Featured Image: Peter Collingridge

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, từ quá khứ kéo dài đến hiện tại cho đến tương lai rất xa luôn phải đối mặt với một nguy cơ rất lớn. Nói đến đây chắc bạn biết được nguy cơ đó là gì và xuất phát từ đâu. Câu nói “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” cũng xuất phát từ chính nơi ấy, nhưng dường như nhiều lần ta đã quên đi ý nghĩa xương máu của bài học đó. Có người bảo dân tộc ta chỉ trở nên thông minh và mạnh mẽ khi phải đối mặt với những nguy cơ sống còn, tôi cũng thấy nhận định đó rất đúng. Nhưng bài này không nói về chúng ta mà nói về nơi tạo ra nguy cơ đó.
Có một điều đáng buồn là góp phần vào sự trưởng thành của tôi thì công lao của lịch sử Trung Quốc lại lớn hơn vô số lần mà lịch sử Việt Nam mang lại, trong Đông Chu Liệt Quốc tôi học được những bí quyết về quân sự cũng như chính trị, học được cách nhìn mặt mà đoán ý, học được lúc nào nên nói và lúc nào phải im lặng để khỏi mang họa sát thân, học được những nguyên nhân gây ra mất nước, học được các bài học về Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín…, với Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lã Thị Xuân Thu, Sử Ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử tôi học được thế nào được gọi là vị minh quân, thế nào là trí thế nào là dũng, học được cách lợi dụng bản tính con người để đạt mục đích của mình.
Suốt tuổi thơ tôi là sự say mê những bộ phim dài kể về Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên, Thái Bình Công Chúa, Mãn Thanh 13 Hoàng Triều, Thái Bình Thiên Quốc… cùng các phim nhỏ lẻ khác. Không kể sao cho hết những lợi ích mà chúng mang lại. Còn với Việt Nam? Tôi chỉ học được một điều duy nhất: “Chúng ta rất giỏi, đánh đâu thắng đó.” Tất cả những điều này cho thấy rằng chúng ta đang bị đồng hóa đến tận gốc rễ, biết là bị đồng hóa đấy nhưng không có cách nào phản kháng, đơn giản vì đó là những tinh hoa mà chúng ta phải học nếu muốn trưởng thành.
Khởi nguồn của TQ là vài trăm nước nhỏ lẻ san sát nhau, quần hùng cát cứ khắp nơi. Trải qua mấy trăm năm, bằng các cuộc chiến tranh, những nước nhỏ dần dần bị diệt để hình thành 7 nước lớn và cuối cùng thống nhất vào thời Tần Thủy Hoàng. Quá trình chiến tranh liên miên này sinh ra những bài học quân sự vô cùng quý giá mà ta thấy trong Binh Pháp Tôn Tử, thế bạn có biết nội dung cốt lõi của Binh Pháp Tôn tử là gì không? Nó chỉ có 4 chữ “Bất Chấp Thủ Đoạn”.
Trong hằng hà sa số cuộc chiến ta không hề thấy 2 chữ “đạo đức”, có một câu nói mà cho đến tận ngày nay vẫn còn được dùng: “Nhân từ với kẻ địch là tàn nhẫn với bản thân.” Tôi biết có vô số người nhận đồng với câu này mà trong đó có cả tôi và điều này thật đáng sợ. Bạn biết cuộc chiến Trường Bình thời Xuân Thu Chiến Quốc? Bạch Khởi đã tàn sát 40 vạn quân đầu hàng của nước Triệu, 400.000 người đấy. Không ít lần ta thấy rằng nếu một thành trì không đầu hàng quân địch thì có khả năng cả thành bị đồ sát, một họ nếu thua một họ khác trong việc tranh dành quyền lực sẽ bị giết sạch không chừa một mống, sự tàn ác là không thể nói hết.
Vì Trung Quốc hình thành bởi sự thôn tính các quốc gia nhỏ lẻ nên trong bản thân cũng sinh ra một thứ rất nguy hiểm, đó là Chủ Nghĩa Bành Trướng, cái chủ nghĩa này thì bất cứ quốc gia nào cũng có, nhưng riêng đối với Trung Quốc thì nó trở thành một sự khát khao mãnh liệt. Các quốc gia Châu Âu với sức mạnh quân sự, họ xâm chiếm các nước khác, họ biến các nước đó thành thuộc địa nhưng trong họ thiếu cái ham muốn biến nó thành chính mình.
Trung Quốc lại khác, muốn tiêu hóa hoàn toàn quốc gia chiếm được. Điều này chúng ta dễ dàng thấy được ở thói sành ăn trong văn hóa của dân tộc Trung Quốc, cái gì cũng có thể ăn, miễn thấy có lợi là ăn hết, vấn đề này bạn có thể tìm hiểu trên internet sẽ thấy. Tính ra mà nói thì trừ một số nước lớn, những nước nhỏ vẫn còn tồn tại bên cạnh Trung Quốc là rất đáng khâm phục.
Người ta thường nói Anh là một quốc gia thực dụng, tôi thì nghĩ cương vị đó nên để Trung Quốc đảm nhận. Đọc lịch sử Trung Quốc ta thấy nổi trội nhất là điều gì? Là tranh dành quyền lực, để đạt được quyền lực thì anh em có thể giết nhau, cha con giết nhau, vợ chồng giết nhau… việc này diễn ra từ gia tộc lên đến triều đình. Cái lợi là trên hết, họ nghĩ rằng có cái lợi sẽ có tất cả, mọi thứ từ con cái cho đến người thân đều có thể trở thành công cụ để đạt mục đích.
Cái tính duy lợi này hình thành do sự tất yếu của lịch sử, kẻ thất bại chỉ có con đường chết, không có ngoại lệ. Nỗi sợ bị sát hại ám ảnh dân tộc này nên đứng trước sức mạnh vượt qua họ thì họ trở nên vô cùng yếu đuối, nhưng khi họ có sức mạnh thì họ trở thành một con hổ dữ khôn ngoan chực chờ để vồ con mồi dại dột.
Có khi nào bạn tự hỏi, tại sao nền văn hóa đồ sộ ấy lại đi sau các nền văn hóa khác ở phương Tây? Nếu bài trước tôi nhìn Việt Nam là một cậu thiếu niên chưa trưởng thành thì bài này tôi nhìn Trung Quốc như một người trưởng thành chưa lớn. Vì sao đã trưởng thành nhưng không lớn? Vì trong nó mang những khuyết điểm khiến cho không thể tiếp tục đi xa hơn đến sự lão luyện. Đó chính là tính duy lợi và sự tàn ác, nước Anh thực dụng nhưng họ thực dụng ở những lợi ích rất xa và bền vững, còn Trung Quốc thì lại mê cái lợi ở trước mắt.
Để đạt được lợi ích lớn nhất trong hiện tại, họ sẵn sàng hủy diệt những gì cản trở dù những thứ đó có thể mang đến lợi ích lâu dài về sau. Đó là việc tàn sát kẻ địch không khoan nhượng, nhưng kẻ địch đó là ai? Là những trí thức ngay trong chính quốc gia mình. Lẽ ra với một nước lớn như Trung Quốc thì có thể nói nhân tài hằng hà sa số, nhưng kẻ thống trị giết hết để dễ bề điều khiển. Hãy nhìn sự kiện Thiên An Môn bạn sẽ thấy rõ nhất.
Vấn đề này khiến tôi nghĩ đến hai quốc gia, đó là Campuchia và Mỹ, Khơ Me đỏ đã tàn sát gần như toàn bộ trí thức trong nước, biến tất cả thành nông dân để Campuchia trở lại thời kỳ vàng son của một nước nông nghiệp. Khi trí thức bị giết sạch thì lấy gì nâng cao dân trí? Hậu quả dốt nát đó hàng trăm năm nữa cũng chưa chắc khắc phục được. Còn nước Mỹ thì sao? Sau cuộc nội chiến hầu như không hề có bắt bớ tù binh, nếu có thì là những kẻ vi phạm đạo đức chiến tranh hay những sự thù hận cá nhân, không hề có chính sách trả thù từ bên chiến thắng, chính vì vậy nước Mỹ vẫn giữ được nguồn nội lực của mình để phát triển đất nước.
Sự tàn ác một cách thiển cận khiến Trung Quốc chỉ sử dụng được một phần sức mạnh của mình, còn tính duy lợi hẹp hòi lại tạo ra sự ích kỷ. Biết bao tinh hoa của cả một nền văn hóa đồ sộ phải bị chôn vùi, cái gì cũng chỉ giữ cho riêng mình, biết bao bí quyết bị thất truyền. Y học cổ truyền Trung Quốc khiến cho cả thế giới phải khâm phục, nhưng nếu không có thói quen “dấu nghề” đó thì nó còn rực rỡ đến thế nào nữa? Tôi nghĩ sẽ gấp trăm lần lúc này. Chính sự ích kỷ đó thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp ngăn cản bước tiến của dân tộc này và vì thế tuy rộng lớn, giàu có, tràn đầy nội lực nhưng nó cũng rơi vào sự trầm luân và làm mồi cho những dân tộc lão luyện hơn.
Còn Trung Quốc bây giờ? Có vài người tin rằng một ngày không xa sẽ trở thành quốc gia số 1 thế giới. Tôi không cho là như vậy, đơn giản vì con đường mà Trung Quốc đang đi mang trong đó những nhược điểm như tôi vừa phân tích. Bao giờ những nhược điểm đó còn tồn tại thì Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những bất ổn của mình. Thống trị thế giới cần ở cái đầu chứ không phải chỉ bằng một cơ thể khỏe mạnh. Với cùng những điều kiện như nhau thì dân tộc nào có tầm nhìn xa hơn sẽ đi xa hơn, huống chi “người ta” đã có thiên thời – địa lợi – nhân hòa.

Vậy tương lai Việt Nam sẽ thế nào nếu lọt vào tay Trung Quốc? Chúng ta hãy thử tưởng tượng để thấy được sự kinh hoàng đó

Lưu ý: Bài này chỉ viết về những tính cách ảnh hưởng trực tiếp đến những nguy cơ đối với Việt Nam chứ không phải cái nhìn toàn vẹn về tính cách và văn hóa của dân tộc Trung Quốc. Văn hóa Việt Nam bị sự ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nên nếu chỉ hiểu theo những chiều hướng trong bài thì khác nào ta tự vỗ mặt mình. Với những nét đẹp trong văn hóa và tính cách của Trung Quốc thì có lẽ nói 3 ngày 3 đêm vẫn không hết, nhưng đó không phải là mục đích của bài viết nên không được đề cập.
Rất mong mọi người vào thảo luận để tôi học hỏi thêm (có ném đá mong ném nhẹ tay tí).
Mắt Đời