Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

VỀ MẤY SỰ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN MẠC ĐĂNG DUNG

Mạc Văn Trang


Chân dung Mạc Thái tổ (Mạc Đăng Dung) qua nét vẽ nét khắc đời sau. Tranh do Tễu Blog tìm trên mạng và đưa vào trình bày với bài viết.

TRAO ĐỔI VỀ MẤY SỰ KIỆN LIÊN QUAN 
ĐẾN MẠC ĐĂNG DUNG

Mạc Văn Trang

Lời dẫn của tác giả: Đây là bài viết trao đổi với tác giả LM từ năm 2011. Nay nhân việc UBND TP Hà Nội hỏi dân về vấn đề đặt tên đường Mạc Thái tổ, đành đưa lại để bà con tham khảo. Thực lòng chẳng muốn nói về tổ tiên mình làm gì, để các cụ được an nghỉ!.

1.  Cần thoát khỏi định kiến để nhìn nhận khách quan, công minh hơn
  
Về điểm này, Nhà sử học LÊ VĂN HÒE đã đề cập từ lâu: “… Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn “Việt Nam sử lược” (của Trần Trọng Kim) là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung - vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao” (Hồ Quý Ly-Mạc Đăng Dung, Quốc học thư xã, Hà Nội-1959, tr. 25).

GS PHAN HUY LÊ - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong  Báo cáo Tổng kết Hội thảo về Vương triều Mạc tại Hải Phòng ngày 18/7/1994 đã viết: “…Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế”…. (Trích tổng kết Hội thảo về Vương triều Mạc tại Hải Phòng ngày 18/7/1994).

2. MẠC ĐĂNG DUNG lên ngôi thay nhà Lê 
là tất yếu khách quan và sự tiến bộ của lịch sử. 
  
Đọc Đại Việt Sử ký toàn thư (trọn bộ -  NXB Thời Đại, 2011)) từ trang 761 đến trang 823, mô tả từ khi vua UY MỤC lên ngôi (1505) đến khi Mạc Đăng Dung lên ngôi (1527), trong vòng 20 năm, tình hình nước Đại Việt vô cùng bê bối.  Tầng lớp thống trị nhà Lê lúc này sống cực kỳ xa hoa truỵ lạc, nay xây cung điện, mai dựng lâu đài hàng trăm nóc, hao tài tốn của, hại sức dân. Vua Uy Mục vừa lên ngôi (1505-1509) đã giết bà nội là Thái Hoàng Thái Hậu và 2 quan đại thần là Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật vì những người này không chịu lập mình làm vua. Tàn ác đến như vậy mà lại còn đắm say tửu sắc… Vua Tương Dực tự lập làm vua (1510-1516) cũng lại giết vua Uy Mục và hoàng hậu Trần Thị, và rồi cũng miệt mài trong những cuộc truy hoan xa xỉ. Nhân dân gọi mỉa mai đó là Vua Quỷ, Vua Lợn. Tiếp đến Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, lập Mục Ý Vương mới 8 tuổi lên làm vua được 3 ngày thì Quang Trị bị Trịnh Duy Đại là anh của Trịnh Duy Sản bắt vào Tây đô (Thanh Hoá) rồi mấy ngày sau bị giết. Trịnh Duy Sản lập Cẩm Giang Vương tên là Ý, tức vua Chiêu Tông (1516-1522). Vua mới còn non trẻ chưa quyết đoán được việc nước. Triều thần cậy công lao, mỗi người đóng quân một nơi chống cự nhau, vua bất lực. Vua không ra vua, quan lại thì tham nhũng, chiếm đoạt ruộng đất của dân, tô cao thuế nặng, lao dịch đè nặng, trong khi nạn lụt, mất mùa, đói kém xảy ra năm liền năm. Đời sống nhân dân ngày càng tối tắm cơ cực. Lương Đắc Bằng đã có hịch kể tội như sau: “Tước đã hết, mà lạm thưởng không hết. Dân đã cùng, mà lạm thu không cùng. Thu thuế đến tơ tóc, mà dùng của như bùn đất. Bạo ngược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác…” (Đại Việt Sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời Đại, 2011, tr. 769).

Cũng vì vậy, các cuộc bạo động của nông dân đã nổ ra từ năm 1511 đến năm 1522 trên một địa bàn rộng lớn: Hưng Hoá và Sơn Tây (Hà Tây, Vĩnh Phú) nghĩa quân của Trần Tuân đông hàng vạn người đã từng uy hiếp kinh thành Thăng Long. Nghệ An có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt tấn công ra Thanh Hoá. Thanh Hoá có Đặng Hân, Lê Cật. Vĩnh Phú có Trần Công Ninh – Đông Triều (Quảng Ninh ) có Trần Cao, 3 lần tiến công Thăng Long, khiến vua quan nhà Lê phải bỏ kinh thành chạy vào Thanh Hoá. Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy cậy công dẹp được Trần Cảo sinh ra mâu thuẫn, Trần Chân bênh Trịnh Tuy, vua ngờ Trần Chân mưu phản loạn, sai đóng cửa thành bắt giết đi, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, là tướng của Trần Chân nghe tin đem quân về đánh kinh thành. Vua phải lánh mình sang Gia Lâm rồi sai người vào Thanh Hoá vời Nguyễn Hoằng Dụ ba lần không được… Triều đình ruỗng nát, có nguy cơ đứng trên bờ vực thẳm của sự diệt vong. Ai là người đứng ra gánh chịu trọng trách ổn định triều chính, an dân đây? 

Trong bối cảnh đó MẠC ĐĂNG DUNG đã trung thành, tận tâm, tân lực suốt 16 năm chèo chống, cố giữ triều Lê nhưng không sao dựng lên được. Cuối cùng ông phải nhận “sứ mệnh của lịch sử” để lên ngôi gây dựng lại triều chính, yên dân trăm họ. Mặc dù một số cưu thần nhà Lê vẫn phản ứng gay gắt, nhưng đa số đã hợp tác với nhà Mạc. Và quan trọng là “Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng dung, đều đón vào kinh sư”. (Đại Việt SKTT, đã dẫn, tr. 822). Và những thành tựu về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, an ninh xã hội, chấn hưng Phật giáo… đã được các nhà nghiên cứu khẳng định. “Dương Văn An viết trong Lời nói đầu sách Ô châu cận lục: “Với triều Mạc, sự thông thái đã được lập lại, Trời và Đất đã hoà hợp, thực sự đây là thời kỳ của phồn vinh, Thượng đế đã quay về” ( K. W.  Tailor và John K. Whitmore: Tiểu luận về quá khứ của Việt Nam, Trường Đaị học Cornell, USA, 1995, tr. 123 - Trích theo Phan Đăng Nhật – 6/2011)

3. Nhà Lê hay nhà Mạc cầu viện nhà Minh, nhà Thanh? 
  
GS TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT đã phân tích: … “Rất nhiều lần phái đoàn vua Lê hoặc bề tôi cũ của nhà Lê đi sang Trung Quốc để tố cáo nhà Mac, kích động chiến tranh của nhà Minh. Riêng năm 1537 liên tiếp có 3 lần (kể cả trường hợp Vũ Văn Uyên):

- “Năm 1529, Trịnh Ngung, bề tôi cũ của nhà Lê đã sang Trung quốc để tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”5

- “Ngay sau khi trung hưng triều Lê, năm 1533, Trịnh Duy Liêu liền được cử đi Trung Quốc để tiếp tục tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng  Dung” 

- “Ngày 3 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 16 (13-3-1537 ), cháu dòng đích của vua An Nam tên là Lê Ninh (Trang Tông) sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô ….xin hưng binh hỏi tội để cứu nguy nạn nước”   

- “Tháng 6 năm 1537, phái bộ của Trịnh Duy Liêu do triều đình Lê phái sang Yên Kinh”.    
  
- “Ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 (9-10-1537). Trước đó người Giao Chỉ Vũ Văn Uyên mang đồng đảng đến hàng… Văn Uyên có 10.000 quân, đợi thiên binh xuống phía Nam, sai cháu là Vũ Tử Lăng đóng tại cửa ải Thạch Lang để nhập theo” 
   
“Tóm lại, âm mưu của phong kiến nhà Lê “cõng rắn”, “rước voi” rất dai dẳng, quyết liệt. Hơn nữa, không những chỉ van xin, mà còn ra sức tạo điều kiện vật chất, cụ thể để quân Minh nhanh chóng và thuận lợi kéo sang đánh ta”… “Nhờ đâu mà đập tan được âm mưu nhà Lê cầu xin  Minh, đẩy lùi được quyết tâm xâm lược sắt đá của nhà Minh?”

- “Trước hết là ý chí của nhà Mạc, bằng mọi giá không cho giặc đặt chân vào đất nước ta, như Mạc Ngọc Liễn là Đô uý thái phó Đà Quốc công, đồng thời là phò mã, khi lâm chung có di chúc lại: “....Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”18  Mạc Ngọc Liễn không phát ngôn ý kiến cá nhân mà tuyên bố tư tưởng lớn của nhà Mạc. Đinh Khắc Thuân nhận định đúng như vậy: “Lời trăng trối   này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh với ngoại bang.”  

(Xem cuốn: “Nhà Mạc và Họ Mạc, ý chí và mục tiêu chiến lược, 
NXB Dân Trí, HN, 2011) 

4. Nhà Mạc có dâng đất cho nhà Minh không?
 
Đây là vấn đề nhiêu sử gia đã nói rõ. TS ĐINH KHẮC THUÂN khi làm luận án TS về nhà Mạc tại Pháp, đã nghiên cứu nguồn sử liệu của nhà Minh Trung Quốc và làm rõ nhiều điều: “…Cũng qua các sự kiện này, ta thấy Mạc Đăng Dung không hề cắt đất cho nhà Minh. Sự thực bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Kim Lặc thuộc hai đô (tức hai tổng Như Tích và Chiêm Lãng mà các động trưởng Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiện từng về với nhà Lê sau chiến thắng chống ngoại xâm của Lê Lợi (1427) và sau đó con cháu họ đã nhập vào sổ quan nhà Minh sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê (1527). Có nghĩa là nhà Mạc chưa kịp nắm các động trưởng này thì họ đã bỏ theo nhà Minh rồi. Các nguồn sử liệu trên còn cho biết bốn động này vào năm Tuyên Đức 2 (1427) có 29 thôn, 292 hộ (Khâm Châu chí, quyển 9, tờ 10a-11b)”.

“Ngoài nguồn sử liệu liên quan đến một số sự kiện chính trị như vừa nêu ở trên, còn có một số tài liệu liên quan đến địa chí, tổ chức hành chính, chức quan sản vật… Đó là An Nam đồ thuyết và An Nam đồ chí. An Nam đồ thuyết do Trịnh Nhược Tăng biên soạn vào cuối thế kỷ XVI, được in lại trong Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, năm Nhâm thân (1932), chương 69, tr 473-548” (Xem bài “SỬ LIỆU TRUNG QUỐC VỀ VIỆT NAM THỜI NHÀ MẠC Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.501-507).
 
Cũng xin nói thêm: Trong Hội thảo Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng (6/2011), nhiều người đã trao đổi, suốt hơn 90 năm tồn tại ở Cao Bằng, nhà Mạc đã không làm mất một tấc đất của Tổ quốc ta vào tay Trung Hoa, Ải Nam Quan, thác Bản Giốc vẫn nguyên vẹn; không có quan, quân Trung Quốc nào qua biên giới sang đóng Việt Nam…

 Các công trình nghiên cứu mới xuất bản về Nhà Mạc, triều Mạc 

5. Vấn đề chính sách đối ngoại của nhà Mạc và việc đầu hàng nhà Minh,
 
Năm 1994 Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học, UBND Thành Phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học về vương triều Mạc. Trong bài tổng kết hội thảo giáo sư PHAN HUY LÊ khẳng định “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc”.  

Nhà nghiên cứu NGUYỄN MINH TƯỜNG đã khẳng định: “ Với hành động chịu nhẫn nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn cái cớ để rút quân  mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước chư hầu”(6). (Quan hệ giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỉ XVI”,Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, năm 1991) 

 GS TRẦN QUỐC VƯƠNG cũng phân tích: “Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang, hành động ấy vua Lê sau này cũng lặp lại gần nguyên xi thì lại không bị sử gia nhà Lê nêu lên để phê phán. Đó (việc làm của vua Mạc) chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, (quàng dây lụa vào cổ, không phải là tự trói), một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa (và nên nhớ lúc ấy Mạc Đăng Dung đã thôi ngôi được 10 năm rồi và là một ông già sắp chết (từ Nam quan trở về được mấy tháng thì ông qua đời), ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!). Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “ thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “ Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?” (Trích bài “Mấy vấn đề về nhà Mạc” Trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, NXB Khoa học Xã hôi, HN, 1996).
   
TS ĐINH KHẮC THUÂN có một luận án Tiến Sĩ sử học với tên là “Contribution à l’histoire de la dynastie des Mạc (1527 - 1592) du Việt Nam” do bà Claudine Salmon, giám đốc nghiên cứu hướng dẫn đã bảo vệ thành công với kết quả tối ưu (très  honarable), tại trường Cao học khoa học xã hội Pháp vào tháng 3 – 2000.

Ông đã khảo cứu công phu sử dụng nhiều tư liệu có giá  trị và đi đến kết luận về nhà Mạc như sau: “Tóm lại có 3 sự kiện nổi bật liên quan đến việc đánh giá nhà Mạc . Một là lên ngôi của Mạc Đăng Dung thường được coi là thoán đoạt, nhưng là sự “thoán đoạt”, trong lúc triều đình nhà Lê hoàn toàn suy sụp. Vì vậy cũng không nên coi hành động này của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi . Hai là để tránh thảm hoạ chiến tranh xâm lược, nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của nhà Minh. Ba là bốn động biên giới nước ta đã bị nhà Minh lấy lại thành chuyện đã rồi đối với  nhà Mạc . Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, trái lại đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh” (Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học Xã hội, HN, 2001).

GS TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT (sách đã dẫn) viết: “Mạc Đăng Dung thực hiện một chiến lược vừa đánh vừa hoà: 

“- Chuẩn bị đánh: “Lê triều thông sử cũng cho biết Mạc Đăng Doanh đã tu sửa trại, sách, luyện tập thuỷ quân; trưng cầu hết thảy những cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước”.[i] Phục chức cho Thái bảo tĩnh quốc công Vũ Hộ, cử làm tả đô đốc Đông quân  Chưởng phụ sự.”

“Thù vực chu tư lục còn cho biết triều đình nhà Minh còn tranh cãi về việc đánh hay không đánh khá gay go. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh đã thấy quân dân Việt chuẩn bị chống lại quyết liệt, lấy thuốc độc, bã đậu (12) bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao ngôn sẽ theo đường biển tập kích Quảng Đông. Như vậy chứng tỏ khi ấy nhà Mạc chuẩn bị sẵn sàng hai kế sách chiến và hoà” (13)

“- Lập nhiều đồn luỹ ở biên giới mà trong “Vãng giao chỉ đồ”, in ở An Nam đồ chí, nhà Minh gọi là “tặc doanh”.

“- Cho người làm nhiệm vụ tình báo “dò la bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh, như trường hợp tri châu Nguyễn Cảnh, năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất Minh để thu thập tin tức bị thổ quan của Vân Nam giữ lại”(14) (PĐN- sách đã dẫn).

Tôi nghĩ, hiểu như GS TRẦN QUỐC VƯỢNG là có lý, có tình: Trong thế bị kẹt giữa “thù trong,  giặc ngoài”, MẠC ĐĂNG DUNG đã làm mọi cách để tránh cuộc tàn sát, đổ vỡ, thảm họa cho dân, cho nước kể cả gánh chịu nỗi nhục vào mình, khi nói thẳng với vua Minh: …“Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, (Tội theo sớ tâu trình cầu viện của nhà Lê- MVT) còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng!”… (Trong bài HOẠT ĐỘNG SÁCH PHONG VÀ TRIỀU CỐNG TRONG QUAN HỆ BANG GIAO GIỮA TRIỀU MẠC (VIỆT NAM) VÀ TRIỀU MINH (TRUNG QUỐC) - HỆ QUẢ VÀ THỰC CHẤT -  Nguyễn Thị Mỹ Hạnh). Tấm lòng vì dân của MẠC ĐĂNG DUNG, liệu chúng ta có thấu hiểu?

Chúng ta cần hiểu hoàn cảnh của ông cha, khi đó Đại Việt chỉ có vài triệu dân, trong nước rối ren, cô lập với thế giới, phải luôn đương đầu với Trung Hoa to lớn, lúc nào cũng kiếm cớ sẵn sàng xâm lược nước ta, để thỏa mãn tham vọng bá quyền của các hoàng đế đại Hán. Đừng miệt thị ông cha ta (dù là họ nào) theo định kiến cũ. Học bài học lịch sử không phải bằng cách đó! Cần thấu hiểu rằng, bao mồ hôi, xương máu, tâm lực, trí lực và biết bao đắng cay, cả tủi nhục … ông cha ta mới khai phá, gìn giữ để lại cho chúng ta một đất nước hình chữ S như ngày nay, trong đó có ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa…
 
Mạc Văn Trang
7/8/2011

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: