Từ nhiều năm nay, có một ông nọ kinh doanh ngành nghề cà phê. Ông ta cho in hàng trăm triệu bản những quyển sách dịch của nước ngoài như Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm, Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách. Sách này, chỉ dùng để tặng. Nghĩ cho cùng cũng là một cách thực hiện ước mơ của nhà cải cách giáo dục Mỹ Horace Mann (1796 - 1859): “Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Việc làm này tốt quá phải không? Vâng, rất tốt, nếu đi kèm với việc tặng sách, ông chủ cà phê không nghĩ ra câu slogan như sau: “Những cuốn sách đổi đời, bên tách cà phê đổi đời”. Nghe chõi tai ở chỗ “tách cà phê đổi đời”. Làm gì trên đời có những tách cà phê đem lại tác dụng này? Trong khi đó, sách thì có thể bởi từ những gì đã học, đã đọc ở sách có thể thay đổi số phận một con người. Nếu mọi sự chỉ dừng lại ở đó, chẳng sao. Đáng tiếc nhất, lại còn có thòng theo một câu cực kỳ kiêu ngạo: “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”. Đừng quên "chọn giúp", "chọn giùm" hoàn toàn khác với "chọn cho" rất trịch thượng kia. Câu này khi xin giấy phép xuất bản không có, nhưng lại nằm chình ình trên các bìa sách, trên các bảng quảng cáo v.v.... Báo chí mấy hôm nay đã phê phán ầm ầm, không nhắc lại làm gì. Đã có lệnh tháo gỡ các bảng hiệu ghi câu đó, lệnh từ UBND tỉnh Đắk Lắk, do chữ nghĩa gây hiểu lầm.
Nghĩ rằng, đã có không ít doanh nhân, doanh nghiệp sau khi đã giàu sụ lên thường có nhu cầu quan hệ thân thiết với văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức tiếng tăm... Thích ngao du với những người có chữ nghĩa để bàn luận về các vấn đề triết học, chính trị, văn hóa và nhất là về tôn giáo. Chuyện này cũng bình thường. Có điều, nhiều người đã bị lòe mắt, bịt mắt bằng cách đểu cáng rất êm ái: Hễ một lời nói, một hành động, một bước đi, một cái hắt hơi của doanh nhân đó thốt ra, lập tức chúng hùa vào tán dương, ca ngợi đến chín tầng mây xanh. Dần dà, “lộng giả thành chân”, có doanh nhân ảo tưởng đã trở thành vĩ nhân, có sứ mệnh phải thay đổi số phận của dân tộc lầm than, dốt nát này; hoặc ít ra cũng phải chọn sách đổi đời cho bọn nhải ranh mới chập chững vào đời kiếm sống. Do đó, từ cách phát ngôn đến hình thức bên ngoài cũng phải thay đổi, chẳng hạn, cạo trọc như thiền sư, bước vào quán thịt chó nhai nhồm nhoàm, hễ há mồm ra lại bàn về triết lý Phật giáo; hoặc đội cái mũ bê rê, ngậm điếu xì gà Cu Ba cho ra dáng dấp anh hùng Che Guevara v.v…
Muốn nổi danh, muốn được nhiều người biết đến “cái tên”, “cái tôi” của mình chẳng có gì sai. Nhưng nếu ai đó thèm khát đến độ háo danh, làm mọi cách để có danh, e rằng sẽ khó nhận được sự đồng thuận. Nhìn lại thời gian qua, công luận đã quá chán ngán với những trường hợp tìm danh bằng nhiều cách rất quái đản. Có thể liệt kê một số cách thô thiển đã được “vận dụng” như: tuyên bố gây sốc giữa thanh thiên bạch nhật về những điều thầm kín chỉ có thể phát ngôn ở chốn phòng the; sẵn sàng lột bỏ mọi vật dụng che thân để khoe tất tần tật những gì cần phải che đậy nơi công cộng...Những “thủ pháp” này “rẻ tiền” quá.
Đã mang danh “trí thức” thì phải có cách “sang trọng” hơn!
Thiên hạ chưa quên tập sách có cái tựa rất “kêu”: Tài năng và đắc dụng của một NXB cấp quốc gia ấn hành do hai Giáo sư - Tiến sĩ khoa học biên soạn. Chưa nói đến nội dung, chỉ với liên từ “và” ở tựa sách, đã mắc một lỗi sơ đẳng về cú pháp. Nhà nghiên cứu An Chi - một trong những chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt phân tích: “Ta gọi từ “và” là “kết từ” hoặc “từ nối” dành cho cho hai từ cùng từ loại (chẳng hạn danh từ/ danh từ; tính từ/ tính từ…). Ở đây “tài năng” là danh từ; “đắc dụng” là tính từ, vì thế sử dụng kết từ “và” ở đây là không chính xác. Muốn chính xác phải là Tài năng và sự đắc dụng”.
Nghĩ cũng lạ, có những chuyện đã rành rọt, minh bạch như ban ngày nhưng rồi nhiều người có học hàm, học vị vẫn nhầm lẫn. Cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều vị đang giảng dạy cho sinh viên vẫn còn rổn rảng những câu như Người Việt cao quý là tác phẩm của nhà văn Ý A. Pazzi, Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca, Truyện Kiều là tác phẩm viết bằng chữ Hán v.v… Mới ngày hôm nay thôi, NXB nọ vừa đình chỉ phát hành quyển Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu cũng vì những sai sót tương tự.
Trở lại với Tài năng và đắc dụng. Cuốn sách này đề cập đến một loạt danh nhân Việt Nam và nước ngoài được đề cập đến (theo thứ tự trong sách): Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, Chulalongkorn, Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, Thomas Edison, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Đọc thoáng qua đã thấy sắp xếp này cẩu thả, lộn xộn, hoàn toàn ngẫu hứng. Ai cũng biết, cấu trúc chung của một cuốn sách, tùy theo tầm quan trọng, sự đóng góp của nhân vật mà người viết sử dụng số lượng chữ dành cho các nhân vật khác nhau. Số lượng chữ này cũng được ngầm hiểu là sự đánh giá của người viết về vai trò của từng nhân vật. Ở đây, nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang, trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!
Một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não, khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ, cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Cái sự nhàm nhí đó, thời nào cũng có. Mỗi ngày lướt web, đọc vô số thông tin còn nhờm, còn lợm hơn nhiều lắm. Biết thế, càng thêm quý nhiều người không ồn ào, không huênh hoang, khoác lác, không lên mặt dạy dỗ ai, cứ lẵng lặng làm việc. Hữu ích cho đời biết bao nhiêu.
Nghĩ rằng, mẫu người trí thức khiêm tốn, thật sự uyên bác như cỡ cụ Nguyễn Văn Tố, thời buổi này có còn không? Theo hiểu biết hạn hẹp của y, thuở sinh thời, cụ Tố chưa in một tác phẩm nào, hầu hết chỉ công bố trên báo chí. Cụ viết nhiều lắm. Nhưng với y, đáng nể nhất là loạt bài Tài liệu để đính chính những bài văn cổin nhiều kỳ trên Tri Tân. Lầm lũi hết ngày này qua tháng nọ, cụ khảo cứu từng chữ, chép lại từng văn bản, chỉ ra những cái sai mà nhiều người đã nhầm lẫn. Công việc ấy, nếu không say mê, không tâm huyết, không tận tụy, không có một lối làm việc chỉn chu, không có một kiến văn uyên bác có lẽ khó đeo đuổi lâu dài. Mệt mài từng trang viết. Bền bĩ đi qua ngày tháng. Nhẫn nại. Lặng lẽ. Đáng khâm phục quá. Mấy hôm nay, vẫn đọc Kinh Thánh, chép lại câu này: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được cất nhắc lên cao”(Lc 14:11).
Vừa nhận thêm được vài quyển sách hay. Hay ở chỗ, nhiều người vẫn lặng lẽ làm việc, không ồn ào. Có thể kể đến vài cuốn liên quan đến Sài Gòn như Từ Bến Nghé đến Sài Gòn (Trần Nhật Vy), Sài Gòn - Chuyện đời của phố I & II (Phạm Công Luận), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ (Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh), Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ (Lý Tùng Hiếu)… Rồi sáng nay, vừa nhận thêm quyển Sài Gòn đất và người của anh bạn nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Mừng vì biết, từ nhiều năm nay, anh đã dành nhiều thời gian viết về vùng đất Sài Gòn. Đọc và thích thú với những địa danh bị viết sai mà nay đã trở thành quen thuộc:
An Thít (Ăn Thịt: vùng này ngày xưa nhiều cọp dữ, hay ăn thịt người); Bến Lức (Bến Lứt: người miền Nam không phân biệt phụ âm cuối -c và -t), Cát Lái (Các Lái: các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định);Rạch Chiếc (Rạch Chiết: chiết là thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn hay mọc hai bên mé sông vùng nước lợ, thường ra lá non, mùi chát chát, có thể ăn như rau); Gò Vấp (Gò Vắp: gò có nhiều cây vắp, một loại cây cứng như lim), Hàng Xanh (Hàng Sanh: sanh là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc về cây da, mà lá nhỏ); Rạch Ông(Rạch Ong: mật ong được khai thác nơi này và đem bán vùng bên cạnh, nay còn địa danh Cầu Mật), Dần Xây(Giằng Xây: tên một loại gỗ tạp), Hốc Hươu (Hóc Hươu)/ Hốc Môn (Hóc Môn): Hóc là dòng nước nhỏ; Trao Trảo (Trảo Trảo); Thạnh Đa (Thanh Đa: về sau do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa)…
Đọc khoái chưa?
Cứ từ từ mà đọc. Chẳng việc gì vội. Ngày đọc vài ba trang, vậy là vui rồi, phải không?
L.M.Q
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét