- Hàng tỷ USD được rút khỏi Trung Quốc trong một thời gian ngắn đang góp phần hình thành một làn sóng dòng tiền rời bỏ thị trường này.
Hàng chục tỷ USD rời Trung Quốc
Tờ Bloomberg vừa trích dẫn số liệu từ EPFR Global cho thấy, chỉ trong một tuần hồi đầu tháng 6, các quỹ đầu tư đã rút tổng cộng 9,2 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có 6,8 tỷ USD rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Làn sóng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi hình thành trong một năm qua do giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và đồng USD. Ban đầu, nó khá nhẹ nhàng, năm 2014, các quỹ đã rút khỏi các thị trường này 24 tỷ USD và tính từ đầu năm cho tới gần giữa tháng 6 là 26 tỷ USD.
Con số gần 7 tỷ USD rút ra khỏi thị trường Trung Quốc trong vòng một tuần qua là rất lớn. Đây là mức cao nhất trong gần chục năm qua và là một tín hiệu bất thường khi TTCK nước này tăng tới hơn 150% trong vòng một năm qua. Giá trị TTCK nước này hôm 15/6 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với TTCK Nhật và bằng 40% so với TTCK Mỹ.
Động thái rút tiền của các NĐT xuất hiện sau khi MSCI Inc đã trì hoãn đưa chứng khoán Trung Quốc vào chỉ số tiêu chuẩn MSCI Emerging Markets Index (đo lường diễn biễn của các thị trường mới nổi).
Theo Bloomberg, lý do các quỹ rút tiền khỏi Trung Quốc là như vậy. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, các NĐT còn nhiều lo ngại về thị trường nước này, trong đó có hàng loạt các rủi ro như bong bóng BĐS, bê bối trên thị trường tài chính, nền kinh tế đang suy yếu và mất cân bằng…
Làn sóng rút tiền khỏi thị trường Trung Quốc đang lan nhanh.
|
Trong thời gian gần đây, TTCK Trung Quốc bất ngờ tăng rất mạnh cho dù nền kinh tế nước này đang ì ạch vật lộn để tìm lại tốc độ tăng trưởng cao trong thập kỷ trước đây. Sự bứt phá ngoạn mục của TTCK trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang cố gắng tài cân bằng, chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng nội địa khiến nhiều chuyên gia liên tưởng tới những hậu quả của bong bóng tài sản ở Mỹ hồi cuối thập kỷ 20 với kết cục là cuộc đại suy thoái 1930, và bong bóng BĐS và chứng khoán tại Nhật Bản vào thập niêm 80 sau một thời gian kinh tế Nhật tăng trưởng phần lớn nhờ vào xuất khẩu.
Hàng loạt các vụ bê bối trên thị trường tài chính Trung Quốc cũng cho thấy một thực tế đáng buồn về việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường này. Theo Financial Times, Trung Quốc không phải là một cơ hội an toàn cho các NĐT nước ngoài. Thị trường BĐS bong bóng nước này đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ và sự tăng giá của chứng khoán hầu như mang tâm lý bầy đàn.
Trung Quốc không còn hấp dẫn?
Nhiều DN châu Âu gần đây cũng cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc do tăng trưởng sụt giảm và lợi nhuận tại thị trường này ngày càng teo tóp. Trong quý I/2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua, cho dù Chính phủ nước này đã đẩy mạnh chi tiêu cũng như cắt giảm thuế và lãi suất.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi các yếu tố khác lại dần kém hấp dẫn.
|
Trên tờ WSJ, Phòng Công nghiệp và Thương mại châu Âu (EuroCham) hồi cuối tháng 5 cho biết, nhiều DN châu Âu đang làm ăn tại Trung Quôc đã và đang điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư của mình tại đây. Chỉ 1/5 số DN cho biết Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho những khoản đầu tư mới, giảm nhiều so với tỷ lệ 1/3 năm trước.
Không chỉ vốn ngoại, dòng tiền của nhóm nhà giàu Trung Quốc trong vài năm gần đây cũng ồ ạt tháo chạy ra BĐS nước ngoài. Nhiều quan chức và giới nhà giàu Trung Quốc trong khoảng hai năm gần đây đổ hàng chục tỷ USD để mua BĐS ở nước ngoài như một lựa chọn trong tình hình mới.
Hồi cuối năm ngoái, tập đoàn giải trí và bất động Dalian Wanda của tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin đã lên kế hoạch mang 1,2 tỷ USD sang Mỹ để thâm nhập Hollywood. Tỷ phú Baidu Robin Li 900 triệu USD cho một tổ hợp nhà ở-khách sạn 5 sao tại Chicago và một cái 1,2 tỷ USD ở trung tâm London…
Các đại gia Trung Quốc dồn dập đổ ra nước ngoài để thâu tóm các thương hiểu nổi tiếng từ châu Á cho tới Mỹ và châu Âu, từ thực phẩm như Smithfield Foods (7,1 tỷ USD), cho tới máy tính (Lenovo mua bộ phận phát triển máy tính cá nhân của IBM), và các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng…
Đánh giá về hiện tượng DN châu Âu đang giảm đầu tư tại Trung Quốc, chủ tịch Eurocham, ông Jörg Wuttke chia sẻ trên WSJ cho rằng: “Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các DN châu Âu ở Trung Quốc. Đối với các công ty đa quốc gia, Trung Quốc vẫn quan trọng nhưng không còn quan trọng như vài năm trước đây”.
Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi các yếu tố khác lại dần kém hấp dẫn, như chi phí đầu vào bao gồm chi phí lao động tăng cao, rào cản thâm nhập thị trường cao, môi trường pháp lý khó đoán định… Đây là lý do khiến nhiều DN Nhật ở Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm ăn mới ở Việt Nam, Philippines…
Trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc lại áp nhiều quy định khiến nhiều NĐT nước ngoài có nguy cơ thiệt hại. Vụ việc Baoding Tianwei Baobian Electric mất khả năng thanh toán trái phiếu khiến không ít NĐT lo ngại.
Môi trường đầu tư giảm thuận lợi cho NĐT nước ngoài của Trung Quốc đã khiến NĐT từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, muốn dịch chuyển tới một môi trường mới có lợi hơn. Các nước khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam đang có cơ hội thu hút được dòng vốn đầu tư lớn.
V. Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét