Bắc Kinh được cho là đang xem xét đưa 100.000 binh sĩ đến Tân Cương để ngăn chặn bạo lực
Vấn đề bạo loạn sắc tộc ở khu tự trị Tân Cương có thể là một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 20 đến 23-10.
Đã xuất hiện thông tin hội nghị đang bàn việc đưa 100.000 binh sĩ đến Tân Cương trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát. Trung tâm thông tin về nhân quyền và dân chủ - trụ sở ở Hồng Kông - cho biết số binh sĩ này có thể được điều chuyển vào lực lượng cảnh sát vũ trang để duy trì trật tự ở Tân Cương sau khi có tin hơn 50 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực tại đây trong 2 tuần qua.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đến giờ chỉ nói hội nghị sẽ tập trung thảo luận về vấn đề pháp quyền. Tuy nhiên, dư luận cho rằng số phận của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang và vấn đề thay đổi nhân sự cấp cao trong Quân ủy Trung Quốc cũng sẽ được đưa ra hội nghị.
An ninh được tăng cường tại Tân Cương sau một loạt vụ tấn công đẫm máu thời gian qua.
Ảnh: REUTERS
Không chỉ bận rộn đối nội, Trung Quốc còn có những động thái tăng cường sức mạnh quân sự do lo ngại chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương và mối quan hệ ngày càng xấu đi với các nước láng giềng do tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review (gọi tắt là Kanwa; Canada), Trung Quốc sắp cho đóng tàu sân bay thứ hai do nước này thiết kế tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở TP Thượng Hải. Trái với những dự đoán trước đó, Kanwa cho biết tàu sân bay sắp đóng không chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Giới chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh sẽ không đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân nếu chưa giải quyết được những vấn đề như độ tin cậy của các động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, huấn luyện thủy thủ và thiết lập một cảng có khả năng bảo trì tàu.
Một khi được hoàn tất, tàu sân bay nói trên và một chiếc khác đang được đóng ở TP Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh sẽ là 2 tàu sân bay hoàn chỉnh trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, theo Kanwa.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc hiện nay, đang được dùng làm nơi tập huấn chứ chưa phải là một tàu chiến hoàn chỉnh. Theo trang tin tức Medium.com, tàu sân bay này đã bị tê liệt vì sự cố kỹ thuật trong chuyến thử nghiệm trên biển hồi tuần trước. Chuyên gia Robert Beckhusen cho biết tàu Liêu Ninh bị “nổ nồi hơi khiến hệ thống cung cấp điện ngưng hoạt động tạm thời”.
Ngoài tăng cường tàu sân bay, quân đội Trung Quốc còn có kế hoạch lập một phi đội vận tải hạng nặng gồm 100 máy bay có khả năng chở binh lính đi khắp thế giới vào năm 2020. Ông Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow (CAST), cho biết đây là một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Trong một động thái gây căng thẳng khác, Trung Quốc đã cho rải 17 bộ phao dưới mặt nước tại “các khu vực hàng hải quan trọng” ở Tây Thái Bình Dương.
Tân Hoa Xã vào cuối ngày 21-10 đưa tin số phao trên được dùng để cung cấp số liệu thống kê khoa học về môi trường đại dương. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi động cơ thật sự của bước đi này giữa lúc hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương.
Đài Loan tăng cường đối phó
Đài Loan đang có kế hoạch xây dựng một đội tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis mạnh mẽ trong 15 năm tới nhằm đối phó Trung Quốc. Tạp chí Tuần san châu Á (Hồng Kông) cho biết đội tàu này dự kiến gồm 4 tàu chiến và 10-15 tàu khu trục.
Dự án từng bị gác lại hồi năm 1995 nhưng nay được tái khởi động do những nỗi lo về sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc, trong đó có việc đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu chiến lớn, mạnh mẽ hơn.
Hoàng Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét