Đức Giáo hoàng lên đường thăm Cuba và Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 19/09/2015.REUTERS/Giampiero Sposito
Vị Giáo hoàng người Mỹ la-tinh đầu tiên trong lịch sử vẫn thường nói rằng ngài có thiên hướng xây dựng những chiếc cầu ở nơi nào có những bức tường được dựng lên. Chính là một « cầu không vận » mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ bắc lên giữa Cuba và Hoa Kỳ vào ngày thứ Ba 22/09/2015 tới, khi cất cánh từ sân bay Santiago của Cuba để đến căn cứ Andrews gần Washington.
Hai tháng rưỡi sau khi tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thù địch, chuyến đi này đáng giá hơn vô số bài diễn văn.
Cả hai chuyến viếng thăm : Cuba từ ngày 19 đến 22/9 rồi Hoa Kỳ từ ngày 22 đến 27/9, hai nước mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đến thăm lần đầu tiên, đều mang lại những ý nghĩa lớn lao cho châu Mỹ. Chuyến công du ngoại quốc lần thứ mười của ngài là chuyến đi tế nhị nhất : cơ hội để bắc một chiếc cầu giữa hai thế giới cộng sản và tư bản, châu Mỹ la-tinh và siêu cường Hoa Kỳ.
Một chương trình rất bận rộn đang chờ đợi : Đức Giáo hoàng 78 tuổi sẽ đọc 26 bài diễn văn, gồm 8 bài tại Cuba và 18 bài tại Mỹ, trong đó chỉ có bốn bài diễn văn bằng tiếng Anh.
Bốn giai đoạn chính sẽ là quảng trường Cách mạng ở La Habana, Quốc hội Hoa Kỳ - lần đầu tiên mới có một Đức Giáo hoàng phát biểu tại đây, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và lễ bế mạc cuộc gặp gỡ giữa các gia đình công giáo trên toàn thế giới tại Philadelphia.
Chặng thăm Cuba có vẻ đơn giản hơn, vì vai trò của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong việc hòa giải giữa chế độ Castro và chính quyền Mỹ rất được cảm kích. Từ hôm nay cho đến thứ Ba, ngài thăm thủ đô La Habana, Holguin và Santiago.
Đây là lần thứ ba một vị Giáo hoàng đến thăm đảo quốc cộng sản trong vòng 17 năm qua, sau Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị (1988) và Benedicto XVI (2012). Cả một sự ưu tiên dành cho đất nước nhỏ bé, trong đó có 10% dân số tự coi mình là người công giáo.
Chính quyền Cuba đòi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, đổi lại người công giáo Cuba sẽ có được nhiều quyền tự do hơn. Trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng, La Habana loan báo phóng thích đến 3.500 tù nhân, một sự « rộng lượng » chưa từng thấy. Trước đó Cuba cũng đã thả tù nhân trong chuyến thăm của hai Đức Giáo hoàng tiền nhiệm, nhưng chưa bao giờ với số lượng đông đảo như thế.
Tại Cuba, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ, các gia đình, các vị giám mục và cũng có thể với nhà lãnh tụ già Fidel Castro. Ngược lại không có cuộc gặp nào được dự kiến với các nhà đối lập hay với các đại diện của FARC (Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia) đang thương lượng hòa bình với đại diện chính phủ Bogota ở La Habana.
Một sự kiện hiếm thấy : chiếc máy bay chở Đức Giáo hoàng sẽ đưa ngài trực tiếp từ La Habana đến căn cứ quân sự Andrews ở Washington, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chờ đợi.
Thời gian ở Hoa Kỳ sẽ xen kẽ giữa những hoạt động chính thức với những cuộc tiếp xúc một nước Mỹ dưới đáy. Ngài cũng sẽ gặp một Giáo hội đang bị chấn động sâu sắc với các xì-căng-đan lạm dụng tình dục trẻ em trong những năm gần đây, một đề tài mà Đức Giáo hoàng Phanxicô không hề nhượng bộ.
Các biện pháp an ninh sẽ được thắt chặt, cho dù Vatican khẳng định « không có một quan ngại nào đặc biệt » và Đức Giáo hoàng đòi hỏi di chuyển trên chiếc xe dành riêng « papamobiles » mui trần.
Hai thời điểm được chờ đợi nhất là bài diễn văn đọc bằng tiếng Anh trước Quốc hội Mỹ ở Washington, và bằng tiếng Tây Ban Nha trước Liên Hiệp Quốc ở New York.
Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tố cáo « sự độc tài » của giới tài chính, « văn hóa cặn bã » - dù một số nhân vật bảo thủ sẽ không đồng tình. Bên cạnh đó là những chủ đề dễ được đồng thuận hơn như nạn buôn người, thất nghiệp, các cuộc xung đột trên thế giới, nạn bức hại người thiểu số nhất là người công giáo.
Theo nguồn tin từ Vatican, tại Liên Hiệp Quốc Đức Giáo hoàng sẽ đưa ra lời kêu gọi nên tuyên bố việc bóc lột người trong các mạng lưới mại dâm, là tội ác chống nhân loại.
Ở New York, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ trì một thánh lễ liên tôn giáo tại Ground Zero, cầu nguyện cho các nạn nhân của sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001, lên án chủ nghĩa khủng bố. Và tại Washington, ngài sẽ phong thánh cho một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha thế kỷ 18, Junipero Serra, người truyền bá Phúc Âm đến từ California nhưng bị cáo buộc là đã góp phần làm suy tàn văn hóa của thổ dân.
Chặng cuối được dành cho cuộc gặp gỡ ở Philadelphia chú trọng đến tự do tín ngưỡng, nơi hội tụ các giá trị căn bản của nước Mỹ ; và bế mạc đại hội các gia đình công giáo thế giới. Khoảng một triệu rưỡi người sẽ tham dự thánh lễ cuối cùng, khi đó Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về các ưu tiên của ngài, vài ngày trước khi khai mạc tại Roma một hội nghị của Giáo hội liên quan đến đề tài nhạy cảm là gia đình.
Đức Giáo hoàng Phanxicô được đến 87% người công giáo Mỹ ủng hộ, và 66% người Mỹ nói chung. Nhưng không phải tất cả các giám mục Mỹ đều đồng thuận với ngài, một số bất bình trước việc người đứng đầu Giáo hội không ủng hộ họ trong các chủ trương cứng rắn trước ông Obama về vấn đề phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính.
Đã trở thành thói quen, trong suốt chuyến đi vị Giáo hoàng người Achentina luôn dự kiến các cuộc tiếp xúc với những người vô gia cư, các tù nhân, người tị nạn – một cách để đem lại sự ủng hộ của ngài đối với một nước Mỹ dưới đáy xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét