Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

ISIS cố tình tạo ra khủng hoảng di cư để trục lợi và khiến châu Âu chia rẽ

Một chuyên gia phân tích toàn cầu hôm 12/9 nhận định với hãng tin Sputnik (Nga) rằng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bằng việc tấn công dân thường, thảm sát, tấn công trại tị nạn để trục lợi từ hoạt động buôn người. Hành động này còn gây chia rẽ mạnh mẽ trong lòng châu Âu.

tị nạn, di cư, châu âu, buôn người,
Dòng người tị nạn đổ sang Áo, từ thủ đô Budapest, 4/9/2015. (Ảnh REUTERS)
“Thị phần” đang tăng
Theo chuyên gia Christian Nellemann thuộc Trung tâm Na Uy, ISIS cần ít nhất nửa tỉ USD/năm để duy trì hoạt động và xây dựng cái gọi là đế chế Hồi giáo. Do thu nhập chính từ dầu mỏ của ISIS đã bị giảm 60%-80% trong năm qua, nhóm này phải tìm nguồn thu thay thế dựa vào hoạt động thu thuế và buôn người. Ông Nellemann ước tính, lợi nhuận từ hoạt động buôn người trong năm 2015 sẽ đạt 2 tỉ USD, trong đó “thị phần” của ISIS đang tăng dần theo thời gian.
ISIS được xem là rất thành thạo trong việc thiết lập và kiểm soát các điểm buôn người chính tại Libya, bán đảo Sinai và đang tăng cường hướng về biên giới Lebanon-Jordan. Ngoài ra, ông Nellemann còn cho rằng, ISIS đã “cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bằng việc tấn công dân thường, thảm sát, tấn công trại tị nạn nhằm làm gia tăng dòng người di cư”.
Khả năng đóng mở các khu vực biên giới giúp ISIS có thể lái dòng người tị nạn đi theo con đường mà họ định sẵn. Đây không phải là điều gì đó quá mới. Tuy nhiên, cách tổ chức và kỹ thuật điều hành, phân phối nguồn thu của ISIS là điều chúng tôi chưa từng thấy ở những nhóm khác”, chuyên gia này cho hay.
Theo ông Nellemann, tấn công vào hệ thống tài chính của ISIS là một trong những cách có thể ngăn chặn sự lớn mạnh của nhóm khủng bố này. Ngoài không kích, phương Tây cần tính đến nhiều yếu tố khác nếu muốn phát triển một chiến lược đối phó ISIS hiệu quả, như: hoạt động tuyển mộ, tuyên truyền của ISIS; nạn tham nhũng tại những nước mà ISIS đang hoạt động…
Châu Âu chia rẽ
Khủng hoảng di cư đang giúp ISIS làm giàu nhưng lại gây chia rẽ mạnh mẽ trong lòng châu Âu, từ người dân cho đến các chính phủ. Sự rạn nứt này được thể hiện rõ tại một loạt cuộc tuần hành diễn khắp châu Âu vào tuần rồi.
tị nạn, di cư, châu âu, buôn người,
Người dân Copenhagen, Đan Mạch xuống đường ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn hôm 12/9. (Ảnh Reuters)
Tại thủ đô London của Anh hôm 12/9, hàng chục nghìn người đã tuần hành cùng biểu ngữ nhấn mạnh “tính mạng người tị nạn là quan trọng”. Khoảng 30.000 người tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch cũng xuống đường kêu gọi chính phủ tiếp nhận người tị nạn. Người dân tại các thành phố Madrid của Tây Ban Nha và thành phố Hamburg của Đức cũng xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với người tị nạn.
Ở chiều ngược lại, một loạt cuộc tuần hành chống làn sóng người di cư đã diễn ra ở một số nước Đông Âu. Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, khoảng 5.000 người biểu tình với lời cảnh báo “Hồi giáo sẽ là cái chết của châu Âu”. Trong khi đó, hàng trăm người đã tuần hành ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech và thủ đô Bratislava của Slovakia để tỏ thái độ không hoan nghênh người di cư và kêu gọi họ về nước.
Không chỉ người dân, lập trường của chính phủ một số nước Đông, Trung Âu cũng đang cản trở châu Âu có một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư. Báo New York Times nhận định, khi đại diện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong ngày 14/9 để bàn về đề xuất phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư, tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất nhiều khả năng sẽ đến từ những nước nêu trên.
Trước thềm cuộc gặp, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố, họ chỉ tiếp nhận người tị nạn theo đạo Thiên chúa bởi nước này không có nhà thờ Hồi giáo. Thủ tướng Hungary Viktor Orban gọi dòng người di cư hiện nay là hành động nổi loạn của người nhập cư trái phép, đồng thời cam kết tiến hành cuộc trấn áp mới trong tuần này. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tỏ ý không hài lòng khi phải nhận “mệnh lệnh” của EU về việc tiếp nhận người di cư.
Theo Người Lao Động

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: