Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Thế giới phát triển nóng, có nhẽ không thể quanh co mãi?

Những bình luận lạ lùng của truyền thông
Trung - Nga về quan hệ Việt - Nhật

Giáo dục VN
18/09/15 06:33


(GDVN) - Việt Nam và Nhật Bản không rảnh để đi chống Trung Quốc hay kiềm chế Trung Quốc, mà chỉ chống lại các hành vi bành trướng, chà đạp luật pháp quốc tế.

Xung quanh chuyến thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một hoạt động ngoại giao hết sức bình thường của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tờ Đa Chiều nổi tiếng là "cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại" đã đưa ra những bình luận lạ lùng, chụp mũ, bôi nhọ quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Ngày 16/9 tờ báo này bình luận một cách cay cú đầy khó hiểu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Đa Chiều.

"Chơi với Nhật là bất lịch sự với Trung Quốc"?!

Đa Chiều nói rằng trong chuyến thăm Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ cung cấp tàu tuần tra cũ và mới cho Việt Nam, đã có những quan điểm cho rằng xuất phát từ tranh chấp Việt - Trung (do Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp, Việt Nam không tranh chấp với ai) trên Biển Đông, Trung Quốc cần phải cảnh giác với động thái gần gũi của Việt Nam với Nhật Bản.

Nói cách khác, Việt Nam đi chung đường với Nhật Bản là đã đánh mất lịch sự cần phải có với Trung Quốc?!

Trong hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận hai bên cần tăng cường hợp tác kinh tế - an ninh. Trong thông cáo chung sau hội đàm, hai bên đều bày tỏ vô cùng quan ngại trước hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông.

Hai bên cũng nhắc tới tầm quan trọng của tự do hàng không - hàng hải ở Biển Đông. Đa Chiều cho rằng nội dung này là nhằm vào khả năng Trung Quốc áp đặt một vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) trong khu vực.

Tờ báo cho rằng tuyên bố chung Việt Nam, Nhật Bản khiến Trung Quốc bất mãn, Đa Chiều lập luận:

"Việt Nam vốn là một nước nhỏ nên phải tự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn cũng là điều có thể hiểu được. Bất luận là trong vấn đề Biển Đông hay cạnh tranh thị trường thương mại, Việt Nam đều có xung đột lợi ích mang tính đối kháng trực tiếp với Trung Quốc.

Do đó việc phát triển quan hệ với Mỹ, Nhật nhìn từ góc độ Việt Nam là một chiến thuật cân bằng ngoại giao. Nhưng trong tuyên bố chung, cả hai nhằm vào Trung Quốc và cùng xem Trung Quốc là đối thủ trong khu vực là hơi quá đáng.

Nếu so sánh quan hệ Việt - Nhật, Việt - Mỹ với Việt - Trung về mặt tên gọi thì Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ đối tác toàn diện, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, còn Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cứ theo tên gọi thì đáng lẽ ra Việt Nam phải 'gần' Trung Quốc hơn Mỹ, Nhật, vậy tại sao ngày nay đột nhiên lại có những phát biểu gay gắt, thậm chí là đánh mất lịch sự với Trung Quốc?"

Những lập luận của Đa Chiều cho thấy một sự ngộ nhận hoặc cố tình đánh tráo khái niệm để bôi nhọ chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Thứ nhất, trong tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản sau hội đàm giữa lãnh đạo hai nước không có câu nào nhắc đến Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản chỉ phản đối và bày tỏ lo ngại các hành vi bành trướng xưng hùng xưng bá, chà đạp luật pháp quốc tế trên Biển Đông thông qua việc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp.

Bởi vậy lập luận của Đa Chiều đã cho thấy hai điều, một là thừa nhận hành vi bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông là bất hợp pháp, gây căng thẳng và lo ngại trong khu vực. Thứ hai, tờ báo đánh đồng mối quan ngại và phản đối của Việt Nam, Nhật Bản với những hành vi này thành "chống Trung Quốc".

Việt Nam và Nhật Bản không rảnh để đi chống Trung Quốc hay kiềm chế Trung Quốc, mà chỉ chống lại các hành vi bành trướng, chà đạp luật pháp quốc tế, dùng vũ lực và đe dọa vũ lực.

Báo Nga nói "Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam là đối đầu với Trung Quốc"?!

Tờ Sputnik News phiên bản tiếng Việt của Nga ngày 17/9 dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị của MGIMO Aleksei Padbyarozkin bình luận:

"Đối với Việt Nam, cách tiếp cận của Nhật Bản khá thực dụng. Việt Nam là một đất nước phát triển nhanh, kể cả về mặt quân sự. Người Nhật rất quan tâm đến thực tế rằng những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn duy trì và phát triển. Nói chung, đối với người Nhật, sẽ là lý tưởng nếu Việt Nam trở thành trung tâm sức mạnh độc lập đối đầu với Trung Quốc.

Nói về ban lãnh đạo Việt Nam, theo ý kiến ​​của tôi, điều quan trọng đối với họ là Việt Nam gia tăng tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự. Tiềm lực này sẽ được sử dụng đối đầu với ai — đó là câu hỏi thứ hai. Đối với Việt Nam hiện nay, bất kỳ sự trợ giúp nào đều tốt, nếu nó góp phần củng cố sức mạnh của Việt Nam.

Cho dù đó là Nhật Bản, Mỹ, Nga hay Trung Quốc — điều đó không phải là quá quan trọng. Đối với lãnh đạo Việt Nam, điều rất quan trọng là sao cho sức mạnh ngày càng tăng nhanh của Việt Nam có thể bảo vệ chủ quyền của Việt Nam."

Trả lời câu hỏi của Sputnik News về việc liệu có nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với Việt Nam hay không, ông Aleksei Padbyarozkin nói:

"Tôi không loại trừ đối đầu quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta còn nhớ khoảng thời gian đáng buồn hồi cuối thập niên 1970, khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Khi đó, với lực lượng ít hơn đáng kể, Việt Nam đã thực sự có khả năng đánh bại các lực lượng khá lớn của quân đội Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có kinh nghiệm thành công không chỉ trong kháng chiến chống Mỹ, mà cả trong cuộc chiến chống Trung Quốc."

Người Việt không hề muốn đối đầu và cũng nỗ lực tránh tối đa việc phải đối đầu, đặc biệt với một nước lớn và nham hiểm. Nhưng đứng trước nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, biển đảo hợp pháp của mình bị gặm nhấm, người Việt không thể khoanh tay ngồi nhìn mà phải tìm mọi cách bảo vệ mình và chống lại âm mưu bành trướng, thôn tính ấy.

Dù là Nhật Bản, Nga hay Mỹ cũng chẳng nước nào lại đi giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc, nhưng khi lợi ích chung bị đe dọa, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Úc có làm việc chặt chẽ cùng nhau để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế, công lý ở Biển Đông thì đó là việc làm hết sức bình thường, không thể gọi là "đối đầu" hay chống Trung Quốc - PV.

Hồng Thủy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: