Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Thailand’s Stunted Transition“, Project Syndicate, 21/05/2015.
Biên dịch: Đinh Nguyễn Lan Hương | Hiệu đính: Phạm Thị Thoa
Tròn một năm sau cuộc đảo chính quân sự lần thứ 12 trong vòng 83 năm Thái Lan theo chính thể quân chủ lập hiến, trong khi phiên tòa gây tranh cãi về tội lơ là trách nhiệm của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang diễn ra, tương lai của đất nước này đang đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng. Trong những tháng tới, tồn tại song song với tình trạng yên tĩnh do quân đội áp đặt sẽ là nỗi lo lắng đang gia tăng trên khắp đất nước về điều gì sẽ xảy ra sau khi thời kỳ trị vì kéo dài gần 7 thập niên của Quốc vương Bhumibol Adulyadej chấm dứt. Liệu sự thỏa hiệp và dàn xếp giữa các bên – điều rất hiếm xảy ra trong những năm gần đây – có cho phép Thái Lan định hình lại trật tự chính trị đầy tranh cãi, hiện được tạo dựng trên nền tảng là chế độ quân chủ tập trung và với sự lãnh đạo của tầng lớp tinh hoa, nhằm phản ánh rõ nét hơn các nguyên tắc của nền dân chủ dựa trên bầu cử?
Có ba nhân tố quan trọng định hình chính trị Thái Lan trong năm qua. Thứ nhất, khác với những sự dàn xếp sau đảo chính đã được chứng minh là hiệu quả trong quá khứ, Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), chính quyền quân sự tiếm quyền vào tháng 5 năm ngoái, đã chọn cách nắm quyền trực tiếp, đưa lãnh đạo của cuộc đảo chính là Đại tướng Prayut Chan-ocha lên làm Thủ tướng tạm quyền, thay vì chỉ định một nhân vật được thừa nhận và có năng lực cho vị trí này.
Các vị tướng bốn sao nắm giữ những vị trí Bộ trưởng, từ Bộ Thương mại, Bộ Giao thông đến Bộ Lao động, Bộ Giáo dục. Ngay cả vị trí Ngoại trưởng cũng do một vị tướng nắm giữ chứ không phải một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Chỉ một vài quan chức kỹ trị (technocrats) của chính phủ đảo chính giai đoạn 2006-2007, trong đó có Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, được giữ lại, và những quan chức này phàn nàn rằng họ không có nhiều quyền hạn.
Cách tiếp cận này đã sản sinh ra một chiến lược kinh tế thiếu nhất quán cùng những mục tiêu chính sách mơ hồ và được thực hiện một cách chậm chạp. Tuy nhiên, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ thay đổi. Các nhà lãnh đạo quân sự mới của Thái Lan tự xem mình như một đội quân “dọn dẹp” với nhiệm vụ tiêu diệt tham nhũng, đưa các chính trị gia vào khuôn khổ, và khôi phục lại trật tự cũ, nơi mà giới quân đội cộng sinh cùng nền quân chủ, còn bộ máy quan liêu sẽ đảm nhận các công việc thường ngày.
Chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan vẫn sẽ không từ chối các yêu cầu của người dân hay phủ nhận sự cấp bách của việc thích nghi với toàn cầu hóa. Ngược lại, họ hy vọng sẽ xây dựng một dạng quy chế bầu cử có thể hoạt động trong khuôn khổ của trật tự chính trị dựa trên thể chế và phong tục truyền thống của Thái Lan. Mục tiêu của họ là đưa đất nước lùi lại một vài bước và chuyển ngang, để tiến lên phía trước theo một định hướng hoàn toàn khác.
Trong thời điểm hiện tại, mục tiêu này hướng đến việc thúc đẩy các giá trị bảo thủ truyền thống như kỷ luật, sự tuân thủ, bổn phận và sự hy sinh. Công chức được yêu cầu mặc đồng phục kaki theo phong tục, và phụ nữ được khuyến khích mặc trang phục truyền thống. Ngay cả những khu chợ nổi mang đầy sắc thái cổ tích trên các con kênh của Bangkok cũng đã quay trở lại, theo lệnh của Thủ tướng Prayut.
Đồng thời, chương trình nghị sự của Hội đồng cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát định hướng chính trị Thái Lan – đặc biệt là bằng cách gạt ra lề các thành phần đối lập, nhất là những chính trị gia có liên quan tới gia đình có tầm ảnh hưởng sâu rộng Shinawatra. Thực tế, nhân tố quan trọng thứ hai định hình nên giai đoạn chuyển tiếp sau đảo chính là việc kết tội Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng từng bị quân đội lật đổ vào năm 2006 và vẫn đang sống lưu vong ở nước ngoài. Bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Thế lưỡng nan đặt ra cho chính quyền quân sự là những người ủng hộ ông Thaksin – lực lượng đông đảo tới mức có thể giúp đảng của Thaksin giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001 – cũng đã bị gạt ra lề, và có rất ít tiếng nói trong bối cảnh chế độ thiết quân luật cũng như sự chuyên quyền tuyệt đối của Prayut. Mặc dù từ sau cuộc đảo chính đến nay, những người này vẫn yên lặng, nhưng chắc chắn họ sẽ tìm cách để quay trở lại cuộc đối đầu khi các cơ hội chính trị mới xuất hiện. Dù sao đi nữa, trong tương lai, vẫn cần phải tính đến những người này nếu muốn dàn xếp một trật tự mới.
Tất nhiên, chính quyền quân sự hy vọng sẽ đặt nền tảng cho một trật tự chính trị trong tương lai từ bây giờ, theo những điều kiện của riêng mình, thông qua soạn thảo một hiến pháp mới. Nỗ lực này thể hiện qua việc thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) gồm 36 thành viên và Hội đồng Cải cách Quốc gia gồm 250 thành viên để hỗ trợ soạn thảo hiến pháp mới. Đây cũng chính là nhân tố thứ ba có ảnh hưởng lớn đến chính trị Thái Lan trong một năm qua.
Dự thảo hiến pháp được hoàn thành vào tháng trước đã làm dấy lên những mối lo ngại, vì nó đặt ra quá nhiều giới hạn đối với các đảng phái chính trị và các chính trị gia, trong khi đó lại trao cho các quan chức được bổ nhiệm (không qua bầu cử) và các thẩm phán quyền bác bỏ các quyết định chính sách của các quan chức dân cử. Những cuộc bầu cử được tiến hành dựa trên hiến pháp như vậy sẽ không đưa ra được kết quả hợp pháp. Tuy nhiên, rất may là Hội đồng đã đồng ý đưa dự thảo ra trưng cầu dân ý vào đầu năm tới, mặc dù điều đó dường như có nghĩa là cuộc bầu cử như đã hứa chỉ có thể được tổ chức sớm nhất là vào tháng 8/2016.
Chính quyền quân sự đã giải tán các đường phố, khóa chặt hệ thống chính trị, và mở ra một quá trình chuyển đổi dài hơi sang một sự dàn xếp mới vẫn chưa được xác định. Trong khi các lực lượng chống đảo chính muốn quay lại nền dân chủ bầu cử, liên minh ủng hộ cuộc đảo chính do Đảng Dân chủ lãnh đạo lại đang dần tìm cách chuyển hướng sang phía đối lập với giới quân đội, với hy vọng có thể giành được quyền lực trong bất cứ trật tự hậu đảo chính nào có thể hình thành trong tương lai.
Hiện tại, Thái Lan đang bị mắc kẹt giữa chế độ chuyên chế và dân chủ, giữa quá khứ và tương lai – và có thể vẫn kẹt ở đó, cho đến khi buổi xế chiều của hoàng gia Thái Lan tắt hẳn. Khi đó, người dân Thái Lan, vốn đang phải chống chọi với sự phân cực trong nước và các thách thức khu vực, sẽ phải huy động các kỹ năng đàm phán từng nổi tiếng của mình để có thể đạt được một sự thỏa hiệp khả thi dựa trên lợi ích chung.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak là Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/06/05/qua-do-sau-dao-chinh-thai-lan/#sthash.wSj5TuQh.dpufPhần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét