Từ 150 năm về trước, Fukuzawa Yukichi đã nhìn ra cái không gian bí bách, “cổ lai hi” và đáng “xấu hổ” của Á Châu mà cổ vũ người Nhật thực thi tư tưởng thoát Á, nước Nhật nhờ thế cường thịnh. Còn Việt Nam? Đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn đang dằn vặt về khái niệm mang tên “thoát Trung”, thậm chí là không biết có nên "thoát Trung" hay không?
Con bệnh trăm năm
Đi qua một trăm năm mươi năm, Trung Quốc vẫn là “Đông Á bệnh phu” với đủ các giá trị của một nền chính trị chuyên chế, toàn trị; với những mỹ từ phủ lên trên nội hàm đầy trí trá và luôn đe dọa bạo lực. Trung Hoa qua 150 năm vẫn giằng xé giữa thống nhất và chia rẽ, giữa cái gọi là “đạo đức” hay “vương mệnh” Trung Hoa với văn minh đương đại.
Lời Fukuzawa Yukichi nói về Trung Quốc đến giờ còn nguyên giá trị.
Nhưng người Việt – hay quốc gia Việt Nam lại bị ràng buộc trong cái không gian u tối Đông Á bởi những câu mỹ miều: “Sơn thủy tương liên/Văn hóa tương đồng/ Lý tưởng tương thông/ Vận mệnh tương quan”. Để rồi ngay đến kẻ trí trá nói một đàng làm một nẻo chỉ chăm chăm mưu lợi riêng như Trung Hoa cộng sản còn khinh thường Việt Nam nói nước ta vong ơn bội nghĩa, trí trá, xảo thuật thì nói chi đến thế giới văn minh?
Thế giới chỉ thương hại Việt Nam bởi chúng ta nghèo, bởi chúng ta bị một kẻ “vô trách nhiệm” áp bức và coi thường. Những cái tính tốt của người Việt nhạt nhòa đi, thế vào đó là người Việt ăn cắp vặt, người Việt làm đĩ, người Việt ham lợi vụn vặt, người Việt đến làm thuê cũng không nổi...
Việt Nam – Trung Hoa với “bốn tốt”, “bốn Tương” như tình giao hảo thắm thiết kỳ thực không khác gì “đồng bệnh tương lân/đồng mệnh tương cầu”. Càng gần, càng gắn kết sâu sắc với người láng giềng Trung Hoa chỉ càng khiến cho người Việt thêm trọng bệnh và bị coi thường.
Nỗi xấu hổ
Việt Nam là một trong những quốc gia đa dạng về mặt sinh học và địa chất, địa mạo. Việt Nam ở vào vị trí then cửa của thế giới đương đại tức là biển Đông trong không gian kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn lợi để thu hoạch giá trị thặng dư như vậy mà đến bây giờ Việt Nam vẫn nghèo thì thực đáng xấu hổ! Một quốc gia như vậy mà người dân không thấy xấu hổ vì sự nghèo hèn của mình thì thật đáng thương hại!
Nhưng (có lẽ) người Việt Nam không biết xấu hổ vì điều đó! Từ hàng chục năm nay, chúng ta tự ru ngủ mình trên những chiến thắng hư ảo; chúng ta mài cái truyền thống đầy rẫy sai lầm để làm giá trị tinh thần trong hiện tại và mơ tới tương lai.
Tệ hại hơn ở Việt Nam trên dưới coi quốc gia là của chung nên thờ ơ vô trách nhiệm. Cả xã hội hình thành trào lưu xâu xé lợi ích quốc gia, tương lai dân tộc cho những lợi ích cá nhân, mối lợi của tổ chức, đảng phái. Người ta trục lợi trên thân xác quốc gia được chừng nào hay chừng ấy, thậm chí còn vẻ vang chút ấy.
Người Việt, trăm miệng như một ghét cay đắng Trung Quốc, ấy là bởi chúng ta không dám nhìn trực diện tật xấu cố hữu của mình. Những cái mà ta bắt chước Trung Quốc thì đều không đến đầu đến đũa nên xấu cũng không xấu bằng người Tầu, đoàn kết cũng không bằng và tốt thì cũng không bằng nốt.
Công dân – xã hội như vậy không xứng đáng với hình thể và địa lợi quốc gia. Một dân tộc như vậy chỉ xứng đáng làm cửu vạn cho những dân tộc văn minh. Một dân tộc như vậy chỉ xứng đáng lưu vong trên chính mảnh đất của mình. Và sự thực đang diễn ra như vậy!
Tâm bệnh cố hữu
Tất nhiên chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao? Đó là bởi cốt cách của dân tộc này quá ư là bồng bột, ham cái lợi nhỏ trước mắt và sẵn sàng bán tính mạng, bán rẻ tương lai trong những cuộc chiến phá hoại.
Sau mỗi cuộc chiến người Việt chẳng còn gì ngoài thứ danh hão, lợi lộc về tay lân bang hết cả.
Vì bồng bột, sẵn sàng bán rẻ tính mạng trong những cuộc chiến phá hoại nên người Việt chối bỏ đi những cơ hội mười mươi để thoát ra khỏi cái không gian tư tưởng Đông Bắc Á chật chội và cổ lai hi. Hơn 80 năm người Pháp cai trị, họ bỏ biết bao nhiêu là công sức ra để cải cách hành chính, mở trường Tây- cải cách giáo dục, xây thành phố hiện đại, mở mang giao thông, quy hoạch các vùng kinh tế, đánh giá các giá trị văn hóa thế mà khi họ rút đi thì người Việt chữ thầy hắt trả lại trả cho thầy.
Thậm chí cái gì mà người Pháp không mang đi nổi thì người Việt làm cho nó nát bét, từng nhổ toẹt vào nó. Cái gì mà người Việt giữ lại thì cũng chỉ vì tiền – vì viện trợ chứ không phải là để bồi đắp văn minh cho dân tộc.
Và rồi người Việt tự tròng vào cổ mình cái vòng Trung Quốc trăm năm u tối, đồng bệnh tương lân, biến xấu thành tốt; biến hủ lậu, độc tài thành quy chuẩn – thành đạo đức. Xã hội như vậy, thói tính như vậy thì không có không gian cho tư tưởng khai phóng.
Mở không gian mới
Từ 150 năm trước Fukuzawa Yukichi đã thẳng thừng tuyên ngôn “môi hở răng lạnh”, quyến luyến với giá trị Đông Bắc Á chỉ khiến người Nhật Bản bị coi khinh và mang đại thảm họa đến quốc gia và dân tộc Nhật Bản. Còn Việt Nam đến ngày hôm nay vẫn: “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương đồng, lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan”.
Thoát ra khỏi cái vòng u tối Việt Nam chỉ có một con đường là hợp lưu cùng các nền văn minh tiến bộ. Đó hẳn phải là tâm thế để xây dựng thế kiềng ba chân cho sự phát triển của quốc gia: Chính trị dân chủ, khai phóng giáo dục, kinh tế hải dương.
Chính trị dân chủ là để vận dụng được ý nguyện công dân trong trị quốc, cùng hợp lưu với dòng chảy thời đại. Giáo dục khai phóng là để trọng tư duy khác biệt, khơi nguồn tự do tư tưởng làm nền giúp công dân đủ sức mạnh bảo vệ giá trị dân chủ. Kinh tế hải dương là để “hưởng lạc” trên dòng thương mại biển Đông đang phồn thịnh bậc nhất thế giới.
Thiếu một trong ba yếu tố ấy, Việt Nam vẫn sẽ là một quốc gia dễ bị tổn thương và khó có thể cường thịnh. Mối họa 1858 không bao xa chỉ khác một điều kẻ xâm lăng không hẳn là một quốc gia văn minh ưu việt mà lại là “con bệnh Á Đông”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét