Malala Yousafzai - giải Nobel ở tuổi 17
Mười một tuổi, cô bé Malala Yousafzai bắt đầu viết cho chuyên mục blog của BBC. Những gì cô viết đơn giản chỉ là mô tả lại cuộc sống của cô tại vùng thung lũng Swat tại Tây Bắc Pakistan và thúc đẩy giáo dục cho nữ giới tại quê hương cô. Thời điểm đó, tàn quân Taliban đang nắm giữ vùng này và chúng không cho phép trẻ em nữ được đến trường.
Dưới chế độ hà khắc của Taliban thì những gì Malala viết chỉ càng làm cuộc sống cô bé nguy hiểm hơn. Lo lắng trước những gì Malala cố gắng kể cho thế giới, Taliban đã tìm cách thủ tiêu cô bằng một phát súng vào đầu ở cự ly gần. Khi ấy, Malala chỉ vừa 15 tuổi.
|
Phát súng không thể giết chết Malala, cũng như không thể đập tan đi ý tưởng về quyền được đến trường của cô. Trái lại, nó đã vô tình tiếp thêm sức mạnh và sự ủng hộ cho Malala. Thế giới lên án Taliban, cộng đồng quốc tế đứng về phía Malala và ý tưởng nhỏ bé của cô ấy. Cô bé tỉnh dậy sau ca phẫu thuật dài.
Vết thương vùng đầu không ngăn được cô đem câu chuyện của mình đến với nhiều người hơn nữa. Cô phát biểu về quyền được đi học trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cô được tạp chí TIME đề cử trong danh sách "100 người có ảnh hưởng nhất trong năm 2013", được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2013, và ngày sinh của cô được LHQ chọn làm ngày để tôn vinh sức mạnh của giáo dục trên toàn cầu.
Malala không sinh ra đã là một vĩ nhân. Cũng như bao cô gái cùng trang lứa khác, cô luôn sợ hãi. Đã có lúc cô ám ảnh với cái chết, với sự rình rập của Taliban. Nhưng bên cạnh đó, cô có một niềm tin mãnh liệt vào mục tiêu mình theo đuổi. Hơn hết, cô cảm thấy bản thân có một trách nhiệm to lớn phải tiếp tục cuộc hành trình của mình. "Cháu sẽ lên tiếng. Nếu cháu không nói, thì ai sẽ nói", "Cháu có quyền lên tiếng. Nếu họ tìm cách ám sát cháu, cháu sẽ giải thích cho họ hiểu những gì họ làm là sai và giáo dục là quyền căn bản của chúng ta. Cháu sẽ đi học, cho dù là học ở nhà, ở trường hay bất cứ nơi đâu. Họ không thể ngăn cả cháu được".
Malala trở thành người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2014, khi cô chỉ mới 17 tuổi.
Joshua Wong
|
Joshua Wong trở thành thủ lĩnh phong trào sinh viên Hong Kong từ khi mới 14 tuổi. Cũng như Malala, mối quan tâm hàng đầu của cậu chính là giáo dục. Phong trào Scholarism được lập ra chỉ như một tiếng nói phản biện lại nền giáo dục mà cậu và các bạn cho là rập khuôn, giáo điều của Hong Kong.
Mười bảy tuổi, cậu trở thành một trong những lãnh đạo cốt cán của cuộc xuống đường của sinh viên Hong Kong đòi cải cách chế độ bầu cử. Một tạp chí của Pháp gọi cậu là "thần đồng chính trị". Truyền thông quốc tế tò mò, chú ý đến cậu như một lãnh đạo của phong trào biểu tình được coi là lịch sự nhất từ trước đến nay.
Cũng như Malala, cậu cũng chỉ là một con người bình thường. Sinh ra với chứng đọc khó, không ai có thể nghĩ cậu bé nhỏ người, gầy gò với cặp kính cận kia giờ đây lại đang có tiếng nói rất quan trọng trong phong trào sinh viên Hong Kong.
Cũng đã có lúc tuổi trẻ khiến cậu sai lầm, như có lần cậu phải xin lỗi vì sự chỉ trích chính quyền một cách vô lý của mình. Những gì cậu đang làm có thể đúng, có thể sai và lịch sử sẽ phán xét, nhưng không thể phủ nhận sự kiên định và năng lượng dồi dào của Joshua Wong.
Sophie Scholl (người Đức, 1921 - 1943)
|
Năm 1943, khi mới ngoài 20 tuổi, lẽ ra Sophie Scholl phải đang vui chơi với bạn đồng trang lứa và mơ mộng về tương lai. Nhưng cô lại đang đứng trước phiên tòa hình sự của chế độ Quốc xã Đức. Rồi chỉ sau đó không lâu thôi, cô sẽ bị tuyên xử tử vì tội phá hoại và bị chặt đầu.
Những gì cô làm đơn giản chỉ là tham gia hội Hoa hồng Trắng, một tổ chức sinh viên chuyên đi rải truyền đơn kêu gọi người dân Đức hãy dùng lương tri và nhìn rõ bộ mặt của chế độ Quốc xã Đức. Khó có thể biết Sophie Scholl đã làm gì, nói gì trong những ngày cuối đời của mình, vì bọn Quốc xã đã đem cô bé đi xử trảm ngay buổi chiều sau khi tuyên án.
Nhưng chúng ta biết được rằng lời cuối cùng cô nói trước tòa án Quốc xã vẫn thể hiện sự kiên cường và niềm tin vào những gì mình đã làm của cô: "Sau cùng thì một ai đó cũng phải bắt đầu việc này. Những gì chúng tôi viết và nói cũng là những gì nhiều người suy nghĩ. Họ chỉ không dám thể hiện thôi".
Cũng như Malala và Joshua Wong, Sophie Scholl cũng là một cô bé bình thường, lãng mạn. Cô có người yêu ngoài mặt trận. Cô lãng mạn gọi tổ chức của mình là Hoa hồng Trắng. Cô thích trượt tuyết, leo núi, âm nhạc và có tài vẽ tranh. Khi bị bắt, cô mặc một chiếc áo len đỏ và tóc mái kẹp một bên. Chiếc áo len đó theo cô ra phiên xử và cùng cô đi đến giờ phút cuối cùng, khi lời nói sau chót của cô được thốt ra: "Và mặt trời vẫn sẽ tỏa nắng".
Sophie Scholl, Malala Yousafzai, và Joshua Wong đều là những người rất trẻ. Họ đều có xuất thân cũng như cách hành xử rất bình thường, trẻ trung như lứa tuổi của mình. Điểm chung lớn nhất của cả ba đó chính là họ từ chối việc chỉ biết lắng nghe và trì hoãn những suy nghĩ của bản thân.
Cũng như bao người trẻ khác, hẳn họ cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích, răn đe, rằng trẻ tuổi nghĩa là họ không nên nghĩ nhiều đến chuyện lớn, rằng tương lai là của họ, vì thế họ cần im lặng trong hiện tại, và rằng trẻ tuổi nghĩa là những suy nghĩ của họ là sai lầm... Nhưng tất cả đều từ chối làm theo những lời đó. Bởi lẽ họ cho rằng, lương tri và quyền được nói lên những suy nghĩ của mình không phải là đặc quyền của một lứa tuổi nào cả.
***
Hai mươi mốt tuổi, Traudl Junge (16/3/1920 - 10/2/2002) trở thành thư ký riêng của Adolf Hitler [1]. Cô đã ở bên cạnh Hitler cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Thật khó có thể quy kết những tội ác của Đức Quốc xã cho cô, bởi lẽ cô chỉ là một thư ký và không biết những tội ác đang diễn ra.
Nhiều người cho rằng tuổi trẻ đồng nghĩa với việc tương lai thuộc về bản thân, vì thế họ tự cho phép mình thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh, bằng lý do này hay lý do khác. Những lúc như vậy, tôi thường hay nhớ lại bài trả lời phỏng vấn cuối cùng trong sự nghẹn ngào của Traudl Junge [2]:
"Những gì tôi nghe thấy ở Phiên tòa Nuremberg, về cuộc thảm sát sáu triệu người Do Thái và các chủng tộc khác, những điều ấy khiến cho tôi bàng hoàng tột độ. Nhưng tôi vẫn không thể thấy mối liên hệ của tội ác đó và quá khứ của tôi. Tôi đã hài lòng rằng bản thân không bị quy kết và rằng tôi không biết đến những điều đó đã xảy ra.
Nhưng ngày nọ, tôi đi ngang qua bức tượng người ta dựng lên để tưởng nhớ Sophie Scholl tại đường Franz Josef. Đứng trước tôi là kí ức của một cô gái trạc tuổi tôi, và cô ấy bị xử tử cùng thời điểm tôi bắt đầu làm việc cho Hitler. Chính vào lúc đó, tôi thực sự hiểu rằng tuổi trẻ không phải là một cái cớ cho sự thờ ơ, vô tâm của bản thân..."
Phải, tuổi trẻ không thể là cái cớ cho sự thờ ơ, vô tâm.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Theo Vietnamnet
[1] Câu chuyện của Traudl Junge sau này đã đi vào bộ phim do Đức sản xuất với tựa gốc Der untergang, tựa tiếng Anh Downfall. Bản phim tại VN có tựa Ngày tàn. Bộ phim đã được đề cử Oscar 2005 cho Phim nước ngoài hay nhất.
[2] Cuộc phỏng vấn trong phim tài liệu Im Toten Winkel của Áo
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét