Lê Chân Nhân
Xem thêm:
- Báo nào là "không chính thống"?
- Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hòa giải
- Ý kiến của tổng bí thư về Mặt trận - Nói và Làm
(Dân trí) - Thượng tá Lê Đức Hoàn - Phó trưởng Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bị khởi tố bị can với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ năm công an dùng nhục hình làm chết ông Ngô Thanh Kiều mà dư luận từng lên án.
Những người theo dõi vụ án khủng khiếp này không thể quên được câu nói của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Một câu nói đủ sức tố cáo tội ác của những kẻ gây ra cái chết cho ông. Do bị đánh đập quá tàn nhẫn và nhiều lần, Ngô Thanh Kiều đã van xin: “Xin anh đừng đánh em. Sáng giờ em bị đánh bầm giập lắm rồi”. Thiếu úy công an Nguyễn Thân Thảo Thành khai trước tòa, Ngô Thanh Kiều đã nói như vậy khi thấy Thành dùng gậy cao su định đánh Kiều.
Người dân nổi giận trước vụ nhục hình này, và càng nổi nóng khi TAND TP Tuy Hòa xử năm sĩ quan công an dùng nhục hình làm chết công dân với bản án quá “nhẹ nhàng tình cảm”: một người lãnh án 5 năm tù giam, một người 2 năm tù giam, một người 1 năm 6 tháng tù giam và hai người hưởng án treo. Người dân nổi bất bình hơn nữa vì Thượng tá Lê Đức Hoàn – Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, người chỉ huy trực tiếp vụ này lại vô can (tương tự như vụ 194 Phố Huế, dư luận cho rằng ở vụ này, mức án dành cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung cũng... nhẹ hều)
Vụ án với nhiều sự “nổi” này đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.
Dân gian nói “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, trong trường hợp Thượng tá Lê Đức Hoàn, suy ra thấy đúng. Dù ông Hoàn cố tình phủi tay trước cái chết của Ngô Thanh Kiều và mọi tội trạng đổ xuống đầu năm thuộc cấp, nhưng công lý không thể không có ánh sáng. Rõ ràng, nếu như không có yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chỉ đạo của TAND Tối cao và Viện KSNDTC thì rất có thể hành vi vi phạm của Lê Đức Hoàn được bao che.
Nhưng khởi tố là một chuyện, điều tra, xét xử lại là chuyện khác. Liệu có một bản án tương xứng với hậu quả mà ông Lê Đức Hoàn gây ra hay không? Người dân đang chờ đợi sự công bằng và nghiêm minh trong vụ án nhục hình gây ra cái chết cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều.
Từ vụ này còn sáng ra thêm một vấn đề, đó là “quyền im lặng” vừa được đặt ra tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua. Nếu như các nghi can được tôn trọng quyền im lặng, cán bộ điều tra lấy cung khi có mặt của luật sư thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng đánh đập, nhục hình bị can. Đã có nhiều hậu quả do nhục hình và vụ Ngô Thanh Kiều, Nguyễn Thanh Chấn chỉ là trường hợp điển hình.
“Quyền im lặng” đang bị từ chối, nhưng hy vọng rằng rồi đây sẽ được thừa nhận và luật hóa. Khi đó, pháp luật có thêm một bước tiến bộ, quyền con người được tôn trọng và bảo vệ với chất lượng cao hơn.
Xem thêm:
- Báo nào là "không chính thống"?
- Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hòa giải
- Ý kiến của tổng bí thư về Mặt trận - Nói và Làm
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét