Không có một nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới không nói yêu hoà bình, vậy mà chiến tranh vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt là ở vùng trung Đông, Châu Phi... đã làm ảnh hưởng đến nền hòa bình chung của toàn thế giới.
Cách đây 70 năm, thành phố Hiroshima của Nhật Bản trở thành nạn nhân đầu tiên của bom nguyên tử. Quả bom đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và biến Hiroshima thành một “thành phố chết”. Sau chiến tranh với sức sống mãnh liệt của người dân Hiroshima từ một đống tro tàn đổ nát đã mọc lên một thành phố mới, không ngừng phát triển và khát khao hòa bình.
Cho đến nay Hiroshima không những đã trở thành một trung tâm hành chính lớn có nền kinh tế phát triển mạnh với nhiều loại hình doanh nghiệp như giao thông vận tải, nông lâm nghiệp, tài chính ngân hàng… mà còn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Rất nhiều du khách đến thăm quan thành phố Hiroshima vì muốn tận mắt chứng kiến sự vươn lên của Nhật Bản.
Vụ đánh bom ngôi đền Arawan tại BangKok ngày 17/8/2015 vừa qua đã làm 20 người chết và hơn 100 người bị thương cho tất cả chúng ta thấy danh giới giữa hỗn loạn, khủng bố và hòa bình rất mong manh.
Đất nước Việt Nam cũng có hàng ngàn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm. Biết bao nhiêu người con đã ngã xuống để giữ gìn sự độc lập của dân tộc. Bản chất của chiến tranh thường là thế, chết chóc và tàn khốc. Cách đây hơn một năm, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa đã làm cho biển Đông thêm một lần nổi sóng. Thời điểm đó, người dân Việt Nam ở khắp mọi miền tổ quốc đều hừng hực khí thế hướng về biển đảo với ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
Tổ chức hồi giáo IS với những cuộc hành quyết man rợ. Ảnh: Getty Image |
Cách đây ít ngày, bức ảnh thi thể em bé tị nạn Syria 3 tuổi bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng gia đình di tản chạy trốn khỏi đất nước loạn lạc vì chiến tranh đã được chia sẻ nhanh chóng trên mạng internet. Sau khi được lan truyền rộng rãi, bức ảnh đã trở thành biểu tượng lột tả sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Bom rơi đạn lạc, đất nước khủng hoảng tị nạn, những người dân bản địa phải lần lượt từ bỏ quê hương mang hy vọng được đặt chân đến châu Âu để được sống một cuộc sống bình yên.
Ngay sau bức ảnh chụp thi thể em bé Syria được đăng tải, hầu hết các báo chí cũng lần lượt đều đưa tin chỉ vài tháng trước gia đình em bé này đã bị tổ chức Hồi giáo IS giết chết 11 người thân, góp phần tăng thêm sự phẫn nộ của những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.
Trước đây quan niệm hòa bình là xã hội không có chiến tranh, ngày nay quan niệm hòa bình là không có chiến tranh xảy ra giữa hai hay nhiều tổ chức vũ trang trong một quốc gia. Không có một nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới không nói yêu hoà bình, vậy mà chiến tranh vẫn đang diễn ở nhiều nơi. Đặc biệt là ở vùng trung Đông, Châu Phi... đã làm ảnh hưởng đến nền hòa bình chung của toàn thế giới.
Nhìn lại 100 năm qua, thế giới đổi thay rõ rệt như phẳng ra, như nhỏ lại nhờ những thành tựu kỳ diệu của khoa học công nghệ và cuộc sống của con người cũng được cải thiện rất nhiều. Nhân loại khát khao hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột và chiến tranh. Kinh tế phát triển, nhưng vì sao hàng tỷ người vẫn còn nghèo khổ. Khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, nhưng vì sao vẫn chưa có phương cách ứng phó thật hữu hiệu với thiên tai, dịch bệnh. Vì thế mà không ít người đã phải thốt lên: “Chỉ hòa bình thôi mà sao khó đến thế”.
Bức ảnh Aylan ngủ ngon vào đêm trước ngày gia đình lên thuyền rời khỏi quê hương là bức hình cuối cùng mà người thân còn lưu giữ về em. Bức ảnh em bé Syria 3 tuổi nằm bất động bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/9/2015 là bằng chứng của cuộc chiến tranh vẫn còn đang tiếp tục lan tỏa và chạm đến trái tim cả thế giới. Chạm đến quyền được sống, quyền được vui chơi học hành, quyền được hạnh phúc và mơ ước hòa bình của các em.
Ðược sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Ngày quốc tế hòa bình mong muốn các nước trên thế giới hãy nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói vì hòa bình. Bởi vì giá trị của hòa bình rất mong manh và không thể cân đo đong đếm được mà chúng ta đã phải trả bằng xương máu biết bao nhiêu thế hệ đi trước mới có được.
Hãy trân trọng sự độc lập tự do và niềm tự hào dân tộc và yêu nhiều hơn đất nước mình thì mới có cơ hội thấy được hết giá trị của hòa bình. Ðể thoát khỏi đói nghèo, để phòng tránh thiên tai, ngãn ngừa bệnh dịch và bảo vệ môi trường, tất cả chúng ta phải chung tay. Con đường vì một thế giới hòa bình vẫn còn lắm chông gai, là con đường đang cần toàn nhân loại chung vai.
Nguyễn Thúy Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét