Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

'Nghèo cũng cho thằng Tèo đi học'


TNO - Người dân Việt Nam chúng ta từ lâu đã quen với các cụm từ “ra đường gặp anh hùng”, “ra đường gặp nhà thơ”. Những năm gần đây, câu “ra đường gặp tiến sĩ” là một khẩu ngữ không còn lạ.

Một nền giáo dục có khả năng đào tạo được tiến sĩ từ khoa học xã hội cho đến khoa học tự nhiên là một nền giáo dục đáng tự hào. Một quốc gia có mặt bằng tiến sĩ cao so với số dân là một quốc gia thông minh, có “chất xám”, đáng lẽ ra quốc gia đó phải là một nước cường thịnh, tiên tiến và văn minh.

Nhưng lạ thay, Việt Nam với hơn 24.300 tiến sĩ (theo thống kê của bộ Khoa học-Công nghệ) trong số hơn 90.000.000  dân đang ở thời kỳ “dân số vàng” lại là một đất nước có nền giáo dục kém phát triển, một nền công nghiệp lạc hậu, tụt hậu và kinh tế vẫn còn nghèo, vẫn đang ì ạch… phát triển.

PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Còn theo Bộ Giáo dục-Đào tạo, tính đến năm 2013 nước ta có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Vậy còn hơn 15.000 tiến sĩ còn lại đang làm gì, ở đâu?

Đi tìm nguyên nhân trên không khó. Do truyền thống văn hóa hiếu học, xã hội trọng thị bằng cấp cũng như cơ chế xin việc, kiếm việc, thăng quan, tiến chức tạo ra nhu cầu chạy theo bằng cấp… cũng như thói háo danh, thích hư danh, hay quan niệm “nghèo cũng cho thằng Tèo đi học”. Những kiểu chỉ tiêu như "tiến sĩ hóa" cán bộ cấp trung, cao trong bộ máy công quyền đang càng làm cho tình trạng "chạy" tiến sĩ thêm hỗn loạn. Nó góp phần làm cho đội ngũ tiến sĩ nước nhà dư thừa về số lượng nhưng lại thiếu hụt trầm trọng về chất lượng.

Truyền thông, báo chí đã từng phát hiện ra một “tiến sĩ” Giám đốc sở VH-TT&DL một tỉnh nọ có bằng tiến sĩ đại học Nam Thái Bình Dương (Mỹ) nhưng không biết một chữ tiếng Anh nào, và cũng cái đại học đó, một “tiến sĩ” Phó bí thư tỉnh ủy được cấp bằng trong vòng 6 tháng với giá 17.000 USD. Khủng khiếp hơn, một phóng sự  gần đây phanh phui chuyện “một trùm buôn gỗ”… có thể đàng hoàng trở thành một tiến sĩ y khoa nếu chỉ cần bỏ ra 200 triệu đồng. Những thông tin ấy cũng hàm nghĩa cả câu hỏi nhức nhối: Thực tế đang có bao nhiêu vị “tiến sĩ” kiểu đó ung dung trên chiếc ghế quyền lực trong các cơ quan công quyền trên cả nước?

Mới đây, ngày 21.10, trong phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã nêu lên một vấn đề không nhỏ: “Ta đào tạo được tiến sĩ sao không làm được con ốc vít?”. Vị đại biểu nhân dân này băn khoăn về sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ đến mức không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị để cung cấp ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cũng đã nhận xét một cách chua chát: “Cách đây 40-50 năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin.”

Vậy làm sao để không còn phải băn khoăn rằng dù đã mấy chục năm “rộng cửa” đón công nghệ nước ngoài nhưng thực chất thì đến con ốc vít cũng không sản xuất được. Thử hỏi, nếu trong trường hợp các công ty nước ngoài cùng với công nghệ tiên tiến của họ rút đi hết, chắc chúng ta vẫn nằm ở xuất phát điểm. Cái đích 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học và công nghệ đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu Asean đang đến gần nhưng trong tay ta đã có được gì? Mấy chục ngàn tiến sĩ khoa học kia đang ở đâu?

Phải gấp rút nhìn nhận lại cách đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng như thay đổi quy trình và chương trình đào tạo sau đại học theo hướng thực chất và phù hợp chuẩn mực quốc tế.

MP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: