Giấc mơ bong bóng
(Doanh nghiệp) - Tự biến mình thành “đảo ngọc” để các DN nước ngoài khai thác. Cái VN có được thì chưa thấy gì - Th.s Bùi Ngọc Sơn.
PV:- Thưa ông, Giám đốc Marketing của LG Electronics (Thailand) đánh giá: Công nghiệp điện tử Việt Nam nhắm ngôi vị số 1 ASEAN. Lời tiên đoán đến từ một giám đốc Thái Lan này có thể giải thích như thế nào? Nếu Việt Nam có đạt đến ngôi vị số 1 thì "ngai vàng" này có bao nhiêu phần đóng góp của Việt Nam, thưa ông?
Th.S Bùi Ngọc Sơn: - Tôi không hiểu Việt Nam hiện sản xuất được gì. Đã có một số dòng sản phẩm smartphone, điện thoại sản xuất ở Việt Nam nhưng DN Việt tham gia vào công đoạn nào trong cả dây truyền sản xuất ra sản phẩm này? Tôi không rõ.
Qua trường hợp của Samsung thì thấy DN Việt không đóng góp được gì vào thành quả xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử đang có. Thành quả này là của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam chỉ góp mặt với tư cách là công nhân làm thuê, gia công, lắp ráp.
Ảnh minh họa |
Chính phía Samsung cũng nói rõ chỉ có 5-6 doanh nghiệp Việt đủ tiêu chuẩn tham gia cung cấp linh kiện cho họ. Mà chỉ là cung cấp bao bì, vỏ nhựa, hộp xốp… thực chất là công việc của một học sinh lớp 3 cũng làm được.
Tôi nghe nhiều câu chuyện từ khu được gọi sản xuất công nghệ cao của Việt Nam. Đó là, sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu sang Nhật Bản. Sự đóng góp của công nhân Việt Nam trong mặt hàng đó chỉ là lấy một con chip đặt vào bo mạch trên cả một dây chuyền, với yêu cầu chưa cần tốt nghiệp hết lớp 5, và chỉ cần 3 đến 5 ngày để làm quen với dây chuyền sản xuất.
Không riêng các doanh nghiệp Nhật Bản, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng vậy. Thực chất, đây là cuộc chiến của người nắm công nghệ với nhà thu hút đầu tư. Bên nắm công nghệ không muốn chuyển giao công nghệ, không để lộ sự liên kết trong sản xuất, dẫn tới tình trạng công nhân làm 10 năm không biết công đoạn được thuê nằm trong dây chuyền sản xuất sản phẩm gì.
Cuối cùng, 10 năm làm công nhân công nghệ cao cũng chỉ là công nhân nhặt chip đặt lên dây chuyền mà không thể làm được gì khá hơn.
Trước đây còn có chủ trương thành lập khu công nghiệp cao ở Láng Hòa Lạc, ưu tiên những ngành công nghiệp sạch trong đó có cả lĩnh vực điện tử. Cuối cùng cũng chỉ lắp ráp, đóng bao bì, gia công vặt.
Đến nay đã 20 năm, ngành công nghiệp điện tử, ô tô...vẫn không thể phát triển được gì. Ngay cả dệt may, được coi là ngành xuất khẩu chủ lực của VN tới nay cũng hoàn toàn phụ thuộc vào TQ. Từ thiết bị, máy móc tới nguyên vật liệu, không sản xuất được, 90% nhập khẩu từ TQ. Thật lạ lùng. Những thứ đơn giản như vậy không làm được, làm sao mơ cái khó hơn.?
Đáng quan ngại, khi chúng ta còn lấy tỉ lệ xuất khẩu để làm con số thể hiện niềm tự hào. Thống kê đã cho thấy, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đang nắm giữ trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu.
Tức là Việt Nam đã tự biến mình thành “đảo ngọc” cho các DN nước ngoài khai thác, còn cái Việt Nam có được từ các doanh nghiệp nước ngoài mang lại đang rất mù mờ, chưa thấy gì.
Tôi nghĩ rằng, lời khen của ai, đến từ ai trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ không phát triển được gì, lời khen này cũng chỉ mang tính xã giao.
PV:- Không thể phủ nhận thành tích xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam trong mấy năm gần đây, tuy nhiên, với những chính sách ưu đãi FDI và sự vắng bóng gần như hoàn toàn của doanh nghiệp Việt trong công nghiệp phụ trợ, phần Việt Nam có được từ thành tích này là gì?
Th.s Bùi Ngọc Sơn:- Không phải bàn cãi nhiều, cái Việt Nam có được ở khâu đóng gói bao bì, gia công thì lợi nhuận kiếm được là bao nhiêu?. Sẽ là rất nhỏ.
Những doanh FDI khi đầu tư vào Việt Nam chỉ tuyển dụng lao động phổ thông, trình độ thấp. DN Việt nếu được tham gia cũng chỉ được tham gia ở công đoạn thấp, không có môi trường công nghệ cao, lao động không có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật… việc này đe dọa tới tính ổn định, bền vững của nhà đầu tư.
Tôi lấy ví dụ, nếu một doanh nghiệp FDI quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung hay Nokia, Canon… Nếu DN Việt tham gia được vào các chuỗi sản xuất công nghệ cao của họ để cung cấp linh kiện, thiết bị hoặc cung ứng cho họ các sản phẩm bán thành phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất của họ, nghĩa là đã tạo ra những chân rết giữ chặt doanh nghiệp nước ngoài.
Trong trường hợp, DN Việt Nam chỉ tham gia đóng gói, sản xuất bao bì. Công đoạn ai cũng làm được, không có cũng không sao, sẽ rất khó giữ chân nhà đầu tư.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc chuyển từ VN sang Thái Lan là minh chứng. Ở đây tôi muốn nói là chính sách thu hút, phát triển không bền vững.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét