Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Chuyện quả vải Việt trong phòng bà Chủ tịch ở Australia


Quốc Phong
VNN - Nếu như từng rất vui khi thấy trái vải thiều Việt Nam kết trái trên đất nước Australia, thì giờ đây tôi lại có niềm vui khác.

Gặp quả vải trên đất người 

Câu chuyện dưa ế không xuất khẩu và cũng không tiêu thụ được trong nước thời gian gần đây, buộc phải trông chờ ở lòng nhân ái của cộng đồng trong nước" giải cứu" đã làm nhiều người phải suy nghĩ. Bởi những hành động đó dẫu thế nào cũng chỉ là giải pháp tức thời, không đủ làm dịu bớt nỗi lo cho người nông dân sau mỗi mùa vụ đổ bao công sức, tiền bạc.  

Nay, mùa vải thiều cũng đã đến. Trái vải thiều sau 5 năm chúng ta thực hiện cam kết về canh tác và kiểm dịch để có thể đủ tiêu chuẩn nhập vào 2 thị trường khắt khe, khó tính bậc nhất thế giới là Mỹ và Australia cũng đã tới lúc đợi chờ một kết quả tốt đẹp. Nó khiến chúng ta phần nào thở phào nhẹ nhõm, hy vọng sau nhiều năm kiên trì thực hiện.

Khi nhắc đến “sự kiện” sẽ có những tấn vải thiều đầu tiên được xuất sang Mỹ và Australia tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 1/6, thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là bước đi rất có ý nghĩa. Ý nghĩa bởi sản phẩm này được trồng theo một chu trình canh tác đặc biệt, được kiểm dịch qua một cửa ải quá khắt khe của 2 nước bạn với nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tuy chưa kỳ vọng xuất sang 2 nước được nhiều ngay trong mùa vụ này, thậm chí cả mùa sau, nhưng chắc chắn đây sẽ là bước khởi đầu đầy hy vọng cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại, năm 2001, tôi được tháp tùng anh Hoàng Bình Quân, khi đó là Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay là Trưởng ban Đối ngoại Trương ương Đảng Cộng sản Việt Nam) sang thăm Australia theo lời mời của Hội đồng Giao lưu chính trị gia trẻ Australia. Trong một hôm được bạn đưa tới thăm và làm việc tại toà nhà Quốc hội ở Thủ đô Canberra, Đoàn chúng tôi đã tới chào xã giao bà Chủ tịch Hạ viện.  

Bữa đó, tôi không thể nào quên một thứ trái cây trông rất giống trái vải của Việt Nam trên chiếc khay đựng nhiều loại trái cây rất hấp dẫn, đặt trong phòng bà Chủ tịch, nhưng hơi xa chỗ tôi đứng. Trong đầu tôi lúc đó đoán già đoán non đủ thứ chuyện. Đại thể, sao bạn đón tiếp đoàn mình lại tinh tế đến vậy nhỉ, họ lại mang cả trái vải từ Việt Nam mình ra thết khách Việt sao? Và bỗng nhiên, trong tôi trào dâng một niềm vui và tự hào đến lạ lùng.  

Khi có điều kiện "mục sở thị" gần hơn, tôi thấy quả thật, đó quả là trái cây y xì trái vải, chỉ có điều, nó rất to và hơi quá đỏ, gần như vải Lục Ngạn (Bắc Giang) của ta. Đến lúc được mời dùng trái cây, tôi vội hỏi ngay thì được bà Chủ tịch giải thích rằng loại này mới có từ năm nay. Và nghe nói đây là giống cây được cộng đồng người Việt khi về nước mang giống sang trồng thử, hiện còn rất ít và chưa mấy người được thưởng thức. Khi ăn, tôi cảm nhận được rằng, nó cũng rất khác, không ngon bằng trái vải thiều trồng ở trong nước.

Cơ hội vàng để nhìn lại hướng đi 

Quay trở lại câu chuyện trái vải thiều của ta đã gây giống và kiểm dịch từ 5 năm trước ở Việt Nam theo đơn đặt hàng của Mỹ và Australia, tôi tự hỏi: Không lẽ, cái giống cây ăn quả có xuất xứ Việt Nam đã 14 năm hiện hữu ở Australia như tôi mục kích năm xưa, vẫn chưa được thị trường Australia chấp nhận hay sao?

Phải chăng, giống vải mà kiều bào ta từng mang giống sang năm nào vẫn không đạt chất lượng. Có thể bị lại giống do không hợp thổ nhưỡng, dù chúng ta đều biết, đất đai, khí hậu bên nước bạn rất tốt cho phát triển cây ăn trái cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm... Thế nên 5 năm trước, họ mới đặt chúng ta trồng tại Việt Nam theo quy chuẩn của họ?

Như vậy, nếu như từng rất vui khi thấy trái vải thiều Việt Nam kết trái trên đất nước Australia, thì giờ đây tôi lại có niềm vui khác. Bởi nếu trái vải trồng được trên nước bạn, thì sản vật đặc trưng Việt Nam này đâu còn gì đặc biệt nữa và làm sao có thể xuất sang Australia như sắp tới!

Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong lúc thảo luận ở Tổ của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 13 đã tỏ ra rất băn khoăn trước hiện tượng ế thừa nông sản, khó xuất khẩu, mà một nguyên do là vì không đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước. Tôi có nêu chuyện này ra hỏi Tiến sĩ Đặng Kim Sơn,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

TS Đặng Kim Sơn đã nói một điều khiến tôi rất tâm đắc. "Theo tôi, đã đến lúc chấm dứt sản xuất nông nghiệp nhiều và rẻ, xuất khẩu hàng thô, không lo xúc tiến thương mại, tiến sang những thị trường mới có giá trị cao hơn. Để thoát khỏi thị trường hạn hẹp hiện có, từng ngành hàng phải nghiên cứu thị trường mới có tiềm năng”.  

“Từng địa phương phải nâng cao giá trị trong toàn chuỗi nông sản ở địa bàn thích hợp nhất, từ sản xuất – chế biến – kinh doanh đảm bảo chất lượng, vệ sinh, được chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Ngành thương mại và các doanh nghiệp phải tập trung mở cửa và phát triển thị trường. Các lĩnh vực giao thông vận tải, điện, khoa học công nghệ… cần chung tay tạo nên bước đổi mới quan trọng này."- ông bày tỏ.

Việc Việt Nam đặt mục tiêu mùa thu hoạch vải thiều này sẽ đưa khoảng 100-200 tấn vào các thị trường mới, quả thật, cũng chỉ bằng một lượng quá nhỏ trong tổng sản lượng 200.000 tấn hiện giờ. Trong khi đó, như nhận định của lãnh đạo Bộ Công Thương thì đối với mỗi nông phẩm là trái cây khi ra thị trường nước ngoài, nhất là những anh nào khó tính, sẽ phải mất 8-10 năm để họ thích nghi dần. Nghe mà thấy sốt ruột nhưng rõ ràng, tiềm năng lớn đang rộng mở phía trước.

Và, cái mà tôi vừa gọi là "sự kiện" như ở đầu bài viết này, khi vải thiều Việt Nam đủ tiêu chuẩn quốc tế, sắp có những tấn hàng đầu tiên nhập vào 2 thị trường khó tính bậc nhất kia, quả là một tin vui. Nó đang là cơ hội vàng mà chúng ta phải nắm bắt, từ đó nhìn lại hướng đi, cách thoát hiểm cho nông sản Việt Nam.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: