Về lá số tử vi của Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch
Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Ảnh TL
Nam Kinh là một trong sáu cố đô Trung Quốc, nằm cách cửa sông Trường Giang (trổ ra biển) khoảng 300km, với gần 2.500 năm tạo lập (kể từ Việt Câu Tiễn dùng mỹ nhân kế đưa người đẹp Tây Thi phụng hiến Ngô Phù Sai để diệt nước Ngô - khoảng năm 472 trước công nguyên). Có đến 8 vương triều kiến lập kinh đô ở đó, bởi địa hình phong thủy:
Có núi Chung Sơn án ngữ phía Bắc (theo thế “long bàn” rồng cuộn). Có vách đá màu đỏ đậm dựng đứng, trấn phía Tây (theo thế “hổ cứ” cọp ngồi). Có thủy tụ, địa cát, minh đường. Đến thế kỷ 20, Tưởng Giới Thạch đóng thủ đô của Trung Hoa Quốc dân đảng, lập Phủ tổng thống. Nhưng thất thời, phải rút. Cộng sản tiếp quản. Cục diện đó can hệ gì đến “lá số tử vi” của Mao và Tưởng không ? Sa-môn Huệ Thiện đối chiếu:
* Mao Trạch Đông sinh 19.11 Quý Tỵ (thứ ba 26.12.1893) tại một thôn nhỏ nằm dưới chân núi Thiều Sơn (tỉnh Hồ Nam) trong gia đình trung lưu, làm nghề nông.
* Tưởng Giới Thạch sinh rằm tháng 9 Đinh Hợi (thứ hai 31.10.1887) tại vùng Phụng Hóa (tỉnh Triết Giang) trong gia đình khá giả, làm nghề buôn muối.
Và luận: “Mao Trạch Đông tuổi Tỵ, Tưởng Giới Thạch tuổi Hợi - hai tuổi này “Tỵ và Hợi” rơi vào 6 cặp đối đầu tương khắc theo ngũ hành: Tỵ - hợi (và: Tý - ngọ, Sửu - mùi, Dần - thân, Thìn - tuất, Mẹo - dậu) gọi là “lục xung”. Khác với “lục hợp” vui vẻ chan hòa gồm: Tý - sửu, Dần - hợi, Mẹo - tuất, Thìn - dậu, Tỵ - thân và Ngọ - mùi”.
Sa-môn tiếp: “Tưởng Giới Thạch tuổi Đinh Hợi, là con heo cang cường vượt núi (quá sơn), ôm mạng Thổ (đất) thuộc Ốc thượng thổ tựa như đất do các con tò vò chuyển lên xây tổ (trên cành cây cao), hoặc đất đã nung thành ngói (trên mái nhà). Còn Mao Trạch Đông tuổi Quý Tỵ, là con rắn cuộn tròn trên cỏ xanh, ôm mạng Thủy (nước) cuồn cuộn sông dài (trường lưu thủy). Hẳn nhiên “đất” của Tưởng gặp phải “nước” trường giang của Mao, phải rã rời, tan loãng. Nhưng - Mao không tin “số mệnh”, không tin Bồ tát Văn Thù từng cứu thoát Mao bằng cỏ linh chi và ánh sáng hồng hoàng phát ra từ quả lưu ly. Vì Mao là giáo chủ của vô thần. Tưởng cũng vậy, không tin có Bồ tát Quán Thế Âm đã che chở để Tưởng đặt chân đến Đài Loan an toàn (với sự bảo vệ của tổng thống Mỹ Truman) - vì Tưởng theo đạo Thiên Chúa. Mao chết năm 1976. Tưởng chết năm 1975. Thử hỏi giờ này linh hồn họ ở đâu? Đã đầu thai, hoặc đang bị giam tại Phủ diêm đài ?”. Sa-môn Huệ Thiện không giải rõ, đọc hai câu:
“Bát lộ hồng mao thủy
“Thiên hóa thạch huyền môn.
Rồi cười, không nói gì thêm.
Nhắc chuyện hai người - Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch - quyết liệt giành giật Trung Nguyên dịp “lục thập hoa giáp” của Tưởng.
Để chúc mừng, tỉnh trưởng tỉnh Triết Giang gởi đến bức chân dung Tưởng thêu bằng những sợi chỉ vàng. Khi đại quân Lưu Bá Thừa - Đặng Tiểu Bình tiến chiếm Phủ tổng thống của Tưởng, bức ấy vẫn còn treo giữa sảnh đường.
Theo Nhiếp Nguyệt Nham - sđd. ở Kỳ 28, tr. 128, chân dung “cao 3 mét, rộng 2 mét bằng các sợi chỉ vàng thật; đầu, mắt và ngực Tưởng Giới Thạch cứ lấp lánh ánh vàng. Một chiến sĩ bèn dùng lưỡi lê đâm mấy nhát vào đó. Bức gấm này là một tác phẩm nghệ thuật, do tỉnh trưởng Triết Giang mời một nghệ nhân thêu mấy tháng trời mới xong. Nghe tin đó, Đặng Tiểu Bình rất giận dữ: “Làm sao cậu ta lại hành động ngu xuẩn như vậy? Ai lại dùng tình cảm thay thế kỷ luật và chính sách như vậy? Hãy lập tức thông báo cho toàn quân phải bảo vệ nguyên vẹn các di tích và văn vật, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong việc tiếp quản Nam Kinh”. Đặng Tiểu Bình giải thích:
- “Tưởng Giới Thạch là Tưởng Giới Thạch, còn chân dung ông ta là chuyện khác. Tưởng Giới Thạch là kẻ thù của nhân dân, còn bức gấm thêu chân dung ông ta là một tác phẩm nghệ thuật quý giá, do trí tuệ và công sức của nhân dân lao động tạo nên, tại sao lại đang tay hủy hoại nó ?”.
Có thể thấy, tư lệnh Lưu Bá Thừa và chính ủy Đặng Tiểu Bình có “tố chất văn hóa” ngược hoàn toàn với hiệu triệu của Mao - Lâm Bưu và Giang Thanh: “hãy xóa bỏ bốn điều cũ (tứ cựu): tư tưởng cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ, phong tục cũ” - dẫn đến cái chết thê thảm của hơn 20.000.000 người. Đàng sau tất cả tang thương ấy, không thể quên một linh hồn bơ vơ ngã xuống sau “mệnh lệnh số 1”: nguyên soái Hạ Long !. (còn nữa).
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét