Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Xảy ra vụ như Vinashin, ai chịu trách nhiệm?


TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội câu hỏi từ cử tri khi góp ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 1-6.

   Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: "Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính" - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: "Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính" - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng dự thảo luật dành ra nhiều điều khoản để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, tuy nhiên quy định như vậy thì quyền hạn và trách nhiệm không tương xứng với nhau.
Quyền lớn, trách nhiệm nhỏ
“Tôi chỉ xin gửi lại ban soạn thảo một câu hỏi trong trường hợp xảy ra vụ việc như Vinashin thì rút kinh nghiệm quy định trách nhiệm như thế nào. 87 nghìn tỉ đồng bỏ ra không ai chịu trách nhiệm. Tôi xin chuyển câu hỏi của cử tri như vậy” - ông Kiên nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận định theo dự thảo luật thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng rất lớn nhưng trách nhiệm lại rất nhỏ.
“Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng như thế này thì tôi có thể làm thủ tướng được” - ông Thuyền nói.
Ông Thuyền giải thích dự thảo luật quy định Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội, trước Chủ tịch nước và vắng mặt thì ủy quyền. Nếu quy định trách nhiệm như vậy là quá nhỏ trong khi Thủ tướng có quyền hạn rất lớn.
Từ cách đặt vấn đề này, ông Thuyền đề nghị phải thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ rất rõ trong dự thảo luật, từ đó mới có thể quy trách nhiệm được.
Hiện nay Chính phủ có hẳn một nghị định về trách nhiệm người đứng đầu, ở đây Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, do vậy phải bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ: hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Quốc hội giao; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đề cập đến địa vị pháp lý của Văn phòng Chính phủ, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng dự thảo luật cần làm rõ nếu Văn phòng Chính phủ không phải là bộ thì có phải là cơ quan ngang bộ hay không?
Ông Hà bày tỏ quan điểm: “Văn phòng Chính phủ tuy không phải là một bộ nhưng là siêu bộ. Chúng ta quan tâm đến cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục ở các cơ quan hành chính địa phương, tuy nhiên ngay trong Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính, chứ một chuyên viên Văn phòng Chính phủ to hơn cả thứ trưởng, thậm chí có vị trí cao hơn một ủy viên trung ương là bộ trưởng. Bởi vì nếu trình các dự án, các báo cáo, được trình hay không là do chuyên viên. Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính để phục vụ các địa phương, phục vụ các bộ cho tốt hơn”.
Giảm 1/3 cấp phó bộ máy vận hành tốt hơn
Trong phiên họp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về số lượng cấp phó trong Chính phủ, các bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá năm, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá sáu, số lượng cấp phó của tổng cục là không quá bốn, số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá ba.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị nêu trên. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được số thứ trưởng không quá sáu, do đây là bộ quản lý nhiều lĩnh vực chuyên ngành.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì nên tách ra để phù hợp với yêu cầu quản lý chuyên sâu hai lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và thủy sản (biển đảo).
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền một mặt chia sẻ với Chính phủ là ta họp quá nhiều, phải có cấp phó đi họp, mặt khác đề nghị bỏ quy định về “trường hợp đặc biệt”.
Cụ thể, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc tăng số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đại biểu Thuyền và một số đại biểu khác cho rằng quy định “trường hợp đặc biệt” như vậy sẽ dẫn đến “trên cứng, dưới mềm”, trong khi Quốc hội đã quyết định số lượng cấp phó thì ở đây lại xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng số lượng là không phù hợp, do vậy không nên quy định điều này vào Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Từ thực tiễn, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) kể câu chuyện về UBND tỉnh nọ ra quy định mỗi sở không quá ba phó giám đốc, nhưng hiện thời họ có đến 4-5 phó giám đốc.
“Khi hỏi tại sao thì họ bảo trung ương cũng quy định không quá bốn thứ trưởng nhưng mà lên đến chín thứ trưởng có chết ai đâu? Thôi thì mình nói cứ phải nói theo sách, nhưng làm thì vận dụng. Đây là chuyện thật 100%” - ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, luật có rồi nhưng trên sai một li thì dưới đi một dặm, tình trạng nhờn pháp luật cũng sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa.
“Kể cả với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Báo cáo với Quốc hội, tôi nghe nói quốc phòng của Trung Quốc không phải ít quân nhưng người ta không có thứ trưởng. Ở nhiều nước, bộ ngoại giao không có thứ trưởng mà chỉ có trợ lý, hoặc một số nước dân số gấp ba, bốn lần Việt Nam mà họ chỉ có tổng thống và một phó tổng thống, họ vẫn làm việc tốt. Ở Việt Nam mà cứ giảm 1/3 cấp phó so với dự thảo luật quy định thì tôi chắc chắn bộ máy sẽ vận hành tốt hơn” - ông  Khanh nói.
Theo dự kiến, ngày 19-6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
V.V.THÀNH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: