Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 1)


Thứ sáu - 18/11/2005 23:05

(NCTG) “Các đồng chí có nhận ra bao nhiêu người đứng gác ngoài kia không? Con người ta đi ngoài hành lang và luôn luôn phải suy nghĩ: Chẳng biết đứa nào đây? Nếu là tay này, hắn sẽ bắn vào lưng, nếu anh ngoặt ở góc hành lang, kẻ khác sẽ nổ súng vào trán anh. Người ta đi cạnh bọn chúng ngoài hành lang và có những ý nghĩ như thế đấy...”.

 
Nhà văn Konstantin Simonov và nữ tài tử Valentina Serova - Ảnh tư liệu
 

Lời giới thiệu: Nhà văn, nhà thơ Konstantin Simonov (1915-1979) là một văn nghệ sĩ - chiến sĩ rất được ưa chung ở Liên Xô (cũ). Ông là tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ về chiến tranh, về nhân sinh... như “Ngày và đêm” (1944), “Những người sống và những kẻ chết” (1959), “Không sinh ra để làm chiến sĩ” (1965), “Mùa hạ cuối cùng” (1971)... 

Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Simonov qua bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng, được coi là một lời tỏ tình nồng nhiệt, một khẩn cầu tha thiết, một biểu tượng sắt son, một lòng chung thủy không gì lay chuyển giữa các chàng trai và các cô gái trong thời kỳ chinh chiến. Bài thơ này được tác giả sáng tác vào cuối hè 1941, khi phát-xít Đức khởi cuộc tấn công Liên Xô, để tặng một người đàn bà mà ông say đắm: nữ tài tử điện ảnh và sân khấu lừng danh của Liên Xô (cũ), bà Valentina Serova, người được tôn vinh là “người phụ nữ hấp dẫn nhất của nền điện ảnh Xô-viết”. 

“Đợi anh về” đã được dựng thành phim (do chính Serova thủ vai), được in thành hàng triệu ấn bản để phân phát cho các quân nhân Xô-viết ngoài mặt trận; ở Việt Nam, nó được Văn Chung phổ nhạc và theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, đó là một “ca khúc tuyệt vời” mà ông đã cùng gia đình nhà vợ (ban hợp ca “Thăng Long”) trình diễn ngay tại Sài Gòn thời trước 1954. 

Mặc dù thuộc số văn nghệ sĩ được Stalin và chính quyền rất sủng ái nhưng trong thời gian về sau, khi nhận ra bản chất độc đoán của “Ông chủ”, Simonov đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để trở thành một con người cương trực. Trên cương vị TBT tờ “Novy Mir” (Thế giới mới), ông đã cho đăng tải nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận vào cuối thập niên 50. Cũng vì thế mà trong một thời gian, Simonov phải tự lưu đày ở Tashkent, xa lánh mọi sự kiện ở Moscow. 

Vào những năm cuối đời, Simonov đã khởi công viết những hồi tưởng về Stalin (dưới tiêu đề “Stalin dưới con mắt thế hệ chúng tôi”) nhưng ông không có thời gian để kết thúc. Gần mười năm sau ngày nhà văn qua đời, bản thảo dang dở của tập hồi ký mới được nguyệt san văn học “Znamya” hiệu chỉnh và đăng tải vào mùa xuân 1988. Trong thời kỳ cải tổ ở Liên Xô, đây là cuốn hồi ký về Stalin được giới phê bình đánh giá rất cao, mặc dù trong sách Simonov vẫn chưa có điều kiện nói thẳng ý kiến của ông về nhà độc tài (nhiều người trách ông vì thái độ “mập mờ” này). 

Dù sao đi nữa, cuốn sách cũng đưa ra được nhiều tấm “chân dung văn học” muôn màu muôn vẻ, sắc sảo và chân thực về một con người có tính cách vô cùng đa dạng, phức tạp và đầy mâu thuẫn: Stalin. Tựu trung, “Stalin dưới con mắt thế hệ chúng tôi” là một tác phẩm rất có giá trị về văn học và sử liệu. 

NCTG xin trích dịch một số đoạn trong tập hồi tưởng nổi tiếng đó, ngõ hầu giúp độc giả một số thông tin hữu ích về tính cách và con người - cũng như về những bộ mặt khác nhau - của nhà độc tài Stalin. Các chú thích trong bài là của người dịch. 
  
* 

Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hải quân Isakov, người lãnh đạo hạm đội Xô-viết, từng có nhiều dịp gần gũi Stalin. Qua đó, chúng ta có thể thấy phần nào một số mặt trong tính cách đa dạng của Stalin. 
 
Stalin trong tranh cổ động của Liên Xô: “Bữa trước mẹ cho con xem ảnh - Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng - Áo Ông trắng giữa mây hồng - Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười” (Tố Hữu) 

Tôi nghĩ rằng mẩu chuyện này xảy ra trước khi Kirov (1) bị ám sát. Tôi là thành viên một ủy ban chịu trách nhiệm về các công trình xây dựng quân sự lớn. Ủy ban đó họp hành đều đặn hàng tuần, lúc thì tại văn phòng của Stalin, lúc ở chỗ khác. Sau những phiên họp như thế, đôi lúc, có một nhóm nhỏ, phạm vi khá hẹp, cùng nhau ở lại ăn bữa tối, hoặc chúng tôi xem phim, cũng trong phạm vi hẹp. Trong lúc coi chiếu bóng, chúng tôi cũng uống và ăn lai rai. 

Khi sự kiện tôi muốn nói đến sau đây diễn ra, chúng tôi ăn bữa tối trong một căn phòng ở tầng dưới: đó là một buồng tương đối nhỏ, thấp, bốn bề là những kệ sách. Từ phòng làm việc, có những hành lang rất dài và khúc khuỷu dẫn đến căn phòng này. Ở mọi hành làng và chỗ ngoặt đều có lính gác, thực ra không phải các vệ sĩ mà là các sĩ quan trực ban của NKVD (2). 

Tôi còn nhớ ngay sau phiên họp, chúng tôi đi qua căn phòng đó và trước khi ngồi vào bàn, Stalin đột nhiên nói: “Các đồng chí có nhận ra bao nhiêu người đứng gác ngoài kia không? Con người ta đi ngoài hành lang và luôn luôn phải suy nghĩ: Chẳng biết đứa nào đây? Nếu là tay này, hắn sẽ bắn vào lưng, nếu anh ngoặt ở góc hành lang, kẻ khác sẽ nổ súng vào trán anh. Người ta đi cạnh bọn chúng ngoài hành lang và có những ý nghĩ như thế đấy...”. 

Như mọi người khác, tôi cũng im lặng lắng nghe những lời lẽ đó. Câu chuyện làm tôi bàng hoàng. Giờ đây, sau nhiều năm, trường hợp này giải thích được nhiều điều - cố nhiên không phải tất cả, nhưng chắc chắn được một số điểm - về cuộc đời và cung cách cư xử của Stalin. 

Một chuyện khác. Tôi trở về sau một chuyến đi miền Bắc. Có một cơ sở quân sự, một nhà máy khổng lồ được xây dựng ở đó. Nhưng không làm sao chúng tôi xây được đường xá phù hợp với căn cứ này. Thoạt đầu, người ta làm đường thông qua một đầm lầy, nhưng nó mềm như một chiếc gối khiến mọi thứ điều nghiêng ngả khi một chiếc xe chạy qua. 

Sau khi công việc được thúc đẩy trước khi xây dựng tuyến đường sắt, đơn thuần người ta đặt gỗ ván và đường ray lên con đường này. Phải vượt một phần của đoạn đường đó bằng xe hơi, phần kia bằng thứ xe lửa mở nóc, tức là một đoàn tàu chỉ vỏn vẹn có hai toa chở hàng. Nghĩa là tất cả chỉ là điều ngu xuẩn, ai cũng biết điều đó: không thể làm nên trò trống gì với cung cách này. 

Trong ủy ban mà tôi là thành viên, có cả các đại diện của nhiều ban ngành. Vị chủ tịch ủy ban không dính dáng gì đến Bộ Dân ủy Giao thông, vì thế ông ta hoàn toàn không để tâm đến con đường. Tôi phản đối nhưng vô ích: ông ta báo cáo với Stalin rằng mọi việc tiến triển tốt đẹp và thành tựu ở mức cao nhất - về hình thức ông ta cũng có lý bởi quả thực, ở cơ quan thuộc thẩm quyền của ông, mọi việc đều ổn thỏa; ngoài ra, ông ta không hề nhắc đến một lời về con đường. 

Thấy vậy, tôi xin được phát biểu và tôi buồn rầu báo cáo về trạng thái thứ đường sắt này, tôi nói giải pháp đó hoàn toàn tệ hại, như thế chúng ta không thể xây dựng được bất cứ nhà máy nào và nói chung, việc đưa tuyến đường sắt ra đường cái, thậm chí ra một con đường duy nhất, chính là phá hoại chứ không phải gì khác. Thời ấy, “phá hoại” là một cách diễn đạt hợp mốt và tôi cũng sử dụng nó vì nó hợp với ngoại cảnh. 

Stalin lắng nghe rồi nói bằng giọng điềm đạm: “Đồng chí (ông gọi tôi bằng bằng tên họ) đã đánh giá tình hình một cách rất thuyết phục. Cố nhiên, nếu khách quan, con đường ở trạng thái hiện nay đúng là phá hoại chứ không phải gì khác. Nhưng trước tiên, hãy xem ai là người phá hoại? Kẻ phá hoại dĩ nhiên là tôi. Tôi đã ra chỉ thị xây dựng con đường này. 

Người ta thuyết phục tôi rằng không còn giải pháp nào khác, rằng điều này sẽ thúc đẩy tiến trình công việc; họ chỉ nhắc đến một cách đại để, hoặc nói chung họ chẳng báo cáo chi tiết cho tôi. Tôi đã đồng ý cho thúc đẩy công trình xây dựng. Nghĩa là trong trường hợp này, chính tôi là kẻ phá hoại. Chúng ta sẽ xem ai có lý. Nhưng bây giờ hãy quyết định những biện pháp tiếp tới.
” 

Đây là một trong số những trường hợp khi Stalin cũng tỏ ra có khiếu hài hước. Bởi lẽ ông ta có khiếu hài hước rất phát triển, đó là một thứ hài hước rất đặc thù, và thường thường Stalin có thể nói về những sai sót, lầm lẫn của mình, nhận chúng về phần mình. (...) 

Xem tiếp Phần 2. 

Ghi chú: 

(1) Lãnh tụ cộng sản Kirov - từng được coi là đối thủ của Stalin trong đảng - bị ám sát cuối năm 1934. Có nhiều bằng chứng cho thấy Stalin đã hãm hại ông. 

(2) Viết tắt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, trong thực tế là một cơ quan mật vụ chính trị.
 
Trần Lê dịch và giới thiệu - Còn tiếp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: