Không như Phương tây vẫn tưởng đảng cầm quyền TQ đoàn kết phía sau người đứng đầu CPC kiêm Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, nạn bè phái, lợi ích nhóm đang chống đối Tập Cận Bình vào lúc TQ phải chịu sức ép từ mức tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng, thị trường chứng khoán rơi tự do…
Nói toạc, không nể nang, chẳng tế nhị 
Business Insider nêu: giới truyền thông nhà nước TQ không bao giờ vô tình đưa các thông tin. Nhiều tuần qua, chính phủ phát đi những thông điệp thẳng thừng, không nể nang, chẳng tế nhị đến những người “môi giới quyền lực”, nhất là các lãnh đạo hưu trí, trong CPC. 
Thông điệp này là “Rút lui đi”.  Ngày 10.8, Nhân dân nhật báo-cơ quan ngôn luận của CPC-có bài xã luận, viết: “ Điều phải trở thành một chuẩn mực là cán bộ khi hưởng hưu trí phải từ bỏ quyền lực”.
Bài viết nêu: các cựu lãnh đạo vẫn ráng gây ảnh hưởng từ sau hậu trường khi đã nghỉ hưu. Việc họ không sẵn lòng từ bỏ quyền lực, khiến lãnh đạo mới khó thể làm việc hiệu quả, và tạo ra bè phái, khiến đất nước chậm phát triển.  
Chính phủ TQ có những biện pháp để “triệt” bất kỳ ai bị xếp vào diện chống đảng. Từ hơn một năm qua, ông Tập chủ đạo một cuộc chống tham nhũng, mà nhiều chuyên gia cho rằng đấy là cách thanh trừng bất kỳ đối thủ chính trị nào, và để ông Tập củng cố quyền lực của ông và của CPC.
Bài xã luận này ám chỉ cuộc điều tra chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”, dẫn trường hợp cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị CPC Chu Vĩnh Khang, để làm gương cho ai không chịu từ bỏ quyền lực.
Chu là lãnh đạo cấp cao nhất bị kết án tù chung thân ở tuổi 76, vì tội tham nhũng, lạm quyền và tiết lộ bí mật quốc gia.  
Tiếp đó vào ngày 20.8,  một bài xã luận khác sử dụng từ ngữ mạnh mẽ bất thường, nêu  sự thúc đẩy cải cách nhiều lĩnh vực-từ chính trị đến quân đội của ông Tập đã va phải “sự kháng cự không thể tưởng tượng được”.
Bài viết nêu cuộc cải cách đang ở giai đoạn cao trào, va phải nhiều khó khăn tầm cỡ, tác động xấu đến quyền lợi của nhiều nhóm người. Tác giả  công khai kêu gọi người dân thắc mắc về những nỗ lực cải cách kinh tế có tên gọi “Chuẩn mực mới”, viết:
 “Chiều sâu của những cải cách chạm đến những vấn đề cơ bản của việc tái cơ cơ cấu sức sống của nền kinh tế khổng lồ này, và nhằm để nền kinh tế này lành mạnh hơn. Mức độ chống cự vượt quá sức tưởng tượng”.
Bài xã luận này được đăng tải trên nhiều báo khác, gồm Nhân dân nhật báo, Quang Minh nhật báo và trang web của đài truyền  hình trung ương TQ (CCTV). Tác giả bài này là “Quách Bình”, một bút danh mà CPC dùng khi muốn thể hiện rõ quan điểm, những vấn đề của đảng cùng những vấn đề quốc gia đại sự.
Các nhà quan sát nói bài xã luận này mang ý: cuộc cải cách chưa đạt được những kết quả mong muốn, bị nhiều bè phái phản đối. 
CPC dùng tên “Chuẩn  mực mới” để chỉ một sự giảm tốc không tránh khỏi của nền kinh tế TQ đang từ dựa vào nguồn đầu tư của nước ngoài sang nền kinh tế dựa vào sự tiêu dùng.
Đây là một cuộc cải cách dài hơi, mà theo nhiều chuyên gia, đó là một cuộc cải cách quá chậm. Và nó gây ra tổn thất nặng. Ông Tập đã chuẩn bị cho người dân TQ chấp nhuận sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn, nhưng không ai ngờ sự giảm tốc của nền kinh tế diễn ra quá nhanh và quá gắt.
Xem ra một số người trong CPC muốn ông Tập phải quay trở lại nền kinh tế cũ. Nhưng bài xã luận của Nhân dân nhật báo thể hiện việc ông “nói không”.
Bài xã luận này không chỉ nhắm đến các mục tiêu là những cán bộ cấp cao hưu trí, mà còn nhắm tới bất kỳ cán bộ nào bị giảm quyền lực trong cuộc điều tra chống tham nhũng, hoặc những người bất mãn với tính chất thắt lưng buộc bụng của “Chuẩn mực mới”. 
Hai bài xã luận của Nhân dân nhật báo tiếp sau cuộc họp lãnh đạo cấp cao CPC ở Bắc Đới Hà, khu nghỉ mát mùa hè ưa thích của giới lãnh đạo TQ ở tỉnh Hồ Bắc.
Nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm (ở Bắc Kinh) nói với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng: bài xã luận này là dấu hiệu “mọi sự không êm xuôi”. Ông nói thêm:
“Rõ ràng họ không đạt được nhất trí cao tại các cuộc sinh hoạt chính trị ở Bắc Đới Hà. Nhiều nhóm theo đuổi con đường riêng của họ. Đây là bài thuốc thử khả năng xử nhiệm vụ của lãnh đạo TQ”.
Chương còn nói: mục tiêu có được thị trường giữ vai trò quyết định trong việc “điều hòa các nguồn lực” là một mục tiêu vẫn chưa thể đạt được:
“Cuộc cải cách phải xử lý cả hai vấn đề chính trị-kinh tế cùng lúc. Nếu hệ thống chính trị không thay đổi, thì thói trơ ì quan liêu sẽ chỉ khiến cuộc cải cách chạy vòng quanh”.
Giáo sư Từ Diệu Hồng, thuộc khoa chính trị ở Học viện hành chính TQ, nói bài xã luận được viết vào lúc đang có những lo sợ, rằng  cuộc điều tra chống tham nhũng, vốn đã “tỉa” nhiều tướng lĩnh và chính khách cấp cao, đang yếu đi, và những cải cách khác đã phải nhận lấy sự phản đối.
Ông nói: “Tôi cảm thấy lãnh đạo trung ương bắt đầu lo ngại, căn cứ theo thông điệp đã chỉ ra trong bài viết của tác giả Quách Bình”.
Ông cũng nói: sự kháng cự ông Tập có thể từ 3 nhóm lợi ích đầy quyền lực: lãnh đạo hưu trí muốn trì kéo quyền lực, cán bộ có quyền lực bị suy yếu, cùng các công chức bất mãn với những quy định thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm. 
Giáo sư Trương Minh, khoa chính trị đại học Nhân dân TQ, nói việc ông Tập thúc đẩy cải cách không chỉ thất bại vì không đạt được kết quả, mà nó còn có thể bị tụt hậu:
“Có sự chống đối không chỉ với cuộc cải cách, mà còn có những sự chống đối khác nữa”.
Vĩnh Thụy (theo Business Insider, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)