'TQ nên chấp nhận đàm phán Hoàng Sa'
Tôi hân hạnh gửi đến ông Tập Cận Bình lá thư ngỏ này với lòng kính trọng lớn về sự dũng cảm và kiên quyết cùng những thành tựu quan trọng mà ông với tư cách Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ông.
Tuy nhiên, tôi chưa thật tường minh về quan điểm của ông trong quan hệ đối với Việt Nam – một vấn đề hệ trọng của cả hai nước chúng ta – cùng những cách thức mà ông chủ trương để ra khỏi tình trạng hiện nay mà thực tế không phải là “ láng giềng hữu nghị “, với những tranh chấp và xung đột kéo dài, những tuyên truyền cáo buộc và phủ định lẫn nhau.
Vì vậy mà có lá thư này và tôi hy vọng nó sẽ được đặt trên bàn làm việc của ông.
Việt Nam và Trung Quốc là những nước láng giềng; phong tục, văn hóa nhiều điểm tương đồng. Nhưng bởi trong lịch sử đã có nhiều cuộc xâm lược từ phía Bắc xuống nên không ít người cho rằng, có một mối thù truyền kiếp giữa hai nước. Tôi không cho như vậy. Mối thù truyền kiếp (mối thù máu) luôn có nguồn gốc từ mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo, xung đột văn hóa, rất khó hóa giải giữa các quốc gia như chúng ta đều biết.
Nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có những mâu thuẫn ấy, hàng ngàn năm nay giao lưu, giao thương qua lại bình thường, và do đó làm dầy thêm sự hiểu biết và tương trợ lẫn nhau. Chúng ta thậm chí còn có những quan hệ hơn thế khi không ít dòng tộc Việt Nam đến từ phía Bắc, (ông ngoại tôi cũng đến từ Trung Quốc). Chiến tranh thực tế là do những tham vọng của tầng lớp thống trị, như Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói.
Trung Quốc đã có sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trong khoảng 30 năm của lịch sử cận đại. Người Việt Nam đã từng rất quý trọng Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát hẹp ở Hà nội vào năm 1964, có đến hơn 80% người Việt Nam có quan điểm rất tích cực về Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vào những thời điểm cụ thể ấy mà cho rằng dòng chảy quan hệ giữa hai nước trong mấy chục năm qua “cơ bản” là hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau thì không chính xác, cần phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy.
Bất chấp phản ứng
Một cuộc thăm dò mới đây của hãng Pew (Hoa Kỳ) đưa ra một kết qủa hoàn toàn ngược lại: hơn 80% người Việt Nam không thích Trung Quốc. Một cuộc thăm dò khác vào năm 2011 cho kết quả tệ hơn: 92% .
Tại sao? Trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân quan trọng: người Trung Hoa không hiểu văn hóa ứng xử của người Việt. Có lẽ vì là một nước lớn - lớn nhất thế giới - luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, lại đang “trỗi dậy” đứng đầu thiên hạ, người Trung Quốc hành xử quyết đoán, áp đặt, bất chấp; thích gì thì nói, thích gì thì làm, không cần biết điều đó sẽ tạo nên những hiệu ứng/ phản ứng gì.
Tôi xin dẫn ra đây những câu chữ từng đăng tải trên một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt những năm vừa qua. Tờ báo này từng mỉa mai “cũ nát thế kia mà cũng đòi...” khi một hạm đội nhỏ tàu chiến Việt Nam được mời đến thăm Trung Quốc bảy năm trước đây. Nhưng lại viết “hung hăng muốn kiểm soát Biển Đông” khi hai năm sau đó, Hải quân Việt Nam đặt mua tàu chiến mới. Tờ báo này từng không chỉ một lần đăng tin tức về các kế hoạch đánh chiếm Việt Nam với những phương án tỉ mỉ “đã được lãnh đạo thông qua”, thậm chí với thời điểm cụ thể.
Trong khi đó lại bịa đặt “Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (nêu ra một cái tên không có thực) tuyên bố sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh”.
Sự nhẫn nhịn trong văn hóa ứng xử của người Việt khiến tờ báo này không chỉ một lần viết: “Việt Nam đã nhảy vào lòng Mỹ, Nhật, là kẻ ngông cuồng nhất ở Đông Nam Á chống Trung Quốc...”.
Và khi soi lại lịch sử, họ khinh mạn nói về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam thế này: “Trung Quốc đã cầm tay dắt Việt Nam từ núi rừng âm u về Thủ đô Hà Nội”, vân vân và nhiều lắm. Chỉ xin dẫn ra một vài. Chắc ở cương vị của ông, ông không có điều kiện biết đến những sự hàm hồ, diễu cợt ngạo mạn ấy.
Sự thực thế nào?
Người Trung Quốc sẽ nghĩ thế nào trước sự tuyên truyền như vậy? Có lẽ tờ báo trên (và không ít cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc) cho rằng càng làm già Việt Nam càng ngán ngại run sợ. Thật là một sự nhầm lẫn tai hại.
Nhân dịp ông sắp sang thăm Việt Nam, mà tin cho hay có thể chỉ trong một đôi tháng nữa, tôi xin được kiến nghị với ông một vấn đề. Đó là sự cần thiết phải có đàm phán giữa hai nước chúng ta (Việt - Trung) về quần đảo Hoàng Sa.
Cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều nhiều lần tuyên bố có chủ quyền ở đây và đưa ra các bằng chứng lịch sử hỗ trợ cho tuyên bố của mình. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang chiếm giữ quần đảo này, Trung Quốc cự tuyệt đàm phán, tuyên bố không có tranh chấp ở đây.
Sự thực thế nào? Vào năm 1978, Ông Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận có sự tranh chấp, bằng cách nói rằng việc đàm phán nên rời đến thời điểm thích hợp, khi Việt Nam đưa ra yêu cầu này.
Sự thực thế nào? Năm 2014, khi có sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 đặt trong vùng nước của quần đảo này (cũng đồng thời đặt trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam), Trung Quốc đã cho lưu hành tại Liên Hợp Quốc - cũng có nghĩa là sự thừa nhận có sự tranh chấp – một tài liệu nêu ra những bằng chứng về chủ quyền của mình.
Sự thực thế nào? Nếu hỏi về tính lịch sử thì hàng ngàn năm nay Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, không hề bị tranh chấp của ngư dân Việt Nam cho đến gần đây.
Sự thực thế nào? Trong thế kỷ XIX, triều đình Nhà Nguyễn của Việt Nam đã thiết lập quyền cai trị ở đây bằng cách thành lập các đội dân binh mang tên Hoàng Sa để quản lý và khai thác khu vực này, trong khi Trung Quốc cho đến tận năm 1974 mới thiết lập chủ quyền Hoàng Sa bằng cách dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Vì sao nên đàm?
Sự thực là như thế nhưng vấn đề là trong những năm gần đây, để khẳng định chủ quyền thuộc về mình, Trung Quốc đã luôn luôn có những hành động lấn lướt và áp bức, bóc lột ngư dân Việt Nam hành nghề trong vùng biển này: xua đuổi, đánh đắm thuyền, tịch thu hải sản và luới cụ của ngư dân, bắt giữ người yêu cầu nộp tiền phạt…
Những hành động ấy hoàn toàn trái với khẩu hiệu hai bên đang giương lên: “láng giềng hữu nghị”, “láng giềng tốt, bạn bè tốt”. Tôi muốn lưu ý là 70% ngư dân miền Trung Việt nam và gia đình họ sinh sống dựa vào nghề biển và cũng chừng ấy phần trăm phụ thuộc vào ngư trường Hoàng Sa.
Chấp nhận đàm phán vấn đề Hoàng Sa có thể đưa đến một điều bất lợi cho Trung Quốc. Chân lý vốn thuộc về mình như Trung Quốc chứng tỏ, chấp nhận đàm phán nghĩa là chấp nhận chân lý “có vấn đề”.
Nhưng có ba điều lợi: Trước thiên hạ, Trung Quốc được hiểu là nước lớn có thiện chí, sẵn sàng thảo luận; Trung Quốc không tránh né và đây là cơ hội để Trung Quốc trình bày tính pháp lý của mình; Trung Quốc luôn có quan hệ tốt, có tình hữu nghị dựa trên rất nhiều sự tương đồng như Trung Quốc vẫn tuyên bố.
Đối với cả hai nước, bước vào đàm phán có nghĩa là giảm căng thẳng, nghĩa là sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển mà hai bên thừa nhận, và sẽ được quốc tế ủng hộ.
Đàm phán có thể có bên được bên thua, và cũng có thể dẫn đến cả hai bên cùng thắng bởi vì trong đàm phán còn có thương lượng, mà thương lượng là sự nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở hiểu biết, hợp tình hợp lý, các bên đều có thể chấp nhận.
Được biết ông đang nóng lòng trông đợi chuyến thăm Việt Nam. Tôi cũng vậy, tôi cũng nóng lòng chờ đón chuyến thăm của ông và đặc biệt quyết định của ông.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị, bang giao Trung - Việt đang sống ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét