Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội về hưu và nỗi lo “cơm áo”
Tác giả: Hoàng Nguyên – Hoàng Đan
Ông Phan Đăng Long
Một trong những nỗi lo sau khi chính thức về hưu của nguyên Phó ban Tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long chính lại chính là “cơm áo, gạo tiền” để lo cho gia đình nhỏ.
Những nỗi lo về chính gia đình nhỏ
Nhắc đến ông Phan Đăng Long, nguyên Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, người từng nhiều năm chủ trì họp báo của thành ủy, sẽ có không ít những ý kiến khác nhau. Nhưng phần đa đều cho rằng, ông là người thẳng thắn, không ngại chia sẻ.
Khi chúng tôi đến thăm, ông Phan Đăng Long đã nhận quyết định nghỉ hưu và đang thu dọn nốt những xấp giấy tờ, sách báo cuối cùng cho gọn gàng để vào trong hộp.
Vẫn phong cách nhanh nhẹn, giọng nói như ngày nào nhưng sau gần nửa năm không gặp ở các buổi giao ban báo chí của thành ủy, ông Long gầy và già đi nhiều.
Nhanh tay để xếp gọn đống tài liệu ông cho biết, đang cố dọn xong còn để phòng cho người mới đến làm việc và không để khách chờ lâu, ông tạm dừng để tiếp chúng tôi.
Bên ấm trà còn nóng hổi, ông giữ lối xưng hô “anh em” và đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều, nhất là về những lo lắng, công việc sau khi nghỉ hưu.
Như một cuộc hỏi đáp trong buổi giao ban báo chí trước đây, chúng tôi cũng đặt các câu hỏi cho ông.
Chúng tôi hỏi về cảm xúc khi nhận quyết định nghỉ hưu, trên khuôn mặt nguyên Phó ban Tuyên giáo Hà Nội đã không giấu được nỗi buồn và tiếng thở dài..
Ông bộc bạch: “Công việc đã thành nếp quen, người Việt mình thì thường gắn bó với công việc, giờ về nhàn rỗi quá không biết làm gì.
Như ở quê còn có vườn tược, chăn con gà, vịt cho vui còn đây anh ở trên phố, nhà cửa chật hẹp thấy cũng bí bách lắm”.
Theo ông Long, sau khi nghỉ, ông sẽ phải tìm việc để khuây khỏa nhưng cũng là kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.
“Giờ anh đang là Phó chủ tịch hội sử học Hà Nội. Anh Sơn, chủ tịch hội hẹn hò khi nào anh về hưu, anh em thành lập một trung tâm để làm các dịch vụ về gia phả hay tư vấn lịch sử gì đó.
Nhưng anh cũng đang tính sẽ mở lớp Hán Nôm hoặc tham gia tổ chức sự kiện, viết sách, xuất bản…
Ngoài ra, có nơi mời về giảng dạy chính trị nhưng anh cũng đang phân vân vì nói thực mình cũng ngại nhiều người nghĩ về hưu rồi mà còn cố co kéo chỗ nọ chỗ kia”, ông Long chia sẻ.
Ông Phan Đăng Long khi còn đương chức trong một buổi chủ trì họp báo.
Thấy ông có vẻ lo nhiều về kinh tế sau khi nghỉ hưu, chúng tôi đặt hỏi, nhiều người làm quan vài năm về không phải suy nghĩ gì đến tiền nong. Anh làm lãnh đạo mấy chục năm rồi mà cũng khó khăn thế ư?
Cứ tưởng rằng, ông sẽ không trả lời nhưng rồi ông nhìn ra xa rồi cười và tâm sự một cách rất thẳng thắn.
“Anh cũng chẳng giấu gì, anh ở căn nhà của gia đình để lại cho ở phố Hàng Trống, anh lấy vợ muộn, 50 tuổi anh mới lập gia đình.
Con anh còn bé, một đứa năm nay học lớp 5, một đứa học lớp 3”, ông Long nói với khuôn mặt có vẻ trầm ngâm.
Ông Long cũng thừa nhận, nhiều người khi nghỉ hưu đầy đủ cả còn gia đình ông thì gần như không có tích lũy.
“Anh không có đầu óc kinh tế. Anh bỏ lỡ nhiều cơ hội lắm, thậm chí có những cơ hội có thể giúp anh kiếm được rất nhiều tiền nhưng anh đều bỏ lỡ”, nguyên Phó ban Tuyên giáo Hà Nội nói với ánh mắt đượm buồn.
Lý giải về những phát ngôn “sốc”
Phải công nhận rằng, trong số các quan chức, ông Phan Đăng Long là người nhiệt tình với báo chí. Khi còn làm Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội (nay là Sở VH – TT&DL), ông vẫn trực tiếp chủ trì các cuộc họp báo.
Nói về ông Long khi đó, nhiều phóng viên nhớ lại, không một thông tin nào của Sở Văn hóa thời ấy lại không công khai với báo chí và không một câu hỏi phỏng vấn nào lại bị ông Long từ chối trả lời.
Và nhiều người cho rằng, lúc ấy, nếu ông chọn cách sống “khôn” thì phải cực kỳ giữ gìn vì đang thời kỳ “nhạy cảm” – ông đang là Phó Giám đốc Phụ trách Sở và thông thường, ở vào vị trí ấy người ta sẽ phải “kín kẽ” giữ gìn hình ảnh.
Thế nên, chẳng có gì lạ khi ở cương vị Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trực tiếp chủ trì các cuộc giao ban báo chí định kỳ mỗi tuần, ông Phan Đăng Long vẫn tiếp tục nhiệt tình tới mức anh em báo chí đã hỏi, kiểu gì cũng trả lời.
Chia sẻ lại về những phát ngôn “gây sốc” trước kia, ông Long cho rằng, một số người đã không hiểu hết ý mà ông đã nói.
Ông cho rằng, mình luôn chọn cách trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, khác với rất nhiều người khác chọn cách vòng vo, kín kẽ.
“Rất nhiều nhà báo đã đưa trung thực đầy đủ những phát ngôn của tôi trong một ngữ cảnh nào đó thì không gây ra một chuyện hiểu lầm nào, giúp giải tỏa rất nhiều những thông tin của thành phố.
Nhưng không ít nhà báo khi đưa thông tin họ cắt cúp đi tạo nên một nghĩa khác hoàn toàn cho phát ngôn của tôi
Và đây chính là nguyên nhân để ra đời những “phát ngôn ấn tượng” được người ta nêu như là “điển hình” cho phát ngôn của ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy”, ông Long tâm sự.
“Về phát ngôn “cướp có văn hóa” cũng vậy”, ông Long kể.
Theo ông Long, khi các nhà báo hỏi về việc cướp lộc ở Hội Gióng, ông có phân tích rất dài về lễ hội trong đó có một ý đại loại là cướp lộc là một tập tục văn hóa ngày xưa, nó có tính ước lệ, là mong muốn có được may mắn…
“Có phê phán là phê phán người đi hội bây giờ vào tranh cướp nhau cướp lấy được chứ ngày xưa là người ta cướp có văn hóa. Thế là về các báo giật tít bảo tôi phát ngôn là: “cướp có văn hóa””, ông Long bùi ngùi.
Giờ đây, ông Long đã nghỉ hưu nhưng hỏi về việc bị báo chí đưa những phát ngôn “sốc” đó thì ông bảo “không giận đâu”.
Và nếu được làm lại ông vẫn chọn cách “nói không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề” như những ngày trước.
Ngồi chơi với ông hơn 3 tiếng, lúc ra về, ông tiễn chúng tôi ra tận cổng cơ quan.
Ông bắt tay thật chặt, “cảm ơn anh em đã đến thăm”. Còn chúng tôi, luôn mong ông được mạnh khỏe, vui vẻ với cuộc sống nghỉ hưu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét