫn được coi như một tài sản. (Giờ đây) bằng một động tác mau lẹ, ông ta (Nixon) đổi Việt Nam từ cột tài sản sang cột nợ nần…” (sđd - tr. 18)
Trung Quốc cũng vậy đối với Bắc Việt Nam.
Tổng thống Thiệu đã gật đầu và cười cay đắng (còn nữa).
Giao Hưởng
Chú thích:
(1) Thuở ban đầu: tên một nhạc phẩm của Phạm Đình Chương (sinh Hà Nội 1929- mất Cali 1991?) phổ biến trong giới yêu âm nhạc bốn phương qua giọng ca Duy Trác.
Ca sĩ Duy Trác (tên thật Khuất Duy Trác): quê Sơn Tây, làm luật sư - thẩm phán (trước 1975), học tập cải tạo (sau 1975-1988), qua Mỹ (1992), cộng tác với Đài phát thanh VOVN tại Houston, được yêu mến bởi giọng hát quý phái tự nhiên qua các ca khúc đỉnh cao: Ngày đó chúng mình (Phạm Duy), Trương Chi (Văn Cao) Đường về miền Bắc(Đoàn Chuẩn), Dạ khúc (Nguyễn Mỹ Ca), Tơ sầu (Lâm Tuyền), Tiếng chuông chiều thu và Tạ từ (Tô Vũ), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Chiều tưởng nhớ (Thẩm Oánh),Hương xưa (Cung Tiến), Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên - thơ Nguyên Sa)…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: