Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

"Con quái vật" đường sắt trên cao bò đến Cát Linh chậm hơn rùa


Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên tận trời xanh mà tiến độ thi công chậm hơn rùa. Khởi công từ năm 2008, nếu con rùa bò suốt từng ấy năm thì nó đã đến tận sông Hồng lâu rồi, huống hồ là Cát Linh.

Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra
Niềm hy vọng và nỗi khiếp sợ
Dự án “Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông” mở ra một tương lai không phải “chen vai thích cánh” trong rừng người đi ra vào cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội. Tuyến đường sắt trên cao này dài 13,08 km với tổng đầu tư 8.769, 965 tỉ VNĐ (tương đương 552,86 triệu USD).

Có tất cả 12 ga đón hành khách: ga Cát Linh, Đê La Thành, Thái Hà, Đường Láng, Ngã tư Sở, Đại học KHTN, Vành đai 3, Thanh Xuân, Bến xe Hà Đông, La Khê, Văn Khê và ga Hà Đông. Hàng ngày, chạy suốt từ sáng sớm tinh mơ đến nửa đêm (5h - 22h), kể cả ngày lễ, chuyên chở khoảng 100.000 lượt khách/ngày đêm.


Tuyến đường sắt Hà Đông - Cát Linh nhìn từ trên cao

Vui mừng. Hân hoan. Bắt đầu vào một thời đại giao thông mới ở cửa ngõ phía tây nam Hà Nội: 13 đoàn tàu sẽ hoạt động thường xuyên nhé. Cứ 2 phút một chuyến nhé. Tốc độ vận hành tối đa 80km/h, và trung bình 35km/h nhé. Cứ đà này thì đi từ ga đầu là Bến xe Yên Nghĩa đến ga cuối là Cát Linh có khi chỉ hết… 15 phút. Không được như tàu điện ngầm Moscow hay Paris thì ít ra cũng nhanh gần bằng tàu trên cao của Bắc Kinh.

Đường Nguyễn Trãi có hai làn rộng rãi, lại thêm tuyến giao thông trên cao đi lại như mắc cửi nữa thì có niềm thảnh thơi, thư thái nào hơn thế ở nơi đất chật người đông này? Tôi hình dung: Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà đông khi hoàn thành, ban đêm lung linh ánh đèn sáng, điện màu sẽ giống như con rồng bay là là vắt từ ngoại ô đến nội thành. Thủ đô thêm một điểm sáng kinh tế, văn hóa mới.


Cây xanh trên đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ toàn bộ phục vụ cho công trình này

Cần phải khẳng định rằng: Phát triển giao thông đường sắt trên cao là loại hình đường vận tải mới, là nhu cầu chính đáng, hợp với quy luật phát triển kinh tế xã hội, rất nên làm. Nhưng, con rồng đường sắt trên cao mà người dân ước mơ chưa thành hình dáng thì “con quái vật” đường sắt trên cao xuất hiện, nó đã và đang chình ình ngự trên đầu dân chúng.

Nó là những cột xi măng khổng lồ đóng xuống đất, xuống sông hồ chờ mãi không lao dầm, chỏng lên trời lởm chởm, trơ gan cùng tuế nguyệt. Là những dầm bê tông lao dang dở lạnh lùng, vô cảm vô hồn vắt trên đầu. Là những giàn giáo, sắt thép làm ga dầm trong mưa gió, gỉ nghoèn, tua tủa chọc lên mây xanh, chỉ nhìn cũng ghê răng, rợn gáy…

“Con quái vật” này làm cho dân chúng bất an, bất ổn, bất trắc. Lúc nào cũng hoang mang sợ hãi cây thép to nhỏ, cốt pha sắt lớn bé… rơi xuống đầu. Có công có việc buộc phải đi dưới bụng “con quái vật” thì tim cứ đập thon thót và bức xúc, gian nan vô cùng.

Bắt đầu là “ngăn sông cấm chợ” rào đường, chắn lối. Vâng! Không ai phản đối. Người dân chia sẻ khó khăn với ngành giao thông, chịu đựng nỗi phiền hà, nhiêu khê bỗng dưng đổ lên đầu. Nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, cháy da hơn bởi bóng cây xanh râm mát ngày thường vẫn trùm lên tỏa mát, thì bỗng chốc mặt trời đổ lửa lên đầu vì hàng trăm cây cổ thụ đã bị đốn hạ. Lý do, để bảo đảm an toàn cho đường sắt trên cao. Vậy là phải hi sinh cái cục bộ cho cái toàn cục đại cục tương lai.

Người dân đang nuôi hi vọng và trông chờ những con tầu cao tốc vun vút trên cao từ nội thành ra ngoại ô và ngược lại, thì “con quái vật” lại giáng sấm sét xuống đầu: “Ngày 6/11/2014, một thanh thép "bất ngờ rơi từ dầm cầu" đang thi công trúng vào người đang lưu thông bằng xe máy trên đường, một người chết, 3 người bị thương”.

Tiếp đến là giàn giáo thi công bị sập đã đè lên một chiếc taxi có 4 người trong xe. Tài xế bị thương được chở đi bệnh viện. Gần đây nhất, một thanh sắt chữ I khá to (dài 2.5m) rơi trúng nóc ô tô 4 chỗ đang lưu thông phía dưới.

Kể từ khi thi công tuyến đường sắt trên cao này. Quây đường, chắn đường, bịt đường bằng các tấm tôn cao hơn đầu người, nhưng hiếm hoi lắm người dân mới thấy họ thi công.

Tiến độ thi công chậm như rùa ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và cả dân cư ở khu vực. Bụi bặm. Tiếng ồn. Tắc cống thoát nước. Tai nạn... Đặc biệt là lãng phí. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn khủng khiếp với con số 339 triệu USD.

Có hạng mục đội giá do điều chỉnh thiết kế, do giá cả tăng, nhưng càng thi công chậm thì càng đội giá. Tôi đồ rằng đội giá 339 triệu USD vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Lãng phí. Tốn kém. Bằng ấy tiền đội giá, có thể xóa bay cầu tạm, cầu khỉ và lớp học tạm bợ ở vùng núi cao, vùng sông nước Nam bộ.

Song có những thứ lãng phí vô giá không tính toán được: Hãy tưởng tượng mỗi ngày có hàng chục vạn người đi lại ở tuyến đường Quang Trung (Hà đông), Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu… mỗi người chậm 15, hoặc 20 phút, thậm chí cả 1 tiếng đồng hồ, nhân lên bằng ấy người thì mất bao nhiêu ngày công.

Ấy là chưa kể xe đi chậm, xe đứng lại vẫn nổ máy phình phình, tốn xăng, hư hại móc, cái sự lãng phí này không đo đếm được. Ô nhiễm môi trường vì xăng khói, vì bụi bặm, tiếng ồn, người người tổn hại sức khỏe cũng không cân đong được.

Vì đâu nên nỗi?

Trước hết là… vì nhà thầu Trung Quốc. Người ta nói: “Nhập gia tùy tục”, cái anh nhà thầu này “nhập gia phá tục”. Dư luận xã hội và các nhà chuyên môn đều nhận định: nhà thầu Trung Quốc kéo dài thời gian thi công dự án, khiến tiến độ trì trệ, có “những hành vi khuất tất, yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm”.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã nhận xét Tổng thầu Trung Quốc: "Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”. Bất cứ làm nghề gì cũng phải có đạo đức, lương tâm và phải để “tiếng lành đồn xa”. Nay mai, liệu có nước nào dám mời cái anh nhà thầu Trung Quốc này đến thi công không?


Tuyến đường sắt vắt qua hồ khu vực Hoàng Cầu

Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn yêu cầu phía bạn thay giám đốc điều hành, và bộc lộ thái độ phê phán, không muốn dự án này “là nơi thí điểm cho những người không đủ năng lực và thiếu lương tâm”. Vẫn không giải quyết được gì. Rùa vẫn hoàn rùa. Nhà thầu Trung Quốc lần lữa khất lần, lui hạn rồi lại gia hạn.

Giận người, nhưng phải biết trách ta. Không thể nói những người kí hợp đồng và chọn nhà thầu không có lỗi. Vẫn biết ODA là vốn vay ưu đãi, Trung Quốc cấp tài chính món vay này, nhưng cũng yêu cầu Việt Nam mua trang thiết bị của họ, và chọn nhà thầu của họ. Đó cũng là hạn chế, nhược điểm của vốn ODA. Nếu giải ngân tốt, chọn nhà thầu chất lượng thì tiền bạc sinh sôi, làm lợi cho quốc kế dân sinh; còn khi chọn sai, làm hợp đồng sơ hở thì vốn ODA phản tác dụng.

Chúng ta phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường này, cũng giống như cách ông chủ thầu cho người dân vay tiền xây nhà lãi xuất thấp, nhưng phải mua vật liệu, và ông chủ nợ đến thi công luôn. Vì vậy, theo bộ trưởng Đinh La Thăng, nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt “rất kém” nhưng không thể thay.


Hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với hàng tấn sắt thép, bê tông lơ lừng trên đầu

Dân gian nói: “Của rẻ là của ôi, của chất đầy nồi là của vứt đi”. Rẻ nhưng phải hiệu quả hợp lý. Rẻ, song thời gian thi công càng kéo dài thì càng lợi cho nhà thầu Trung Quốc, còn chúng ta thì thua thiệt bởi tăng chi phí xây lắp, dẫn đến tăng chi phí thuế GTGT, tăng lãi vay, tăng bảo hiểm vốn vay, tăng phí các loại… cộng với biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá hối đoái… nên “con quái vật” đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ càng ngày càng khổng lồ, càng quậy phá kinh tế, xã hội và đời sống người dân trong vùng.


Bao giờ thì những tai nạn thế này chấm dứt?

Một dự án vay tiền để làm, chứ không xin, mà nhà thầu nước ngoài cứ tự tung tự tác, hoành hành. Cái gì cũng có giới hạn. Giải quyết phải căn cứ vào hợp đồng kinh tế, không xong thì Bộ Giao thông Vận tải nên trình Quốc hội quyết sách. Phải huy động cả sức mạnh truyền thông trong nước và quốc tế, chỉ ra cho thế giới biết có một Nhà thầu Trung Quốc thấp kém về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đang tác oai tác quái ở Việt Nam, để thiên hạ cạch mặt nó ra.

Nhà văn, đại tá Sương Nguyệt Minh 

Cuối cùng, đành nói theo cách “tái ông mất ngựa”: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã thành bài học đau đớn của ngành giao thông; chúng ta cũng nhận ra, vốn ODA không phải là “bầu sữa” và của cho không nữa.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn: Tamsugiadinh
Theo Báo Tuổi trẻ & Đời sống


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: