Chi 271 tỉ đồng xây Văn miếu hoành tráng
thờ Khổng Tử?
Báo Tuổi trẻ
10/06/2015 06:00 GMT+7
Báo Tuổi trẻ
10/06/2015 06:00 GMT+7
TTO - Mấy ngày qua dư luận xôn xao bày tỏ sự băn khoăn trước con số 271 tỉ đồng dùng để xây Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc. Có cần thiết xây Văn miếu hoành tráng?
Nhà bái đường trong khu Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc với các cột làm bằng gỗ
sơn son thếp vàng - Ảnh: V.V.Tuân
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng đặt ra quanh chuyện có nên đưa bài vị Khổng Tử vào thờ trong Văn miếu hay không.
Theo tờ trình của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (Sở VH-TT&DL) Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10-2011 thì “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Mạnh Định, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên đưa bài vị Khổng Tử vào Văn miếu hay không. Vì thế tỉnh sẽ tổ chức hội thảo, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, sau đó báo cáo UBND tỉnh đưa ra quyết định cuối cùng.
Văn miếu không thể không thờ Khổng tử?
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Mùi, phó viện trưởng Viện Hán - Nôm, người trực tiếp tư vấn về lịch sử cho dự án Văn miếu Vĩnh Phúc, cho biết “nói Văn miếu chỉ thờ Khổng Tử là không đúng”.
TS Nguyễn Hữu Mùi phân tích: Về mặt khách quan, khoa học mà nói thì Văn miếu không thể không thờ Khổng Tử, nhưng Khổng Tử chỉ là một phần, phần chủ yếu là thờ những danh nhân của Việt Nam.
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Mùi, ông cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác chỉ tư vấn về mặt lịch sử cho công trình này chứ không tham gia việc quyết định độ lớn hay mức đầu tư của nó.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Mùi cho rằng ngày xưa Văn miếu nhỏ hơn bây giờ nhiều.
Đồng tình với ý kiến này, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Kim Thuyên nhận định ngày xưa chỉ có Văn miếu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên là tương đối rộng lớn, còn Văn miếu Vĩnh Phúc có quy mô nhỏ và mới chỉ bài trí văn bia chứ chưa thờ một ông tiến sĩ nào cả.
Có cần thiết xây Văn miếu hoành tráng?
Bày tỏ quan điểm về con số 271 tỉ đồng chi cho việc xây dựng Văn miếu Vĩnh Phúc, nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên nói thẳng: "Như vậy là quá lãng phí !".
“Đầu tư việc học hành cho con cháu quan trọng hơn. Tất nhiên là chúng ta phải có một cái Văn miếu nhưng quy mô và số tiền đầu tư nhỏ thôi là được”, nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên chia sẻ.
“Nếu làm với mục đích khuyến học là chính thì có thể xây một Văn miếu nhỏ với bàn thờ Khổng Tử, bàn thờ những tiến sĩ Nho học của nước ta và của tỉnh Vĩnh Phúc là đủ rồi. Làm với quy mô to quá, theo tôi, là không cần thiết”, nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên nói thêm.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) cho rằng công trình này “thiếu cơ sở để xây dựng”.
Mấy trăm tỉ đồng để quảng bá cho văn hóa Trung Quốc, nên không?
Đó là câu hỏi mà nhiều bạn đọc đã đặt ra. Bạn đọc Thanh Mai thẳng thắn:Bỏ ra mấy trăm tỉ đồng để quảng bá cho cả văn hóa Trung Quốc thì có nên không?
Bạn đọc Lãng Tử phân tích: Hiện nay Trung Quốc đang ra sức đầu tư tiền của xây dựng các học viện Khổng Tử trên thế giới, tuy nhiên mục đích và cách thức hoạt động của các học viện này đã bị nhiều nước đặt câu hỏi.
“Nước ta có rất nhiều nhà giáo dục lỗi lạc về nhân cách lẫn tài năng: Chu Văn An, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... sao lại phải đi thờ một người ngoại quốc?” - bạn đọc đặt câu hỏi.
Bạn đọc Phúc Anh viết: "Để thể hiện sự hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo thì cần xây trường học, đầu tư cho giáo dục chứ sao lại xây Văn miếu lớn. Thờ Khổng Tử không thể hiện những điều trên đâu".
Theo hầu hết bạn đọc, số tiền 271 tỉ đồng chi ra để xây dựng Văn miếu là quá lớn, trong khi kinh tế khó khăn, rất nhiều trường học, bệnh viện, đường sá đang mỏi mòn khát vốn.
"271 tỉ đồng có thể xây nhiều ngôi trường, tặng nhiều suất học bổng cho những em học trò giỏi, khó khăn. Tiền thuế đóng góp của dân, mong Nhà nước sử dụng đúng để chính con em mình được hưởng phúc lợi xã hội ..." - một bạn đọc góp ý.
VÕ HƯƠNG - VŨ VIẾT TUÂN - TRÀ MY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét