Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Cần đính chính ngay lập tức!

Phương hại tới chủ quyền VN
Sau khi phân giới cắm mốc theo Hiệp ước 1999, một phần thác Bản Giốc nằm trên đất Việt Nam, một phần nằm ở Trung Quốc. Trả lời báo chí vào đầu năm 2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng cho biết: “Tại thác Bản Giốc, hai bên đã thống nhất đường biên giới đi từ mốc 53 cũ (do Pháp - Thanh xây dựng). Thác Bản Giốc có hai phần, phần hoàn toàn về phía Việt Nam gọi là thác cao. Thác cao nhưng lại là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính sẽ chia đôi, mỗi bên được một nửa”. Bên phía Trung Quốc, người ta gọi ngọn thác này là Đức Thiên (phiên âm Latin là Detian).
 
Ghi chú sai trái về thác Bản Giốc trên trang News.com.au và Tạp chí Life - Ảnh chụp lại từ News.com.au và Life
Điều rất nguy hiểm đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là một số hãng truyền thông quốc tế khi đề cập tới thác Bản Giốc lại ghi chú là “Detian Falls, China” (Thác Đức Thiên, Trung Quốc), khiến những độc giả không rành về địa lý khu vực ngộ nhận rằng dòng thác này hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
Trong loạt ảnh Những thác nước kỳ vĩ nhất thế giới (World's most incredible waterfalls) được đăng tải mới đây trên website News.com.au (kênh tin tức nổi tiếng thuộc tập đoàn News Corp. của trùm truyền thông người Úc Rupert Murdoch), thác Bản Giốc được chú thích là “Detian Falls, China”. Cách ghi này rất vô lý, xâm hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bởi những lý lẽ sau đây: Thứ nhất, theo Hiệp ước 1999 như đã nói ở trên, ngọn thác này đã được chia làm hai phần (với tỷ lệ khác nhau), một phần thuộc Trung Quốc, một phần thuộc Việt Nam. Trong hình chụp được đăng trên trang News.com.au, có cả phần Việt Nam lẫn phần Trung Quốc, nhưng trang tin này chỉ ghi chú "Detian Falls, China" làm người đọc hiểu nhầm ngọn thác này hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Thứ hai, bản trên News.com.au ghi nguồn là Wikipedia, nhưng trong trang Wikipedia, người ta ghi một tổ hợp tên Trung - Việt "Detian - Ban Gioc Falls", chứ không phải là kiểu ghi gây hiểu nhầm như trên trang tin của Úc. Thứ ba, cùng trong loạt ảnh nói trên, các ngọn thác nằm trên đường biên giới hai nước đều được chú thích thuộc về hai nước rất rõ ràng, như Victoria (Zambia/Zimbabwe); Iguazu (Argentina/Brazil); Niagra (Mỹ/Canada), trong khi thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt - Trung lại chỉ ghi là "Detian Falls, China".
Chúng tôi đã thử sử dụng tổ hợp từ “Detian Falls, China” để tìm kiếm bằng công cụ Google và nhận thấy một số trang mạng khác cũng chú thích sai. Life, một tạp chí ảnh báo chí hàng đầu thế giới, trong loạt ảnh Những thác nước đẹp sửng sốt nhất thế giới cũng chú thích bên dưới hình thác Bản Giốc (đề ngày 15.9.2005) là “Detian Falls, China”. 

Cần đính chính ngay lập tức
Cách ghi chú sai về thác Bản Giốc là vô cùng tai hại đối với Việt Nam. Một hệ lụy dễ thấy nhất đó là sau khi đọc thông tin trên News.com.au và Life, người đọc ở bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam muốn đi thăm ngọn thác này sẽ đăng ký qua ngả Trung Quốc, thay vì Việt Nam.
Là những kênh tin tức và tạp chí uy tín của thế giới, News.com.au và Life cần đính chính những thông tin sai trái trên, ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại mà cách ghi này gây ra cho Việt Nam.
Đỗ Hùng - Lưu Quang Phổ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: